Chúa Nhật VII Phục Sinh - Năm B CHÚA THĂNG THIÊN |
ĐƯỢC MỜI GỌI LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG PHỤC SINH |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Từ giã người thân bao giờ cũng là những giờ phút quyến luyến đau buồn khó tả. Chúa Giêsu đã sống đời trần thế với các môn đệ. Giờ đây người lìa xa các ông và chấm dứt sự hiện hữu hữu hình trần thế với các môn đệ. Bài Phúc âm hôm nay tường thuật lại hoàn cảnh Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra lần sau cùng với mười một tông đồ trước khi về trời, và người trao cho các ông sứ mạng rao giảng Tin mừng khắp thế gian, làm phép rửa cho muôn dân. Những lời nói từ giã sau cùng là những lời nói thân tình và quan trọng nhất. Chúa Giêsu trao cho các tông đồ di sản của người là sứ mạng rao giảng Tin mừng khắp thế gian để cho những ai tin thì được cứu độ. Thăng thiên là thời điểm chấm dứt sứ vụ hiện diện cứu độ ở trần thế của Chúa Cứu thế và bắt đầu giai đoạn sứ vụ rao giảng của Hội thánh. Các tông đồ, những con người còn nhiều khuyết điểm, bắt đầu đảm nhận sứ vụ này. Các ngài đã được chuẩn bị và huấn luyện bởi thầy Giêsu, giờ đây các ngài được trao ban sứ vụ và lên đường ra đi rao giảng khắp mọi nơi Tin mừng cứu độ. Các ngài được sai đi nhưng không phải do quyền bính của riêng mình nhưng là do quyền bính của thầy Giêsu với sức mạnh Thánh Thần của người. Các ngài thi hành sứ vụ không phải của mình nhưng là của chính thầy Giêsu Kitô. Xem ra công việc này là công việc quá lớn lao vượt sức của các ngài, vì làm sao có thể thay thế được công việc của thầy chí thánh được. Dầu vậy, chính thầy Giêsu ban cho các tông đồ quyền năng của chính người để các ông có thể chu toàn công việc của thầy Giêsu. Người ban cho các ông những dấu lạ như cầm rắn trong tay mà không phải chết, uống nhằm thuốc độc cũng không bị hại, đặt tay trên người bệnh để chữa lành bệnh nhân. Theo một trật tự mà chúng ta có thể nhận thấy, những tường thuật Phục sinh nêu lên những lần hiện ra của Chúa Giêsu cho các phụ nữ, các môn đệ và các tông đồ. Bản văn của Marcô chương 16 này là phần được cho là viết thêm sau để hoàn tất phần tuờng thuật về mồ trống. Hội thánh ý thức mình được qui tụ chung quanh các tông đồ là những chứng nhân trực tiếp và có thẩm quyền nhất của chân lý Tin mừng cứu độ và đây cũng chính là phản ánh ý thức của các tông đồ : được mời gọi để mang Tin mừng cứu độ cho mọi người. Ơn cứu độ đã được hoàn tất, giờ đây cần công bố cho mọi người để ai tin thì được cứu độ và ai không tin thì bị luận phạt đời đời. Việc loan báo Tin mừng là hồng ân sự sống được phân phát dư dật và hào phóng cho mọi người không loại trừ, đồng thời mỗi người được mời gọi chọn lựa và quyết định ưng thuận đón nhận. Tin phải dẫn tới hành động chọn lựa ưng thuận và việc lãnh nhận phép rửa như là điểm nối tiếp cần thiết để hiện thực hóa việc đón nhận Tin mừng cứu độ của mình. Người tin vào lời rao giảng Tin mừng đồng thời quyết định dấn thân cùng với mọi người trong cộng đoàn đức tin dưới sự hướng dẫn của các tông đồ. Hội thánh ý thức sự nối kết mật thiết giữa đức tin và việc lãnh nhận phép rửa để thuộc về cùng một cộng đoàn đức tin. Việc từ chối đón nhận đức tin và đón nhận phép rửa bị qui trách nặng nề như là tự mình tự kết án mình cách chung cuộc. Trong hoàn cảnh cụ thể, chúng ta có thể nghĩ trước hết đến những người do thái là dân được tuyển chọn đã từ khước tin vào Đức Giêsu, thái độ từ khước của họ là chung quyết bởi vì Lời rao giảng Tin mừng đã vang lên cách công khai và thúc bách, không ai có thể tự bào chữa cho rằng mình chưa được nghe Tin mừng cứu độ. Bản văn Tin mừng tiếp nối bằng việc liệt kê những dấu chỉ dành cho những người tin : « Nhân danh thầy họ sẽ trừ quỷ, nói những tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, uống được thuốc độc mà không bị hại cũng như có thể đặt tay để chữa lành bệnh nhân ». Đây là những dấu chỉ được ban cho những người đã tin lời rao giảng của các tông đồ, vì dù sao thế hệ của các tông đồ cũng sẽ qua đi, và nhiều người khác sẽ tiếp nối để đảm nhận những trách nhiệm của các tông đồ. Những dấu chỉ quyền năng mạnh mẽ của Tin mừng làm cho việc làm chứng của những người tin trở nên khả tín trước mặt mọi người. Người tin vào lời rao giảng Tin mừng cũng đón nhận được những quyền năng của thầy Giêsu ban tặng cho các tông đồ. Sách Công vụ tông đồ sẽ tường thuật cho chúng ta những việc chữa lành đầy quyền năng của phó tế Philipphê cũng như của Phêrô, Phaolô, Gioan cũng như nhiều dấu lạ và ơn lành được ban trong cộng đoàn như ơn nói các tiếng lạ được xem là đặc sủng Thánh Thần dành cho cộng đoàn, việc đặt tay để chữa lành các bệnh nhân do bởi các tông đồ. Những dấu chỉ quyền năng này biểu lộ quyền năng quyết định của Chúa Giêsu Phục sinh trên những quyền lực của Ác thần và trên sự chết và sứ điệp Tin mừng là sứ điệp cứu độ hữu hiệu giải thoát con người khỏi mọi sức mạnh của bệnh tật và sự chết đang đè nặng trên thân phận con người. Những người tin cũng là những người đón nhận Tin mừng cứu độ và nối tiếp các tông đồ làm chứng cho Tin mừng này. Vì thế đón nhận và tin vào Tin mừng, lãnh nhận phép rửa là những dấn thân quyết định và cũng là vinh dự và trọng trách lãnh nhận những sức mạnh quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu. Những người tin, tiếp nối công việc của Chúa Giêsu và các tông đồ, cũng sẽ đón nhận được những dấu chỉ biểu lộ quyền năng của Tin mừng để đảm trách sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu. Thăng thiên là lúc Chúa Giêsu trở về ngự bên hữu Đấng toàn năng, người hiển trị cùng với Chúa Cha, và tin tưởng trao phó cho các tông đồ và mọi người tin sứ vụ cứu độ của người. Các tông đồ đã lãnh nhận và chu toàn sứ vụ này, chúng ta đã được nghe các tông đồ mạnh dạn rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Các ngài không hoạt động một mình nhưng có Chúa luôn ở với các ngài, hoạt động với các ngài. Chính sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa Giêsu Phục sinh sẽ nâng đỡ các tông đồ và thế hệ tiếp nối các ngài là những người tin ra đi rao gỉng Tin mừng. Lễ Thăng thiên là lời mời gọi mạnh mẽ đối với chúng ta là những người tin và lãnh nhận phép rửa, nhắc nhở chúng ta cũng như nhắc nhở các tông đồ « sao còn đứng đó nhìn trời ». Phép rửa mà chúng ta đã lãnh nhận cũng là lúc mà chúng ta đón nhận Thánh Thần của Chúa Giêsu nhờ đó chúng ta đã kết hợp nên một với người. Trong sách Công vụ, khi thuật lại việc Chúa Giêsu về trời, có nhắc đến câu hỏi của những người thắc mắc : « Thưa thầy có phải đây là lúc thầy khôi phục là nước Ítraen ». Những người đặt câu hỏi chứng tỏ họ như những người xa lạ với mầu nhiệm Thăng thiên đang diễn ra và như những người chưa bắt được nhịp sống của Chúa Giêsu và Thánh Thần của người. Chúa Giêsu mới trả lời cho họ : « Anh em hãy nhận lấy sức mạnh Thánh Thần xuống trên anh em, anh em sẽ là chứng nhân cho thầy tại Giêrusalem, cho đến mút cùng trái đất ». Nhờ phép rửa, đã được đón nhận Thánh Thần, những người tín hữu, qua đời sống và những việc làm của mình, cũng tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu. Đây là công việc nặng nề, nhưng Chúa Giêsu bảo đảm cho chúng ta, người sẽ ở với chúng ta và người sẽ hoạt động nơi chúng ta và Thánh Thần của người sẽ nâng đỡ hoạt động của nguời tín hữu. Đây cũng chính là những xác tín của thánh Phaolô trong bức thư gửi cho tín hữu ở Êphêsô. Thánh Phaolô xác tín rằng Chúa Giêsu thi thố những quyền năng lớn lao của người nơi người tín hữu. Người tín hữu là người được đón nhận ơn kêu gọi để được tham dự vào một niềm hy vọng lớn lao và chung phần gia nghiệp phong phú là chung phần với Đức Giêsu trong quyền năng của người. Ý thức điều này làm cho chúng ta hãnh diện và mạnh mẽ tiến bước trong ơn gọi này qua đời sống trung tín chu toàn bổn phận hằng ngày. |