Chúa Nhật XXII - Thường Niên - Năm B
BÊN TRONG
SƯU TẦM

Chỉ có một người điên mới rửa một cái tách ở bên ngoài mà không rửa ở bên trong. Ít ra chúng ta phải chắc chắn bên trong đã được rửa sạch, còn bên ngoài thế nào cũng được. Đức Giêsu nói chúng ta cũng phải làm như thế đối với chính mình. Chúng ta phải có bên trong sạch sẽ, bên ngoài thế nào cũng được. Thật vậy, nếu bên trong (tâm hồn) đã thanh sạch thì bên ngoài (thái độ của chúng ta) cũng sẽ thanh sạch. Nhưng nếu bên trong không thanh sạch thì bên ngoài cũng sẽ không thanh sạch. Bên ngoài sẽ phản ảnh tình trạng của bên trong.

Những người Pharisêu đã nhìn điều xấu như một vật ở bên ngoài họ – trong các sự vật và đặc biệt trong những người khác. Họ tự hào mình là những người đạo đức và xem thường những người khác. Nếu điều xấu ở bên ngoài họ, thì họ có thể bảo vệ họ khỏi điều xấu bằng cách tránh tiếp xúc với dân chúng, hoặc nơi nào làm họ không thể thực hiện việc tắm rửa theo đúng nghi thức.

Những người Pharisêu là những người chân thành. Chỉ có điều là các nỗ lực của họ hướng về mục đích sai lầm. Đối với họ, cái bên ngoài là tất cả. Vì thế họ quan tâm đến sự thanh sạch bên ngoài mà bỏ quên điều quan trọng hơn – sự thanh sạch nội tâm hoặc sự thanh sạch của tâm hồn.

Đức Giêsu nói rằng căn nguyên của điều xấu ở bên trong chúng ta. Nó có gốc rễ trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta không thể bảo vệ mình khỏi điều xấu bằng việc cách ly với những người khác. Tất cả những điều ghê tởm mà Người liệt kê và chúng ta đọc trên báo chí: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng – tất cả những điều xấu xa đó đều xuất phát từ bên trong con người. Mầm mống của chúng ở bên trong tất cả chúng ta. Những điều đó làm cho một người trở nên ô uế trước mặt Thiên Chúa.

Đó là sự thật rất khó chịu và mỗi người chúng ta không biết đến hiểm họa của chính mình. Một vấn đề lớn của thời đại chúng ta là sự hiểu biết thiếu sót của chúng ta về chính mình, về điều xấu để nhận ra và đối phó với nó bên trong chúng ta. Dù sao cũng có một thứ an ủi và tự do khi biết được và chấp nhận sự thật khiêm nhường ấy.

Ngày nay, có một sự quan tâm to lớn đối với việc làm sạch sẽ thân thể. Vì thế mới có mọi thứ quảng cáo về xà bông và nước hoa. Và cũng có sự quan tâm về môi trường – với chất lượng của nước uống, thực phẩm, và không khí. Điều đó không phải là không quan trọng. Chỉ có điều là có một môi trường khác còn quan trọng hơn: môi trường đạo đức. Điều xấu là thứ ô nhiễm tồi tệ nhất trong mọi thứ ô nhiễm.

Nhưng nếu nguồn gốc điều xấu ở bên trong chúng ta, thì nguồn gốc của điều tốt cũng thế. Mọi tư tưởng lời nói và công việc của chúng ta tuôn trào từ tâm hồn như nước từ một dòng suối giấu kín. Nếu dòng suối trong sạch thì dòng chảy phát xuất từ đó sẽ trong sạch. Chúng ta phải làm thanh sạch suối nguồn.

Có một câu chuyện về một vị thầy một ngày nọ đặt những câu hỏi sau đây cho một số môn đệ: “Người ta phải tránh điều gì nhất trong đời?”

“Một con mắt xấu xa”, môn đệ thứ nhất nói.

“Một người bạn phản bội”, môn đệ thứ hai nói.

“Một người láng giềng xấu”, môn đệ thứ ba nói.

“Một tâm hồn xấu”, môn đệ thứ tư nói.

Vị thầy thích câu đáp cuối cùng nhất bởi vì nó bao hàm mọi câu khác. Rồi ông nói: “Và điều gì đáng ao ước nhất mà người ta cố gắng đạt đến trong đời?”

“Một con mắt tốt”, một người nói.

“Một người bạn tốt”, người thứ hai nói.

“Một người láng giềng tốt”, người thứ ba nói.

“Một tâm hồn tốt”, người thứ tư nói.

Vị thầy thích câu đáp cuối cùng nhất, vì nó bao hàm mọi câu khác.

Chúng ta phải cố gắng đạt đến sự trong sạch của tâm hồn. Sự trong sạch hoàn toàn của con người là điều không thể đạt được ở đây trên trần gian này. Nó là một cuộc đấu tranh liên tục. Một tâm hồn trong sạch, tinh tuyền không giống với một tâm hồn trống rỗng. Một tâm hồn đầy lòng yêu thương là một tâm hồn tinh tuyền và lành mạnh.