Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B |
BÊN ĐƯỜNG ĐỜI EMMAUS |
Lm, Thiên Ngọc, CMC |
“Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên chúng con” (Tv 4,7) Thưa các bạn thân mến, Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài đã hiện ra với các phụ nữ, với các môn đệ, với các tông đồ. Sự kiện đó ấy thoạt đầu gây ra những bất ngờ, bỡ ngỡ và những tâm trạng khác nhau nơi họ, nhưng tựu trung họ đều cảm nhận một niềm vui khôn xiết vì sự nâng đỡ yêu thương mà Chúa Phục Sinh đem đến cho họ, là những người đã từng nếm trải xỉ nhục, đau khổ, hoang mang, bất hạnh trong cuộc thương khó tử nạn của Ngài. Hôm nay, Tin Mừng thuật lại có hai môn đệ quay gót trở về làng quê Emmaus, giã từ cuộc sống theo Thầy Giêsu, là người mà sự nghiệp vừa thất bại qua cái chết ô nhục trên thập giá. Trên đoạn đường đó có một vị khách bộ hành bất ngờ nhập bọn, cùng đi cùng trao đổi tâm tình. Họ nói về một biến cố lớn vừa xảy ra tại Giêrusalem, rằng một vị tôn sư danh tiếng đã bị các thượng tế, kỳ lão, luật sĩ kết án đóng đinh vào thập tự, ngài được chôn cất trong mồ, và sang ngày thứ ba thi thể bỗng biến mất, rồi có tin nội bộ rằng Thầy đã sống lại… Hẳn là hai môn đệ đã trút bầu tâm sự với vị khách đồng hành. Vị ấy đã lắng nghe, và còn khôn ngoan dùng Kinh Thánh giải thích cho hai ông được thông suốt về Đấng Cứu Thế, về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Hai tâm hồn băng giá đã được sưởi ấm dần dần qua từng lời của vị khách bí ẩn ấy. Rồi khi đến làng Emmaus, vào nhà dùng bữa tối, hai ông lại kinh ngạc nhận ra vị khách ấy không ai khác hơn, chính là Thầy Giêsu của mình: Thầy đã phục sinh! Ngay lúc ấy, cùng với sự biến đi của Chúa Kitô Phục Sinh, hai ông đã vội vàng quay lại Giêrusalem để loan tin mừng cho các tông đồ và môn đệ, Vẫn luôn có một vấn đề thời sự xưa nay: Chúa Giêsu có luôn hiện ra trong cuộc đời chúng ta hay không? Chúa có luôn tỏ mình ra cho mỗi người hay không? Đối với các anh chị em dự tòng, và cả với chúng ta nữa, đây là câu hỏi quan trọng, vì cuộc đời làm Kitô hữu là một cuộc hành trình đi theo Chúa Kitô, cho nên phải cảm nghiệm Ngài đang đồng hành, đang tỏ mình cho tôi cho bạn. Chính cái đó làm nên Kitô hữu đúng hiệu, nếu không chỉ là nhãn hiệu. Và khi đã cảm nhận rằng Chúa có hiện diện, chúng ta sẽ trả lời cách nhanh chóng, mạnh mẽ và dứt khoát, khi có ai đó chất vấn niềm tin của mình. Vậy Chúa Giêsu đã và đang hiện diện bên chúng ta như thế nào? - “Con biết Chúa đang ở với con, vì mỗi khi con làm việc xấu, con luôn được Chúa nhắc nhở”. Đó là câu trả lời của một em học viên giáo lý. Đây là tiếng lương tâm của hết thảy mọi người người. Lương tâm vui mừng khi chúng ta hành thiện, nhưng sẽ khiển trách bằng sự áy náy mặc cảm tội lỗi khi chúng ta hành xử bất chính. “Ăn ngay ở lành” chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong ta, kể cả khi chưa nhận biết Thiên Chúa: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật, mà chính con người không tự đặt ra cho mình, nhưng con người phải tuân theo lề luật đó, và tiếng nói của lề luật đó, luôn luôn kêu gọi con người yêu mến và làm điều tốt cũng như tránh điều xấu, vào lúc cần thiết, tiếng nói ấy vang lên trong trái tim con người. Quả thật, Thiên Chúa đã khắc ghi trong trái tim con người lề luật ấy” (GL.HTCG số 1776). - “Nơi đâu có hai ba người họp nhau cầu vì Danh Thầy, thì Thầy hiện diện ở giữa”(Mt 18,20). Mỗi khi chúng ta họp nhau cầu nguyện, tham dự thánh lễ thì Chúa đến và ở giữa chúng ta. Ngài có đó để nghe và nhận lời ta cầu nguyện, để nâng đỡ, để soi sáng, để đồng hành. Do đó, lời mời gọi năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, là điều kiện cần để gặp gỡ Chúa Kitô. “Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, lòng con chẳng nao núng bao giờ” (Tv 15,8). - Chúa còn hiện diện nơi mỗi anh chị em, nơi tha nhân, dù người ấy có cùng niềm tin với ta hay không, vì con người được Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa (St 1,26). Nên khi nhìn một người bên cạnh, dù người đó mạnh khỏe hay đau yếu, thông thái hay dốt nát, sang trọng hay nghèo hèn, giàu có hay nghèo khổ, dễ thương hay khó ưa, thân hay thù, yêu hay ghét, thì hình ảnh của Chúa vẫn ở trong họ. Điều này mời gọi chúng ta phải tôn trọng, yêu thương, cầu nguyện và giúp đỡ họ, vì điều gì làm cho anh chị em là làm cho chính Chúa, và điều gì chúng ta không làm cho anh chị em là chúng ta không làm cho Ngài (x.Mt 25). - Chúa đang hiện diện nơi chính Lời Chúa, vì Lời Chúa chính là Ngôi Lời, là Chúa Giêsu. Thánh Isidoro có nói: “Khi chúng ta đọc Kinh Thánh thì Chúa nói với ta, khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta đang nói với Chúa”. Vậy mỗi khi nghe Lời Chúa thì chính Chúa Giêsu đang nói với chúng ta. Trên con đường về làng Emmaus năm xưa đó, hai môn đệ như là kẻ thất bại “trở về trên đôi nạng gỗ”, đã dốc cạn bầu tâm sự hoang mang đau buồn với người khách đồng hành Giêsu ẩn danh đang lắng nghe. Họ đã được Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để giải thích về việc Đức Kitô phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang. Niềm tin đã chết nơi hai môn đệ qua đó đã được phục hồi, thắp sáng:“Lòng chúng ta đã chẳng nóng lên khi Người nói chuyện với chúng ta và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta đó sao!”(Lc 24,32). Chúng ta biết điều gì đã xảy ra sau đó: các ông quay một trăm tám mươi độ, trở về Giêrusalem trong đêm tối, vượt 60 dặm đường để loan tin vui phục sinh cho các tông đồ! - Nếu Chúa Giêsu hiện diện ở Lời Chúa thì Ngài còn hiện diện nơi Thánh Thể. Trong thánh lễ, qua nghi thức Truyền Phép, tấm bánh được biến đổi bản thể trở thành Mình Chúa, chất rượu được biến đổi bản thể trở thành Máu Chúa. Một mầu nhiệm đức tin được tuyên xưng, được cử hành: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến” (Kinh nguyện Thánh Thể). - Chúa còn hiện diện ở đâu nữa? Mỗi khi vào tòa nhận bí tích Hòa Giải, chúng ta sẽ nghe cha giải tội đọc câu này: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con (hay ÔBACE) ơn tha thứ và bình an. Vậy cha (tôi) tha tội cho con (hay ÔBACE). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ai tha tội cho hối nhân lúc ấy? Thưa, chính linh mục. Làm sao linh mục có thể tha tội được? Vì Chúa đã ban quyền tha tội cho các ngài: “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”(Mt 16,19). Các ngài hành động không những trong tư cách Chúa Kitô, Đầu của Giáo Hội “in persona Christi Capitis”, mà còn nhân danh toàn thể Giáo Hội là Thân Mình, qua sự truyền chức của các giám mục (x.GL.HTCG số1552). Điều này gợi lên trong ta một thái độ tôn kính, mến yêu, một sự trợ giúp, cộng tác và nâng đỡ các linh mục. Trong thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, các linh mục đều ý thức rằng sự cao cả của thiên chức linh mục được chứa đựng trong chiếc bình thân phận mỏng dòn dễ vỡ của mình, nên cần đến ơn thánh và tình thương của người tín hữu. Và chắc rằng nhờ ơn Chúa các ngài sẽ nổ lực hơn để mỗi ngày một vươn tới lý tưởng đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh, mặc lấy Chúa Kitô trong sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và chăm sóc các tâm hồn. - Qua các biến cố. Cũng có khi chúng ta dường như không thấy Chúa hiện diện bên cạnh khi mình vẫn mãi đói nghèo, khi mình vẫn gặp nhiều đau khổ, thất bại, đương đầu với nghịch cảnh dài dẵng, sự hiểu lầm trái ý, sự ngỗ nghịch của con cái, bệnh tật, lầm than, bị tẩy chay, phỉ báng, loại trừ, chết chóc, tai họa... Kêu cầu Ngài hoài mà vẫn không thoát khỏi khổ đau! Ngài là Tình Thương kia mà?!? Những lúc ấy, chúng ta giống Chúa Giêsu trong hồi đau khổ nhất của đời Ngài: “Lạy Cha, nếu được, xin cất chén này khỏi Con…”. Như vậy, trong những biến cố cuộc đời xảy ra nơi mình như thế, Chúa có hiện diện không? Tưởng là không nhưng lại có. Ngài vẫn có đó và tỏ lộ thánh ý cho ta. Không dễ để nhận ra thánh ý Chúa, trừ khi có niềm tin và sự tín thác. Chính Chúa Giêsu đã nêu cao tấm gương của niềm tin yêu và phó thác hoàn toàn cho thánh ý cao cả ấy, khi Ngài tiếp nối lời cầu nguyện trên: “…nhưng đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”(Mc 14,36). Ý của Cha đó là yêu thương nhân loại đến cùng để cứu vớt để phục hồi, cho con người được sống và sống dồi dào. Ý của Thiên Chúa vẫn là muốn đem lại điều tốt nhất cho con người ngang qua những nghịch cảnh của cuộc đời ta. Và một lần nữa, chúng ta hiểu được lời của Thánh Phaolô: “Mọi sự đều cộng tác để sinh phúc lợi cho những ai có lòng mến Chúa, tức những ai mà Thiên Chúa tiền định cho giống hình ảnh Con Một Ngài” (Rm 8,28). Thưa các bạn quý mến, Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong mọi khoảnh khắc đường đời Emmaus của chúng ta. Chúng ta vẫn luôn là đối tượng để Chúa trở nên người bạn đồng hành sánh bước, nên thầy hướng dẫn sáng soi, nên lương y chữa lành, nên lương thực bồi bổ xác hồn, nên tri âm khơi lòng nhiệt thành, nên tri kỷ để chúng ta làm chứng cho cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Tạ ơn Chúa vì Chúa mãi nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Xin Đức Maria giúp chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Phục Sinh nơi mình như hai môn đệ trên đường Emmaus, và biết tôn vinh Ngài khi hết tình trở nên khuôn mặt của Ngài, trong riêng tư cuộc sống và trong tương giao với tha nhân. |
|