Chúa Nhật VII Phục Sinh - Năm B CHÚA THĂNG THIÊN |
CHÚA LÊN TRỜI |
Lm Giuse Đinh tất Quý |
Thiếu nhi chúng con yêu quí. Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ gì nào chúng con? - Dạ thưa lễ Thăng Thiên. Hay còn gọi là lễ Chúa Giêsu Lên Trời. - Việc lên trời hay thăng thiên của Chúa phải được hiểu như thế nào? 1. Chắc chắn chúng ta không được hiểu theo nghĩa hoàn toàn vật chất. Chúng con nghe cha kể cho chúng con câu chuyện này. Chuyện xảy ra cách đây cũng đã khá lâu: ngày 5-9-1961. Chuyện xảy ra tại nước Nga thời Cộng Sản trước kia. Chuyện kể rằng sau khi Nga sô đã đưa được người đầu tiên lên không gian, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng Bí thư Krouchev của Nga lúc đó đã nói với ký giả của tờ New York Time một tờ báo nổi tiếng của Mỹ rằng: " Để điều tra trên trời có Thiên đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử lên không trung: Youri Gararine. Anh đã đi vòng quanh quả địa cầu mà chỉ trông thấy những bóng đen dầy đặc, không có chi giống như thiên đàng cả. Sau đó chúng tôi đã suy nghĩ và chúng tôi lại gửi một thám tử khác lên: German Titov. Chúng tôi đã bảo anh rằng: "Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Gagarine chưa thấy Thiên đàng vì chàng chỉ mới bay có một tiếng rưỡi thôi. Vậy chuyến này anh hãy nhìn cho kỹ" Titov đã trẩy đi, rồi trở về và anh xác nhận lời tuyên bố của Gagarine là sự thật: "Hư vô! Chỉ có Hư vô!" Rồi Krouchev kết luận: "Cho nên người cộng sản chúng tôi không tin có đời sau" Đó chúng con thấy. Đấy là cái nhìn của một người cộng sản, một cái nhìn hoàn toàn vật chất duy vật. Đúng hay không thì chúng ta không cần phải xét những chắc chắn đó không phải là cái nhìn của chúng ta. Chúng con biết rằng tín điều chúng ta tuyên xưng hôm nay đã được các tông đồ truyền lại, với mục đích làm cho chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô: “Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”. 2. Vậy thì chúng ta phải hiểu việc Chúa lên trời hay Thăng Thiên như thế nào? Cha xin mượn sách Giáo lý chung để trả lời cho chúng con. Sách Giáo Lý chung diễn tả việc Chúa lên trời bằng nhiều gợi ý:. Chúa Giêsu Kitô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người.(666) ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 20,17).Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”, không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”(661). Như vậy việc thăng thiên chỉ là sự chia tay vắng mặt với con người các môn đệ. Từ nay các ngài không thể nhìn Chúa Giêsu bằng mắt, bắt bằng tay. Nhưng Thăng Thiên không phải là Chúa biến luôn. Lý do là vì ngay trước khi về trời Chúa Giêsu đã nói hết sức rõ rệt với các tông đồ: "Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế". Chúa ở như thế nào? Chắc không phải là như trước dây. Trước Chúa đã ở giữa các môn đệ của Ngài. Suốt ba năm trời như thế. Chúa có mặt, gần gũi, xương thịt, đến nỗi tông đồ Gioan đã phải nói lên: "Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống". Phêrô cũng phải xác nhận trước cộng đoàn những ng Do thái: "Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người". Sự có mặt như thế quả là rất cụ thể. Lịch sử cũng đã xác nhận. Đây không còn phải là một vấn đề phải tranh cãi. Những với sự việc lên trời hôm nay, chúng ta thấy rõ, sự có mặt cụ thể như thế không còn hay nói đúng hơn: không cần nữa. Rõ ràng với việc được tôn vinh trong biến cố lên trời hôm nay Chúa đã đổi cách thức có mặt của Ngài: Đổi từ hữu hình sang vô hình. Đổi từ cuộc sống xác thịt sang cuộc sống thần linh, đổi để Người có thể có mặt rộng lớn hơn, phổ quát hơn. Cha Teilhard de Chardin gọi sự có mặt này là sự có mặt tàn lan, tràn lan khắp địa cầu. Chắc chắn lúc đầu các môn đệ chưa có thể chấp nhận được điều đó. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã phải để một thời gian tương đối dài: 40 ngày sau Phục Sinh để tập cho các môn đệ làm quen với sự có mặt đó bằng những lần hiện ra với các ông, cá nhân cũng như với tập thể để rồi sau đó các ngài dám sống cuộc sống chứng nhân một cách triệt để hơn, mạnh dạn hơn, bất chấp những thách đố, bắt bớ và kể cả sự chết vì có Chúa luôn ở với các ngài. Vâng! Nhờ có Chúa ở cùng mà cuộc sống của các tông đồ sau đó đã hoàn toàn đổi mới. Rồi cộng thêm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã trở thành những chứng nhân không biết mệt mỏi trên con đường rao giảng và làm chứng. Kết quả các ngài để lại đã làm cho Voltaire một trong những nhà văn hào lớn của nhân loại đã phải ghen tức mà nói lên: "Ông Giêsu với 13 môn đệ của mình đã thay đổi cả bộ mặt của thế giới". 3. Bây giờ đến lượt chúng ta. Đây là lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philípphê: "Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.(Phil 3,20-21) Cha kể cho chúng con câu chuyện này: Ai cũng biết đền thờ Thánh Phêrô ở Roma là một trong 8 kỳ công lớn của Thế giới. Mỗi dịp có năm thánh, các tin hữu ở khắp nơi hành hương về nơi đây rất đông. Có lúc con số lên đến cả 3.000.000 người. Trong ngôi đền thờ này có một nhà nguyện nhỏ nhưng rất đẹp. Cha đã có lần được vào kính viếng ngôi Nhà nguyện này: Đó là nhà nguyện Sixtina. Đây là Nhà nguyện ở trong nội thành Vatican. Nhà nguyện này đã được Đức giáo hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Đây không những là nơi các vị hồng y tụ tập để bầu giáo hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp quan trọng có tính cách thượng đỉnh khác, mà Nhà nguyện Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michel Angelo. Bất cứ du khách nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sĩ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michel Angelo đã thực hiện trạng nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Kinh thánh. Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng mặt về trần bảng ròng rã không biết bao nhiêu năm trời. Nóng lòng chờ đợi các tác phẩm của mình, ngày kia, đức Sixto đã to tiếng hỏi vọng lên từ dưới đất: - Ông Michel Angelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc đây? Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại: - Chừng nào còn có thể! Vị giáo hoàng đường như mất hết kiên nhẫn: - Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết..." Một cách điềm tĩnh, Michel Angelo trả lời: - Thưa Đức thánh cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau..." Chúng con yêu quí, Mọi sự trên cõi đời này rồi sẽ qua đi hết. Chẳng có chi tồn tại vĩnh viễn. Hãy nhớ lời thánh Phaolô căn dặn và hãy làm mọi việc với mục đích cuối cùng cuộc đời của mình là Nha Cha ở trên trời. Amen. |