Chúa Nhật XXXIII - Thường Niên - Năm B
NGÀY CHÚA TRỞ LẠI
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP 

          Hôm nay là Chúa nhật 33 thường niên, Chúa nhật áp chót theo niên lịch Phụng vụ; và Chúa nhật tới là Chúa nhật chót được dành để  đặc biệt mừng kính Đức Giêsu Kitô Vua.  Phụng vụ hôm nay đề cập tới ngày tận  thế, ngày chấm dứt lịch sử nhân loại cùng những gì sẽ xẩy ra trong những ngày ấy.  Đồng thời trong ngày ấy, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. 

          Chúa Giêsu và các môn đệ vừa ra khỏi Đền thờ Giêrusalem, một trong các môn đệ trầm trồ vẻ huy hoàng tráng lệ của Đền thờ và nền tảng vững chắc có thể đứng vững được qua nhiều thê kỷ. Nhưng Đức Giêsu không nói gì thêm mà chỉ làm cho môn đệ ấy cụt hứng khi Ngài nói :”Sẽ chẳng còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”.  Do đó, môn đệ muốn biết khi nào Đền thờ sẽ bị tàn phá và cứ dấu hiệu nào để biết.  Chúa Giêsu chỉ cho biết sẽ có những điềm lạ trên trời dưới đất làm cho người ta kinh sợ. Cứ nhìn cây vả thì biết… 

          Chúa Giêsu báo trước Đền thờ Giêrusalem sẽ bị phá hủy trong thế hệ này, nhưng cũng trong dịp này Ngài báo trước ngày thế giới sẽ bị tàn phá, tức là ngày tận thế, và cũng có những điềm lạ báo trước. Tuy nhiên, không ai có thể biết trước được ngày tận thế vì đó là chương trình bí mật của Chúa Cha. Việc cần thiết chúng ta phải làm là chờ đợi trong tin yêu và hy vọng, sẵn sàng chờ đợi Chúa đến trong “tỉnh thức và cầu nguyện”, trong việc yêu thương và phục vụ mọi người.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA 

          Bài đọc 1 : Đn 12,1-3. 

          Đây là một trong những đoạn quan trọn nhất của Cựu Ước nói về việc phục sinh kẻ chết vào thời sau hết.  Và khi ấy sẽ có cuộc ân thưởng dứt khoát. 

          Vào thế kỷ thứ 3 trước Chúa Giáng sinh, Antiôkô Epiphane đã phát động một cuộc bách hại dữ dội chống lại dân Do thái. Tiên tri Đaniel đưa đến cho dân  một sứ điệp hy vọng : vào giờ ấn định, Thiên Chúa sẽ can thiệt để che chở họ. Đối với những kẻ đã chết, họ sẽ chỗi dậy từ bụi đất dưới mộ sâu để hưởng một cuộc vinh quang. 

          Thật vậy, sẽ có một cuộc ân thưởng dứt khoát. Trong khi những người công chính sẽ sống lại để hưởng cuộc sống vĩnh cửu, thì những kẻ khác cũng sống lại, nhưng để chịu hình phạt đời đời. 

          Bài đọc 2 : Dt 10,11-14.18 

          Tác giả thư Do thái làm một cuộc so sánh giữa các thượng tế Do thái với Đức  Giêsu Thượng tế để cho thấy hy lễ của Đức Giêsu dâng trên thập giá lại trổi vượt bội phần mọi hy tế khác.

          Những thứ hy tế mà thượng tế Do thái dâng trong đền thờ chẳng thể nào xóa bỏ được tội lỗi, còn hy tế của Đức Giêsu Thượng tế xóa sạch tội lỗi của loài người. 

          Ngoài ra, các thượng tế Do thái phải dâng đi dâng lại  mỗi ngày cũng ngần ấy thứ hy tế, còn Đức Giêsu Thượng tế chỉ dâng có một lần là đủ và sau đó lên ngự bên hữu Chúa Cha đến muôn đời. 

          Bài Tin mừng : Mc 13,24-32 

          Nền tảng của đoạn văn này là một bài khải huyền Do thái viết trước năm 70 trong tâm trạng lo âu bồn chồn sợ Giêrusalem bị tàn phá, bài viết đầy những trích dẫn Sách Thánh… 

          Các Kitô hữu gốc Do thái dựa trên bài khải huyền này để cho rằng việc Giêrusalem bị tàn phá trùng hợp với Ngày Đấng Phục sinh ngự đến. 

          Thực sự, Đức Giêsu chỉ loan báo  cuộc trở lại vinh quang của Ngài vào thời sau hết, còn ngày giờ thì không ai biết.  Còn ví dụ cây vả và thời điểm của “ngày giờ đó” chỉ lên quan đến sự sụp đổ của Giêrusalem mà thôi. 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

            Ngày tận thế

          Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật áp chót trong niên lịch Phụng vụ và đề tài được đề cập đến là ngày tận thế và những gì xẩy ra trong ngày đó.  Chúng ta đều nhìn nhận rằng : bất cứ cái gì ở trần gian, nếu đã có khởi đầu thì chắc chắn sẽ có lúc chấm dứt. Con người sống trong hiện tại, nhưng muốn biết hậu lai, hậu lai của chính mình cũng như của thế giới.

 

I. NÓI VỀ NGÀY TẬN THẾ 

          1. Chúa Giêsu đã báo trước. 

          Vào lúc Chúa Giêsu ra khỏi Đền thờ để rồi không bao giờ trở lại nữa, một trong số các môn đệ của Ngài mong muốn Thầy chia sẻ lòng thán phục của mình :”Này Thầy nhìn kìa, những phiến đá rực rỡ biết bao, tòa kiến trúc lộng lẫy chừng nào” !  Đền thờ này đáng thán phục thật ! 

          Theo J. Potin giải thích : Đền thờ do Hêrôđê xây lên đã là một trong những công trình  đẹp nhất thế giới. Ngay cả đến Rôma cũng không có được một ngôi đền thờ tôn giáo nào hùng vĩ như vậy. Tính bạo tàn của người xây lên nó cũng giảm bớt hung hãn trước vẻ đẹp tráng lệ của nó; nó còn vượt xa Đền thờ vinh hiển của vua Salômôn.  Nền móng vững chắc của nó bảo đảm nó có thể đứng vững nhiều thế kỷ, vẻ sáng ngời của cẩm thạch và vàng bạc trang trí ngời lên đức tin độc thần lan đi khắp cả hành tinh”(Jesus, l’histoire vraie, Centurion, tr 396). 

          Câu trả lời của Đức Giêsu làm người môn đệ cụt hứng :”Sẽ không còn phiến đá nào chồng trên phiến đá nào”(Mc 13,1-2).  Qua câu trả lời đó, môn đệ xin Ngài trả lời những câu hỏi đầy lo lắng của họ :”Xin Thầy nói cho biết các sự việc ấy xẩy ra và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước”(Mc 13,3) . 

          Chúa Giêsu muốn nói về ngày tàn của thành Giêrusalem vào năm 70, nhưng đồng thời Ngài mời chúng ta  suy  nghĩ về ngày cuối cùng của lịch sử thế giới. Trong những ngày ấy sẽ có những dữ kiện xẩy ra trên trời dưới đất… 

          Trong một cái nhìn thông suốt, Chúa cho chúng ta nhìn thấy hiện tại và tương lai. Hiện tại gần là ngày tàn của thành phố Giêrusalem. Năm 70, khi đại quân Rôma bắt đầu đến bao vây thành, tục truyền rằng giáo dân đã nghe lời Chúa, biết trước, nên do sự hướng dẫn của thánh Simon đã trốn qua thành phố Pella và tránh khỏi tai họa.  Dân Do thái đã phải chịu cảnh tang thương chưa từng thấy, đền thờ bình địa “không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”.  Còn tương lai xa là ngày tận thế, biến cố đó sẽ xẩy ra và cũng có những điềm báo trước. 

          2. Những dấu hiệu báo trước. 

          Chúa Giêsu báo trước trong ngày tận thế , Ngài sẽ trở lại trong vinh vinh quang để phán xét kẻ sống vả kẻ chết.  Sẽ có những điềm lạ xẩy ra trên trời dưới đất làm mọi người kinh sợ.  Dĩ nhiên các môn đệ muốn biết ngày nào việc ấy xẩy đến, nhưng Chúa Giêsu không nói rõ mà chỉ đưa ra dụ ngôn về cây vả để báo trước ngày đó. 

          Những người ở  ngoài Bắc đều dễ hiểu điều Đức Giêsu nói đây.  Cây cối cứ mùa đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Nhìn xem cây cối có thể biết thời tiết, hoặc nói đến hình thức cây cối người ta biết ở vào tháng nào :

              Cỏ non xanh tận chân trời

            Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. 

          Không cần phải có câu “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, ai cũng biết ngay là đã cuối mùa Xuân, sắp sang Hạ. 

          Đây Chúa nói với những người Palestine nên Chúa dùng ví dụ cây vả. Tại Giuđê, cây vả rụng lá vào mùa đông và đâm chồi nảy lộc vào tháng 3, hè vào tháng 6.  Vậy khi đâm chồi là dấu sắp tới hè. 

          Cũng thế, có những dấu báo trước biến cố sẽ đến.  Biến cố đây là biến cố nào ?  Biến cố nói ở câu 4-19 về việc phá hủy đền thờ và thành Giêrusalem. Những ai tỉnh táo có thể lợi dụng mà thoát thân.

          Đứ c Giêsu đã khẳng định rõ ràng :”Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến”(Mc 13,26).  Chưa bao giờø từ lúc Người sinh ra một cách nghèo nàn trong chuồng bò ở Belem cho đến hôm nay, Đức Giêsu đã nói về Người như thế. Bỗng nhiên, Người trở nên cao cả, vĩ đại, vinh hiển, từ trên cõi trời !  Người tự nói Người là thẩm phán ngày cánh chung, mà vai trò này  chỉ dành cho Thiên Chúa. Rõ ràng là thế, Người sẽ lặp lại điều này trước Thượng Hội đồng, vài ngày nữa (Mc 14,62)

 

          3. Không ai biết được điều đó. 

          Một lần nữa, Chúa Giêsu khẳng định :”Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay  cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi”(Mc 13,32). Đúng vậy, Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa thì Người biết điều đó, nhưng với tư thế là con người  nhân loại như chúng ta thì Ngài không biết. 

          Khi được hỏi bao giờ đến ngày tận thế ? Thánh Augustinô đã trả lời dứt kgoát :”Việc này hoàn toàn  nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa”. Nơi khác, ngài còn nói :”Đức Giêsu không cho biết ngày cuối cùng của ta, để ta luôn cảnh giác chờ đợi Người”. 

          Chúng ta không biết ngày tận cùng của thế giới nhưng chúng ta biết chắc ngày ấy phải đến. Đó không phải là tai họa trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là ngày mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại. Vì thế Seneca nói :”Ngày mà bạn cho là tận cùng của mọi sự , lại là ngày khởi đầu của vĩnh cửu”.

 

          Chúa Giêsu đã khẳng định rằng không ai biết được ngày tận thế, vậy mà có kẻ dám cướp quyền Chúa mà tuyên bố đích xác ngày tận thế.

 

Truyện : Tận thế ngày 14/07/1960 

          Các báo chí hoàn cầu nhao nhao bình luận và băn khoăn tự hỏi :

          - Phải chăng đã đến ngày “Tận thế” ?

          Thế rồi, lửa đỏ lại bỏ thêm rơm ! Thình lình người ta tung ra  lời tiên tri EMMAN, rụng rời nghẹt thở : Tận thế ! Ngày 14/07/1960 sẽ là ngày tận thế.

          Kinh khủng ! Nhiều nơi, các thợ thuyền đình công. Các phu hầm mỏ chạy lên núi .. chờ chết.

          May phước thay ! Ngày tận thế EMMAN đã qua đi như cơn ác mộng. 

          Lại một tin giật gân nữa ! Dạo cuối tháng 10/1992, có hàng chục ngàn tín đồ Nam Hàn thuộc một giáo phái đã tụ tập tại hơn 150 nhà thờ để đón Chúa quang lâm và phán xét thế gian.  Theo giới lãnh đạo của giáo phái này, ngày tận thế sẽ xẩy ra  vào đúng nửa đêm 28/10/1992. Họ trương nhiều biểu ngữ với câu :”Chúng ta sẽ gặp nhau trên trời”.

          Trong khi đó, hàng ngàn cảnh sát Nam Hàn được đặt trong tình trạng báo động trên toàn quốc để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể, nếu tận thế không xẩy đến.  Bởi vì, nhiều người đã bỏ tài sản, gia đình để chuẩn bị cho biến cố này. Thế nhưng, cuối cùng tận thế đã không xẩy ra, nên giáo phái này đã tự động giải tán.

 

II. THÁI ĐỘ CẦN PHẢI CÓ

 

          1. Chuẩn bị tâm hồn.

 

          a) Chuẩn bị cho ngày tận thế.

 

          Chúa Giêsu báo trước cho chúng ta là sẽ có ngày tận thế, nhưng lại dạy chúng ta không nên hoảng sợ. Chúa đến phán xét mọi người, nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến”(2Tm 4,8), thì Ngài sẽ là Đấng Cứu Độ và là vinh quang của họ :”Ngài sẽ sai các thiên thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn”. Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được an ủi vì “sẽ thấy vinh quang của Đấng Cứu Chúa Giêsu Kitô”(Tt 2,13). 

          Đứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ sống thích hợp nhất của chúng ta  là :vì thân phận con người mỏng dòn và yêu đuối, chúng ta hãy sống trong”tỉnh thức và cầu nguyện”, trong niềm mong chờ “ngày Chúa đến sẽ xẩy ra bất cứ lúc nào”. 

          b) Chuẩn bị cho ngày chết của mình. 

          Mọi người đều phải chết, đây là án lệnh của Thiên Chúa sau khi tổ tông loài người phạm tội :”Ngươi là bụi đất và sẽ trở về cùng bụi đất”.  Loài người cũng phải nhìn nhận ra cái thực trạng này là “sinh, lão, bệnh, tử”, ai cũng phải chết, chỉ có điều là kẻ chết trước người chết sau.  Cái chết của Abel là cái chết đầu tiên trên trái đất, còn cái chết cuối cùng của nhân loại là ai, ở đâu, vào lúc nào… Điều đó không ai biết, và cũng không cần biết. Sách Công vụ Tông đồ có viết :”Anh em không cần biết  thời gian và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyến sắp đặt”(Cv 1,7). 

          Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến lúc chúng ta sẽ phải gặp Chúa Giêsu - vào cuối đời chúng ta hoặc vào lúc tận cùng thế giới – bất kỳ lúc nào xẩy ra. Thái độ của chúng ta là  bình tĩnh chờ đợi :”Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”(Mt 24,44; Lc 12,40).

 

          Trong cuốn “God’s Trombones” (Tiếng kèn của Chúa) tác giả Weldon Johnson có mô tả cái chết của một phụ nữ thánh thiện như sau :”Chị đã thấy những cái chúng ta không thấy được. Chị đã thấy Thần Chết. Chị đã thấy ông ta đến như một ngôi sao băng. Nhưng cái chết đâu có làm cho chị nữ tu Caroline sợ hãi.  Chị đã nhìn Thần Chết như một người bạn thân, như một vị khách quí. Chị đã thì thầm nói với chúng tôi :”Tôi đang trở về nhà tôi”. Rồi chị mỉm cười nhắm mắt lại”.

 

          2. Tiêu chuẩn của ngày phán xét. 

          Kitô giáo tuyên xưng có một ngày tận thế, nhưng ngày ấy xẩy đến lúc nào thì không ai biết được, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Khi loan báo về ngày tận thế, Đức Giêsu cũng nói đến ngày Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét nhân loại. 

          Trong ngày phán xét ấy, Đức Kitô muốn  nêu bật chiều kích cộng đồng của Ơn Cứu Độ :

Con người không được cứu rỗi riêng lẻ, nhưng trong một cộng đồng.  Đường về nhà Cha không phải là con đường đơn độc, nhưng trong đó mọi người cùng nắm tay nhau tiến bước. Chính vì thế, trong ngày phán xét,  Đức Kitô không xét xử con người dựa trên một tiêu chuẩn nào khác  ngoài tiêu chuẩn duy nhất, đó là tình yêu. Ai sống trong yêu thương, người đó sẽ được sống lại và hưởng hạnh phúc trường sinh, còn kẻ khước từ yêu thương sẽ sống lại  để rồi bị trầm luân muôn kiếp. 

          Nữ bác sĩ Kubler-Ross, thuộc trường đại học Chicago có viết một cuốn sách nhan đề :”Death and Dying” (Chết và hấp hối). Cuốn sách được viết ra là vì  bà thường xuyên tiếp xúc  với những bệnh nhân sắp chết.  Bàn về những cảm nghĩ của những bệnh nhân ấy về cuộc sống  lúc họ nhìn lại quá khứ khi đối diện với cái chết, bà viết :”Khi phân tích mọi sự lần cuối cùng, họ thấy rằng chỉ có hai điều này là quan trọng thôi : Tình yêu đối với tha nhân, và tinh thần phục vụ tha nhân. Tất cả những gì khác mà ta đã từng cho là quan trọng, chẳng hạn như danh tiếng, tiền bạc, uy tín , quyền lực, thì đều là vô nghĩa”.

 

          Nhận xét này hoàn toàn phù hợp điều Chúa Giêsu dạy bảo lúc Ngài còn ở dương thế, Ngài nói :”Con người không đến để được phục vụ, mà Người đến để phục vụ”(Mc 10,45) và Ngài cũng nói :”Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con”(Ga 15,12).

 

          Trong ngày phán xét cuối cùng, điều chủ yếu mà Thiên Chúa phán xét ta chính là tình yêu của ta đối với tha nhân và những việc ta làm  để thể hiện tình yêu ấy (x. Mt 25,31-46).  Điều tốt lành nhất ta có thể làm làm cho tha nhân  chính là giúp họ trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa : Ngày ấy “Những ai làm cho người người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao”(Đn 12,3). Đó cũng là cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước tòa Thiên Chúa.

 

          3. Chờ đợi trong tin tưởng và hân hoan. 

          Những Kitô hữu đầu tiên đã mong ước mãnh liệt ngày “trở lại của Chúa” mà tiếng Hy lạp gọi là “Parousie”. Trong Tân ước người ta gặp được nhiều lần từ huyền nhiệm này : MARANATHA

(1Cr 16,22; Kh 22,20). Đó là kiểu nói Aramên, tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu, đã được đưa vào phụng vụ ban đầu có nghĩa là “Lạy Chúa, xin hãy đến”. 

          Đó là niềm hy vọng làm vang lên lời cầu xin của các tín hữu ban đầu, và ngày nay  trong Thánh lễ, sau truyền phép , chúng ta đồng thanh dâng lên lời cầu xin tha thiết như thế :”Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. 

          Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến ! Tại sao chúng ta lại không hát với các Kitô hữu đầu tiên trong cùng một âm tiếng của Đức Giêsu “Maranatha” !