Chúa Nhật Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời
THÁNG BÁO HIẾU

                            Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC.

Thưa anh chị em,

Mỗi năm khi bước vào tháng 11, nhìn lại thấy thời gian trôi qua rất mau, chỉ còn .... ngày nữa là chúng ta bước sang năm Phụng vụ mới; rồi còn hơn một tháng nữa là chúng ta bước sang năm mới, thêm một tuổi nữa là gần đến nấm mồ một bước.

 Rồi nhìn vào thời tiết của mùa Đông, chúng ta thấy có những cơn mưa bão thổi về, bầu trời thì ảm đạm, vài loại cây lá vàng rụng xuống, những hiện tượng ấy, làm chúng ta cảm thấy bùi ngùi buồn thảm.

Có lẽ đó cũng chính là lý do mà Giáo Hội đã chọn tháng 11 trong mùa đông này, để giúp chúng ta có dịp dừng lại, như một lời nhắc nhở “uống nước nhớ nguồn; ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chúng ta nhớ về những người đã ra đi “Như cây có cội như nước có nguồn; con người có tổ có tông”; Đồng thời, cũng là một dịp dừng lại, để chúng ta chạnh nghĩ “như một cõi đi về” của kiếp nhân sinh.

Anh chị em thân mến,                                                                          

Sống ở đời, được thương, được nhớ, được quan tâm là nhu cầu thiết yếu của mọi người. Thật vậy, người trộm lành cùng bị đóng với Chúa trên thập giá, anh không xin Chúa tha tội, cũng chẳng xin Chúa làm phép lạ cho anh xuống khỏi thập giá, nhưng anh chỉ xin Chúa một điều đó là: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Mẹ Mônica trên gường hấp hối cũng nhắn nhủ người con thân yêu của mình là Âugustinô như sau: “Con ơi! Mai ngày mẹ chết con chôn mẹ ở đâu cũng được, nhưng mẹ xin con một điều, là hãy nhớ đến mẹ mỗi khi con bước đến bàn thánh”.

Thế thì, khi những thân chúng ta được Chúa gọi về chắc chắn họ cũng khát mong một điều duy nhất ở nơi chúng ta đó là: Hãy nhớ đến họ. Tại sao vậy? Thưa bởi vì Giáo lý Giáo hội Công Giáo số 1030 dạy rằng: “Những tín hữu dù chết trong ơn nghĩa Chúa, vẫn phải chịu thanh luyện sau khi chết, đây là cuộc thanh tẩy cuối cùng để xứng đáng bước vào thiên đàng”.

Vì thế, với thân phận con người “nhân vô thập toàn”, làm sao tránh khỏi những va vấp, những thiếu sót. Giờ đây họ phải chịu thanh tẩy ở nơi ngưỡng cửa hi vọng. Nơi chốn này, từng giây từng phút, họ chịu lửa hồng nung nấu, lửa khao khát hưởng thánh nhan Chúa, lửa thanh luyện vì những lầm lỗi do tính yếu đuối của kiếp nhân sinh. Vì họ không còn khả năng lập công cho mình nữa, cho nên, từng giây từng phút, họ trông chờ chúng ta nhớ đến họ là như thế.  Việc tưởng nhớ các linh hồn mang nhiều ý nghĩa.

1. Tưởng nhớ để biết ơn

 Thế giới chúng ta đang sống hôm nay sẽ ra sao, nếu không có các bậc tiền nhân đi trước chúng ta. Nếu không có ông bà cha mẹ, thì chắc chắn chúng ta không có mặt trên trần gian này. Nếu ông bà tổ tiên không truyền lại đức tin, thì làm sao ngày hôm nay chúng ta nhận biết thờ phượng kính mến Chúa.

 Như vậy, các ngài làm nên đời chúng ta. Các ngài xây dựng đất nước cho chúng ta. Các ngài truyền lại cho chúng ta một di sản cao quí đó là đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Vì thế, tưởng nhớ đến các ngài để biết ơn. Cầu nguyện cho các ngài là một việc làm hợp lý, là thực hành giới răn thứ tư mà Thiên Chúa đòi buộc.

2. Tưởng nhớ để cầu nguyện

 Sách GLCG Giáo hội dạy chúng ta dùng những phương thế như: Đọc kinh, lần hạt, ăn chay hãm mình, bố thí, nhường ân xá, nhất là xin lễ và dâng lễ cầu cho các linh hồn ấy.

Công đồng Trentô dạy: “Các tín hữu còn sống có thể cầu nguyện cứu giúp các linh hồn luyện tội, nhưng lời cầu nguyện giá trị nhất chính là Thánh lễ Misa ”.

Thánh Gioankim khẩu nói rằng: “Khi Thánh lễ Misa cử hành trên trần gian, thì Chúa sai các thánh xuống mở cửa luyện ngục ”.

Khi chúng ta cầu hồn xin lễ cho ông bà cha mẹ, là chúng ta thực thi điều răn thứ bốn Chúa dạy. Rồi ngay từ xa xưa sách Huấn ca chương 3 có viết: Ai trọng kính cha sẽ được xoá bỏ lỗi lầm; ai thảo kính mẹ thì như người tích trữ kho báu trên trời.

Trong thư Êphêsô chương 6, thánh Phaolô tông đồ có nhắn nhủ: Đạo làm con phải thảo hiếu với cha với mẹ, đó là điều răn Chúa kèm theo lời hứa.

Cuối cùng, Giáo lý Giáo hội Công Giáo số 1032 dạy rằng: “ Ngay từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo. Giáo hội lữ hành đã kêu gọi hãy tưởng nhớ những người quá cố. Việc cầu nguyện cho những người quá cố được ơn giải thoát, là việc làm lành thánh”. Và đây cũng là việc thi hành đức bác ái mang giá trị cao nhất.

3. Tưởng nhớ để biết mình

Biết mình không thể lột da sống mãi trên trần gian này. Bởi vì “Sinh lão bệnh tử là kiếp nhân sinh”. Càng sống lâu càng gần cái chết hơn. Ngay khi chúng ta đang sống, những dấu hiệu của sự chết cũng đã đến. Chẳng hạn như: Những tế bào chết hết lớp này đến lớp khác. Rồi tóc rụng, mắt mờ, răng rụng, lưng đau, mỏi gối, chân run và cuối cùng là hơi thở, tất cả lần lượt từ bỏ chúng ta,

 Cái chết không ai tránh khỏi. Biết bao người tài giỏi giờ đây đã nằm dưới lòng đất lạnh. Biết bao lãnh chúa hùng cường làm nghiêng trời lệch đất, giờ đây chỉ còn là nắm xương khô. Hiểu như thế, chúng ta sẽ tránh được nhiều sai lầm trong cuộc sống. Hiểu như thế, chúng ta sẽ biết chuẩn bị cái chết cho tốt đẹp.

Anh chị em thân mến,

Với lòng biết ơn cùng với lòng hiếu thảo, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các đẳng linh hồn, nếu còn những va vấp, những thiếu sót nào cần phải thanh luyện, hay đền trả, thì nhờ Thánh lễ chúng ta dâng, và nhờ giá Máu cứu chuộc của Chúa Giêsu, xin Chúa thương thanh tẩy các linh hồn. Cùng với lời bầu cử của Mẹ Maria, Nữ Vương các linh hồn luyện tội, cầu xin lòng thương xót Chúa xoá sạch mọi lỗi lầm, để các linh hồn được mau về hưởng thánh nhan Chúa.  Amen.