Chúa Nhật XXV - Thường Niên - Năm B
AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT
Chú giải của Fiches Dominicales

‘TRÊN ĐƯỜNG’, MỘT LỜI LOAN BÁO LÀM HOANG MANG – ‘Ở NHÀ’, MỘT LỜI DẠY GÂY KINH NGẠC

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. ‘Trên đường’, một lời loan báo làm hoang mang.

Ngay sau khi Phêrô tuyên tín ở miền Xê-sa-rê Phi-lip-phê, lần đầu tiên, Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó và sống lại của Người (Mc 8,27-31). Sau cuộc hiển dung trên núi cao (9,2-8), Chúa đang băng qua miền Galilê cùng môn đệ. "Người không muốn cho ai biết, thánh sử ghi rõ, bởi vì từ này Người muốn dùng thời gian để huấn luyện các môn đệ. Người cố gắng hướng dẫn các ông chấp nhận cái viễn tượng đảo lộn hướng tư duy là: một Đấng Mêsia bị chính dân Người ruồng bỏ.

‘Trên đường’ (câu 33), địa điểm tượng trưng cho cuộc hành trình về Giêrusalem, Người giáo huấn họ bằng cách nhắc lại lời loan báo lần trước: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại" Từ ngữ Chúa dùng hầu như giống hệt lần trước.

Cũng như ở câu 8,31, Đức Giêsu nói về chính mình bằng cụm từ "Con Người”, một nhân vật bí nhiệm và uy quyền, mà ngày tận thế sẽ đến trên đám mây để phán xét loài người (Đn 7,1 3-14).

- Nhưng khác lần trước, lần đó, Chúa loan báo Người sẽ phải "chịu đau khổ nhiều" "bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ”, còn ở đây, Người chỉ nói “bị nộp vào tay người đời”, giống những vị tử đạo trong Cựu ước bị nộp vào tay quân bách hại (Gr 26,24; Tv 71,4; Tv 1401 Đn 7,22).

Khi áp dụng cách nói này cho chính mình, Đức Giêsu coi cuộc khổ nạn của Người giống với cuộc bách hại các ngôn sứ và người công chính trong Cựu ước phải chịu; và Người cũng như bước trên con đường trung tín với Thiên Chúa đến tận cái chết.

“Bị nộp”. Đức Giêsu quả thật đã bị Giuđa nộp cho các thượng tế (14,10): bị các thượng tế nộp cho Philatô (15,10) và sau cùng bị Philatô giao nộp cho lý hình (15,15).

Một chi tiết đáng ngạc nhiên: Đức Giêsu nói về cuộc khổ nạn của Người thì hiện tại: Con Người bị nộp vào tay người đời”. Chắc chắn thánh sử muốn chỉ một tương lai gần, khi dùng thì hiện tại. Nhưng cũng có thể ông muốn nói rằng kế hoạch cứu độ: của Chúa Cha đã bắt đầu được thực hiện, tuy không thấy nhưng cũng không thể đảo ngược.

Các môn đệ vẫn một mực nghe mà không hiểu. Hervieux giải thích: Vẫn là vấn đề không hiểu của các môn-đệ trước những cố gắng của Đức Giêsu, khi Người muốn đưa các ông vào mầu nhiệm cuộc đời Người. Như ta đã thấy, Phêrô đã tỏ thái độ phản loạn đích thực khi nghe loan báo về cái chết của Chúa (8, 32) Còn lần nầy, tâm trí kín mít của các môn đệ được tỏ rõ bằng cách các ông không dám hỏi Thầy, không dám bàn tiếp với những thử thách đang chờ đợi Thầy. Qua đó, chúng ta thấy rằng trực diện với cái chết khó chừng nào! ("L'evangile de Marc", Centurion, trang 133).

2. ‘Ở nhà’, lời dạy gây kinh ngạc.

Giờ đây chúng ta ở Ca-phác-na-um tức là "ở nhà”, địa điểm tượng trưng cho những cuộc trò chuyện kín đáo, chủ ý dạy dỗ các với cương vị một tôn sư dầy dạn kinh nghiệm, Người hỏi các môn đệ về đề tài mà trên đường các ông đã tranh luận sôi nổi, những cuộc tranh luận mà người ta thường coi là quan trọng trong quá trình huấn luyện của các vị tôn sư. Các ông không dám nói sự thật nên ngậm miệng làm thinh. Bởi vì trong khi Thầy mình loan báo về con đường khổ nạn sắp tới, thì các ông chỉ tranh luận về ngôi thứ, về vinh dự: "Các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả ".

Rồi, Đức Giêsu ngồi xuống gọi "Mười Hai ông lại". “Mười Hai ông" một danh xưng hiếm thấy nơi Máccô (3,14; 6,7), điều đó nghĩa là giáo huấn mà Chúa sắp nói đây nhằm nhóm các Tông đồ, những người nắm giừ trọng trách trong Giáo Hội tương lai. Giáo huấn này đảo lộn ngôi thứ thường tình trong phẩm trật nhân loại: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

J. Hervieux giải thích: Chúa lấy ‘người rốt hết’ đối chọi với ‘người đứng đầu’, lấy ‘người đầy tớ mọi người’ đối chọi với ‘người cai quản’. Điều nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người (Sđd, trang 35).

- Và để biết chắc mọi môn đệ đều hiểu, Chúa đã soi sáng lời nói bằng một cử chỉ đầy ý nghĩa. Thời đó người ta coi trẻ nhỏ là "đồ bỏ” vậy mà Đức Giêsu đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.

J. Hervieux giải thích tiếp: Cử chỉ này có một tầm quan trọng không ngờ. Đem một em nhỏ đặt vào giữa nhóm môn đệ và ôm hôn nó: các cử chỉ này đều đi ngược phong tục hồi đó. Xã hội cổ đại không quan tâm tới trẻ em. Trái lại, thay vì đối xử với chúng như những người sẽ lớn, người ta coi chúng như "vô giá trị”, như đồ bỏ. Tục lệ còn dạy người ta loại bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo vì chúng không hiểu biết Lề Luật (Sđd, trang 135- 136).

Như vậy, đặt một em nhỏ vào giữa nhóm môn đệ, em nhỏ ở đây tượng trưng cho những người nghèo, những người bị loại trừ, Đức Giêsu đã trả lời rõ ràng cho vấn đề các ông tranh cãi lúc đi đường: "Ai là người lớn nhất?" - "Tìm kiếm vinh dự là điều trơ trẽn nơi những người theo Đức Giêsu, lúc người đang bước vào con đường khổ nhục của cái chết. Làm "đầy tớ " mọi người mở cửa pháo đài Hội Thánh cho những người hèn kém nhất, những người nghèo đói nhất, đó là "dịch vụ" mà Đức Giêsu truyền cho các môn đệ phải thi hành. Để thêm trọng lượng cho giáo huấn này, Đức Giêsu kết luận bằng từ "đón nhận”: Người là Đấng Chúa Cha sai đến. Đón nhận Người qua những ai nhỏ bé là đón nhận chính Chúa. Thiên Chúa mặc hình dáng một trẻ nhỏ đó là một sứ điệp bất ngờ, rất độc đáo của trang Tin Mừng đẹp đẽ hôm nay (Sđd trang 136).

BÀI ĐỌC THÊM

1. Thang giá trị mới

(Đức Cha L. Daloz trong "Qui don est-il?", DDB, trang 55-56).

Đây là lần thứ hai Đức Giêsu loan báo cho môn đệ điều sẽ xảy đến cho Người. Người biết mình sẽ đi về đâu và người nói không úp mở về cái chết gần kề và sự sống lại của Người. Phải chăng Người đã phải chịu nỗi lo âu về cuộc khổ nạn: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này?”. Người còn lo lắng hơn không hiểu gì và họ sợ không dám hỏi Người. Phải chăng họ cũng tiên cảm được mối nguy đang rình chờ? Chúng ta đôi khi cũng không hiểu Đức Giêsu nói gì. Có lẽ vì ta sợ phải hiểu chăng? Qua im lặng, các môn đệ bình thản ở lại trong sai lầm: Nước Trời mà họ mơ tưởng là nước mà ở đó họ đóng vai ông lớn, là nơi mà họ tranh cãi xem ai trong nhóm họ là người lớn nhất. Khi Đức Giêsu hỏi họ: "Lúc đi đường các anh đã tranh luận gì thế?”, họ làm thinh. May thay, Đức Giêsu dịu dàng và kiên nhẫn loại bỏ sự im lặng và suy nghĩ sai lầm của họ. Vương quốc của Chúa là vương quốc của người phục vụ, là nơi người trước hết trở nên rốt hết, người nhỏ bé nhất trở nên người lớn nhất. Đức Giêsu hiểu rất rõ bản tính con người. Người không cho phép các môn đệ giam mình trong sự thinh lặng để che giấu nỗi sợ hãi và tham vọng. Người đi bước đầu, loan báo, chất vấn, giải thích. Rồi Người đặt một em bé ở giữa các ông, để tỏ cho các ông thang giá trị mới, nó bắt nguồn từ tình yêu đối với Chúa Cha".

2. “Ai là người lớn nhất?”

(Noel Quesson, trong "Les entretiens du Dimanche. Année B", Droguet & Ardant, trang 194-195).

"Trong xã hội loài người, tự nhiên ai cũng muốn chiếm được vị trí quan trọng. Đó cũng là luật lệ của thế giới loài vật, một thế giới rất có phẩm trật: luật rừng xanh, nơi kẻ mạnh đè bẹp kẻ yếu, nơi người lớn thống trị người bé. Nhưng Đức Giêsu đến đảo ngược lô-gic đó: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết. Ai muốn làm người lớn thì hãy làm đầy tớ mọi người”.

Những câu nói khiêu khích, cách mạng này không do các tông đồ sáng chế ra đâu, vì chính họ là người mong chiếm được địa vị cao. Nhưng chính Đức Giêsu đã đảo ngược khuynh hướng tự nhiên của con người. Nếu chỉ đổi chủ mà thôi thì không hơn gì: nếu người bị thống trị lại trở thành người thống trị, nào có thay đổi gì. Vậy mà lịch sử loài người lại đầy dẫy những cuộc nguỵ cách mạng, những người hò hét "đả đảo quân bóc lột" lại trở thành nỗi kinh hoàng cho những người thấp cổ bé miệng.

Đức Giêsu đề nghị một giải pháp khác: ông chủ tự nguyện đầy tớ mọi người. Đây là một cuộc cách mạng diễn ra trong nội tâm con người: một cuộc đổi mới tâm hồn, một sự từ bỏ truyền thống trị người khác.

Để làm điều đó Đức Giêsu nêu ra một minh hoạ: đứa bé. Trẻ em là một sinh vật nhỏ bé, không được trọng vọng loài xã hội, không có khả năng tự vệ, lại dễ bị người ta loại bỏ, cả bằng cách phạm pháp, như giết nó ngay khi còn trong bào thai nghĩa là vào lúc nó không có một chút khả năng nào để tự vệ. Đứa bé là một kẻ nghèo hèn đúng nghĩa nhất vì nó chẳng có quyền gì. Lúc nào và ở đâu, người ta cũng có thể trao nó vào tay kẻ mạnh, kẻ có quyền lực.

Vào những ngày này, khi bắt đầu các hoạt động, chúng ta tự hỏi xem mình sẽ phục vụ ở đâu?.