Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B
MỤC TỪ NHÂN LÀNH
Chú giải của Noel Quesson

Khi ấy Chúa Giêsu nói: "Tôi chính là...".

Các bạn hãy đọc lại thật chậm hai chữ này: "Tôi là" các bạn hãy đặt hai chữ này lên môi miệng Chúa Giêsu. Vấn đề lớn được đạt ra đối với Chúa Giêsu đó là lai lịch của Người: Người là ai? Tất cả những ai đã đến gần Người đều phải ngạc nhiên vì sự bí mật về bản thân của Người. Người đã có những hành vi lạ lùng, Người đã nói "nói như chưa có ai đã nói như thế bao giờ". Đôi khi Người như có vẻ chiếm chỗ của Thiên Chúa.

Vì thế, Người đã nhiều lần dùng những cách nói, những công thức mà nghe lướt qua, chúng ta không hiểu hết ý nghĩa.

“Ta là Bánh ...". -"Ta là ánh sáng trần gian...". -“Ta là cửa ...". -"Ta là Đấng chăn chiên lành ...". -“Ta là cây nho...". "Ta là sự Phục sinh và là sự sống...".

Tất cả những kiểu nói ấy bắt đầu bằng 2 chữ Hy Lạp “Ego eimi", có nghĩa "Tôi là".

Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã phát âm những từ này theo tiếng "Aramên", ngôn ngữ giống như tiếng Hêbơrơ và danh từ riêng "Thiên Chúa” là nhóm chữ không quên được “YHWH", từ bốn chữ này không ai đã dám đọc lên và có nghĩa là "Ta là" (Xuất hành 3-14). Trước bụi gai bốc lửa trong sa mạc, Môsê đã hỏi Thiên Chúa: "Tên của Người là gì? Và câu trả lời bí nhiệm từ lửa đã thốt ra: "Ta là Đấng Hằng Hữu”, bằng tiếng Hêbơrơ, có 4 phụ âm mà người Do Thái không bao giờ đọc lên, và trong những bản Thánh Kinh của chúng ta ngày nay, vì tôn trọng tính trung thực của các từ ngữ đó (Thiên Chúa khó diễn tả), đôi lúc người ta đã giữ nguyên hình thức ban đầu: Để mắt nhìn, thì hiểu là "Yahweh” nhưng thực sự đọc lên thì phải thốt ra là "Đức Chúa".

Không tự xưng danh rõ ràng, nhưng qua những lời này Chúa Giêsu đã dám tuyên bố rằng Người là "Đấng Cứu Độ duy nhất cho con người”, loại trừ tất cả những vị Chúa giả hiệu, những Đấng Cứu Độ không chính danh, những lãnh tụ sai lạc của nhân loại, người là "Đấng chăn chiên" duy nhất.

Tôi chính là người mục tử nhân lành, người chăn chiên thực sự.

Biểu tượng "người mục tử dẫn đàn chiên" đã có từ lâu trong khắp miền phương Đông ngày xưa, để mô tả những "Thần Thánh" và "Vua Chúa".

Trong Thánh kinh cũng vậy, biểu tượng này cũng được áp dụng cho Chúa: "Chúa là mục tử của tôi, tôi không còn thiếu thốn chi" (Tv 22,1). "Giờ đây, chính Ta sẽ chăm sóc cho con chiên của Ta" Chúa đã nói (Ed 34). "Giờ đây Chúa của các ngươi đến. Như một người mục tử, Người cho đàn chiên ăn cỏ - Với cánh tay quyền lực của Người, Người tập họp chiên lại, Người ôm vào ngực những chiên con, Người mang đến sự tươi mát cho những chiên cái còn cho con bú” (Is 40,11).

Chúng ta đừng bao giờ quên những trích dẫn này trong Kinh thánh mà bất cứ người Do Thái nào, nhất là Chúa Giêsu, cũng phải nhớ luôn luôn. Đối với những hình ảnh của Chúa Giêsu, lời tuyên bố này đã có một ý nghĩa “thần học" rõ ràng: Người nói Người là "Đấng Mêsia", "sứ giả của Thiên Chúa" để dẫn đắt loài người đến với cuộc sống thật. Câu trước liền câu này, (rất tiếc là sách "bài đọc” đã không bắt đầu trước một câu) đã được chính môi miệng Chúa Giêsu nói ra như tóm tắt hoàn hảo nhất của bộ Tin Mừng, và sứ mệnh mà Người đảm nhận: "Ta đã đến cho loài người, có được cuộc sống, và cho loài người có cuộc sống dồi dào" (Ga 10,10).

Chúng ta cũng biết loài người cần đến những người chỉ đạo như thế nào, những Đấng do Chúa sai đến, có khả năng phân tách tình hình, dự đoán tương lai, trừ khử những hiểm nguy đang hăm dọa và mang đến sự an toàn. Cá nhân tôi rất chán ghét những điều ngu xuẩn mà các đài phát thanh và truyền hình thường phổ biến ào ạt. Khi một số nhân vật, chỉ là những "con người" như chúng ta đã tỏ ra dường như nắm được chân lý, biết những gì sẽ xảy ra, những gì phải làm: Chỉ cần loại bỏ điều này, điều kia và mọi việc sẽ ổn, chỉ cần làm thế này hoặc sai lạc ở chỗ này, chỗ kia.

Lời khẳng định sau đây của thánh Phêrô trong bài đọc 1 hôm nay vang lên như một lời cảnh tỉnh trong bối cảnh hư hỏng và phá sản những giá trị thiêng liêng: "Chúa Giêsu chính là viên đá mà các người tự xưng là những người xây dựng thế giới đã chê bỏ, nhưng Người đã trở nên viên đá góc. Ngoài Người ra, không có sự cứu rỗi nào cả".

Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và không có chiên thuộc về riêng mình, nên thấy sói đến là bỏ chiên mà chạy.

“Người chăn chiên lành" ở đây được Chúa Giêsu giới thiệu để đối lại với các "vị câu thế" giả hiệu, những người này hứa hẹn toàn "những điều kỳ diệu”. Giờ nguy hiểm là giờ sự thật: Người chăn chiên giả hiệu, "người làm thuê" chỉ làm công việc để kiếm tiền, và tìm lợi riêng. Anh ta không cần gì đến đàn chiên, và đôi khi anh ta sẵn sàng phụ lực với chó sói để tru lên. Trong mọi trường hợp, anh ta sẽ không liều mạng sống của mình, nhưng trước hết anh ta sẽ tự cứu chính mình. Vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. Còn người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên.

Trong trang này, bốn lần Chúa Giêsu nói: "Người hy sinh mạng sống của chính Người". Chúng ta không nên dừng lại ở những hình ảnh thôn dã điền viên, những "chuồng chiên" lãng mạn này. Bầu khí bây giờ thật bi thảm: "Chúa Giêsu đang nghĩ đến người mục tử chịu chết để cứu đàn chiên của mình. Hình ảnh lạ lùng, khác thường quá. Chúng ta thường nghĩ rằng: Khi một người chăn chiên chết, anh ta không thể bảo vệ đàn chiên được nữa. Nhưng Chúa Giêsu nói: Nhờ cái chết của Người, Người sẽ cứu chúng ta. Chúa Giêsu mạc khải điều này trong hoàn cảnh: Sự thù địch của những lãnh tụ tôn giáo càng lúc càng tăng, sau khi Chúa chữa lành một người mù bẩm sinh (Ga 9).

Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.

Đối với Chúa Giêsu, cái chết không phải là một sự bất ngờ, cũng không phải là một ép buộc phải chịu, hay phải chấp nhận. Người đã làm cho cái chết trở thành một sự hiến dâng hoàn toàn ý thức và tự do. Cái chết của Người là một "tác động" yêu thương, yêu thương đến cùng. "Không có tình yêu nào cao cả hơn là cho những người tự hiến chính mạng sống của mình" (Ga 13,1; 15,13).

Bản văn bằng tiếng Hy Lạp của Thánh Gioan ở đây mạnh nghĩa hơn là những bản dịch có thể diễn tả. Nguyên văn có những từ sau đây: "Ta tháo gỡ linh hồn Ta ra". "Ta hiến dâng mạng sống của Ta". Cách nói khác thường này cũng ám chỉ trực tiếp bài thơ thứ IV của người đầy tớ (Is 53,10), người này hiến dâng mạng sống của mình để hy sinh cho quần chúng. Còn chúng ta thì sao? Phải chăng chúng ta sẽ giữ lại mạng sống và cái chết của chúng ta "cho chính chúng ta?". Chúng ta sẽ hiến dâng cái chết của chúng ta cho ai? Chúng ta có yêu thương người khác đủ để có thể thực hiện sự dâng hiến - tối thượng này không?

Tôi chính là người mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết Tôi.

Khác với người làm thuê, "không thiết tha gì đến những con chiên”. Nhân loại, tất cả mọi người, đều có giá trị dưới mắt Chúa Giêsu, cho đến độ Người có thể liều mạng sống của Người cho mỗi một người trong chúng ta. Lạy Chúa, Chúa đã liều mạng sống của Chúa vì con sao?

Đúng, Ta đã yêu thương con thật tình, không phải chuyện đùa giỡn.

Qua những lời thắm thiết nồng nàn "Ta biết chiên của Ta" chứng tỏ tình yêu đã tiến rất xa. Động từ ‘biết’ trong Kinh thánh không chỉ có nghĩa là biết bằng tri thức mà là sự ‘biết’ của một người thương yêu một người khác đến độ như đã cộng sinh ra với người đó và dấn thân hoàn toàn vì người đó; như một người chồng nói về vợ mình: "Bây giờ anh biết em, anh trở thành một tạo vật mới, đấy là sự hy sinh ra lần thứ hai". Sự hiện diện mật thiết của người này trong người kia, một sự cảm thông hỗ tương, một sự hiệp thông trong tư tưởng và tâm hồn. Đấy là “cùng sống với người đó" và "dấn thân vì người đó".

Như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha.

Đấy là một gương mẫu. Sự thương yêu mật thiết và sống động giữa Ngôi Cha và Ngôi Con trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Sự mật thiết giữa Chúa Giêsu và những người Chúa cứu chuộc bằng cái chết của Người, những người mà Chúa cho sinh ra nhờ cái chết của Người. Đó cũng chính là sự kết hợp mật thiết hiện có giữa các ngôi vị Thiên Chúa. Vâng chúng ta hãy nói về sự mật thiết sâu sa này: Khi nghe gọi "Maria", Mađalêna đã nhận ra ngay đó là tiếng nói của Chúa Giêsu Phục sinh (Ga 20,16). Tôi cũng thế, tôi cũng được Chúa biết rõ tên riêng của tôi. Tạ ơn Chúa, vì tình thương này.

Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về, chúng sẽ nghe tiếng Tôi và sẽ chỉ có một đàn chiên, và một người mục tử.

Trái tim Chúa Giêsu yêu thương mọi người. Tương quan sống động, việc hiệp thông sự sống giữa người mục tử và những con: chiên, "sự quen biết riêng” với từng con chiên, Chúa Giêsu xác quyết rằng sự "quen biết" này sẽ lan ra đối với tất cả mọi người không ngoại trừ ai cả. Sứ mệnh cứu độ của Người phải vươn tới tầm mục hoàn cầu. Chữ "Oicouménè" Hy Lạp có nghĩa là "toàn địa cầu có người ở”. Một lần nữa, đây là cách nói bí nhiệm của Chúa Giêsu, làm cho chúng ta tự hỏi: "Người là ai, mà có những tham vọng như thế? Người có "hơn" Người thợ mộc khiêm nhường ở Nagiarét không? Xét theo bề ngoài dường như Chúa Giêsu sắp chết trong sự thất bại hoàn toàn, bằng một cái chết nhục nhã và bị chế nhạo, một cái chết "vô ích"? Ở thế kỷ II, có một lời ghi trên một phần mộ, ký tên Abercius: "Tôi là môn đệ của một thánh Mục Tử có mắt rất to, nhìn thấy khắp nơi". Chúa Giêsu cũng vậy, Người có mắt rất to: Mỗi người một ngày nào đó, dù hư hỏng đến đâu, cũng sẽ nghe "tiếng của Người" và sẽ tự cảm thấy được Chúa thương yêu và "đoái nhìn đến", chúng ta chỉ thấy có một phần nhỏ đàn chiên của Người, Công đồng Vatican nói: Đàn chiên nhỏ, đám đông vô tận.

Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Tôi, chính vì Tôi hy sinh mạng sống. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là lệnh của Cha Tôi mà Tôi đã nhận được.

Người thí bỏ mạng và lấy lại mạng sống của Người đễ dàng như "tháo cởi và mặc lại" áo quần. Chính những từ này đã được dùng chiều thứ Năm Tuần Thánh trong Tin Mừng theo Thánh Gioan 13,4-12.