Chúa Nhật XXV - Thường Niên - Năm B
TRỞ NÊN TRẺ THƠ NƯỚC TRỜI
    Lm, Thiên Ngọc, CMC

“Nếu các con không trở nên trẻ thơ, các con sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18,3)

Câu chuyện: Cải lão hoàn đồng

Có hai vợ chồng nọ ở miền thôn quê sơn cước. Họ sống với nhau rất hạnh phúc trong tình yêu thương, chẳng giàu có gì, không mích lòng ai, luôn tử tế với hàng xóm láng giềng, và được mọi người quý mến. Ngày ngày người chồng vào rừng đốn củi mưu sinh, người vợ lo việc nhà, chăn nuôi, cấy vài luống rau sạch. Cứ thế, hai người đã đến tuổi thất thập. Một hôm nọ, người chồng vào rừng đốn củi, và khi ngồi nghỉ ngơi bên gốc cây cho đỡ mệt thì ông ngủ thiếp đi. Một ông tiên hiện ra trong giấc mơ và bảo: “Ta thấy hai người sống hạnh phúc và tử tế với mọi người suốt bao nhiêu năm cuộc đời tại làng quê này. Vậy ta sẽ ban cho các ngươi được trẻ lại để tiếp tục sống yêu thương và hạnh phúc, nêu gương cho người ta. Giờ đây, mau thức dậy và đi tới con suối đàng kia. Hãy vốc một ngụm nước ở dòng suối trong mát đó và uống. Chỉ một vốc thôi nhé!”. Choàng tỉnh dậy, ông đã làm theo lời chỉ bảo. Ông đến dòng suối và vốc một vốc nước rồi uống. Vừa uống xong, ông thấy một sự chuyển biến bừng bừng mạnh mẽ trong thân xác mình. Ông ngã xuống bất tỉnh… Một lát sau, ông tỉnh dậy và thấy cơ thể mình tràn trề sinh lực như thời thanh xuân. Ông liền soi mình trong dòng nước trong và quá đỗi ngạc nhiên, ông thấy mình trở thành một thanh niên cường tráng, đôi mắt tinh anh, trí óc sáng suốt, tay chân khỏe mạnh, bao nếp nhăn biến mất thay vào đó là một làn da sáng đẹp.

Thầm tạ ơn Trời, chàng vội chạy về nhà. Sau giây phút bối rối nơi cả hai, chàng thanh niên đã thuật lại cho bà vợ mọi sự. Khi nghe biết sự việc kỳ diệu xảy ra cho chồng, bà liền nói chồng mau mau dẫn mình đến dòng suối thần tiên ấy để nhận phép mầu. Đến nơi, anh chồng chỉ bà ngọn suối linh thiêng ấy, rồi ngồi đợi bên gốc cây. Bà vợ vội vàng đến và vốc một ngụm nước rồi uống. Tuy nhiên, khi uống xong, bà lại vốc thêm nước và uống, vì muốn mình tuy trẻ lại nhưng phải thật đẹp. Rồi để cho hoàn hảo mọi mặt, bà lại uống thêm một vốc nữa… Uống xong, bà cũng ngã ra bất tỉnh trên bãi cỏ ven bờ. Không biết bao lâu….

Người chồng ngồi đợi khá lâu, đến trưa rồi mà vẫn chưa thấy người vợ quay lại. Không biết có chuyện gì đã xảy ra cho bà! Anh liền chạy đến bên dòng suối, nhìn xung quanh mà không thấy vợ đâu. Rồi bỗng chốc, anh nghe một tiếng khóc oe oe ở đâu đó…, Thì kìa, một bé gái sơ sinh xinh xắn nằm trên bãi cỏ đang khóc. Bàng hoàng, anh nhận ra đó là vợ mình vì bộ đồ quen thuộc thùng thình nơi đứa bé. Tâm trạng anh lúc này ra sao chắc mọi người cũng hiểu. Hóa ra, chỉ cần một ngụm nước thôi là đủ để trở lại tuổi thanh xuân, đàng này, bà vợ đã uống nhiều vốc nước, nên trớ trêu thay, hóa thành một em bé !!!

Anh chàng rời khu rừng, bế đứa bé nhỏ xíu đi về nhà để nuôi nấng, với lòng tiếc nuối, ngượng ngùng, xót xa khôn tả…

Thưa các bạn thân mến,

Sau biến cố Biến Hình trên núi Tabor, Thầy Giêsu và các môn đệ xuống núi, đi ngang qua xứ Galilêa. Trên đường, các môn đệ đi sau Thầy đã bàn tán to nhỏ và tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Chúa Giêsu liền mạc khải cho các ông một điều xem ra nghịch lý với tâm thức tự nhiên con người: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Ngài gọi một em bé lại, đặt giữa các môn đệ, ôm nó và nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy, và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,36).

Có một sứ điệp quan trọng được Chúa Giêsu mạc khải nơi đây cho mọi Kitô hữu: Hãy trở nên một trẻ thơ của Nước Trời. Chắc rằng đây không phải là trở nên một trẻ thơ thể lý như bà vợ trong câu chuyện “Cải lão hoàn đồng” trên đây, hoặc như sau khi được Chúa Giêsu nói: “Nếu không được sinh lại bởi Ơn Trên thì không thể thấy Nước Thiên Chúa” (Ga3,3), thì vị biệt phái đáng kính Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái đã nghĩ: “Tôi đã già rồi làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra?” (c 4). Phải có một tâm hồn thơ trẻ.

hai khía cạnh trong sứ điệp về trẻ thơ mà Chúa Giêsu muốn nói:

Trước hết, hãy trở nên một tâm hồn trẻ thơ: “Ai đón nhận một em nhỏ như thế này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18,5). Chúa Giêsu yêu thương trẻ nhỏ cách đặc biệt và Ngài mời gọi chúng ta phải đón nhận tinh thần thơ ấu vào tâm hồn mình. Chúng ta cũng yêu thích đón nhận, ẵm bế âu yếm các em bé, vì chúng rất dễ thương. Nhưng đón nhận tâm hồn trẻ thơ, thì theo Đức Gioan Phaolô II, đó là “tính đơn sơ, niềm vui sống, vì sự hồn nhiên và vì đức tin của chúng đầy sự nể phục”. Người tín hữu cần phải vun trồng sự đơn sơ, sự trong sáng, sự dễ thương, sự lệ thuộc, niềm tin tưởng phó thác không chút hồ nghi như các trẻ thơ nơi Cha chúng ta trên Trời.

Thứ đến, đó là sự thiện hảo dành cho một tâm hồn có tinh thần trẻ thơ. Chúa Giêsu đã sống đời thơ trẻ nơi làng quê Nazareth. Nơi đó, Chúa tùng phục song thân: “Con Trẻ lớn lên trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,52). Ngài chọn lối sống có tâm hồn trẻ thơ như thế để chia sẻ thân phận con người, và chỉ ra cho con người thấy những giá trị của tinh thần trẻ thơ:

- Người bé nhỏ thì được ơn khôn ngoan thông hiểu (Chúa nói rằng Ngài chỉ mặc khải Nước Trời cho kẻ bé mọn, nhưng giấu đi với những người cho mình thông giỏi).

- Người bé nhỏ thì dễ vào Nước Trời, Nước Trời là vương quốc chỉ dành cho trẻ thơ (Chúa Giêsu dạy rằng nếu không hoá nên như trẻ thơ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời).

- Người bé nhỏ thì sẽ chiếm chỗ nhất (Ngài còn dạy rằng ai hạ mình như trẻ nhỏ này thì sẽ được nâng lên cao).

- Người bé nhỏ thì dễ thành công vì họ được người khác yêu mến và được Thiên Chúa phù trì trong mọi sự (Chúa Giêsu ưu ái các trẻ nhỏ, đặt giữa các tông đồ, ôm chúng và chúc lành).

Bên cạnh những trẻ nhỏ, Chúa đặt “những anh chị em thấp hèn nhất” là những kẻ khốn cùng, người nghèo đói khát, ngoại kiều, không áo mặc không nhà nương thân, bệnh nhân, tù nhân... Khi tiếp đón và yêu thương họ, hoặc ngược lại khi đối xử cách lãnh đạm và từ chối họ, chúng ta nói lên thái độ của mình đôí với Chúa, bởi vì Chúa hiện diện đặc biệt nơi những người đó (x.Mt 25).

Thưa các bạn quý mến,

Chúng ta đã biết Chúa dạy phải trở nên như trẻ thơ. Trẻ thơ là lối sống, là con đường duy nhất dành riêng cho chúng ta. Vậy thử hỏi chúng ta đã đi vào con đường thơ trẻ chưa? Là Kitô hữu, theo lý, chúng ta đã đi vào con đường thơ ấu từ khi được trở nên con cái của Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Đã là con, thì phải sống tin tưởng, mến yêu, cậy trông, phó thác và lệ thuộc vào Cha trên Trời, phải giống như gương Giêsu: sống nhỏ bé đối với Cha trên Trời và với Đức Maria, Mẹ Người.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có một bí quyết có thể giúp chúng ta trở nên một trẻ thơ của Nước Trời, qua khẩu hiệu cuộc đời ngài: Totus Tuus, xuất xứ từ tinh thần của Thánh Louis Gringont de Monfort trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Đức Maria, nghĩa là: Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ. Đó là tinh thần của một trẻ thơ lệ thuộc vào Mẹ và nhờ đó, kẻ bé mọn trẻ thơ sẽ trở nên giống Đức Kitô.