Chúa nhật XXXI - Thường Niên - Năm B |
CHỈ CÓ TÌNH YÊU |
“Thưa Thầy, trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” (Mc 12,28) Thưa các bạn thân mến, Nhắc đến gia phả nhân loại của Chúa Giêsu, chúng ta không khỏi nghĩ đến một phụ nữ ngoại bang người Môáp, bà Ruth, là tổ mẫu của vua Davit. Bà và một thiếu nữ Môáp khác làm dâu trong một gia đình Do Thái cư ngụ tại Môáp. Sau khi hai người chồng qua đời để lại hai cô con dâu góa bụa, bà mẹ chồng quyết định trở về Bêlem để qua cơn đói kém. Bà cho phép hai cô con dâu được tự do ở lại hay đi theo mình. Trong khi người chị dâu Orpha ở lại quê hương Môáp, ở lại với dân tộc và các thần linh của mình, thì bà Ruth quyết định theo người mẹ chồng hồi hương. Lời bà Ruth nói với mẹ chồng thật cảm động: “Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con đi theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (Ruth 1,22). Vì tấm lòng cao quý ấy mà sau này bà Ruth đã được vinh danh vì là tổ mẫu của vua David, mà từ dòng dõi ấy, Đấng Cứu Thế ra đời. Nghe những lời đó, chúng ta cảm nhận được tình yêu của bà Ruth dành cho mẹ chồng, cho dân tộc Do Thái và cho Thiên Chúa. Cách nào đó, Bà đã thực hiện giới răn trọng nhất mà sau này Chúa Giêsu khẳng định khi một nhà thông luật đến hỏi Người “Thưa Thầy, trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”, đó là “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí không và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mc 12,28-31). Đây không phải là điều mới, vì từ xa xưa, Môisen đã long trọng nói cho dân Do Thái trong cuộc Xuất Hành: “Hỡi Israel, hãy nghe đây Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho các ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng, các ngươi hãy lập lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Dnl 6,4-7). Chúa Giêsu đã nhắc lại lệnh truyền ấy và Ngài còn thêm một lệnh truyền nữa: “Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi”, cũng là một lệnh truyền đã có trước, được ghi trong luật Môisen (Lv 19,18). Tại sao giới răn trọng nhất lại là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người? Ta biết mục đích đời người là kiếm tìm hạnh phúc. Mà hạnh phúc chỉ có được khi người ta biết yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Cho nên chỉ có tình yêu mới là điều quan trọng nhất, đáng kể nhất của con người. Thánh Bênađô, viện phụ, khi bàn về sách Diễm Ca có nói đến điều này: “Tình yêu tự mình đủ cho mình, tự mình và vì mình đem lại niềm vui. Chính tình yêu là công trạng, nhưng cũng chính tình yêu là phần thưởng cho mình. Tình yêu không tìm lý do, không tìm hiệu quả ngoài mình: hiệu quả của tình yêu là chính tình yêu. Tôi yêu vì tôi yêu, tôi yêu để tôi yêu. Tình yêu là một điều cao cả, miễn là luôn trở về với nguyên lý của mình, miễn là luôn trở lại với nguồn gốc của mình, miễn là ngược trở lại nguồn mạch của mình để luôn luôn được tuôn trào. Trong mọi hoạt động, cảm xúc và tâm tình của linh hồn, chỉ có tình yêu có thể giúp thụ tạo đáp lại Đấng Tạo Hoá, dầu không tương xứng, thì ít ra cũng giống nhau được phần nào. Vì khi Thiên Chúa yêu, thì Người không muốn điều gì khác hơn là được yêu: Thật vậy, Thiên Chúa yêu, thì Người không nhằm điều gì khác ngoài được yêu lại, vì Người biết ai yêu mến Người thì sẽ được hạnh phúc nhờ chính tình yêu đó”. Nói đến giới răn đệ nhất này, thì cả cuộc đời Kitô hữu chúng ta, cốt yếu vẫn là một cuộc đời tập yêu thương: yêu Chúa và yêu tha nhân. Dầu sống trong bậc nào, tình yêu vẫn là một đòi buộc không ngừng nghỉ. Người tu trì xác tín đời tu là một cuộc đời tìm cầu đức ái hoàn hảo: yêu Chúa yêu người. Người sống trong đời gia đình thì luôn tập yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Đến cuối cuộc đời, Chúa không hỏi chúng ta có bằng cấp gì, lương tháng bao nhiêu, sức khỏe thế nào, của cải ra sao, danh vọng đến đâu, làm được những gì, v.v… mà Chúa chỉ hỏi chúng ta: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,14) và Người cũng phán xét chúng ta dựa trên tiêu chuẩn bác ái: Điều gì các con làm / không làm cho những kẻ bé mọn nhất của Thầy là làm / không làm cho chính Thầy (Mt 25,40/45). Bản tính của Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8), nên Người phán xét theo tình yêu. Bước vào thiên đàng, Thánh Phêrô chận ta lại ngay cửa và quan sát từ đầu đến chân, coi xem ta có nét nào giống Chúa Kitô không, nếu thấy mờ mờ thôi là ổn rồi, tức là Vị Tông đồ trưởng xem ta có dấu hiệu nào chứng tỏ là môn đệ của Đức Kitô không. Dấu ấy là đức bác ái: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau” (Ga 13,15). Cha Gioan Maria Đoàn Phú Xuân có nhận định: “Đạo Công giáo chúng ta với những mầu nhiệm cao siêu, với nền thần học đa dạng, với các nghi lễ long trọng, thế mà bản chất lại rất đơn giản gồm tóm trong duy nhất một giới luật yêu thương: “Mến Chúa và yêu người” (Mt 22,34-40). Các việc đạo đức vừa nhiều vừa phức tạp, các phương thế nên trọn lành mặc nhiều hình thức, nhưng đều nhắm tới một mục đích là gia tăng lòng yêu mến Chúa và bác ái với tha nhân. Bất cứ việc lành nào dù vĩ đại đến đâu mà không do tình yêu thúc đẩy, không quy về tình yêu thì đều vô giá trị (x.1Cor 13). Yêu mến là làm nhiều. Yêu nhiều là thánh thiện nhiều. Yêu mến là hồn sống của mọi nhân đức: việc thờ phượng thiếu tình yêu là mê tín; khó nghèo thiếu tình yêu là cùng quẫn; vâng phục thiếu tình yêu là nô lệ; khiết tịnh thiếu tình yêu là ích kỷ không hơn không kém; nhịn nhục thiếu tình yêu là hèn nhát; bố thí thiếu tình yêu dại dột, ... Thiếu tình yêu, mọi nhân đức đều khô cằn, méo mó nếu không muốn nói là giả hiệu. Có tình yêu mới có an bình, vui tươi và sức mạnh. Có tình yêu mới có sáng kiến, tận tụy và vô vị lợi. Đến ngày phán xét, chúng ta chỉ tính sổ với Chúa về tình yêu. Làm thánh ngay từ đời này cũng như trên thiên đàng, như vậy hệ tại đức ái” (Chỉ Có Tình Yêu là Đáng kể, Lm. Gioan Maria Đoàn Phú Xuân, CRM). “Lạy Chúa, Xin dạy con luôn tươi tắn, dịu dàng trước mọi biến cố của cuộc sống, khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm, hay gặp sự bất trung, bất tín nơi những người con tin tưởng cậy dựa, xin giúp con gạt mình sang một bên để nghĩ đến hạnh phúc người khác, giấu đi những nỗi phiền muộn của mình để tránh cho người khác phải đau khổ. Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời, để đau khổ làm con thêm mềm mại, chứ không cứng cỏi hay cay đắng, làm con nhẫn nại chứ không bực bội, làm con rộng lòng tha thứ, chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ. Ước gì không ai sút kém đi vì chịu ảnh hưởng của con, không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật, lòng cao thượng, tử tế, chỉ vì đã là bạn đồng hành của con trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối, xin cho con luôn thì thầm với Chúa một lời yêu thương. Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên, tràn trề sức mạnh để làm việc thiện, và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (Rabbouni) |