Chúa Nhật XX - Thường Niên - Năm B
THÁNH THỂ - HIẾN TÊ
SƯU TẦM

Cha Piô, tu sĩ dòng Capucinô, ở Itala, mới được phong thánh năm 2004, là vị linh mục đầu tiên đã được in 5 dấu thánh. Ngài là linh mục và đặc ân của Ngài, do thánh chức, là ở toà giải tội và nhất là trên bàn thờ dâng lễ. Cha dâng lễ lâu đến ba tiếng rưỡi đồng hồ. Ai dự lễ do cha Piô làm đều say sưa, sốt sắng, không biết mỏi mệt. Ngài sống mầu nhiệm Chúa hiện diện trên bàn thờ trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi dâng Mình Thánh Chúa, thảm kịch tế lễ càng diễn tiến như dưới chân Thánh Giá xưa. Mồ hôi nhỏ giọt, nước mắt dầm dề. Ngài đọc lời truyền phép như một người đang hấp hối, đau khổ tột độ. Ngài cầm Mình Thánh giơ lên, những đường máu từ từ rơi theo dấu ngón tay. Rồi ngài hớn hở như được thấy Chúa. Ai không tin sự hiện diện của Chúa trong hình bánh hình rượu, hãy đến dự thánh lễ cha Piô sẽ biết, sẽ cảm nghiệm. Để Thánh lễ đừng kéo dài quá lâu sau truyền phép, cha bề trên tu viện núp trong cung thánh, phải ra lệnh bằng ý muốn cho ngài tiếp tục (Le vrai visage du Padre Pio, Maria Winowska,Fayard).

 

Anh chị em thân mến,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn đi xa hơn nữa trong mạc khải của Ngài về Bánh Hằng Sống. Không những Chúa Giêsu đói buộc phải tin vào Ngài, nhưng Ngài còn đòi buộc phải ăn bánh là chính Mình Ngài, phải uống chén rượu là chính Máu Ngài. Bánh và rượu chính là Thịt và Máu của Ngài. Bánh và rượu này liên hệ đến cái chết của Ngài, cho đến độ không có cái chết của Ngài trên Thập Giá, thì Bánh ngày không thể là Thịt của Ngài và Rựơu này không thể là Máu của Ngài. Vì vậy, Bí tích Thánh Thể vừa là lễ tế hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập Giá, vừa là bữa tiệc Thịt và Máu của Ngài, dưới hình thức bánh và rượu. Vì thế, Thánh Thể trước hết là một hy lễ. Chính là máu của Giao Ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội. Chính là cuộc tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

 

Đoạn Tin Mừng hôm nay gợi lại cho chúng ta Bữa Tiệc Thánh Thể Chúa Giêsu đã cư hành vào những giờ phút cuối cùng của đời Ngài, trước lúc Ngài bị bắt và chết trên Thập Giá. “Trong bứa ăn tối, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hay cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy. Rồi cầm lấy chén rượu, tạ ơn, Ngài trao cho họ mà nói: Tất cả các con hãy uống chén này, vì này là chén Máu Thầy, máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội” (Mt 26,26 - 28). Thánh Phaolô còn nói rõ: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, là anh em loan báo cái chết của Chúa Giêsu cho đến khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26).

Chúng ta phải đọc những lời thiết lập Bí tích Thánh Thể dưới ánh sáng của những lời khẳng định của Chúa Giêsu về Bánh ban sự sống. Ngài đã tuyên bố một cách thẳng thừng Ngài là gì và người ta phải quan hệ với Ngài như thế nào để có được sự sống của Thiên Chúa. “Tôi là Bánh ban sự sống… Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì sống mãi trong Tôi, và Tôi sống mãi trong người ấy”. “Tôi sống như thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy”. Thịt và Máu Chúa Giêsu là của ăn, của uống làm cho người ta “sống trong Chúa Giêsu” và làm cho Chúa Giêsu “sống trong người ấy”. Người dùng thức ăn, thức uống này thì được “sống nhờ Chúa Giêsu”, sẽ được “sống lại trong ngày sau hết” và được “sống đời đời”.

 

Thưa anh chị em,

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, tình yêu liên hệ với sự sống: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã banh Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Không có sự sống thì cũng không có tình yêu. Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi chết để chúng ta được sống để chúng ta được sống và được sống với Ngài. Bánh Ngài ban tặng chúng ta là bánh ban sự sống đời đời, là dấu chỉ của tình yêu, là dấu chỉ của chính Thân Thể Ngài hy sinh cho nhân loại. Tấm bánh bẻ ra hay là Chúa Giêsu Kitô hy sinh chịu chết vì chúng ta, đó chính là bằng chúng của tình yêu cao cả nhất: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu hiến thân mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Vì vậy, Bí tích Thánh Thể được coi là Bí tích của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu và yêu là muốn kết hợp với người yêu. Yêu là muốn điều tốt, muốn cho người yêu được sống dồi dào, và trong tình yêu có sự đòi buộc phải hy sinh.

 

Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu của Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Từ khi nhập thể làm người cho đến lúc gục đầu trên Thập Giá. Chúa Giêsu chỉ có một khắc khoải là minh chứng tình yêu cho nhân loại. Ngài muốn loài người được sống và sống dồi dào. Đâu là Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu, bí tích của một tình yêu tận hiến. Chúa ban sự sống của Ngài cho chúng ta để chúng ta kết hợp với Ngài và được sống dồi dào nhờ cái chết cứu độ của Ngài.

 

Thế nhưng, được kết hợp với Ngài để làm gì? Được sống dồi dào để làm gì? Được sống kết hợp với Chúa để tiếp tục sống tình yêu như Ngài. Được kết hợp với Chúa để tiếp tục hoạt động với Ngài để đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Được kết hợp với Chúa Cha ở mọi nơi. Được kết hợp với Chúa để phục vụ cho anh em được sống dồi dào hơn qua cuộc tận hiến chính cuộc đời của mình.

 

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu tiếp tục hiến mình làm bánh, là lương thực nuôi sống Giá Hội, nuôi sống chúng ta qua Bí tích Thánh Thể được cử hành hằng ngày, hằng tuần… Và mỗi người chúng ta cũng như cộng đoàn được mời gọi tiếp rước Mình và Máu của Chúa. Nhưng tiếp rước ở đây không phải chỉ là ăn uống Mình và Máu của Chúa Giêsu mà thôi, mà còn phải là tiếp rước chính Chúa Giêsu với cả cuộc đời và sứ mạng của Ngài, để hoạ lại ý nghĩa của cuộc đời và sứ mạng đó trong chính cuộc sống của mình. Do đó, rước lễ đích thực không thể tách rời khỏi việc tìm hiểu trong Lời của Chúa, trong cuộc đời của Ngài bài học về cách xử sự, về sự lựa chọn, về sự hy sinh, về lòng yêu mến người khác cho chính cuộc đời của mình. Đó là cách thức để người Kitô hữu sống bằng Thịt và Máu của Chúa, sống nhờ Chúa và qua đó, được sống đời đời.

Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu phải được nhân lên qua cuộc sống của các tín hữu. Bao lâu chúng ta còn sống hữu ích cho anh em, còn tìm cách làm cho cuộc sống của những người chung quanh bớt nghèo, bớt đói, bớt khổ… là chúng ta đang tế hiến mình với Chúa Kitô Thánh Thể. Chúng ta trở thành bánh ngon để nuôi sống anh em. Lúc đó, chúng ta mới dâng lên Thiên Chúa Bí tích tình yêu của chính bản thân mình mỗi lần họp nhau cử hành Bí tích Thánh Thể của Chúa Kitô.