Chúa Nhật VII Phục Sinh - Năm B CHÚA THĂNG THIÊN |
QUÊ HƯƠNG ĐÍCH THỰC CỦA CHÚNG TA |
Lm Giuse Đinh tất Quý |
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo." (Mc 16,15)
Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau trong ngôi thánh đường này để mừng trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Đây cũng là ngày Giáo Hội dành làm “Ngày truyền thông thế giới”. Khi chọn ngày lễ này làm ngày truyền thông, Giáo Hội muốn nhắc nhở từng người chúng ta ý thức hơn đến việc loan truyền cho mọi người Tin Mừng Phục Sinh, một Tin Mừng vĩ đại nhất qua mọi thời đại và có khả năng biến đổi cuộc sống của những ai tin nhận. 1. Không chỉ hôm nay, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong suốt những tuần lễ vừa qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, phụng vụ lời Chúa cũng đã luôn mời gọi chúng ta phải lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô. Ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, Maria Mađalêna đã là người đầu tiên loan báo cho hai môn đệ Phêrô và Gioan về sự kiện ngôi mộ trống, dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Rồi tám ngày sau, vào Chúa Nhật II Phục Sinh, trong lần hiện ra với các tông đồ có cả Tôma, chính Đấng Phục Sinh đã truyền cho các tông đồ “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Kế đến, trong Chúa Nhật III, Tin Mừng Luca còn thuật lại cho chúng ta việc Đấng Phục Sinh hiện đến với các tông đồ khi đó đang tụ họp cùng với hai môn đệ vừa từ làng Emmaus trở về. Và cả lần này, Đấng Phục Sinh cũng giao cho các ông sứ mạng “nhân danh Người rao giảng sự thống hối… bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 47). Ngài còn nhấn mạnh: “Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24, 48). Còn trong Chúa Nhật IV, chúng ta đọc được tâm sự của Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn” (Ga 10,16a). Được gia nhập vào đoàn chiên duy nhất của Đấng Phục Sinh như cành nho liên kết với thân nho, từng người chúng ta cũng được mời gọi sinh hoa trái bằng đời sống bác ái yêu thương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người tin nhận Đấng Phục Sinh. Đó chính là giáo huấn của lời Chúa trong Chúa Nhật V Phục Sinh. Còn trong Chúa Nhật vừa qua, Đức Kitô xác định rõ với từng người chúng ta: “Chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái” (Ga 15,16). Và hôm nay, trước khi chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình của mình với các môn đệ, một lần nữa, Đấng Phục Sinh đã giao cho các tông đồ sứ mạng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Như vậy, loan báo Tin Mừng Phục Sinh không còn là một điều mà chúng ta muốn làm hay không tuỳ thích, nhưng là một sứ mạng, một bổn phận bắt buộc cho tất cả những ai muốn xưng mình là Kitô hữu. Ý thức điều đó, Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về truyền giáo, số 2 đã nói: “Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Giáo Hội phải loan truyền cho mọi người về Tin Mừng Phục Sinh, vì từ đây, Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nữa. Chúa lên trời, không phải là Ngài không còn hiện diện với con người nữa, nhưng là hiện diện với một cách thức mới, hiệu quả hơn, như lời Ngài đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Lịch sử Giáo Hội đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mở ra cho muôn dân. Đó cũng là một trong những lý do khiến Giáo Hội chọn ngày lễ hôm nay làm ngày “Truyền thông thế giới”. Từ đây, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền thông cho thế giới về Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng của Tình yêu và Sự sống, Tin Mừng của niềm Hy vọng. 2. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại, sau khi Đức Giêsu Phục Sinh về trời, đang lúc các môn đệ vẫn còn ngước mắt lên trời, thì thiên sứ đã nhắc các ông: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn trời…”. Các tông đồ không được phép đứng đó mãi nhìn trời. Các ông phải trở về với cuộc sống hiện tại để làm chứng cho Đấng Phục Sinh. Cũng thế, là một kitô hữu, chúng ta không chỉ đọc kinh, tham dự các nghi lễ phụng vụ ở nhà thờ, chúng ta phải trở về nhà, đối diện với mọi vất vả trong cuộc sống thường ngày như những người khác. Các bậc phụ huynh vẫn phải vất vả làm lụng, ngược xuôi buôn bán, các em nhỏ cũng phải bận rộn với việc học hành các kiến thức văn hoá, xã hội… tắt một lời, trước mắt mọi người, mỗi người chúng ta vẫn phải sinh hoạt, lo toan mọi điều trong cuộc sống như bất cứ một người nào. Tuy nhiên, ngay giữa cuộc sống đó, chúng ta vẫn có thể thông truyền Tin Mừng Phục Sinh, loan báo cho mọi người biết rằng sau cuộc sống hiện tại này, còn có một quê hương vĩnh cửu trên trời, nếu chúng ta giữ mình không gian dối, lừa đảo, không tham lam bất chính, luôn chung thuỷ trong đời sống gia đình. Thủ lĩnh của một bộ tộc đau nặng, đang hấp hối trên giường bệnh. Ông cho gọi ba người con có thể kế vị ông đến và nói: - Một trong ba chúng con sẽ kế vị ta. Vậy các con hãy leo lên đỉnh núi thiêng của chúng ta và mang về cho bộ tộc một món quà quý giá nhất. Người thứ nhất trở về đem theo một thỏi vàng lớn. Người thứ hai đem về một viên ngọc vô giá. Còn người thứ ba trở về với hai bàn tay trắng. Ngạc nhiên, vị tù trưởng hỏi: Món quà quý của con đâu? Anh ta điềm tĩnh trả lời: - Khi leo lên tới đỉnh núi, con nhìn thấy phía bên kia núi một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, suối nước dồi dào, cây cối xanh tươi, dân chúng có thể sống sung túc hơn ở bên này. Vị tù trưởng nói: - Con sẽ nối nghiệp ta. Con đã đem về cho bộ tộc một món quà vô giá đó là một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Sống ở trần gian này, con người chỉ biết rất mù mờ về cuộc sống mai sau. Cứ nhìn vào những cách bày tỏ lòng hiếu thảo đối với người đã chết của các tôn giáo thì sẽ thấy điều đó. Chỉ khi con người leo lên đến đỉnh núi của cuộc đời là cái chết, lúc đó họ mới thấy được cuộc sống tương lai. Không ai biết trước cuộc sống sau khi chết, chỉ mình Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời xuống, mới mạc khải cho chúng ta thấy rõ quê hương thực sự của chúng ta mà thôi. Quê hương đó không phải ở trần gian này. Việc Chúa Phục sinh lên trời nhắc nhở chúng ta về một chân lý căn bản và một bổn phận quan trọng. Chân lý đó là quê hương đích thật của chúng ta là ở với Thiên Chúa, và bổn phận của chúng ta là phải sống yêu thương, chia sẻ niềm tin với người khác, xây dựng cuộc sống hôm nay tốt đẹp, để ngày sau, cùng được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trên quê trời. Như vậy việc Chúa lên trời dạy chúng ta rằng ngoài cuộc sống đời này, còn có một cuộc sống khác. Đó mới chính là quê hương của chúng ta; nơi đó gọi là trời hay thiên đàng. Trời hay thiên đàng là tình trạng con người sống hạnh phúc hoàn toàn, không còn đau khổ; vĩnh viễn không hề bị tiêu diệt. Trời hay thiên đàng là nơi con người trở nên Thần Thánh, chung sống với Thiên Chúa và những người đã sống tốt cuộc đời mình ở trần gian. |