Chúa Nhật Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời |
NIỀM HY VỌNG SỰ PHỤC SINH THÂN XÁC |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Giáo hội qui tụ hôm nay không phải để than khóc những người thân yêu của chúng ta đã qua đời nhưng là để nhắc nhở niềm hy vọng của chúng ta mong đợi cho những người thân được chung hưởng hạnh phúc quê trời và vui mừng vì sự thành tín của Thiên Chúa dành cho các tôi tớ tín trung. Các tín hữu đã qua đời mà chúng ta cầu nguyện cho chưa được hưởng trọn vẹn nước trời, nhưng các ngài đã chết và trung tín trong đức tin đã lãnh nhận khi chịu phép rửa để làm môn đệ của Đức Giêsu nên các ngài không phải chịu hình phạt đời đời.
Tin mừng đã chỉ rõ niềm hy vọng chúng ta dành cho những tín hữu đã qua đời nhưng chưa được lãnh nhận trọn vẹn đời sống vĩnh cửu: Đức Giêsu hứa rằng Người sẽ không bỏ người nào và Người sẽ không để mất ai cả. “Tất cả những ai Chúa Cha đã ban cho Tôi sẽ đến với Tôi và Tôi sẽ không để mất người nào. Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”. Nền tảng của hy vọng Phục sinh ở nơi chính Đức Giêsu là đấng đã Phục sinh, đã chiến thắng và vượt qua sự chết để đến sự sống. Đức Giêsu là Đấng Phục sinh, và người tín hữu qua đời cũng là người nhờ phép Rửa được chôn vùi cùng với Đức Giêsu, thì cũng được kết hợp với người trong sự phục sinh vinh quang. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Khôn ngoan là những lời xác tín mạnh mẽ vào niềm hy vọng phục sinh giữa những hoàn cảnh đau khổ và sự chết do bị bắt bớ, tù ngục và khổ hình : “linh hồn của những người công chính luôn ở trong tay Chúa. Dù đối với con mắt người đời vốn không hiểu biết thì dường như các ngài đã chết nhưng thực ra các ngài vẫn đang sống vì các ngài đã tin tưởng và trung tín với Thiên Chúa nên các ngài sẽ vượt qua mọi gian nan thử thách của khổ hình. Và khi tới giờ Chúa đoái mắt xót thương, các ngài sẽ chiếu sáng và cùng với Thiên Chúa xét xử thế gian”.
Thực không dễ để chuyển từ than khóc vì sự chết tới hy vọng vào sự sống vĩnh cửu. Giá trị của việc cử hành hằng năm lễ các linh hồn là chúng ta nhớ đến những người thân yêu đã qua đời giữa cộng đoàn đức tin, đặt tin tưởng mạnh mẽ vào hy vọng Tin mừng. Chúng ta tin tưởng rằng sự chết không phải là dấu chấm hết, sự chết chỉ là một sự thay đổi, sự chết là khởi đầu của đời sống mới trong Chúa. Chúng ta đón nhận thân phận khả tử của con người, nhưng cùng với Chúa Giêsu, chúng ta chiến đấu để vượt qua sự chết và chiến thắng sự chết dựa vào sức mạnh Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta không phải là những người thụ động không hiểu biết và để sự chết chiếm đoạt mình cách bất lực, nhưng đối diện với sự chết một cách khôn ngoan và tin tưởng kết hợp với Đấng Phục sinh là Chúa Giêsu. Theo truyền thống, nhiều hình thức như cầu nguyện, thống hối, làm việc lành vẫn được thực hành trong ngày này để cầu nguyện cho các linh hồn những người thân yêu của chúng ta, và dĩ nhiên đây là những việc tốt đẹp phải làm. Chúng ta không quên những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Các ngài không chết mà các ngài vẫn đang sống và hiệp thông với chúng ta trong lời cầu nguyện của Giáo hội. Các ngài vẫn cần nhờ đến hiệu lực của thánh lễ, của hiến tế của Chúa Giêsu trên thập giá, cần nhờ đến lời cầu nguyện và việc lành của chúng ta. Đồng thời, ngày này nhắc nhở chúng ta là chúng ta được mời gọi ngay từ bây giờ biết sống đời cầu nguyện, thống hối và làm việc lành, và chúng ta không được sống đức tin cách tối thiểu để rồi hy vọng được sống đời vĩnh cửu dựa vào lòng Chúa thương xót. Thiên Chúa tha thứ và thương xót, dĩ nhiên , nhưng đồng thời chúng ta cũng được mời gọi là những môn đệ trung tín của Chúa Kitô để xứng đáng được tham dự vào sự chết và sự phục sinh của người cách thực sự trong chính cuộc đời của chúng ta.
Thánh Phaolô, trong bức thư gửi các tín hữu rôma (ch.5) đã nhắc nhở thực tại cao đẹp của người tín hữu đó là họ được Thiên Chúa yêu thương vì Thánh Thần của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng họ, làm cho cuộc đời của họ thấm nhuần ơn sủng thần linh, đồng thời chính Chúa Giêsu đã chết cho họ và nhờ đó mà họ được trở nên công chính nhờ máu của Người đổ ra trên thập giá. Đây chính là những thực tại mầu nhiệm của cuộc đời người tín hữu. Người tín hữu là người đã lãnh phép rửa (Rm 6). Họ được chôn vùi cách mầu nhiệm cùng với sự chết của Chúa Kitô để rồi cùng được tham dự vào sự Phục sinh vinh hiển của người. Chúng ta được nhắc nhở để sống trọn vẹn hơn nữa những thực tại cao đẹp của cuộc đời của mình. Phép rửa thực sự là một tham dự vào mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa Giêsu để rồi chúng ta biết hằng ngày chết đi cho chính mình bằng cách loại bỏ những tham vọng ích kỷ tội lỗi của mình và sống cho Chúa và với Chúa. Đời sống của chúng ta là một sự biến đổi liên tục nhờ sức mạnh của Thánh Thần của Chúa Giêsu nâng đỡ mọi hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Hằng ngày chúng ta biết chết đi chính mình để chuẩn bị đón nhận cái chết sau cùng là cái chết thể lý.
Chúng ta cần nhắc lại chân lý nghịch thường mà Đức Giêsu đã giải thích và khẳng định cho Nicôđêmô là Đức Kitô phải bị treo lên trên thập giá, bị giết chết để rồi trỗi dậy, và những ai tin thì nhờ người mà cũng được sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ: “Khi Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng ta”. Chính sự chết dẫn đưa vào sự sống mới. Chúa Giêsu đã bước vào sự sống Phục sinh ngang qua cái chết làm cho chúng ta mạnh mẽ đối diện với cái chết một cách ý thức. Chúng ta không thụ động chờ cái chết đến kết thúc cuộc đời chúng ta mà cần biết chủ động kết hợp cuộc đời của mình hằng ngày vào hiến tế thập giá của Chúa để được tham dự vào sự Phục sinh vinh quang của người. Niềm tin vào sự Phục sinh bắt nguồn từ niềm tin vào sức mạnh Thiên Chúa ban cho những ai đặt tin tưởng vào Ngài. Từ thời Cựu ước, những người do thái, khi chưa được biết tin mừng Phục sinh của Chúa Kitô, cũng đã xác tín vào sức mạnh của Thiên Chúa là Đấng hằng sống, đã làm cho các ngài can đảm đối diện với cái chết mà không hề nao núng. Chính Chúa Giêsu thực sự vượt qua cái chết bằng cái chết trên thập giá của người để rồi lôi kéo tất cả chúng ta đi vào sự chết và sự phục sinh của người. Niềm tin của chúng ta vào sự Phục sinh không bao giờ chỉ là ảo tưởng mà luôn hiện thực sáng suốt.
Lời hứa của Đức Giêsu về sự sống lại và đời sống mới cho các tín hữu và lời bảo đảm người sẽ không bỏ người nào mà Chúa Cha đã ban cho người làm cho việc cử hành ngày lễ các linh hồn đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mạnh mẽ. Và hy vọng, do bởi bản chất của nó, hướng về tương lai được xây dựng trên từng giây phút của cuộc đời hiện tại của chúng ta dựa vào lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Niềm hy vọng của chúng ta không bao giờ được phép mông lung vô định mà phải được xây dựng trên nền tảng chắc chắn của những giây phút hiện tại. Chúng ta hy vọng cho những người thân yêu đã qua đời của chúng ta được tham dự vào đời vĩnh cửu và dùng cuộc đời hiện tại của mình để cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho các ngài đang an nghỉ trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Tiến trình chết đi và được sống lại sẽ đến để hoàn tất khi các ngài và cả chúng ta vượt qua cái chết thể lý và trỗi dậy sống đời sống mới. Đây là niềm hy vọng của chúng ta, cho chính mình và cho những người đã đi trước chúng ta đã được ghi dấu đức tin. Chúng ta thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng này và bắt đầu cụ thể bằng những cố gắng hằng ngày của chúng ta. Chúng ta được mời gọi cùng tham dự vào sức mạnh của Chúa Giêsu để biết chết đi hằng ngày con người cũ tội lỗi và sống lại trong đời sống mới của Đấng Phục sinh. |