Trong ca khúc “Diễm xưa”,
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết một câu rất triết lý: “Ngày sau sỏi đá
cũng cần có nhau…”. Tại sao sỏi đá lại cần có nhau?
Có lần ghé thăm Chùa Hang
ở Long Hương, tôi tình cờ “khám phá” ra ý nghĩa những ca từ đó.
Sỏi và đá không cân xứng
nhau chút nào. Đá lớn, sỏi nhỏ. Những viên sỏi nhỏ phải cần tựa vào tảng
đá lớn chứ. Nhưng thật lạ lùng, những tảng đá dù lớn cũng cần đến những
viên đá nhỏ chèn bên dưới chân để nó vững vàng với thời gian. Đôi khi
tảng đá lớn cần điểm tựa nơi viên sỏi nhỏ để đứng vững. Một dáng đá đẹp
cũng cần những viên đá nhỏ đỡ nâng. Như thế, để tồn tại, sỏi đá cũng cần
có nhau.
“Sỏi đá cũng cần có
nhau”, phương chi là con người. Người với người sống để yêu nhau.
Người sống và người chết cũng luôn cần có nhau.
Mầu Nhiệm Hội Thánh Thông
Công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu. Tháng 11 đã về.
Người sống nhớ đến những người đã an nghĩ, hiệp thông cầu nguyện, dâng
những hy sinh hãm mình, những việc bác ái như là nghĩa cử biểu lộ lòng
yêu thương đối với người đã khuất với tình hiệp thông trong Nhiệm Thể
Chúa Kitô.
Mỗi khi dâng lễ, đọc “Kinh
nguyện Thánh Thể III”, tôi cảm nhận đây là kinh nguyện hiệp thông sâu xa
của Đại Gia Đình Hội Thánh vinh thắng, lữ hành và thanh luyện: “Lạy
Chúa, chúng con nguyện
xin Của Lễ hoà giải này đem lại bình an và cứu độ cho tất cả thế giới.
Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững
mạnh trong đức tin và đức mến, cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng
…và Đức Giám Mục… chúng con, cùng toàn thể hàng Giám Mục và giáo sĩ khắp
nơi, và tất cả dân riêng Chúa.
Xin Chúa thương nhậm
lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây. Lạy
Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về
với Cha.
Xin Cha thương đến anh
chị em chúng con đã ly trần và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông
bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã sống đẹp lòng Cha mà
nay đã lìa cõi thế. Xin thương nhận hết thảy vào nước Cha, nơi chúng con
hy vọng sẽ tới để cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, nhờ Đức
Kitô, Chúa chúng con, nhờ Người, Cha rộng ban muôn ơn lành cho thế gian. “.
Lời kinh tuyệt đẹp, trọn
vẹn trong tình yêu hiệp thông.
Giáo hội mở kho tàng ân xá
là công nghiệp của Các Thánh để nhường cho các linh hồn nơi luyện tội.
Giáo hội khuyến khích tín hữu dâng lễ, lần chuỗi, viếng thăm các nghĩa
trang, tảo mộ, cầu nguyện cho các linh hồn. Đó là sự hiệp thông trong
đức tin, trong bí tích, trong đức ái, trong cầu nguyện và là mối hiệp
thông mật thiết trong đại gia đình Giáo hội.
Trong tương quan “cũng
cần có nhau”, đặc biệt là với những người đã qua đời, Kitô hữu được
gọi là người “tận tình
với sự chết, nhiệt tình với sự sống”.
Mỗi khi thắp nén nhang
trên phần mộ người chết, nhìn theo làn khói nhẹ toả bay, ta cũng nâng
tâm hồn lên tới Chúa là nguồn sự sống.
Mỗi khi đặt bó hoa tươi
trên phần mộ người thân yêu, ta thấy được mùa xuân vĩnh cửu đang bừng
lên từ khắp những nấm mồ chung quanh.
Hương khói và những ngọn
nến lung linh. Một bầu khí tĩnh mịch trầm lắng và thánh thiện nơi nghĩa
trang. Cảnh vắng lặng của một thế giới đang tan thành bụi đất như đang
nói về sự rũ bỏ những vướng víu để đạt tới thành toàn viên mãn. Vài
người thắp nến trên phần mộ người thân thương, ánh sáng toả ra một vùng
nhỏ,toả vào ký ức nhớ những người thân đã khuất bóng.Gia đình cùng đọc
kinh rồi im lặng để hình ảnh người đã khuất hiện dần lên trong trí nhớ.
Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà, bởi hình hài thể phách vật chất không
còn nữa. Nghĩa trang là thế giới của tan rã, chỉ có bụi đất và cỏ cây.
Những người chết không còn nói năng,ăn uống,đi đứng, cảm xúc,nghĩ ngợi,
nổi niềm, không ham muốn, không lo âu, không hoạch định, không gắng sức.
Họ đã bước vào cõi đời đời sau khi đã đi qua thế giới hữu hạn. Họ trải
qua mùa đông ảm đạm của sự chết để đi vào mùa xuân vĩnh cửu của sự sống
thiên quốc. Như hạt lúa gieo xuống lòng đất tuy có bị thối đi, nhưng
chính từ trong hạt giống mục nát, một cây lúa mới mọc lên (Ga 12, 24).
Con người cũng vậy, chỉ có thể bước vào sự sống đời đời qua ngưỡng cửa
sự chết. Chết là điều kiện để triển nở và thành toàn.Chết là một sự thay
đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ sung mãn hơn. Cuộc sống đời này và
mọi sự trong đó chỉ là tạm bợ và tất cả sẽ qua đi, để hướng đến đích
điểm của nó. Tiến trình qua đi và hướng đến này được thực hiện bằng sự
chết đi – sống lại liên tục trong chính sự sống của vạn vật và con
người, trên phương diện vật chất cũng như tinh thần. Trong đó, định
hướng thành toàn thì luôn luôn bền vững, nhưng phương cách biến chuyển
để thành toàn thì luôn thay đổi.
Thường tình, phải có mùa
đông giá lạnh, mới tới được mùa xuân ấm áp.Thường tình, lá cũ phải rụng
xuống, mới nảy sinh ra mầm non. Cũng vậy, phải có những khổ đau, phải có
sự chết mới có sự sống lại: “Ai
yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời
này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga
12, 25). Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự
sống thay đổi chứ không mất đi.
Chúa Giêsu đã đưa ra một
chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho nhân loại con đường tiến tới chân lý
sự sống bằng sự chết mà Người đã thực hiện. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của
Chúa đã làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.
Sự sống mới trong Chúa
Kitô sẽ không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát khỏi quy luật
thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống
lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được
biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn.
Bởi vì: “Ðức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của
tổ phụ Ixaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Người không phải là Thiên
Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối
với Người tất cả đều đang sống”.
Chúa Giêsu đã chiến thắng
sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã Sống Lại để trao
ban sự sống mới, sự sống của Ðấng Phục Sinh.
Chúa Giêsu đã thắng được
những xao xuyến, thắng được những tuyệt vọng. Người đã biến cái hố thẳm
hay biển cả mênh mông ngàn trùng xa cách giữa con người và Thiên Chúa
thành biển cả tình thương liên kết hiệp nhất Thiên Chúa và loài người.
Thập Giá Ðức Kitô trở nên
con đường giao hoà và như chiếc thang nối liền trời và đất, kết hợp
Thiên Chúa và loài người.
Từ nay, yếu tính sự chết
đã được biến đổi. Sự chết không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ
Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang Thiên Quốc. Thánh Phaolô viết: “Chúng
ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù
sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (1
Cr 1, 12); “Chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là
chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có nơi ở do Thiên Chúa dựng
lên, ngôi nhà vĩnh cữu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2
Cr 5,1). Những ai có lòng tin sẽ coi đời sống là một cuộc thử thách, đau
khổ sẽ qua đi và chính đau khổ sẽ là phương tiện tiến tới vinh quang.
Cho
đến lúc hồn ta trong hơi thở
Vẫn yên vui về cõi
chết xa xôi.
Và u buồn là những đoá
hoa tươi,
Và đau khổ là chiến
công rực rỡ.
(Chế Lan Viên)
Tin và sống trong ân tình
của Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình
mầm sống của sự sống đời đời: “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không
bao giờ chết” ( Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14 ). Không bao giờ chết chính
là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không
bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.
Niềm tin vào sự sống mai
sau đem lại cho nhân loại niềm vui và hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý
nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của con người hôm nay. Niềm tin
đó thôi thúc mỗi người sống theo Tin Mừng Chúa Giêsu. Niềm hy vọng ấy
thôi thúc người đang sống hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng
lễ, làm việc lành phúc đức nhiều hơn trong tháng 11 này để cầu cho những
người thân yêu và các tín hữu đã ra đi trước được về quê trời vui hưởng
hạnh phúc ngàn thu.
Thiên Chúa dựng nên con
người để con người được hưởng hạnh phúc đời này và cả đời sau. Sống là
một cuộc hành trình tiến về đời sau. Cần có nhau trong cuộc sống và
trong niềm tin để giúp nhau đạt đến hạnh phúc viên mãn. |