Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B |
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH |
Nguyễn Chính Kết |
Kính Quý Vị, Tôi rất tâm đắc với đề tài «Chính tôi chưa thể là chứng nhân» vì muốn làm chứng thì chính mình phải chứng kiến sự việc thì mới làm chứng được. Nếu mình chưa sống Tin Mừng, chưa cảm nghiệm được hạnh phúc hay sức mạnh mà Tin Mừng đem lại, chưa thật sự sống Tin Mừng, áp dụng tinh thần Tin Mừng vào cuộc sống của mình, thì làm sao tôi có thể làm chứng được? Nếu tôi chưa cảm nghiệm được những gì Tin Mừng đem lại, thì tôi đâu có «thẩm quyền» để làm chứng! Chẳng hạn, tôi bị một chứng bệnh, uống thuốc gì cũng không khỏi, cho đến khi uống thứ thuốc AAA thì khỏi hẳn. Chỉ khi tôi có kinh nghiệm như thế về thứ thuốc AAA, tôi mới có thể làm chứng về sự hữu hiệu của thuốc AAA. Và những người đã chứng kiến tôi bị bệnh và thấy tôi uống thuốc AAA và khỏi bệnh mới có «thẩm quyền» làm chứng về sự hữu hiệu của thuốc AAA. Những người khác không có một kinh nghiệm gì về thuốc này, chỉ biết nó được bào chế bằng những nguyên liệu nào, cách bào chế ra sao, v.v... thì không có «thẩm quyền» làm chứng về sự hữu hiệu của thuốc ấy. Giữa người Kitô hữu với nhau, nhất là trong các hội đoàn Công giáo, chúng ta thường đặt rất nặng vấn đề «loan báo Tin Mừng». Đối tượng hay túc từ của động từ «loan báo» thường chỉ là một thông tin nào đó để người nghe «biết». Nói chung, từ «loan báo» chỉ liên quan đến vấn đề lý thuyết, hiểu biết... Trong khi đó, lời của Đức Giêsu được tác giả dẫn chứng trong bài trên từ Phúc Âm Luca là «Chính anh em là chứng nhân về những điều này» (Lc 24,48). Phải nói là giữa «loan báo» và «làm chứng» có sự khác biệt rất lớn. Mục đích của «loan báo» thì chỉ để người nghe biết thông tin thôi, trong khi mục đích của «làm chứng» là để người nghe bắt chước mình, làm theo mình để đạt được cái kết quả mình đã đạt được. Do đó, «loan báo» thì hướng về lý thuyết, còn «làm chứng» thì hướng về hành động (action oriented). Hiện nay, dường như từ ngữ «làm tông đồ» thường được các Kitô hữu hiểu theo nghĩa «loan báo» Tin Mừng hơn là «làm chứng» cho Tin Mừng. Chúng ta có thể «loan báo» rất hăng say, nhưng «làm chứng» thì rất ít, có khi «phản chứng» nữa. Chẳng hạn rao giảng về yêu thương thật hăng, nhưng khi gặp người hoạn nạn, đau khổ thì tỏ ra vô cảm, vô trách nhiệm. Hoặc rao giảng về đức tin thật hùng hồn, nhưng khi gặp nguy hiểm vì phải làm theo tiếng lương tâm thì quýnh quáng, sợ sệt quá đáng… Như vậy là «loan báo» nhưng không «làm chứng», thậm chí «làm chứng ngược» hay «phản chứng». Loan báo Tin Mừng kiểu ấy thì những thế hệ trước có thể chấp nhận dễ dàng chứ những thể hệ sau này khó chấp nhận lắm! Một câu chuyện nổi tiếng liên quan đến nỗ lực «loan báo Tin Mừng» đi đôi với những hiện tượng «phản chứng Tin Mừng», đó là chuyện của Mahatma Gandhi, là người được dân Ấn Ðộ xem là một vị thánh. Khi nói về cách loan báo Tin Mừng của những Kitô hữu, ông có vẻ như thách thức, cụ thể là những người Anh đô hộ dân tộc ông: Nếu những người Kitô hữu ở Ấn độ thật sự sống đúng tinh thần của Ðức Kitô, thì họ chẳng cần phải mất công rao giảng, toàn Ấn độ sẽ trở thành Kitô hữu hết. Trước mắt ông, người Kitô hữu - cụ thể là người Anh lúc ấy đang đô hộ dân tộc ông - cũng tham lam, bất công và tàn bạo không kém gì những kẻ xâm lăng khác. Ông rất say mê Ðức Kitô, nhưng ông không thể trở nên Kitô hữu, vì những người đem Kitô giáo đến với dân tộc ông - người Anh - lại chính là những người đang nô lệ hóa dân tộc ông, đàn áp dân tộc ông một cách dã man. Ông không thể tin rằng dân Ấn Ðộ hiền lành của ông cứ phải gia nhập cái đạo của những người đang quàng ách nô lệ lên dân tộc ông thì mới được cứu rỗi. Nếu những kẻ nô lệ hóa dân tộc ông một cách bỉ ổi mà được Thượng Ðế thưởng công chỉ vì họ là người Kitô hữu, đang khi dân tộc hiền hòa của ông lại bị phạt chỉ vì không phải là Kitô hữu, thì một vị Thượng Ðế như thế không thể chấp nhận được! Cũng vậy, biết bao người như Gandhi rất mộ mến Ðức Giêsu, nhưng cứ nhìn thấy cách sống của những người Kitô hữu chung quanh họ, là họ cảm thấy chẳng cần phải vào Kitô giáo làm gì. Vì người Kitô hữu nói chung cũng chẳng hơn gì họ: cũng ích kỷ, cũng ăn gian nói dối, cũng gây bất công, cũng lặng im trước bất công, cũng vô cảm và vô trách nhiệm trước những tội ác trong xã hội, cũng sống chẳng có tình nghĩa bao nhiêu. Làm sao họ có thể tin được những người chẳng tốt hơn họ, đôi khi kém họ lại được Thiên Chúa ân thưởng chỉ vì là Kitô hữu, còn họ cũng sống như vậy thậm chí tốt hơn thì lại bị phạt. Chẳng lẽ chúng ta lại giới thiệu với họ một Thiên Chúa bất công và vô lý như vậy qua cách sống của chúng ta? Trong thời đại mà giới trẻ chịu ảnh hưởng của tinh thần khoa học như hiện nay, nếu các Kitô hữu chỉ biết «loan báo» chứ không biết «làm chứng» bằng đời sống hạnh phúc vì Tin Mừng, bằng cái tâm yêu thương được thể hiện ra thành những hành động cụ thể, thì việc «loan báo» của chúng ta sẽ chỉ là «xôi hỏng, bỏng không» (= xôi thì hỏng, mà bỏng cũng hỏng luôn). Vài hàng chia sẻ với tất cả chân thành.Kính
|