Lễ Chúa Giáng Sinh - Năm C
ĐẤNG EMMANUEL
 

“Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống” (Tv 79,4)

Thưa các bạn thân mến,

Với Chúa Nhật 4 năm C này, Mùa Vọng đã đến hồi kết thúc. Hội Thánh dành cả Mùa Vọng để chuẩn bị xa, một tuần lễ trước đại lễ Noel để chuẩn bị gần, và một tuần bát nhật ngay sau đại lễ, để long trọng mừng biến cố Con Thiên Chúa giáng trần. Ngài đến trần gian không như người bàng quan ngó xem nhân loại hư hỏng rồi phá bỏ, nhưng Ngài đến ở cùng nhân loại, trong thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để phục hồi những hỏng hóc xấu xí của phận người.

Chính đó là điều tiên tri Isaia từ xưa đã nói và tổng thần Grabriel khi truyền tin cho Thánh Giuse lập lại: “Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, và người ta sẽ gọi Ngài là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Is 7,14; Mt 1,21).

Thế nhưng tại sao Thiên Chúa lại muốn ở cùng chúng ta?

Khi chúng ta muốn ở với ai, thì điều ấy đồng nghĩa với việc chúng ta quá yêu, quá thích, quá thương người ấy. Điều này là chính ước muốn của những người yêu nhau vì họ muốn trở nên một xương một thịt trong hôn nhân gia đình. Tình yêu của Thiên Chúa nơi Con Một Ngài đã lên đến mức đỉnh điểm, ấy là muốn kết hôn với con người. Ngài là chàng rể còn mỗi người là cô dâu. Chính thánh Gioan Tẩy Giả đã trả lời cho nhiều người Do Thái khi họ thấy các môn đệ của Gioan dần dần bỏ thầy mà theo Đức Kitô, khi ông sánh ví mình chỉ là người phụ rể không hơn không kém, còn Chúa Kitô chính là chàng rể tuy đến sau nhưng cao trọng vô cùng. Chúa Kitô, trong dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ cầm đèn đi đón chàng rể, cũng đã ngụ sánh mình là chàng rể trong tiệc cưới Nước Trời.

Tuy nhiên, chúng ta có xứng đáng với tình yêu của Chàng Rể Giêsu không? Ngài yêu chúng ta, đến mức nói được là say mê điên dại, có phải vì nhân loại chúng ta quá xứng đáng không? Không, ngàn lần không! Có phải Chúa tạo dựng nên chúng ta vì chúng ta cần cho Ngài? Thưa không, vì nhân loại chúng ta cũng như muôn tạo vật là loài bất tất, nghĩa là có hay không hiện hữu cũng không cần thiết. Có phải Chúa gìn giữ chúng ta vì chúng ta xứng đáng, vì chúng ta thánh thiện? Thưa không, vì sự tốt lành của chúng ta mong manh như sương sớm ban mai, như bọt bèo mặt nước, như cánh hoa phù dung. Có phải Chúa ban ơn kích hoạt trợ giúp chúng ta vì chúng ta làm lợi cho Ngài? Thưa không, vì không có Ngài chúng ta không làm được gì, cả trong lãnh vực tự nhiên cũng như trong lãnh vực siêu nhiên. Và dẫu chúng ta có làm được điều gì thì Thiên Chúa không buộc phải trả công cho chúng ta, vì từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa: Sau khi đã làm xong một việc gì, các con hãy xưng mình là đầy tớ vô ích (Lc 17,10).  Thiên Chúa còn nhìn thấy tâm hồn chúng ta nhơ bẩn, bất xứng, khốn cùng, như vũng sâu lầy lụa.

Các cô dâu thì hẳn là xinh đẹp tuyệt vời trong ngày thành hôn, họ là người đẹp nhất hôm ấy để xứng với chàng rể. Còn Đấng Emmanuel Chàng Rể thì lại muốn kết hôn với chúng ta - cô dâu, là kẻ bần cùng nhơ bẩn tội lụy. Chính Chúa Giêsu đã hành động như vậy khi Ngài đến với những người thu thuế tội lỗi và đồng bàn với họ. Chính Ngài đã đón tiếp và để cho một cô gái mang tiếng tội lỗi công khai khóc giọt vắn giọt dài bên chân Ngài, đổ thuốc thơm lên chân, lấy tóc mà lau và hôn chân Ngài,.v.v… Điều ấy chỉ có thể giải thích là tình yêu Chúa Giêsu say mê nôn nóng muốn lấp đầy sự hư vô, nghèo nàn, bất lực của nhân loại chúng ta. Tình yêu Ngài bị choáng ngợp vì vực thẳm yếu hèn tội lỗi của chúng ta. Tình yêu Ngài bị dằn vặt vì có thể thi ân giáng phúc mà tâm hồn con người vẫn hững hờ khép kín.

Trong Chúa nhật này, Phụng vụ Lời Chúa cũng chủ tâm tôn vinh Đức Maria, Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Đầu tiên là lời loan báo của tiên tri Mika: “Hỡi Belem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thủy, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh sẽ sinh con” (Mk 5,1-3). Sau đó là lời bà Isave ca tụng Đức Maria khi thăm viếng: “Em thật có phúc giữa các người phụ nữ và Con lòng em đáng chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm, vì này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho em là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc1,42-45). Sự cao quý của Đức Maria không chỉ do sự đặc tuyển mà còn là do sự ưng thuận trong trọn cuộc đời thưa vâng với thánh ý Chúa, một sự đồng thanh với Con của mình: “Chúa đã không muốn của lễ hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10,5-7). Như thế, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, Đức Maria được xem như dấu chỉ bất dịch và toàn vẹn về sự tuyển chọn của Thiên Chúa trong Đức Kitô nơi công trình cứu chuộc nhân loại.

Thiên Chúa, qua Đức Maria và nơi cung lòng đồng trinh vô nhiễm Mẹ, đã đến với nhân loại từ hơn 2000 năm trước, đến mang thân phận con người để làm cho con người trở nên con Thiên Chúa. Cho đến ngày tận cùng thế giới, vẫn còn đó cơn khát khao của Chúa Giêsu, muốn nâng đỡ, đồng hành, dẫn đưa nhân loại khốn cùng hôm nay tiến về Quê Hương đích thực, tiến về hạnh phúc vĩnh cửu. Con đường hiệp hành ấy vẫn cần sự góp phần của chúng ta. Xin cho chúng ta luôn cảm nghiệm sự hiện diện ở cùng của Đấng Emmanuel, cảm nghiệm tình yêu vô cùng của Ngài. Và xin cho chúng ta đáp yêu lại bằng lối bước hiệp hành ấy, khát khao ở cùng Ngài, ở trong Ngài, để Ngài cư ngụ, làm chủ, điều khiển mọi sự nơi tâm-ngôn-hành chúng ta, ngõ hầu tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi (Ga 2,20).

Đức Maria, Đấng đầu tiên trong nhân loại đã được Thiên Chúa đến ở cùng, xin Mẹ giúp chúng ta cũng được Thiên Chúa Giáng Sinh ở cùng, như Mẹ.