Chúa Nhật XXV - Thường Niên - Năm B
ĐẦY TỚ CỦA MỌI NGƯỜI
SƯU TẦM

Bác sĩ Mayo là người đã xây dựng một bệnh viện nổi tiếng trên thế giới tại bang Minnesota. Ngày kia có một đoàn chuyên viên từ Âu châu đến thăm. Và theo tập tục ở đó, thì ban tối, trước khi đi ngủ, khách sẽ để giày của mình ở ngoài cửa phòng và sẽ có người đến lấy để đánh bóng. Bác sĩ Mayo là người về sau cùng khi đêm đã khuya. Ông thấy các đôi giày để ở ngoài của phòng, nhưng ngần ngại không muốn đánh thức các người giúp việc. Ông thở dài rồi đem các đôi giày xuống bếp và tự tay ông, thức đến quá nửa đêm để đánh bóng những đôi giày của khách.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng nay: Nếu ai muốn làm lớn, thì phải trở nên kẻ rốt hết. Cũng như các tông đồ, chúng ta thường hay tranh luận xem ai trong chúng ta là người lớn nhất. Và Chúa Giêsu đã trả lời: Người lớn nhất phải làm đầy tớ cho mọi người. Chính Chúa Giêsu đã làm gương trước cho chúng ta. Ngài phán: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Và rồi trong bữa Tiệc ly, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài phán: Các con gọi Ta là Chúa và là Thầy thì phải lắm. Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Vậy chúng ta phải làm gì để noi theo mẫu gương của Ngài về vấn đề phục vụ? Chúng ta đã giúp đỡ những người anh em như thế nào? Chúng ta đối xử với những người đã làm ơn cho chúng ta ra làm sao? Và thế nào là một người đầy tớ? Tôi xin thưa đó là một người được mướn để làm việc, đặc biệt là những việc trong nhà. Và theo một ý nghĩa rộng rãi hơn, thì người đầy tớ là một người hăng hái nhiệt tình với người khác bằng một mục đích, một niềm tin. Và phục vụ có nghĩa là làm một việc để giúp đỡ hay đem lại lợi ích cho người khác.

Trong chiều hướng đó thì tất cả chúng ta đều được mời gọi để trở nên những tôi tớ. Chẳng hạn: người mẹ trong gia đình thực sự là đầy tớ cho cả nhà, bởi vì mỗi chức vụ đều có những cơ may để phục vụ. Điều quan trọng là chúng ta đã thực hiện được tinh thần tôi tớ ấy hay chưa.

Đức Giáo Hoàng người đứng đầu Giáo Hội công giáo, nắm giữ một địa vị quan trọng nhất trên thế giới, thế mà ngài vẫn tự nhận cho mình là “servus servorum”, tôi tớ của các tôi tớ.

Để kết luận, chúng ta hãy đánh giá cao việc phục vụ của những người chung quanh chúng ta, chẳng hạn như người bán hàng, người hốt rác, người giảng dạy. Đồng thời trong giây phút này, chúng ta hãy phục vụ Thiên Chúa bằng việc dâng thánh lễ, như một đỉnh cao của tinh thần phục vụ. Rồi khi trở về với cuộc sống, chúng ta hãy biến cuộc sống trở thành một thánh lễ nối dài bằng chính tinh thần phục vụ của mình. Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem: Trong hoàn cảnh của tôi, tôi phải làm những gì để phục vụ và giúp đỡ những người anh em của tôi.