Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C
ĐỂ TIẾN TỚI MỘT THẾ GIỚI TỐT HƠN
SƯU TẦM

Sự thể nhiều hạng người khác nhau đến nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng cho thấy niềm hy vọng vào một thế giới tốt hơn phổ cập đến mức nào trong dân Israel. Với người Biệt phái và người Sa đốc tự tin đã giữ đạo bề ngoài mà thiếu thật lòng ăn năn trở lại thì chẳng ích gì. Với những người thu thuế, ông khuyên hãy thi hành chức vụ cách công bằng, vì thật vậy họ là nhân viên thuế vụ, thậm chí lại thu thuế cho người La mã đô hộ. Với những quân nhân, ông khuyên không nên dùng sức mạnh phục vụ cho bất công. Với tất cả đám đông, ông rao giảng hãy chia sẻ của cải, tương thân tương ái và thực thi công bằng cách thực tế. Ở điểm này chúng ta thấy rằng biến cố lớn là công cuộc cứu độ mà Gioan Tẩy Giả loan báo sắp xảy đến trong tương lai gần, nó liên quan đến khắp mọi người chẳng trừ ai. Để chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ, người ta cần thay đổi nếp sống cho phù hợp với tinh thần tôn trọng công lý và liên kết nhau trong tình thân ái.

Một vấn đề cho chúng ta: Phúc Âm loan báo một cuộc cách mạng. Vậy cách mạng này là gì?

1) Đó là một cuộc cách mạng nội tâm thực hiện bằng sự thanh tẩy tâm hồn trong Chúa Thánh Linh và trong lửa. Nhờ được thanh tẩy trong Chúa Thánh Linh, con người được mạc khải, nhận thức rằng mình là con Thiên Chúa. Qua trung gian Chúa Thánh Linh, con người nói với Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là Cha. Thanh tẩy bằng lửa là một sự thanh lọc thiêng liêng, là sám hối vì trót phạm tội, chấp nhận mình phải cố gắng xua đuổi sự dữ. Thanh tẩy do ông loan báo chính là phép rửa của Kitô giáo, là bí tích thăng tiến con người lên địa vị làm con Thiên Chúa, và điều hợp lý là từ đây con người phải tỏ ra xứng đáng với phẩm trật tôn quý đó.

2) Đó cũng là một cuộc cách mạng trong xã hội loài người –được thực hiện bằng bạo lực ư? Không, vì ông khuyên đám thính giả chớ dùng bạo lực, theo nghĩa cưỡng bách người khác làm theo ý mình. Ông cũng không đề nghị dùng bạo lực để giải phóng, nhưng nói rằng xã hội được giải phóng là do kết quả những nỗ lực mỗi cá nhân để cố gắng cư xử công bằng vì lòng bác ái. Tuy nhiên xin chớ hiểu lầm. Một hình phạt ghê gớm dành cho những kẻ nào vì ích kỷ, tham lam hoặc ác ý mà từ chối không đón nhận Tin Mừng. Thánh Gioan Tẩy Giả ví họ với rơm rạ người ta đem đốt sau vụ gặt. Một sự cưỡng bách chính đáng duy nhất là tự ép buộc mình thực thi công bằng bác ái. Sử dụng bạo lực đối với tha nhân, dù để đạt một cứu cánh mình cho là tốt, tất sẽ bị Thiên Chúa nghiêm phạt.