Chúa Nhật Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời
VINH QUANG CHUNG CUỘC
Suy niệm của Lm Inhaxiô Hồ Thông

Thiên Chúa sẽ tiếp đón những tôi tớ trung tín của Ngài ngoài sức tưởng tượng của con người: Ngài đích thân phục vụ họ.

Kể từ thế kỷ thứ năm, các thánh lễ  cầu cho các tín hữu qua đời đã được chứng thực rồi. Vào cuối thế kỷ thứ mười, năm 998, Đan Viện Phụ tu viện Cluny là thánh Ô-đi-lô ấn định ngày lễ này vào ngày 2 tháng 11 hằng năm để đặc biệt tưởng nhớ những người trong dòng và các ân nhân của dòng đã qua đời, một ngày sau lễ Mừng Kính Các Thánh Nam Nữ. Lễ này được phổ biến nhanh chóng khắp toàn thể Giáo Hội. Hai ngày lễ song đôi này đặt các thánh nam nữ và những tín hữu qua đời vào trong cùng ánh sáng. Người Ki-tô hữu chủ ý phối hợp hai ngày lễ để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những thân nhân đã qua đời và  thăm viếng các nghĩa địa.

Kn 2: 1…3: 9

Sách Khôn Ngoan khẳng định rõ nét nhất số phận bất tử và hạnh phúc của những người công chính: họ được hưởng một cuộc sống bình an và mật thiết với Thiên Chúa; họ sẽ được tôn vinh vào ngày Chung Thẩm.

1Ga 3: 14-20

Thư thứ nhất của thánh Gioan vạch cho chúng ta một lộ trình từ cõi chết bước vào cõi sống, đó là thực thi đức ái cho đến mức hiến mạng sống mình vì anh em theo gương Chúa Giê-su.

Lc 12: 35-45

Tin Mừng hôm mạc khải một chi tiết đáng kinh ngạc. Thiên Chúa sẽ tiếp đón những tôi tớ trung tín của Ngài ngoài sức tưởng tượng của con người: Ngài đích thân phục vụ họ.

BÀI ĐỌC I (Kn 2: 1…3: 9)

Những khẳng định của sách Khôn Ngoan đánh dấu một khúc quanh quan trọng về cuộc sống mai sau của con người. Chúng kết thúc thời gian dài các nhà tư tưởng Do thái do dự về số phận của những người công chính ở bên kia nấm mồ. Vấn đề thưởng phạt thường được nêu lên suốt nhiều thế kỷ mà không có giải pháp thỏa đáng nào.

1. Tiến trình phát triển quan niệm Cựu Ước về sự sống lại:

Trong lịch sử dài nầy, tư tưởng chiếm ưu thế đó là “nhân quả”: “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặp bảo” ngay trong cuộc đời tại thế. Người công chính vui hưởng những hoa quả công đức của mình như phúc, lộc, thọ, trong khi bọn ác nhân không sớm thì muộn sẽ phải đón nhận những tai ương hoạn nạn: lưới trời lồng lộng, không ai có thể thoát được. Quan niệm về thưởng phạt ngay từ cõi đời nầy phát xuất từ một niềm tin quá bi quan và yếm thế về cuộc sống mai hậu. Tất cả mọi người, dù thiện hay ác, khi từ giả cõi đời nầy đều cùng chung một số phận, bị giam cầm trong cõi Âm Ty, ở đó không còn gì ngoài bóng tối âm u.

Nhưng kinh nghiệm thường ngày: “những đều trong thấy mà đau đớn lòng”, cực lực phản bác viễn cảnh thưởng phạt ngay từ cuộc đời trần thế nầy. Sách Gióp (khoảng thế kỷ thứ 6-5 BC) xao xuyến nêu lên vấn đề “họa vô đơn chí” giáng xuống trên người công chính. Quả thật, các ngôn sứ đã tuyên xưng rằng số phận của người công chính khác với bọn ác tâm ở bên kia nấm mồ. Các thánh vịnh gia công bố rằng người công chính sẽ được hưởng phúc vinh hiển trước Nhan Thiên Chúa muôn đời (Tv 16, 17, 49, 73).

Tiếp đó, niềm tin vào kẻ chết sống lại vào ngày chung thẩm xuất hiện. Vào thời vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê bách hại dân Do thái ở Palestine thật khủng khiếp, những người tử đạo chết trong khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một cuộc sống mai hậu (2Mcb 7: 1-38).

Tác giả sách Khôn Ngoan còn đi xa hơn nữa. Ông thấy niềm tin của người Hy lạp vào sự bất tử của linh hồn như một sự củng cố cho niềm hy vọng vào sự sống lại mai hậu của dân Do thái, dù vẫn còn tiềm tàng hay rụt rè. Nhưng ông cũng nhận ra rằng tư tường Hy lạp nầy không hoàn toàn tương xứng với tư tưởng kinh thánh. Quả thật, người Hy lạp đề cao linh hồn đến mức xem thường thân xác như một thứ hình hài tạm bợ, đáng khinh bĩ, mãi mãi sẽ bị vứt bỏ sau khi chết.

2. Quan niệm sai lầm về con người

Trước hết, tác giả sách Khôn Ngoan phản bác quan niệm duy vật sai lầm về con người: sinh ra là một sự ngẫu nhiên, sống chỉ là cho qua ngày đoạn tháng. Khi hơi thở biến mất, cuộc sống tan biến như mây khói; tư tưởng như ngọn lửa bên trong vụt tắt, thân xác chỉ còn tro bụi. Theo quan niệm duy vật nầy, không có chỗ nào được dành cho Đấng Tạo Hóa và Quan Phòng của Ngài.

Sách Khôn Ngoan được viết vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên ở Alexandrie cho những đồng bào của mình, họ đang bị cám dỗ bởi những sức hấp dẫn của nền văn minh ngoại giáo chung quanh. Số lượng người bội giáo (tác giả gọi “quân vô đạo”) đáng lo ngại. Theo tác giả, uy thế của triết học và các tôn giáo khác, dù hệ thống học thuyết có mê hoặc lòng người đến đâu đi nữa, cũng không thể nào biết được sự hiện hữu của một Thiên Chúa ngôi vị, Đấng có một kế hoạch riêng biệt cho con người và là một Thiên Chúa tình yêu. Đối lập với quan niệm vô tri và duy vật nầy, tác giả mô tả quan niệm đích thật về con người mà Thiên Chúa đã mặc khải.

3. Quan niệm đích thật về con người

Ở trung tâm tiến trình lập luận của mình, tác giả đã đặt mặc khải thiết yếu nhất liên quan đến con người: “Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (2: 23) như chúng ta đọc thấy trong sách Sáng Thế: “Thiên Chúa làm ra con người theo hình ảnh Ngài, giống như Ngài” (St 1: 26). Vì thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất tử. Từ đó, tác giả khai triển những viễn cảnh vinh quang đang chờ đợi những người đức hạnh vẹn toàn, sống một đời thánh thiện: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa; họ đang hưởng an bình”.

Tất cả những khai triển nầy mang đậm nét kinh thánh, đặc biệt được gợi hứng từ các chương đầu tiên của sách Sáng Thế, không liên hệ gì đến triết học của Platon. Lập luận chủ yếu của tác giả căn cứ trên Mặc Khải. “Linh hồn” mà tác giả nói đến ở đây không là linh hồn bất tử ở trong một thân xác hủy hoại theo Nhị Nguyên Thuyết Hy lạp, nhưng là nephesh, “sinh khí của Thiên Chúa” (St 2: 7).

Từ nay, vấn đề sự chết và đau khổ được soi sáng. Cái chết không còn là án phạt nữa nhưng là ngưỡng cửa bước vào cõi trường sinh bất tử. Đau khổ là một sự thử thách như “lửa thử vàng, gian nan thử đức” nhằm tôi luyện cuộc đời của các tôi trung của Thiên Chúa thành“của lễ toàn thiêu”

4. Vinh quang chung cuộc

“Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy”.

“Thiên Chúa viếng thăm” là diễn ngữ kinh thánh, tức là một sự can thiệp chứa chan ân tình của Thiên Chúa như trong những lời trăn trối sau cùng của tổ phụ Giu-se cho các anh em mình: “Thế nào Thiên Chúa cũng viếng thăm anh em” (St 50: 24), nghĩa là Ngài sẽ ban cho anh em muôn vàn ân phúc của Ngài. Tác giả sách Khôn Ngoan nhắm đến việc Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra vào thời cánh chung. Những người công chính sẽ rực sáng vinh quang, Thiên Chúa sẽ đặt họ “xét xử muôn dân và thống trị muôn nước”, nghĩa là đức hạnh của người công chính sẽ chiến thắng trên ác tâm quỷ quyệt của quân vô đạo. Chính trong chiều hướng nầy mà thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Nào anh em chẳng biết rằng dân thánh sẽ xét xử thế gian sao?” (1Cr 6: 2) và sách Khải Huyền viết: “Ai thắng và giữ cho đến cùng các việc Ta truyền, Ta sẽ ban cho người ấy quyền cai trị các dân” (Kh 2: 26).

Đức Giê-su sẽ sử dụng diễn ngữ tương tự để xác định vị thế các môn đệ Ngài trong Vương Quốc Nước Trời: “Khi Con Người ngự trên ngai vinh hiển của Ngài, các anh cũng vậy, những người đã theo Thầy, ngự trên mười hai ngai tòa để xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en”.

5. Thiên Chúa là tình yêu, ân phúc và từ tâm

Niềm hy vọng lớn lao nầy được đặt để vào tình yêu, ân phúc và từ tâm của Thiên Chúa. Chính ở nơi tình yêu, ân phúc và từ tâm nầy mà những người công chính sống.

“Những ai trông cậy vào Chúa sẽ am tường sự thật, và những ai trung thành thì được Chúa yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân huệ, và thương xót những ai được Người tuyển chọn” . Lời kết thúc của bài đọc I nầy được viết trước các sách Tin Mừng một thế kỷ, loan báo sứ điệp rất gần với sứ điệp Tin Mừng. Có một tiến trình liên tục từ Mặc Khải Cựu Ước đến Mặc Khải Tân Ước.

BÀI ĐỌC II (1Ga 3: 14-20)

Ba bức thư không đề tên tác giả được quy cho thánh Gioan. Những tương đồng về tư tưởng và hành văn của ba bức thư này với sách Tin Mừng thứ tư buộc phải chấp nhận cùng một tác giả.

1. Người nhận và đề tài:

Trong ba bức thư này, thư thứ nhất thì dài nhất và quan trọng nhất về phương diện đạo lý. Xem ra bức thư này được gởi cho các cộng đoàn miền Tiểu Á, các cộng đồng mà vị Tông Đồ bày tỏ tình phụ tử tinh thần với họ khi gọi họ một cách trìu mến: “những người con bé nhỏ”, hay “những người con thơ bé”, những người này bị những trào lưu lạc giáo tác động đến.

Trong thư này, thần học Gioan được khai triển chung quanh ba đề tài: Thiên Chúa là Tinh Yêu, Thiên Chúa là Ánh Sáng và Thiên Chúa là Đấng Công Chính. Thiên Chúa là tình yêu, vì thế chúng ta phải yêu thương nhau, được lập đi lập lại không ngừng như một điệp khúc.

2. Đức ái bằng việc làm chứ không bằng lời nói:

“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em”. Đức ái huynh đệ là bản trắc nhiệm qua đó người ta nhận ra người Ki-tô hữu, vì người Ki-tô hữu phải noi gương Đức Ki-tô, Đấng đã thí mạng vì anh em nhân loại của Ngài.

Như thánh Gia-cô-bê trong thư của ngài, thánh Gioan nhấn mạnh đức ái bằng việc làm chứ không bằng lời nói. Đức ái có cội nguồn trong tình yêu Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ở lại trong người biết yêu thương. Chúng ta gặp lại từ vựng của sách Tin Mừng thứ tư, ở đó động từ “ở lại” chất chứa toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống nội tâm trong ân sủng.

3. Yêu thương chính là đứng về phía sự thật:

“Đứng về phía sự thật”, đây đích thật cũng là lời Chúa Giê-su nói với Phi-la-tô: “Ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi” (Ga 18: 37). Sự thật không là một điều thiện hảo, mà người ta độc chiếm cho riêng mình, mà người ta có thể tuyên bố mình có quyền sở hữu. Sự thật là một điều thiện hảo siêu việt  mà người ta đồng ý đi theo. Thánh Gioan ngỏ lời với những Ki-tô hữu mà tâm trí họ đang hoang mang xao xuyến vì những ngôn sứ giả đã gieo rắc những nghi ngờ về tính chất Mê-si-a của Đức Giê-su, hay tuyên bố rằng không cần phải qua Đức Ki-tô để đến Thiên Chúa.

Tiêu chuẩn căn bản của Ki-tô giáo chính truyền là thực thi điều răn yêu thương. Ấy vậy, những kẻ truyền bá những sai lạc không có tiêu chuẩn này. Thánh Gioan vừa mới vạch mặt chỉ tên họ: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối” (1Ga 2: 9).

Chúng ta không xác định được cách hành xử của những ngôn sứ giả này, nhưng sau này chúng ta biết rằng những người ngộ thuộc đạo thuyết đã khinh bĩ đám đông tín đồ không đủ khả năng đạt đến trình độ “hiểu biết của họ”.

4. Người Ki-tô hữu hãy vững dạ an lòng:

“Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta”. Có lẽ không có bản văn nào tuyệt diệu hơn để suy niệm khi người ta suy nghĩ về cái chết, như vào ngày mồng hai tháng Mười Một này, vào ngày đó cái chết bàng bạc khắp Phụng Vụ.

Thánh Gioan muốn đọc giả của mình được an lòng vững dạ: anh em đứng về phía tình yêu và sự thật, anh em hãy an tâm. Nhưng lời khuyên của thánh nhân vượt quá trạng huống lịch sử. Lời khuyên này là một định nghĩa về cuộc sống đạo nghiêm túc của người Ki-tô hữu. Thánh Gioan không ngại khuyên tín hữu thực thi đức ái, tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, “Người biết hết mọi sự”. Khi Chúa Giê-su hỏi Phê-rô đến ba lần: “Này anh Si-mon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”. Phê-rô không trả lời gì khác ngoài: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” và lần cuối cùng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúng ta gặp thấy cùng những ngôn từ như trong thư của thánh Gioan. Người Ki-tô hữu đừng sợ và hãy phó thác vào Thiên Chúa, Ngài biết cõi thâm sâu của tâm hồn chúng ta. Đây là lời khích lệ đem lại sự vững dạ an lòng: “Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta”.

TIN MỪNG (Lc 12: 35-45)

Những lời khuyên của Chúa Giê-su hãy tỉnh thức được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật trong khung cảnh của những lời căn dặn liên quan đến ngày cánh chung và ngày Con Người ngự đến (Mt 24: 43-51; Mc 13: 35-37; Lc 21: 34-36). Thánh Lu-ca trích dẫn những lời khuyên này ngay từ bây giờ, lần thứ nhất, trong suốt giáo huấn chung của Chúa Giê-su về những phẩm chất cần phải có để được vào Nước Trời: từ bỏ mọi sự, phó thác vào ơn Quan Phòng, bán hết của cải và phải sẵn sàng luôn.

1. Tỉnh thức là bổn phận của người tôi tớ trung tín:

Tỉnh thức là hình ảnh Kinh Thánh. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sánh ví sứ mạng của mình với sứ mạng của một người canh gác (Ed 3: 17). Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị gợi lên quân canh gác trên tường thành Giê-ru-sa-lem dõi mắt trông chờ những người lưu đày hồi hương trở về: “Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Xi-on” (Is 52: 8). Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài hãy tình thức chờ đợi Ngài trở lại bất ngờ trong đêm khuya cũng theo cùng một cách như vậy. Lời mời gọi này kêu gọi đừng để đức tin ngủ mê. Đức tin là ánh sáng phải chiếu soi trong bóng tối, bóng tối của sự Ác, bóng tối của sự bất tín. Chúa Giê-su đã nhấn rất mạnh tính biểu tượng đức tin này: “Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn tỏa sáng chiếu soi anh” (Lc 11: 36).

Việc Ông Chủ trở về sẽ xảy ra trong đêm, vì cuộc trở lại này sẽ khai mạc một ngày vô cùng tận, như lời loan báo của ngôn sứ I-sai-a: “Quyết đinh của Ta, Ta sẽ công bố là ánh sáng muôn dân…Ơn cứu độ của Ta sắp xuất hiện” (Is 51: 4-5).  

2. Phần thưởng dành cho người tôi tớ trung tín:

Các ngôn sứ và các hiền nhân Cựu Ước đã biểu thị một bữa tiệc mà Thiên Chúa thiết đãi những người được tuyển chọn dưới hình ảnh niềm hoan hĩ và sự phong phú của những thiên ân (Is 25: 6-8 và 55: 1-3; Gr 31: 14; Tv 63: 6; Am 9: 13; vân vân).

Tân Ước lấy lại chiều kích biểu tượng này: Nước Trời được sánh ví với tiệc cưới (Mt 22: 2-13; Lc 14: 15-24). Vào lúc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su ám chỉ đến bàn tiệc cánh chung này: “Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26: 29).

Tuy nhiên, không bất kỳ bản văn ngôn sứ nào, không bất kỳ gợi ý của các sách minh triết nào đã tưởng tượng Thiên Chúa lại có thể đón tiếp những tớ tớ trung tín đến mức Ngài đích thân “thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến từng người mà phục vụ”. Dụ ngôn này, riêng của thánh Lu-ca, thì thật lạ lùng nhất và gợi nhiều ý tứ nhất, được đọc trong suốt phụng vụ tôn kính những tín hữu đã qua đời. Chúng ta cũng gặp thấy trong sách Khải Huyền đề tài bữa ăn trong bối cảnh cánh chung, ở đó dấu nhấn được đặt trên sự mật thiết giữa Thiên Chúa và “người chiến thắng”: “Này đây Ta đứng bên cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3: 20).