Chúa Nhật XXVIII - Thường Niên - Năm B
TẢN MẠN VỀ BƯỚC THEO CHÚA KITÔ

    Lm, Thiên Ngọc, CMC

Thưa các bạn thân mến,

Tin Mừng Chúa Nhật 28 năm B hôm nay thuật lại một câu chuyện hi hữu, chứa đựng một kho tàng khôn ngoan dành cho mọi người, cách riêng cho các tín hữu Chúa Kitô. Chuyện kể có một chàng thanh niên giàu có, với lòng thao thức và khiêm tốn đến hỏi Chúa Giêsu phải làm sao để được sống đời đời. Chúa Giêsu đã dạy anh ta việc đầu tiên rằng phải tuân giữ các giới răn. Và sau khi được biết anh đã tuân giữ những điều ấy từ thuở nhỏ, Ngài chăm chú nhìn anh và động lòng thương, rồi một cách quyết liệt hơn, Ngài nói rõ việc còn lại: “Con chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và con sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Tiếc thay, anh đã không thể thực hiện được điều này, buồn rầu bỏ ra về, để lại bao luyến tiếc cho Thầy Giêsu và các tông đồ, vì anh có nhiều của cải không thể rũ bỏ nó được (x.Mc 10,17-27).

Câu chuyện trên vừa gây bối rối vừa đầy cảm xúc. Đó là một câu chuyện có khởi đầu tốt nhưng có kết thúc buồn. Chàng thanh niên đã có một khát vọng trong tâm hồn rất đúng và lớn lao là ước muốn được sống đời đời. Thế nhưng, sau khi nghe Chúa dạy anh đã bỏ ra về, bỏ đi tương lai đợi chờ anh phía trước, bỏ đi ý muốn cao quý tốt đẹp trong đời, vì không thể thực hiện đề nghị sau cùng mang tính quyết định của Chúa Giêsu.

Nghĩ đến ước muốn được sống đời đời của chàng thanh niên, chúng ta có thể hiểu rằng anh này vốn giàu có, với đàn súc vật đông đúc, ruộng đồng vườn nho bát ngát, với nhiều đầy tớ, gia nhân... Hẳn là tuy có hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, nhưng anh không muốn chỉ dừng lại ở đời này. Anh muốn hạnh phúc mãi mãi và sống đời đời. Vì biết rằng kiếp nhân sinh đến bảy mươi đã là quý hiếm, cùng lắm là được tám mươi, thế nên anh muốn tiếp tục sống mãi sau đời này và có lẽ cũng muốn giàu có hạnh phúc mãi mãi nữa.

Ước muốn của chàng thanh niên giàu có ấy cũng là ước muốn tự nhiên của bao người từ xưa đến nay. Thật là một ước muốn tốt đẹp, vì ít ra con người còn nghĩ đến đời sau, một cuộc đời bất tận vô chung mà đời này chỉ như một chấm nhỏ trên đường thẳng vô tận, và ước ao được kể vào số công dân vương quốc vĩnh cửu ấy. Trong khi đó, có những người không tin có đời sau. Họ chỉ tin có đời này mà thôi: Chết là hết! Tiếc quá, họ đã đặt giới hạn cho thời gian, cho không gian và cho cả trí tâm của họ. Vì thế, họ chỉ kiếm tìm hạnh phúc gói gọn ở trần gian này. Thậm chí, có khi để đạt được giàu có hạnh phúc vinh quang đời này ấy, họ bất chấp lẽ công bằng, bỏ qua tình thương, coi rẻ sự thưởng phạt,... Vì vậy, cả cuộc đời họ chạy theo đam mê dục vọng, thỏa mãn ham muốn chức quyền, thu tích của cải cách bất chính, hệt như một con thiêu thân vậy. Nhớ lại lời Thầy Giêsu nói với những người thuộc phái Sađucêô, khi họ hỏi Chúa về việc kẻ chết có sống lại không, có đời sau không, vì nếu có, thì người đàn bà nọ khi sống lại sẽ là vợ của ai trong số bảy anh em mà chị ta lần lượt cưới lấy khi người chồng trước qua đời. Chúa Giêsu nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?” (Mc 12,24).

Trộm nghĩ, nếu không có cuộc sống đời sau, cõi sống đời đời, thì cuộc đời của người Kitô hữu thật là ngớ ngẩn, đáng buồn, đáng tiếc, đáng hận. Họ đã phải khổ chế ở đời này trong khi người chủ trương vô thần duy vật thì buông thả. Họ đã phải tuân giữ mười điều răn, các luật điều của Hội Thánh, kiềm chế bảy mối tội đầu, thực hành mười bốn mối thương người, họ giữ các lời khuyên Phúc Âm là vâng lời, trong sạch, khó nghèo, và tinh thần Tin Mừng Chúa dạy… Vậy mà, giả như không có đời sau thì thật là thảm họa ê chề. Thánh Phaolô tông đồ đã nhắc đến điều đó rằng nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của chúng ta hóa ra vô ích và chúng ta sẽ vẫn sống trong tội lỗi của mình (x.1Cr 15,17). Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công trạng gì! Nhưng ngài đã vui mừng thốt lên: “Nhưng Đức Kitô đã chết và đã sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ chết” (1Cr 15,20). Vì có sự sống lại và sự sống đời sau, nên ngày chung thẩm, nhân gian sẽ chia làm hai: một cánh sẽ tràn đầy niềm vui hạnh phúc do tin theo Chúa Kitô và sống phù hợp với Tin Mừng, cánh còn lại sẽ rất đau khổ dày vò, rên siết khôn nguôi, tuyệt vọng ê chề, vì họ đã chối bỏ chân lý ấy và chỉ sống vị kỷ, quy về bản thân mình.

Chàng thanh niên tìm đến vị tôn sư danh tiếng Giêsu hỏi về cách thức được sống đời đời. Thầy Giêsu đã gián tiếp trả lời cho anh khi hỏi: “Con đã giữ các giới răn chưa: chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối, chớ lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ,...”. Những điều Chúa dạy đầu tiên ấy chính là giữ đạo đức tự nhiên hay luân lý tự nhiên của con người. Mọi dân tộc, dù ở thời đại nào, cũng đều được mời gọi tuân giữ luân lý tự nhiên ấy. Và thật ngạc nhiên đáng khâm phục, anh thanh niên ấy đã giữ tất cả ngay từ tấm bé, điều mà nhiều người Kitô hữu chúng ta khó mà thực hiện được cách trọn vẹn. Anh đã giữ các giới răn từ thuở nhỏ, nghĩa là anh có một gia đình đạo đức, hít thở một bầu khí đạo đức dựa trên lề luật Thiên Chúa truyền qua Môisen. Hẳn là anh ta đã hấp thụ mọi sự từ người cha người mẹ thật tốt lành và công chính. Họ đã yêu thương, dạy dỗ, đồng hành, nêu gương sáng, và anh đã biết nghe lời cha mẹ để làm cho mình nên một người tốt. Chúng ta khâm phục các bậc cha mẹ đạo đức đã tạo một môi trường gia đình như vườn ươm. Ước mong sao tất cả những người con được sống trong môi trường gia đình có cha mẹ đức hạnh và khôn ngoan. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII tự thuật trong Nhật Ký Một Tâm Hồn: “Ngay khi vừa biết tin tôi được Chúa chọn và trao sứ vụ lãnh đạo Giáo Hội, nhiều người nói đến cảnh nghèo của gia đình tôi, quả thật, tôi rất cảm động khi nghe nhắc đến điều này và hết lòng tạ ơn Chúa! Phải, phần lớn cũng nhờ gia đình mà tôi đã được Chúa gọi làm linh mục, giám mục, rồi giáo hoàng. Gia đình tôi không phải quá nghèo như người ta vẫn thường nói, nhưng trên tất cả mọi ơn Chúa ban, thì kho tàng lớn nhất là gương sáng của cha mẹ và bầu khí tốt lành, đơn sơ và ngay thẳng trong gia đình tôi được hấp thụ từ hồi thơ ấu”. Giáo Hội vẫn xác quyết: Gia đình chính là tế bào của xã hội và Giáo Hội; tương lai của xã hội và Giáo Hội tùy thuộc vào gia đình; cha mẹ là người thầy đầu tiên và không thể thiếu của con mình.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở nền luân lý tự nhiên hay đức tính nhân bản tự nhiên, Thầy Giêsu còn dạy một điều kế tiếp, nâng cao đến mức gây bối rối: “Con hãy về bán hết của cải rồi bố thí cho kẻ nghèo và con sẽ có một kho báu trên trời, đoạn đến theo Ta”. Bán hết của cải rồi đi theo Chúa, một công việc quả là quá khó khăn đối với anh ta. Anh không thể nào vượt qua được yêu cầu lớn lao ấy, chấp nhận đòi hỏi gắt gao ấy. Của cải chẳng phải là phúc lành của Chúa ban cho hay sao? Phải chăng anh quý trọng của cải tài sản của mình hơn là việc đi theo Chúa? Phải chăng anh dựa vào sức riêng mình nên cảm thấy bất lực không thể thi hành việc từ bỏ này? Nếu anh đã tin tưởng Chúa Giêsu là vì Tôn Sư vĩ đại quyền năng có thể hướng dẫn đời mình và nếu anh yêu mến Ngài trên hết mọi sự, có lẽ anh không khó đáp ứng yêu cầu của Ngài.

Thật sự nơi chúng ta, thiển nghĩ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đó: Bố thí hết tài sản cho kẻ nghèo rồi đi theo Chúa Giêsu. Nhưng cũng có nhiều vị thánh đã thực hiện được theo mặt chữ, như các thánh tông đồ, qua hình ảnh đậm nét như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Matthêô,… bỏ mọi sự để đi theo Thầy, và sau này có thánh Biển Đức, Phanxicô Assisi, Ignatio, Charles de Foucauld,… Nguyên do là sự quyến rũ của một tình yêu, một tình yêu quá quyến rũ đến mức không cưỡng nổi, nên các thánh đã nói như tiên tri Giêrêmia: “Chúa đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7).

Điều Chúa Giêsu muốn ở đây, hiểu triệt để là phải có một tinh thần khó nghèo, dứt khỏi mọi dính bén bám víu đến của cải, chức quyền, đam mê dục vọng. Có thể có người giàu nhưng lòng rộng rãi dễ cho đi vì có tâm hồn nghèo, nhưng cũng có thể có người nghèo nên tham vọng bao la… Cho nên trong tám mối phúc, phúc đầu tiên Chúa Giêsu dạy, theo thánh Matthêu đó là “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”, hoặc theo thánh Luca: “Phúc cho ai nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Một người có tinh thần khó nghèo, thì họ sẽ có cả Nước Trời làm gia nghiệp, Thiên Chúa là gia nghiệp đời đời của họ. Còn kho tàng nào quý giá hơn nữa, thưa các bạn? Được Chúa làm gia nghiệp đời đời, điều ấy mời gọi chúng ta phải tìm kiếm, gặp gỡ và gắn bó với Chúa với một con tim không chia sẻ. Người ấy cảm nghiệm được Chúa Giêsu là tất cả của cuộc đời và họ không thể sống nếu không có Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã mời gọi chàng thanh niên bước theo Ngài, để Ngài dạy dỗ huấn luyện, để Ngài nêu gương, kích thích, rồi họ sẽ được mặc lấy Ngài, nên đồng hình đồng dạng với Ngài. “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Những ai Thiên Chúa đã biết trước thì Người sẽ tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Người Con Một, nhưng ai Người tiền định thì Người kêu gọi, những ai Người kêu gọi thì Người tác thánh, và những ai Người tác thánh thì Người ban cho họ hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,28-30). Vắn tắt, cuối kiếp nhân sinh, họ được hạnh phúc bình an đích thực viên mãn trên thiên đàng: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng sẽ ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con trước khi tạo dựng thế gian” (Ga 17,24).

Phải trống rỗng thì mới đổ tràn đầy Đức Kitô. Vậy, nếu còn đặt hạnh phúc của mình vào của cải, chức quyền, đam mê dục vọng, thì khó mà có hạnh phúc thật, khó mà vào Nước Trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Đàng. Nếu không có tinh thần khó nghèo, thì mãi mãi chúng ta vẫn không có Chúa, vẫn ở cách xa Chúa, sẽ không cảm nghiệm được hạnh phúc của người đi theo Chúa, của người thuộc về Chúa, của người bước theo sát Chúa. Chúa Giêsu đã khích lệ thánh Phêrô và các tông đồ khi các vị hỏi Chúa rằng: “Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì?”. Chúa Giêsu đã trả lời: “Thầy bảo thật các con, ai bỏ nhà cửa anh em chị em cha mẹ con cái, vì thầy và vì Tin Mừng, ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ và ở đời sau được sự sống đời đời” (Mc 10,29-30).

Chúa không châm chước khổ đau cho những người đi theo Ngài. Nhưng, Ngài bảo đảm họ sẽ được hạnh phúc, sẽ nắm lấy sự sống đời đời. Trong cuộc đời theo Chúa, sao tránh khỏi nghịch cảnh. Chúng ta sẽ trải qua cả niềm vui lẫn nỗi buồn, thành công thất bại, hạnh phúc đau khổ, giàu có khó nghèo… nơi thể xác hay trong tâm hồn. Tuy nhiên, điều cuối cùng là chúng ta sẽ được sự sống đời đời. Tạ ơn Chúa, vì đã mời gọi chúng ta bước theo Ngài trong tinh thần khó nghèo, để được Chúa làm gia nghiệp, hạnh phúc và sự sống đời đời.

Thưa các bạn quý mến,

Tháng Mân Côi, xin Đức Trinh Nữ Maria dạy dỗ chúng ta trong trường học rất thánh của Mẹ là kinh Mân Côi. Khởi sự với tâm hồn bé nhỏ, mỗi ngày người tín hữu cùng Mẹ bước theo Chúa Giêsu qua các mầu nhiệm Mân Côi. Tiến bước trong cuộc đời phù vân này mà danh lợi thú không chiếm ngữ con tim khối óc nhưng được đặt dưới bàn chân, chúng ta có thể đạt đến vinh quang đời sau bất tận, nhờ Mẹ và như Mẹ.