Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B |
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - B |
Lm Giuse Đinh tất Quý |
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. (Ga 10,11) Thiếu nhi chúng con yêu quý Cha đố chúng con Chúa Nhật hôm nay được gọi tên là Chúa Nhật gì không? - Thưa cha là Chúa Nhật Chúa Chiên lành.- Chúng con trả lời rất đúng. Ngày hôm nay cả Giáo Hội cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu. Cầu nguyện để cho Giáo Hội có được nhiều vị mục tử giống Chúa Giêsu.Thế Chúa Giêsu là mục tử như thế nào? Chúng con vừa được xem hình ảnh của một mục tử. Chúa Giêsu mượn hình ảnh này để nói về chính mình. Chúa bảo: Người mục tử nhân lành là người: 1. Biết chiên của mình và chiên cũng biết mục tử của mình là ai Chúng con nhớ trong Tin Mừng của thánh Gioan, từ “Biết” luôn được hiểu là yêu thương. Biết chính là yêu thương. Một khách lữ hành đi về những vùng núi xứ Tô Cách Lan, một hôm dừng chân bên cạnh một đàn chiên. Bỗng ông ta chú ý đến một con chiên đang được người mục tử chăm sóc một cách đặc biệt. Con vật nằm dài trên mặt đất. Chủ nó vừa vuốt ve vừa nói chuyện với nó một cách dịu dàng, trong lúc tay không ngừng băng bó một chân của nó. Người khách bộ hành lại gần và hỏi xem cho biết việc gì. Thoạt tiên, người chăn chiên tỏ vẻ khó chịu vì phải trả lời. Nhưng sau đó vẻ thân mật của người bộ hành làm cho anh vững lòng, vì thế anh ta không ngần ngại giải thích: - Con chiên này có những đức tính tuyệt hảo của một người hướng đạo. Khi còn lành mạnh, nó luôn luôn dẫn đầu đàn chiên, biết cách làm cho những con vật khác vâng lời nó và theo nó. Nhưng khổ thay vì quá tự tin nên nó không theo lệnh của tôi và dẫn đàn chiên theo sở thích của nó. Tôi đã tìm đủ mọi cách để thay vào chỗ của nó một con đầu đàn khác nhưng vô hiệu, vì hễ con nào có vẻ như muốn thay nó đều bị nó đánh và xua đuổi. Tình trạng của đàn chiên của tôi do đó trở nên nguy ngập. Tôi buộc lòng phải áp dụng một phương pháp khá đau đớn. Nói đến đây người chăn chiên như bị cảm xúc mạnh. Anh giải thích tiếp như sau: “Tôi đành làm cho chân nó bị thương và kể từ khi bị thương, con vật hoàn toàn tùy thuộc vào tôi. Mỗi buổi sáng, tôi vác nó lên vai đem ra đồng cỏ. Và buổi chiều tôi lại vác nó trên vai đem về. Nó không thể tự mình đi ăn cỏ được. Chính vì thế mà từ một tháng nay, nó ăn giữa lòng bàn tay của tôi. Những săn sóc liên tục của tôi đã tạo nên một mối liên hệ vô cùng mật thiết giữa tôi và nó. Bây giờ có lẽ nó hiểu rằng sau khi đã làm cho nó bị thương, tôi đã tìm đủ mọi cách để làm giảm bớt sự đau đớn của nó. Về phần tôi, tôi cũng biết rằng sẽ không tìm được trong tất cả đàn chiên một con nào biết vâng lời tôi hơn nó. Trong vài ngày nữa, khi nó khoẻ mạnh, tôi sẽ phục hồi lại vị trí cũ của nó”. Vâng! Yêu thương là như thế, không phải là lúc nào cũng cho ngọt cho bùi, nhưng là biết ứng xử một cách có ích, có lợi nhất cho người mình thương. 2. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên Năm 1870 chính phủ Hawai ra lệnh cho những người mắc bệnh phong hủi, phải ở riêng cách biệt với mọi người. Họ dành riêng cù lao Molokai để đưa những người phong hủi đến ở đó. Tàu của nhà nước mỗi tuần chỉ tiếp tế cho những người ở đây một lần. Những người phong hủi sống ở đó thiếu thuốc thang, thiếu sự chăm sóc, nhất là thiếu an ủi và nâng đỡ đặc biệt là về phương diện tôn giáo. Khi vừa nghe thấy tin này, được lòng mến Chúa thúc đẩy, cha Damien dòng Thánh Tâm người nước Bỉ, đã tình nguyện xin Đức giám mục giáo phận cho phép ngài được ra sống chung với những người xấu số đó. Thấy Đức giám mục có vẻ lưỡng lự, cha Damien đã quỳ xuống đất thưa rằng: - Thưa Đức cha, mặc dầu con còn trẻ, nhưng khi khoác lên mình chiếc áo dòng đen nhà tu, con đã trở nên những người của Chúa, con đã sẳn sàng chết cho các linh hồn theo gương Chúa Giêsu. Sau khi được phép đức giám mục giáo phận, cha Damien lên đường ra đi, đến cù lao Molokai để sống chung với anh em phong hủi. Cha đã sống với họ 16 năm: ra vào thăm nom, tập cho họ nghề nghiệp, dạy họ đọc và chữ viết, rửa tội, giải tội, xức dầu thánh. Sau một thời gian vì quá gần gũi với những người cùi, cha đã lây bệnh. Bác sĩ Woons viết rằng: cha Damien đã khác hẳn muời năm trước đây. Mặt mũi giờ đây bị rộp và xưng lên. Hai tai dày cộm và xệ xuống, các ngón tay đang lần lượt co quắp lại… cha đã trở nên giống các con chiên của cha: da trán sưng lên; hai tai phồng ra to; mũi, má, cổ tay đều bị hủi ăn. Sau 16 năm sống trong hy sinh và bệnh nạn, cha Damien bị những vi trùng cùi đêm ngày tấn công, và sau hết phải ngã gục và chết giữa con chiên. Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế để ở với loài người. Chúa còn chết cho loài người. Cha Damien đã chết giữa những con chiên mắc bệnh phong hủi của cha, để một phần nào nói lên được điều Chúa đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Mục tử tốt lành liều mạng sống vì con chiên”. 3. Chiên tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi Vâng! Chiên thì phải nghe tiếng của chủ và đi theo chủ. Chiên sẽ không nghe và đi theo tiếng người lạ. Một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, thấy ba người chăn chiên dẫn bầy chiên của mình ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình: - Men ah! Men ah! (Theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta!”).Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy chung và đi theo người ấy lên đồi. Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta. Người Mỹ nói với người chăn thứ ba: - Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như các anh kêu, xem các con chiên này có theo tôi hay không.Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu: “Men ah! Men ah!”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi: - Thế chiên không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?Người chăn Syrie trả lời: - Ồ! Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.Vâng! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai. Còn những con chiên khoẻ mạnh thì luôn nghe theo tiếng của mục tử. Chúng con hãy xin Chúa cho chúng ta được luôn lắng nghe được tiếng Chúa để khỏi bị lạc hướng giữa cuộc sống hôm nay. Cha muốn kế thúc bài suy niệm hôm nay bằng câu truyện này: Hồi Đệ nhị thế chiến, một trại tù của Đức Quốc xã có lệnh : “Các tù nhân có nhiệm vụ phải coi lẫn nhau. Nếu một tù nhân nào trốn trại, thì sẽ có 10 tù nhân khác thế mạngị”Một buổi sáng kia, khi kiểm điểm các tù nhân, viên cai tù phát giác thiếu một người! Thế là tất cả các tù nhân hôm ây phải đứng hàng giờ phơi nắng ngoài sân! Mãi đên chiêu, người sĩ quan Đức có trách nhiệm nhà tù xuất hiện với bộ dạng giận dữ, tay chắp sau lưng, bước chân chậm rãi trên đôi giày bốt-đờ-xô nện trên nền đá nghe “cộp, cộp!” Mắt ông trừng trừng nhìn thẳng vào mặt từng người tù, thỉnh thoảng ông dừng lại chỉ vào một người và buông lời cộc lốc : “Mày phải thế mạng!” Cứ như thế ông đã chỉ đến người thứ 9, khi ông dừng lại người tù xấu số thứ 10, thì anh tù bật khóc nức nở! Trong số tù nhân có Linh mục Maximiliano Kolbe liên giơ tay xin phát biểu : - Xin ông cho tôi được chết thay cho người này! Viên sĩ quan quát: - Con heo Ba Lan kia, mày có điên không? Cha Maximiliano Kolbe ôn tồn đáp - Thưa không, tôi là Linh mục chỉ có một mình, anh này còn vợ con, cần được sống. Trước sức mạnh của tình thương, viên sĩ quan đứng lặng người trong giây lát, rồi buông lời : - Thuận. Thế là cả 10 người “được chọn” bị đẩy vào hầm cho chết đói! Trong hầm, cha Maximiliano Kolbe luôn ca hát và cầu nguyện, cha đã cảm hóa được 9 người kia xin theo đạo. Sau một tháng người ta mở cửa ngục ra xem, thấy cha Maximiliano Kolbe vẫn sống bình an, và vui vẻ. Thấy vậy họ đã chích cho ngài mũi thuốc gọi là mũi thuốc ân huệ kết thúc cuộc đời...! Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 14-10-1982. Hôm đó gia đình anh tù được chết thay cũng có mặt. Quả thực : “Không có tình ỵêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình !” (Ga 15,13). |