Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B |
LÀM CHỨNG |
SƯU TẦM |
Việc Chúa sống lại không phải là một chuyện bịa đặt, một chuyện hoang đường, nhưng đây là một sự kiện lịch sử, vì có những chứng nhân bằng tai bằng mắt: lịch sử đã ghi lại việc Chúa chết thật và được tẩm liệm đàng hoàng, lịch sử đã ghi lại ngày Chúa Phục sinh, các thân hữu và cả những kẻ thù đã thấy mộ Chúa trống rỗng, lịch sử đã ghi lại sau khi Phục sinh, Chúa đã hiện ra nhiều lần. Nếu muốn biết chắc chắn, rõ ràng những điều đó, chúng ta hãy mở sách Tin Mừng, đọc kỹ đoạn 28 của thánh Matthêu, đoạn 16 của thánh Marcô, đoạn 14 của thánh Luca và đoạn 20 của thánh Gioan. Tất cả bốn thánh sử này cùng quả quyết: Chúa đã chết trên thập giá, đã được tháo xác xuống tẩm liệm, đã được táng trong mộ và trước cửa mộ được che bằng một tảng đá lớn, rồi tất cả đều quả quyết: ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Chúa nhật, Chúa đã sống lại. Quả thực, Chúa Giêsu chết vào chiều Thứ Sáu, và ngày thứ bảy cuối tuần qua đi, rồi đến sáng sớm ngày đầu tuần lễ tiếp theo, tức là ngày thứ ba kể từ hôm Chúa chết, người ta phát hiện ngôi mộ của Ngài trống rỗng, xác Ngài không còn trong đó, ai cũng tưởng thi hài Chúa đã bị đánh cắp, kể cả các môn đệ của Ngài cũng nghĩ như thế, nhưng chính hôm ấy, Chúa đã đến gặp các ông khiến các ông sửng sốt và sợ hãi, không tin nổi là Chúa đã sống lại. Nhưng sự thực là như vậy, các ông đã nhìn thấy tận mắt và sờ tận tay thân xác Phục sinh của Chúa, chẳng hạn như câu chuyện kể lại trong bài Tin Mừng. Trong khi các môn đệ còn đang hoang mang, lo lắng, tụ họp nhau trong phòng đóng kín, bàn tán về những chuyện đã xảy ra và đang xảy ra xoay quanh vấn đề Chúa chết và hiện ra với các phụ nữ và bà Maria Mađalêna vào sáng sớm hôm nay, tức là sáng sớm Chúa nhật Phục sinh, thì Chúa Giêsu hiện ra, đứng giữa các ông và chúc bình an cho các ông. Các ông hoảng hốt, sợ hãi, tưởng là ma. Cảnh Chúa hiện ra này không khác gì cảnh một thủ lãnh trước các đảng viên phản bội và đào ngũ, thế mà không một lời than phiền, không một lời trách móc, ngay cả một lời bóng gió ám chỉ sự hèn nhát của các ông cũng không nốt, Chúa vẫn chúc lành cho các ông. Hơn nữa, Chúa còn làm mọi cách để giúp các ông tin chắc là Ngài đã sống lại, Ngài đang ở giữa các ông, đó là ba bằng chứng sau: Trước hết, Chúa thuyết phục các ông bằng cách cho các ông nhìn xem tay và chân Ngài còn mang vết đinh để các ông thấy đúng là Ngài đang đứng trước các ông chứ không phải ai khác, rồi Chúa còn bảo các ông sờ vào thân thể Ngài và nhìn cho kỹ để thấy rằng Ngài không phải là ma quái hiện hình hay là do ảo tưởng của các ông. Tiếp đến, Chúa đã đưa thêm bằng chứng để thuyết phục các ông. Ngài hỏi các ông có gì ăn không? Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng, Ngài cầm lấy và ăn ngon lành trước mắt các ông. Với cử chỉ này, Ngài muốn họ tin chắc rằng: Ngài không phải là ma hiện hình. Sau cùng, Chúa thuyết phục các ông bằng một bằng chứng khác nữa, đó là lời Sách Thánh, Chúa nhắc lại cho các ông nhớ Sách Thánh đã báo trước: “Đức Kitô phải chịu đau khổ và chết nhục nhã, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại”. Thế nghĩa là những lời Sách Thánh đã nói đều ứng nghiệm nơi Ngài. Sau khi đã đưa ra tất cả những bằng chứng cần thiết chứng minh Ngài đã sống lại thật sự, Chúa bảo các ông hãy đi làm chứng về tất cả những điều ấy cho mọi người. Như vậy, các tông đồ, các môn đệ đã có kinh nghiệm bản thân về cuộc đời cũng như về mầu nhiệm Phục sinh của Chúa, nên các ông là những chứng nhân đầu tiên và chắc chắn về Chúa, nên Chúa bảo các ông hãy làm chứng về những điều ấy, tức là việc làm của Ngài đã hoàn tất, bây giờ đến lượt các ông phải nối gót Ngài hoàn thành công tác cứu chuộc nhân loại. Nhân loại cần được nghe biết và tin vào Chúa để đạt ơn cứu độ, các môn đệ phải làm chuyện đó và lịch sử đã cho thấy các ông đã thực thi vượt mức vai trò chứng nhân ấy. Từ đó đến nay, luôn có những lớp chứng nhân mới, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin Mừng và làm chứng Chúa đã chết và sống lại. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta không tin Chúa đã chết và sống lại vì chúng ta thì chúng ta không phải là Kitô hữu, và một khi chúng ta đã tin thì đồng thời chúng ta phải loan báo cho người khác niềm tin đó nữa, đó là mục đích và lý tưởng cuộc đời Kitô hữu của chúng ta. Nói rõ hơn, chúng ta phải rao giảng và làm chứng cho Chúa, bằng cách đem tinh thần đức tin vào trong ý tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta và đem tinh thần Tin Mừng vào mọi dịch vụ, mọi công tác của chúng ta, tức là phải đem tinh thần đức tin, tinh thần Tin Mừng vào trong cuộc sống qua những việc làm hàng ngày, qua nghề nghiệp, qua các giao tiếp với người khác, và qua cả những lúc vui chơi, giải trí. Nói tóm lại, chúng ta phải làm chứng cho Chúa, cho đạo bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người, một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, chúng ta cần thuyết phục những người chưa có đạo, những người không hiểu về chính nghĩa của đạo bằng chính đời sống tốt đẹp, dù chúng ta không nói hay chưa làm gì cả. Xin mỗi người hãy suy nghĩ: đời sống chúng ta hiện nay có làm chứng cho Chúa và cho đạo không? |