Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B |
CÁC MÔN ĐỆ NHẬN RA CHÚA |
Lm Micae Võ Thành Nhân |
Thật quá khó cho các tông đồ để các ngài có thể nhận ra Chúa khi Chúa sống lại. Khó ở chỗ là trong lòng trí của các tông đồ lúc này đây đầy tràn những âm thanh, những tiếng động, những hình ảnh ghê rợn, chát chúa, khủng khiếp, ớn lạnh cả người…. mà Chúa phải chịu trong cuộc khổ nạn của Chúa. Khó ở chỗ tâm hồn các ngài đang bị dao động, đang bị chia lòng chia trí bởi sự sợ hãi khủng hoảng, tâm hồn các ngài chẳng được bình yên chút nào để mà nhận ra Chúa sống lại và kèm theo đó là những tin tức bất lợi về Chúa đã làm cho các ngài hoang mang, mất phương hướng, lo sợ ( Tâm sự của hai môn đệ trên đường Emmau { Lc 24, 23 – 35 } ). Một khi các ngài đã không nhận ra Chúa sống lại rồi thì lúc thấy Chúa hiện ra ở đâu, bất cứ nơi nao, bất cứ thời điểm nào, các ngài cũng tưởng là ma: “ Nhưng mọi người bối rối tưởng là ma “ ( Lc 24, 37 ). Những lúc như thế, Chúa luôn trấn an các ngài: " Bình an cho các con ", " Chính Thầy đây, đừng sợ " ( Lc 24, 38 ), Chúa cho các ngài xem tay, cạnh sườn của Chúa, Chúa còn ăn trước mặt các ngài và trao cho các ngài phần còn lại để các ngài cùng ăn với Chúa. Và cuối cùng là Chúa dùng chính Lời Chúa để soi lòng mở trí, giúp các ngài hiểu biến cố Chúa chịu chết và sống lại để các ngài tin Chúa đã sống lại thật ( Lc 24, 39 – 48 ). Chúng ta phải nói rằng các tông đồ cần vượt qua chính bản thân mình, vượt qua những nỗi sợ hãi, sự hoang mang, bản tính bán tín bán nghi, nhút nhác, và với ơn Chúa thương ban, lúc này là ơn can đảm, ơn sức mạnh, sự bình an thì các ngài mới nhận ra Chúa sống lại đang ở với các ngài. Và một khi đã nhận ra và vững tin vào Chúa sống lại rồi, các ngài mới thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng Chúa sống lại cho mọi người mà chính Chúa đã trao phó cho các ngài hôm nay: " Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy " ( Lc 24, 46 – 48 ). Thậy vậy, hoàn cảnh của các tông đồ khi Chúa sống lại ngày xưa cũng là hoàn cảnh của mỗi chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta theo Chúa, nhưng có những lúc chúng ta cầu nguyện xin ơn thì dường như Chúa không lên tiếng. Chúng ta kêu van, dường như Chúa cũng chẳng trả lời, và bên cạnh những điều đó, nhất là những lúc chúng ta bị gian nan thử thách, khó khăn cơ cực trong cuộc sống, để rồi chúng ta tự hỏi Chúa ở đâu rồi, mà sao Chúa vẫn cứ mãi im tiếng. Đôi khi, sự chịu đựng của chúng ta có giới hạn, cho nên chúng ta phàn nàn, kêu trách, oán than… Chúa và buông xuôi cho số phận đẩy đưa, và cuối cùng là bỏ Chúa. Những lúc như thế, Chúa vẫn nói với chúng ta một cách âu yếm: “ Chính Thầy đây, đừng sợ “ ( Lc 29, 36 ), nghĩa là Chúa vẫn luôn ở bên cạnh, nâng đỡ chúng ta. Do đó, tin tưởng vào Lời Chúa nói đây, chúng ta luôn bám chặc vào Chúa mọi nơi mọi lúc, mắt chúng ta hướng lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời không ngơi nghỉ như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ ( Tv 122, 1 – 2 ). Lạy Chúa Kitô phục sinh của chúng con, để thực hiện sứ mạng rao giảng sự sống lại của Chúa cho mọi người, chúng con cần có ơn Chúa và sống với Chúa trước để rồi sau đó chúng con mới rao giảng Chúa được " Muốn sống lại vẻ vang mai ngày thì chúng ta cần rước Thánh Thể Chúa, uống cho say ly bửu huyết đỏ hồng, để ta sống cho Chúa Trời mãi mãi " ( TT mùa PS ). Xin Chúa luôn luôn ở với chúng con trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống và xin Chúa cũng ban cho chúng con cặp mắt đức tin trong sáng để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện với chúng con mà gắn bó với Chúa nhiều hơn nữa để sự rao giảng của chúng con về Chúa cho anh chị em của chúng con có hiệu quả hơn. Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Amen.
|
|