Chúa nhật XXXI - Thường Niên - Năm B
GIỚI RĂN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP 

 

Khi nói tới điều răn mến Chúa yêu người thì ai cũng cho là một đề tài quá quen và cũ kỹ rồi, nhưng nếu biết cầu nguyện, suy gẫm, tìm hiểu và nghiên cứu thì đây là một đề tài phong phú, nó sẽ gợi mở ra một chân trời rộng rãi và còn nhiều điều mới lạ. Hầu hết chúng ta mới học thuộc lòng điều răn ấy chứ chưa hiểu hết nội dung, nên chưa thực hành đầy đủ  điều răn ấy. 

 Cốt yếu của đạo Công giáo của chúng ta là Đức ái “Mến Chúa yêu người” vì Đức Giêsu đã khẳng định : “Ngoài ra không còn điều răn nào khác quan trọng hơn hai điều răn đó” (Mc 12,31).

 

Thánh Phaolô nói :”Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”(1Cr 13,13). Thánh Tông Đồ còn khẳng định thêm :”Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người… được ơn nói tiên tri… đem hết gia tài ra bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”(1Cr 13,1-3). Thế mới biết tầm quan trọng của Đức Ái. 

 

 Điểm đặc biệt trong đạo chúng ta là Đức Giêsu đã nâng giới răn yêu người lên ngang tầm với giới răn mến Chúa và gắn liền hai giới răn đó chặt chẽ với nhau đến nỗi mến Chúa mà không yêu người thì chưa giữ trọn luật Chúa, và ngược lại cũng vậy. Hôm nay chúng ta suy niệm về luật mến Chúa yêu người nhưng chúng ta chú trọng hơn đến luật yêu người để thúc giục chúng ta thi hành luật Chúa cho đầy đủ. 

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA                            

 

          + Bài đọc 1 : Đnl 6,2-6 

Ông Maisen nhắc nhở cho dân Do thái phải thi hành luật cao trọng nhất là :”Kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức”. Lòng yêu mến Chúa trong Đệ nhị luật truyền dạy bao hàm trong sự trung thành thờ phượng Thiên Chúa và tuân giữ các giáo huấn của Ngài. 

Dân Do thái tuân giữ giới răn này qua bao thế hệ. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Cựu ước còn thiếu sót vì chỉ chú trọng tới việc yêu mến Giavê, Thiên Chúa duy nhất, mà chưa nói đến việc yêu thương tha nhân.


         Sự thiếu sót này sẽ được Đức Giêsu bổ túc trong bài Tin mừng hôm nay. 

 

          + Bài đọc 2 : Dt 7,23-28 

 Thư gửi tín hữu Do thái ca ngợi chức Tư Tế của Đức Giêsu. Chứùc Tư tế của Đức Giêsu Kitô ưu việt trên chức tư tế của dòng họ Lêvi. Nếu so sánh hai chức tư tế ấy chúng ta sẽ thấy :

 

 - Chức tư tế của Do thái chỉ có một đời người, khi chết thì hết; còn chức Thượng Tế của Đức Giêsu thì vĩnh viễn.

 

- Các tư tế Do thái là những người phàm, vướng mắc nhiều tội lỗi; còn Đức Giêsu là vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn.

 

          - Các tư tế Do thái phải dâng lễ nhiều lần; còn Đức Giêsu chỉ dâng lễ đền tội một lần là đủ. 

 

          + Bài Tin mừng : Mc 12,28b-34 

 

 Một luật sĩ đến hỏi thử Đức Giêsu xem giới răn nào trọng nhất. Câu hỏi xem ra bình thường nhưng là câu hỏi hóc búa. Lý do vì trong 613 khoản luật không nói đến điều răn nào trọng nhất, tùy theo ý chủ quan của mỗi luật sĩ, thích điều răn nào thì cho là điều răn ấy trọng nhất. 

 
        Nhưng Đức Giêsu đã nối kết hai khoản luật ở Đệ nhị luật và ở sách Lêvi trả lời rõ ràng cho luật sĩ  đó là hãy yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và thương yêu tha nhân như chính mình. 

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

 

            Hai giới răn trọng nhất

 

I. GIỚI RĂN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI. 

 

          +  Giới răn trong Cựu ước. 

 

 Ông Maisen là nhà lập quốc và lập pháp đã truyền lại cho dân Do thái mười điều răn của Thiên Chúa. Qua bao thế hệ người ta vẫn trung thành giữ các điều răn ấy.

 

 

 Hằng ngày người Do thái sốt sắng cầu nguyện với kinh Shema tựa như kinh Lạy Cha của chúng ta. Trong đó có câu :”Hãy nghe, hỡi Israel, Giavê Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Ngươi sẽ yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi. Các lời ta truyền cho ngươi hôm nay hãy ở nơi lòng ngươi, ngươi sẽ lặp lại cho con cái ngươi”. 

 

 Đó là một kinh tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, hết thảy mọi người đều phải tận lực yêu mến Ngài. Tuy mọi người tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa độc nhất nhưng chưa đồng ý với nhau trong một rừng luật như vậy, giới răn nào là quan trọng nhất. Đức Giêsu sẽ trả lời cho họ trong Tân ước. 

 

 Nhân dịp này chúng ta cũng nên tìm hiểu xem thế nào là sách Đệ nhị luật hay Thứ luật.  Ôâng Maisen đã ra luật cho dân nhưng còn tổng quát và ngắn gọn, sau này luật được diễn dịch rồi  tổng hợp thành bộ luật Thorab. Sách Đệ nhị luật không thành hình trong một ngày và do một tác giả nào. Nó cũng không phải là tác phẩm trong thời Maisen. Nó lấy lại luật Maisen, suy đi nghĩ lại và cùng với lịch sử của dân Chúa. Có thể hàng tư tế đã là nguồn gốc của sách này. Thế nên nó được gọi là Đệ nhị luật hay Thứ luật, tức là luật đến sau luật trước, luật bổ khuyết và diễn giải luật pháp Sinai. 

 

  2. Giới răn trong Tân ước. 

 

 Trong thời Đức Giêsu, các luật sĩ là những chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh và luật pháp. Chắc chắn họ phải thông hiểu rành rẽ về Kinh Thánh vì đó là lãnh vực chuyên môn của họ. Thế mà có một luật sĩ nêu ra cho Đức Giêsu một câu hỏi kể cũng hơi lạ ! 

 

 Nhưng thực ra, vào thời ấy, các luật sĩ đều sôi nổi tranh luận xem giới răn này hay giới răn nọ quan trọng hơn. Họ đã liệt kê ra một rừng giới răn, cả một cánh rừng mù mịt đối với người Do thái. Như vậy, luật Do thái có 613 khoản luật, chia ra 248 việc phải làm và 365 việc không được làm.  Xét về sự quan trọng, người ta lại chia các điều luật đó ra nhiều hạng : khinh giới và trọng giới, đại giới và tiểu giới.  Nhưng các người biệt phái lại không đồng ý với nhau về giới răn nào trọng nhất.  Vì thế, người luật sĩ mới đến dò xem Chúa cho biết điều răn nào là trọng nhất. 

 

 Đức Giêsu đã trả lời cho ông bằng cách đọc lại những lời đầu tiên của kinh cầu nguyện Do thái. Đó là kinh Shema “Hỡi Isrel, hãy lắng nghe” trích trong Đệ nhị luật 6,4-5 :”Hỡi Israel, hãy nghe đây : Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. 

 

 Nhưng Đức Giêsu không ngừng ở đây, Ngài liên kết giới răn thứ nhất với giới răn thứ hai là phải yêu mến anh em :”Còn đây là giới răn thứ hai : ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”(Lv 19,18-34). 

 

Trong văn chương Do thái thời ấy, người ta thường thấy  thủ pháp nối kết như thế. Nhưng ở đây Đức Giêsu quả là bậc thầy tuyệt diệu : Ngài nối kết tình yêu Thiên Chúa với tình yêu anh em, và hợp thành một giới răn duy nhất. Để nêu lên tính duy nhất căn bản đó, Marcô đã không ngần ngại dùng lẫn lộn số ít với số nhiều :”Không có giới răn nào quan trọng hơn những giới răn đó”(J. Hervieux) 

 

 * Hãy yêu tha nhân.   Tha nhân là ai ? Trong Cựu ước chỉ có nghĩa là người gần gũi với người Do thái về huyết thống và chủng tộc.  Nhưng “tha nhân”  mà Đức Giêsu dùng ở đây có ý hiểu về hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù. 

 

 * Như chính mình ngươi.   Không có nghĩa là ngươi phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải đối xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi.  Đó là một nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền. 

 

II. NÓI VỀ HAI GIỚI RĂN ĐÓ 

 

          1. Liên hệ giữa hai giới răn. 

 

Điều mới lạ mà Đức Giêsu làm là ghép chung hai giới răn này lại với nhau. Từ trước cho đến thời Đức Giêsu chưa có ai nhập chung hai giới răn ấy thành một.  Yêu Chúa và yêu tha nhân, hai tình yêu ấy như hai anh em sinh đôi dính liền nhau. Khi tìm được người này, chúng ta sẽ gặp được người kia. Và khi không tìm được người này chúng ta cũng chẳng gặp được người kia. 

 

 Nhưng cần phải phân biệt rõ hai giới răn này. Người ta thường có khuynh hướng hợp nhất hai giới răn này làm một, như thể “yêu Thiên Chúa là đủ” hay “yêu thương anh em” cũng đủ. Giới răn thứ hai không thể thay thế cho giới răn thứ nhất được. Hai giới răn này chỉ là hợp nhất và song hành thôi, chứ giới răn thứ hai không đồng nhất với giới răn thứ nhất được. 

 

 Nếu so sánh tình yêu đối với Chúa và anh em thì có nhiều người tưởng rằng yêu mến Thiên Chúa dễ hơn yêu thương anh em. Bởi vì theo họ, anh em là những con người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, trờ trờ trước mắt, nên dễ làm cho chúng ta khó chịu. Còn Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành, chẳng có gì không đáng yêu. Thiên Chúa ở xa không đụng chạm, còn anh em ở gần thì đụng chạm hoài. Thiên Chúa dễ để cho mình “hối lộ”, cứ dâng lễ, cầu kinh rồi Ngài xí xóa mọi chuyện. 

 

  Cũng không phải yêu anh em dễ hơn yêu Chúa, nhưng yêu thương anh em là việc cụ thể nhất mà Thiên Chúa chờ đợi ở nơi chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ lời Ngài. Không yêu thương anh em là không giữ lời Thiên Chúa, tức là không yêu mến Thiên Chúa. Rút cục, hai điều khó như nhau, vì không thể thiếu một trong hai, không thể tách rời để chỉ giữ một trong hai (Phạm văn Phượng). 

 

          2. Tình yêu và hành động. 

 

Nếu thánh Giacôbê nói :”Đức tin không có hành động là đức tin chết”, thì chúng ta cũng có thể nói :”Tình yêu không được thể hiện bằng hành động là thứ tình yêu giả dối, chỉ có trên đầu môi chót lưỡi như người ta nói :

 

Thương thương nhớ nhớ thương thương,

 

Nước kia muốn chảy mà mương không đào 

 

a)  Mến yêu Chúa. 

 

Muốn mến yêu Chúa, chúng ta có muôn vàn cách để yêu mến Ngài nhưng những cách biểu lộ ấy có tính cách chủ quan, mỗi người một cách, nhưng theo Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại điều kiện tiên quyết để biết ai là người mến Chúa, đó là thực thi Lời Chúa, sống theo giới răn của Chúa. Chúng ta hãy nghe những  lời Chúa dạy : 

 

          “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các điều răn của Thầy… Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy, mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy… Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,15-21.23). 

 

 b) Yêu tha nhân. 

 

 Muốn yêu tha nhân cho xứng đáng, hãy sống theo khuôn vàng thước ngọc này :”Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy”(Mt 7,12). Hay nói ngắn gọn hơn :”Ngươi hãy yêu thân cận ngươi như chính mình”(Mc 12,30). Yêu mình thế nào, thì phải yêu người như vậy. Tất nhiên mình luôn luôn muốn cho mình được những điều tốt lành, hạnh phúc và lợi ích. Không ai muốn mình bị xấu xa, khổ cực, tai họa; vậy yêu người thì cũng phải làm như vậy cho người. 

 

  Có lần một người mới gia nhập Do thái giáo yêu cầu thầy Hillel dạy ông ta toàn thể thông điệp của luật pháp trong thời gian ông ta có thể đứng trên một chân.  Câu trả lời của thầy Hillel là “Điều gì ngươi ghét thì đừng làm cho người khác. Đó là trọn vẹn luật pháp, phần còn lại là nhằm giải thích, hãy đi và học lấy”. 

 

 Ngay bên  Đông phương, trước Đức Giêsu, Đức Khổng Tử đã để lại một câu nói để đời:”Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Sau này ngài cũng nói một câu khác tương tự nhưng với khía cạnh tích cực :”Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”. Tư tưởng của ngài cũng giống như ở trên. 

 

  c) Tình yêu tha nhân bắt đầu từ đâu ? 

 

  Tình yêu tha nhân phải bắt đầu từ gần đến xa. Nhưng bi đát thay, việc yêu thương tha nhân của chúng ta thường lại gặp thất bại từ đầu ngay trong chính gia đình chúng ta. Không yêu các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào yêu thương những người khác được. Và ngược lại cũng thế. Khi yêu thương các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ yêu thương được những người khác nữa. 

 

   Chúng ta hãy đặt một câu hỏi cho mình : Chúng ta đã dành tình thương  cho những người trong gia đình mình thế nào ? Nếu chúng ta trả lời là “chưa mặn mà lắm” thì có lẽ tình yêu ta dành cho láng giềng cũng chẳng thể khá hơn. Và nếu chúng ta chẳng yêu tha nhân, chẳng yêu láng giềng mặn nồng thì chúng ta cũng không thể  yêu mến Chúa nồng nạn được. Ngược lại, nếu chúng ta yêu quí mọi người trong gia đình mình, chúng ta mới có thể yêu quí người hàng xóm, và một khi yêu được người hàng xóm, thì chúng ta cũng dễ dàng yêu mến Thiên Chúa. 

 

  Trong ý nghĩa đó, Thomas Merton đã nói :”Không yêu thương và nhân từ với kẻ khác, thì tình yêu của chúng ta dành cho Đức Kitô chỉ là tưởng tượng”. 

 

  3. Thành quả của hai giới răn đó. 

 

   Nhờ hai tình yêu đó mà con người có thể tìm lại được chính mình. Các tác giả  tu đức nói rằng lệnh truyền của Đức Giêsu đòi buộc chúng ta yêu tha nhân và lệnh truyền của Ngài đòi buộc chúng ta yêu mến Chúa. Hai lệnh truyền đó tương quan mật thiết với nhau đến nỗi nếu chúng ta  không thương yêu anh em mình thì chẳng bao lâu chúng ta cũng chẳng còn  yêu mến Thiên Chúa nữa. Có một câu châm ngôn rất phổ biến diễn tả chân lý ấy thật sống động như sau : 

 

 Nơi nào không có tình yêu, ta hãy gieo tình yêu và ta sẽ gặt được tình yêu,

 

Nơi nào không có tình yêu, ta hãy đặt tình yêu vào đấy và ta sẽ tìm thấy tình yêu.

 

Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi không gặp được Ngài,

 

Tôi đi tìm linh hồn tôi nhưng linh hồn trốn né tôi,

 

Tôi đi tìm người láng giềng, và tôi gặp được cả ba.

 

Chúng ta có thể quả quyết : Bí quyết để gặp được Thiên Chúa và gặp được chính mình là tìm gặp và yêu thương người lân cận của mình. 

 

III. THỰC HÀNH GIỚI RĂN CHÚA. 

 

Chúng ta không còn thắc mắc gì nữa. Lệnh truyền của Chúa thật rõ ràng. Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nhưng đồng thời  cũng phải thương yêu anh em như chính mình.  Yêu anh em như mình là chuyện khó vì anh em là những con người cụ thể với biết bao những khuyết điểm, dễ va chạm, nhiều khi tha nhân bị coi như kẻ thù của ta.

 

Nhìn rõ thực tế đó nên thánh Gioan Tông đồ đã viết :”Nếu anh em cụ thể mà không yêu được thì làm sao có thể yêu  mến Chúa được”(1Ga 4,20).. 


        Theo lời thánh Giêrônimô khi Thánh Tông Đồ về già, ngài nguyên giảng về bác ái :”Các con thân mến, các con hãy yêu thương nhau”. Giáo hữu thưa với thánh nhân :”Sao cha giảng điều ấy hoài” ? Thánh Tông Đồ đã trả lời :”Vì đó là điều luật Chúa dạy, và nếu thi hành được  duy một điều đó là đủ rồi”. 

 

 Đức Giêsu đã phán :”Các con muốn được người ta  làm cho các con thế nào thì các con hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31). Ngài còn phán thêm :”Hãy cho đi thì các con sẽ được người ta cho lại. Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc đầy tràn tóe ra mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào thì cũng sẽ đong trả bằng đấu ấy”. 

 

  Napoléon tuyên bố không thèm thân với ai, thì ông đã chết đơn độc trong đảo Sainte Hélène        

 

  Hitler, con hùm xám Đức quốc xã, chủ trương dùng bạo lực thì đã chết trong khói lửa đúng theo lời Thánh Kinh “cái ác giết ác nhân”(Tv 33,22). 

 

  Trở lại với bài Tin mừng hôm nay, nghe Đức Giêsu trả lời, vị luật sĩ rất tâm đắc với ý kiến rất khôn ngoan của Ngài và diễn tả tâm tình thiện cảm và xác tín của ông đối với tuyên phán của Đức Giêsu về giới răn trọng nhất :”Mến Chúa và yêu người thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và lễ vật hy sinh”. Việc mến Chúa yêu người có giá trị làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn những lễ hiến dâng có tính cách hy lễ và vật chất. 

 

Lời phát biểu của vị luật sĩ phát xuất từ sách 1 Samuel 15,22 (bản văn này kêu gọi sự vâng lời).  Lời ấy được lấy lại trong Ôâsê 6,6 (Ta thích lòng nhân từ chứ không thích lễ tế). Người ta có thể nhận biết trong lời đó sự quở trách mà Thiên Chúa, qua các tiên tri, đã ngỏ với dân Ngài : dân chỉ thực hiện những nghi thức nhưng kèm theo bóc lột và những bất công. 

 

Truyện : Bỏ tội thiếu tình thương 

 

 Thứ tội mà chúng ta phạm nhiều nhất là tội không yêu thương. Tuy nhiên chúng ta lại không coi đó là tội, vì chúng ta vẫn nghĩ  cái gì làm hại đến người khác mới là tội. 

 

  Một người kia bán một chiếc xe “dỏm” cho một người khách lạ. Một hôm anh vừa đi nhà thờ xưng tội ra thì gặp một người bạn. Người bạn nói :”Chắc là anh có kể cho Cha giải tội nghe chuyện anh bán chiếc xe dỏm” ? Anh đáp lại :”Tôi chỉ xưng các tội thôi. Còn chuyện buôn bán thì có ăn thua gì tới ông cha đó” ?        

 

  Một nguy hiểm lớn cho tín hữu thường đi nhà thờ là không thấy sự liên hệ giữa điều họ làm ở nhà thờ ngày Chúa nhật với điều họ làm trong tương quan với người khác vào những ngày trong tuần. Nhiều người xét mình theo đủ mọi điều răn nhưng không hề xét tới những tội thiếu sót; thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ngay thẳng trong việc làm ăn, thiếu tôn trọng những người sống chung với mình… Đối với những người đó, đạo và đời hoàn toàn tách biệt nhau (Theo Flor McCarthy). 

 

   Mở đầu sách giáo lý Tân Định có một câu hỏi rất hay : Hỏi :”Ta sống ở đời này để làm gì” ? Thưa: “Ta sống ở đời này để nhận biết thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta  và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”. 

 

   Như vậy, cuộc đời con người là phải mến Chúa và yêu người thì mới mong được hưởng hạnh phúc đời đời.  Chính vì thế nữ tu Rosalie mới nói :”Nước Thiên đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương”.