Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B |
"Ở LẠI TRONG THẦY" |
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC |
Thưa anh chị em, Thời Cựu ước, hình ảnh cây nho tượng trưng cho dân Do thái. Dân này được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng. Chúa vun trồng chăm sóc họ tựa như trồng cây nho quý, ấy thế mà Chúa phải thốt lên “suốt 40 năm dòng giống này làm Ta chán ngán”. Thật vậy, qua miệng ngôn sứ Giêrêmia Chúa nói: "Ta trồng ngươi như trồng cây nho quý, vậy mà ngươi lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm" (Gr 2, 21). Đến thời Tân ước, khi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu tiếp tục dùng hình ảnh cây nho, để nói lên mối tương quan gắn kết giữa chúng ta với Ngài: "Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều hoa trái" (Ga 15,5). Các thánh là những người sống gắn kết với Chúa hơn bao giờ hết. Chẳng hạn như nhìn vào cuộc đời thánh Phêrô, chúng ta thấy Ngài gắn kết chặc chẻ với Đức Kitô. Khi nghe tiếng Chúa gọi đầu tiên, lúc Ngài đang vá lưới trên thuyền, thì lập tức đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Ngài theo sát Đức Kitô lúc vinh quang trên núi Tabor, cũng như lúc nhục nhã ê chề trên núi Sọ. Trong cuộc thương khó, ngài có sợ hãi chối Thầy, nhưng rồi sau đó ăn năn sám hối trở lại ngay. Lúc nào Ngài cũng gắn bó với Đức Kitô, đến nỗi Ngài nói: “Bỏ Thầy con biết theo ai, Thầy mới có những lời ban lại sự sống đời đời ". Khuôn mặt thứ hai đó là thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, đã để cho Chúa “cắt tỉa” đời mình. Từ một người hung hăng tìm giết các tín hữu, Chúa đã biến đổi ông thành một nhân chứng loan báo Tin Mừng phục sinh. Trên hành trình truyền giáo, thánh nhân gặp nhiều đau khổ và thử thách, vậy mà không hề làm suy giảm sự gắn bó với Đức Kitô. Ngài nói: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến đối với Đức Kitô…”. Đời sống đạo của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái tốt đẹp, nếu chúng ta dám để cho Chúa cắt tỉa những gì làm cản trở chúng ta không gắn kết Chúa. Chỉ khi nào chúng ta gắn kết với Chúa như cành nho liên kết với thân nho, thì chúng ta mới sinh hoa kết trái tốt được. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe tuy ngắn gọn, nhưng có ít nhất năm lần Chúa Giêsu lặp đi lặp lại cụm từ "Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy", vì "Nếu không có Thầy các con không thể làm gì được". Vậy thế nào là ở lại trong Thầy? "Ở lại trong Thầy" là cố gắng giữ tâm hồn trong sạch và siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là bí tích Giải tội và Thánh Thể. "Ở lại trong Thầy" là siêng năng suy gẫm Lời Chúa trong Thánh kinh. Suy cho biết những lời Chúa nói và những việc Chúa làm. Vì không biết Thánh kinh là không biết Đức Kitô. "Ở lại trong Thầy" là gắn kết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện. Như cành nho sinh hoa kết trái được là nhờ liên kết với thân nho, hút nhựa sống từ thân nho. Tương tự như thế, tự thân chúng ta không thể nào nên thánh được, nếu chúng ta không gắn kết với Chúa trong đời sống cầu nguyện. "Ở lại trong Thầy" còn là sống tình liên đới với tha nhân, là những chi thể trong thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô. Anh chị em thân mến, Suy niệm Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần xem lại đời sống đức tin của mình. Chúa mời gọi chúng ta " Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy" là mời gọi chúng ta sống gắn kết với Chúa như cành nho liên kết với thân nho. Chúng ta là những cành nho đã được liên kết với Chúa Giêsu qua Bí Tích rửa tội, nhưng chúng ta đã gắn kết với Chúa ở mức độ nào. Không phải chúng ta chỉ gắn kết với Chúa trong nhà thờ, hay trong những giờ kinh nguyện, mà còn phải gắn kết với Chúa trong từng công việc nữa. Không phải chúng ta chỉ gắn kết với Chúa khi mạnh khỏe, nhưng còn phải gắn kết với Chúa ngay cả những lúc yếu đau bệnh tật. Một khi chúng ta hết lòng gắn bó với Đức Kitô là đầu nhiệm thể, thì không thể nào loại trừ những chi thể mà chúng ta không ưa không thích. Khi chúng ta sống gắn bó mật thiết với Chúa, thì không thể nào có tà ý loại trừ những người xung khắc với mình. Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta "ở lại trong tình yêu của Chúa", có nghĩa là Chúa muốn chúng ta luôn ở với Ngài, sống gắn bó với Ngài. Nếu ngay ở đời này chúng ta biết ở lại trong tình yêu của Chúa, thì đời sau Chúa cũng sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi. Đồng thời, chúng ta nhớ cầu nguyện cho những người trước đây họ đã từng liên kết với Chúa trong cùng một đức tin và phép rửa, nhưng giờ đây họ đã lầm đường đi lạc qua lối khác, họ không còn liên kết với Chúa nữa. Họ đã tách lìa Giáo hội, vậy chúng ta cầu xin Chúa đưa dẫn họ về. Xin Chúa Kitô Phục sinh là cây nho đích thực, giúp chúng ta sống hết tình với Chúa và hết mình với nhau, để nhựa sống thần linh của Chúa Kitô tiếp tục chuyển thông và biến đổi chúng ta thành những cành nho luôn gắn kết với Chúa, và sống tình liên đới với tha nhân, để rồi sinh hoa kết quả tốt đẹp như lòng Chúa mong ước. Amen. |
|