Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B |
CHÚA HIỆN RA VỚI CÁC TÔNG ĐỒ |
R. Gutzwiller |
Trình thuật này gợi lên cho ta 3 ý tưởng: 1) Sự kiện Phục sinh Chúa bỗng hiện ra đứng giữa các tông đồ. Họ lại khiếp đảm kinh sợ và không thể nào chấp nhận nổi sự kiện, mặc dù họ đã được sứ điệp của các bà, của Simon báo trước, và rồi của hai môn đệ đi thành Emmau nữa. Họ không thể hiểu nổi sự kiện xảy ra đến nỗi Chúa Giêsu phải chính thức nhấn mạnh: ‘Hãy coi tay Ta, chân Ta, chính là Ta đó: Hãy rờ nắn mà xem, ma nào lại có thịt xương như anh em thấy Ta đây’. Và hình như họ còn không tin và không dám nhìn thẳng vào thực tế trước mắt, nên Ngài hỏi ‘Ở đây các anh em có gì ăn không?’ Và Ngài đã ăn trước mắt họ. Khi ấy họ không nghi ngờ nữa. Ngài đó, Ngài đứng đó với xác thịt rành rành. Sự Ngài Phục sinh không chỉ là sự sống lại thiêng liêng mà thôi, nhưng còn là sự sống lại thể xác nữa. Hơn thế nữa, những lời ‘Ngài cho họ nhìn xem tay chân Ngài’ cũng như Ngài nói: ‘Hãy coi tay Ta, chân Ta, chính là Ta đó’ chứng tỏ rõ ràng rằng sau khi sống lại, những dấu của cuộc khổ nạn vẫn còn y nguyên. Vậy Đấng chịu khổ nạn đã sống lại với xác thân của Ngài. Khải huyền thơ nói Chúa biến hình dưới dạng một ‘con chiên bị đem đi sát tế’. Những dấu tích cho thấy rằng thân thể Ngài là thân thể của một tế vật và sự Phục sinh là hoàn tất hy tế đó. Đấy không phải là một biến cố lịch sử đơn giản, xảy ra trong một vài khoảnh khắc, nhưng là một biến cố lâu dài, bền bỉ, để lại kết quả lâu dài qua dòng thời gian. 2) Ý nghĩa Phục sinh ‘Đức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba sống lại từ cõi chết, rồi phải nhân danh Ngài rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi –khởi từ Giêrusalem’. Đấng chịu đóng đinh và Phục sinh sẽ là Đấng mà lề luật, các tiên tri và thánh vịnh đã hứa. Biến cố daỳ vò các tông đồ không phải là cái gì khác hơn là sự thực hiện chương trình vĩ đại về việc cứu độ của Thiên Chúa. Được phác hoạ trong Cựu ước và hoàn thành trong Tân ước. Đường dây nối mọi sách thánh lại là Đấng Messia đến, hành động, hy sinh. Và kết quả riêng tức ý nghĩa sâu xa nhất là sự thứ tha tội lỗi cho mọi dân moị nước. Phổ quát tính của ơn cứu độ, ý nghĩa bao quát của hy sinh thập giá được diễn tả qua những lời đó. Hy sinh thập giá là hy tế đem lại ơn cứu chuộc. Và Đấng Thiên Sai khi hoàn tất hy tế ấy đã trở nên ơn cứu độ cho Israel cũng như cho cả nhân loại. 3) Loan báo Phục sinh ‘Các anh em là những chứng nhân về điều đó’. Sứ điệp Kitô giáo không phải là một ý tưởng sáng tạo một sáng kiến độc đáo chi phối những khám phá mới, cũng không phải là việc tìm kiếm các chân lý, nhưng chính là xác quyết sự kiện: Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Kitô giáo trước hết là một biến cố, rồi từ biến cố ấy thành lịch sử. Và lịch sử đó không tường thuật lại những hoạt động của loài người nhưng là những hoạt động của Thiên Chúa, nhất là sự hy sinh, của một vị Thiên Chúa nhập thể, đem ơn cứu chuộc đến cho mọi dân tộc. Loan truyền sứ điệp ấy có nghĩa là chứng thực biến cố ấy, vững lập trường về sự kiện ấy. Đó là làm chứng bằng lời nói, bằng đời sống và có khi phải bằng máu nữa. Đã làm chứng được như vậy, con người phải đón nhận sức mạnh Thánh Thần Thiên Chúa ‘Ta sắp sai đến trên anh em, điều Cha Ta đã hứa’. Chính Chúa Thánh Linh là chứng tá đích thực. Ngài sẽ làm chứng trong các tâm hồn bằng đức tin bên trong, còn con người làm chứng bên ngoài bằng việc rao giảng. Bởi thế, sự Phục sinh của Chúa Kitô là nội dung chính cốt của sứ điệp Kitô giáo qua các lời giảng dạy của các tông đồ cũng như qua sách công vụ và các thơ, đứng trước biến cố trọng đại ấy, tất cả đều phai nhòa đi hết. Việc rao giảng Kitô giáo không phải là trình bày các qui luật luân lý, giảng giải các chân lý giáo điều hoặc trình bày cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng sự rao giảng ấy trước hết là một khẳng định rõ về cái chết và sự Phục sinh của Chúa, vì đó là những yếu tố trung tâm của lịch sử ơn cứu độ. |