Chúa Nhật Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời |
LỄ CÁC LINH HỒN (2 tháng 11) |
Lm. Giuse Trần Việt Hùng |
Đời sống con người giống như lữ hành trên một chuyến xe lửa với những
trạm dừng và thay đổi tuyến đường. Khi sinh ra, cùng với cha mẹ chúng ta
bước lên xe lửa. Mong rằng cha mẹ chúng ta sẽ cùng đồng hành bên cạnh.
Tuy nhiên, tới một trạm nào đó, cha mẹ phải xuống khỏi xe lửa và rời
chúng ta đi trong đơn côi. Các trạm kế tiếp, có nhiều người bước lên xe
lửa. Họ là bạn bè, anh chị em, thân hữu và cả người yêu trong đời. Xe
tiếp tục chạy, sẽ có nhiều người ra khỏi xe và để lại chỗ trống. Có
những người ra đi không ai chú ý và chúng ta cũng chẳng mấy quan tâm là
họ vắng mặt lúc nào. Trên tuyến xe lửa cuộc đời có nhiều niềm vui, hy
vọng, mong chờ, tiếng chào hỏi, tiếng cười, nỗi buồn và rồi chia tay.
Sống ý nghĩa là có được tình liên đới hài hòa với tất cả mọi người…đòi
hỏi chúng ta cống hiến điều tốt nhất của chính chúng ta. Nhiệm mầu của
đời sống là chúng ta không biết trạm nào mình sẽ xuống. Bởi thế, chúng
ta hãy sống tốt lành, yêu thương và biết tha thứ. Thật là quan trọng,
chúng ta nên thực hiện những gì tốt nhất trong đời sống. Khi thời điểm
phải ra đi, chúng ta nên để lại những kỷ niệm và ấn tượng thật đẹp cho
những ai sẽ tiếp tục cuộc hành trình.
Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta cơ hội để kính nhớ tổ tiên và cầu nguyện
cho các Đẳng linh hồn. Uống nước nhớ nguồn. Xin lễ, cầu nguyện, kính
viếng và thương nhớ đến những linh hồn đã ra đi trước chúng ta là một
nghĩa cử thảo kính, báo hiếu và biết ơn. Ai ai trong chúng ta cũng có
những người thân, thành viên trong gia đình, họ hàng, thân hữu và các ân
nhân đã qua đời. Có biết bao nhiêu thành viên trong cùng một niềm tin mà
chúng ta không biết. Chúng ta cũng chẳng thể nào kể hết ông bà tổ tiên
của chúng ta bao đời đã qua. Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống
hình ảnh của Chúa, nên mọi người xưa nay còn sống cũng như đã qua đời,
đều có sự liên hệ tông giống nhân loại. Chúng ta biết rằng mọi người,
không phân biệt, đều là loài thụ tạo cao quý có hồn và xác.
Khi lìa đời, thân xác của con người là vật chất, nên sẽ bị tan rữa và
trở về cát bụi. Còn linh hồn thiêng liêng không thể tan biến. Sách Khôn
Ngoan đã diễn tả: Linh hồn người
công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được
nữa (Kn 3, 1). Thân xác con người đều tan rữa hư nát giống nhau. Chỉ
có linh hồn còn hiện hữu trong thế giới vô hình.
Đích cùng, linh hồn người
công chính và linh hồn kẻ bất lương sẽ không giống nhau. Linh hồn người
công chính ở trong tay Chúa. Đây là chìa khóa của đời sống tâm linh con
người trên trần thế. Có sự khác biệt vô cùng lớn lao trong cuộc sống
ngày sau, giữa người thánh và ác nhân. Chúng ta nhớ dụ ngôn ông nhà giầu
và Ladarô nghèo khó, sau khi cả hai cùng chết, số phận mỗi người một
khác. Ông Abraham đáp lời ông nhà giầu đang bị khổ đau:
Giữa chúng ta đây và các con đã
có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua các con cũng không được,
mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được (Lc 16, 26). Mọi
người được sinh ra cùng lữ hành, nhưng khác nhau nơi điểm đến sau cùng.
Có người sẽ đến được bến bờ hạnh phúc và có kẻ sẽ chịu hình khổ đời đời.
Người khôn ngoan là người biết dự liệu cho mình hành trang đi về cuộc
sống mai hậu. Nếu cứ mải mê tìm kiếm những thú vui trần đời, chúng ta sẽ
dễ bị lạc vào mê hồn trận và tương lai không biết đi về đâu. Không phải
chúng ta chờ đến giây phút cuối đời, rồi cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy
Chúa…mà được vào nước trời”. Chúng ta phải thực hành thánh ý Chúa Cha.
Có nghĩa là chúng ta phải phấn đấu trong gian khổ, tu luyện, trau dồi
đức hạnh, tuân giữ các giới răn và cần được thanh luyện. Tác giả sách
Khôn Ngoan dạy rằng: Thiên Chúa
đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa và đón nhận họ như
của lễ toàn thiêu (Kn 3, 6). Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta đã nhận
lãnh hạt giống đức tin. Chúng ta đã cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta sẽ
cùng được sống lại với Người.
Truyện kể: Có một bé trai cứ khóc
ròng trong lớp học. Cô giáo hỏi: Điều gì làm em buồn khổ thế. Cậu bé trả
lời rằng em gái của cậu đã chết, bởi vì người ta đã chôn em dưới nấm mồ
và đã lấp đất lại rồi. Cô giáo dẫn bé trai tới chỗ cửa sổ, nơi đó có một
số bình đựng đất xốp. Vài tuần trước, các em đã gieo những hạt giống
trong đất. Cô giáo giải thích rằng các hạt gieo xuống sẽ không giữ
nguyên vẹn. Các hạt giống được trồng trong đất và sau một ít ngày, các
hạt này sẽ nẩy mầm, lớn lên thành cây và trổ hoa. Đó là ý nghĩa mà các
hạt giống sẽ biến đổi. Cô giáo lấy ngón tay moi một hạt giống dưới đất
xốp, hạt đã bắt đầu nẩy mầm non và mọc thêm rễ. Cô giáo giải thích: Hạt
giống không chết. Nó đang thay đổi và bây giờ đang trong tiến trình biến
đổi rất ý nghĩa.
Trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đã hứa với các môn đệ:
Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ
ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em
(Ga 14, 2). Lời của Chúa Giêsu là lời quyền năng chân thật và là bảo
chứng cho niềm tin của chúng ta. Đây không phải là lời hứa xuông, mà là
một sự xác tín cho những ai đang mong đợi ngày Chúa đến. Chúa Giêsu đã
cầu nguyện cùng với Cha của Ngài:
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con
cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà
Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương Con trước khi thế gian được tạo
thành (Ga 17, 24). Đây là chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Mọi
loài thụ tạo đều có cùng đích để hướng tới. Đặc biệt đối với con người,
Thiên Chúa đã muốn chia sẻ tình yêu và hạnh phúc viên mãn. Khởi đầu thơ
gởi Do-thái, tác giả viết: Thuở
xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dậy cha ông chúng ta
qua ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta
qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đặt Người làm
Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1, 1-2).
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về ý nghĩa và sứ mệnh làm người.
Trong cuộc lữ hành hướng tới cùng đích là Nước Trời. Chúa Giêsu đã mở
cửa Nước Trời ngay tại thế để mời gọi chúng ta gia nhập bước vào. Con
đường vào Nước Trời là con đường hẹp. Con đường Chúa đã đi qua. Chúng ta
hãy bước theo gót chân và đi theo lối bước của Chúa. Chúa là ánh sáng đã
đến trong thế gian, ánh sáng soi dọi vào đêm tối để dẫn dắt chúng ta tới
nguồn sáng thật. Chính Chúa Kitô đã ban cho chúng ta lời hằng sống, bánh
trường sinh và sự sống thật. Ngài đã chiến thắng tử thần và sống lại
vinh quang. Chúa đã chết vì tội lỗi của chúng ta để ban lại cho chúng ta
sự sống muôn đời. Thánh Phaolô viết:
Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng
ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên
Chúa yêu thương chúng ta (Rm 5, 8). Tất cả chỉ vì tình yêu, cả công
trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa. Chúa đã chết cho tình yêu để chúng
ta được giao hòa với Thiên Chúa:
Chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa (Rm 5, 11).
Lạy Chúa, cuộc sống này thay đổi chứ không mất đi. Chết không phải là
hết, mà là bắt đầu một cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Xin cho chúng con
biết quý trọng sự sống đời này và chuẩn bị hành trang cho đời sống mai
hậu. Chúng con cầu xin cho tất cả các linh hồn đã qua đời được chung
hưởng hạnh phúc qua lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Chúng con cậy vì danh
Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy
mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng.
Bronx, New York |