Chúa Nhật XVIII - Thường Niên - Năm B
TẤM BÁNH ĐÁNG KHÁT KHAO
Lm, Thiên Ngọc, CMC

Các bạn thân mến,

“Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi” (Ga 6,34).

Đó là lời dân chúng Do Thái đồng thanh xin Đức Giêsu, sau khi biết Ngài có bánh bởi trời đích thực, bánh từ Thiên Chúa đến và ban sự sống cho thế gian. Cha ông họ đã ăn manna và đã chết. Họ cũng dùng lương thực hằng ngày, nhưng nó bất toàn, không đem lại sự sống đời đời. Vì thế, họ khát mong một thứ lương thực kỳ diệu, một thứ bánh đích thực, có thể thỏa mãn mãi mãi cơn khát khao của họ.

Đó là cốt lõi của trang Tin Mừng Chúa Nhật 18 B hôm nay, khi thuật lại việc người Do Thái đi tìm Thầy Giêsu, vì Người rời khỏi họ sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, và ngay lúc gặp lại, Người cũng biết rõ họ tìm mình không phải vì đã thấy những dấu lạ, nhưng vì đã được ăn bánh no nê (Ga 6,26).

Tìm Thầy Giêsu vì những dấu lạ Thầy làm thì đó là việc của tò mò hiếu kỳ, của thị hiếu. Tìm Thầy Giêsu vì được ăn no nê thì đó là việc của cái bụng, của xác thịt. Nhưng nếu như tìm Thầy chỉ vì bản thân Thầy mà thôi, thì đó là việc của lý trí, của đức tin và của trái tim. Cho nên Chúa Giêsu đã hướng người Do Thái đến một sự khao khát đích thực, đó là tìm kiếm - gặp gỡ - yêu mến và hiệp thông với Người: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không khát bao giờ” (Ga 6,35).

Sự khát khao Chúa Kitô khởi từ thân phận khốn cùng của con người. Chúng ta vẫn không tránh khỏi ngạc nhiên trước nỗi khao khát Thiên Chúa của thánh vương Đavit: Lạy Chúa, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa, linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông (Tv 63,1). Nhưng rồi cũng sẽ hiểu ngay, vì rằng trong đời sống, việc nhận ra thân phận mình là một “hoang mạc khô cằn không giọt nước” (Tv 63,2) như vua David, không phải là khó. Là “hoang mạc khô cằn không giọt nước” bởi vì hết thảy mọi người đều có xuất xứ từ hư vô, bất lực, nghèo nàn và tội lỗi. Đây là chân lý làm nền tảng cho đời sống siêu nhiên, đời sống quy hướng về Chúa, lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài.

Thật vậy, Thiên Chúa tạo dựng con người từ hư vô. Người phán một lời thì bởi hư vô liền có mọi sự (St 1). Một trăm năm trước, tôi còn trong hư vô. Một trăm năm sau tôi cũng chẳng còn trên đời này. Sự hiện hữu của tôi trong quãng thời gian đó chỉ như một đóa phù dung, một cơn gió thoảng trong vũ trụ bao la, một áng mây vụt đến vụt đi trên bầu trời, như viên đá ném xuống mặt hồ làm gợn sóng lăn tăn trong thoáng chốc rồi lại im lặng như tờ... Không ai biết sẽ có tôi trước khi tôi chào đời. Không ai bận tâm đến tôi trừ cha mẹ và gia quyến khi tôi có mặt trên đời. Và khi tôi chết, trái đất vẫn quay, g vẫn thổi, chợ vẫn họp, đường xá vẫn đầy xe cộ... Dần dà, không còn ai nhớ đến tôi nữa, trừ một ít người thân.

Sau khi tạo dựng nên tôi, nếu Chúa không ban ơn gìn giữ, lập tức hữu thể tôi sẽ trở về hư vô. Hệt như một cái ly thủy tinh vừa xuất xưởng, nếu chủ nhân đang cầm trong tay mà buông ra, nó sẽ rơi xuống vỡ tan tành! Sự gìn giữ ấy gọi là ơn bảo tồn vạn vật. Thiên Chúa luôn bảo tồn chúng ta như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Người coi trọng gìn giữ chúng ta như con ngươi trong mắt Người. Nếu không có ơn ban ấy, ơn mà chúng ta không có quyền đòi, chúng ta đã phải xa khuất thánh nhan Người và trở về cát bụi hư vô từ lâu rồi.

Tạo dựng và bảo tồn đã vậy, nếu như Chúa không kích hoạt bằng ân sủng của Người, gọi là ơn hiện sủng, chúng ta sẽ chẳng làm gì được! Cây đàn sẽ mãi mãi u buồn nằm im dưới lớp bụi thời gian, nếu như người nghệ sĩ không lướt nhẹ ngón tay trên phím đàn. “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm”. Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được!” (Ga 15,5). Chúng ta không thể làm được gì trên lãnh vực tự nhiên nếu không có ơn Chúa đã vậy, mà còn không thể làm được gì trên lãnh vực siêu nhiên nữa. Không có Chúa, tôi không thể làm được một việc tốt dù nhỏ bé. Chính Người tác động tôi từ trong tư tưởng, đến lời nói, việc làm: “Chính nhờ Chúa mà ta sống, ta động, ta hiện hữu” (Cv 17,28).

Thứ nữa là chúng ta vốn nghèo nàn tận căn. Vào đời với hai bàn tay trắng trần  trụi, rồi từ giã cõi đời cũng hai bàn tay trắng, không mang theo được bất cứ cái gì… Thân thể mỗi người, nếu đem phân tích trong phòng thí nghiệm chỉ là một hợp chất hữu cơ và vô cơ, phần lớn là nước, khoảng mười lít. Chất sắt làm được ba cái đinh năm phân. Chất vôi đủ quét một bức tường nhỏ, chất potasse làm được cục xà bông, chất lưu huỳnh làm được một hộp quẹt. Tất cả chỉ đáng hai mươi ngàn đồng! Dưới ánh sáng thuần tuý, những gì được thấy nơi tôi, trong xác chết cơ thể của tôi, ngay cả trong bản thể của tôi, cũng chỉ là hư không, được Chúa quyền năng sáng tạo nâng đỡ về mọi mặt. Tạm cất đi sự nâng đỡ khẩn thiết ấy dù chỉ trong một giây lát, con người tôi, hữu thể tôi sẽ biến mất và tan đi trong làn khói trong không trung, không để lại một dấu vết gì. Đó chính là sự nghèo nàn vô cùng của tôi.

Cái mà tôi làm được cách dễ dàng, nếu không có Chúa, chỉ có thể là tội lỗi. Chẳng phải nhiều lúc tôi đã lạm dụng ơn Người để phục vụ cho mưu đồ bất chính, cho dục vọng thấp hèn, cho cái tôi của mình? “Kinh sợ biết bao nếu ta nhìn tận đáy lòng mình! Để soi sáng thêm vấn đề, ta đặt một giả thuyết kỳ cục như sau: Nếu không có hỏa ngục để sợ hãi, không có Chúa để mến yêu, nếu không cần giữ danh dự, không cần sợ những bất trắc xảy ra,… ta thử hỏi các quá trớn của ta đi tới đâu và đời ta sẽ ra sao… Đời ta sẽ diễn tiến đúng như các khuynh hướng của ta hành động nếu chúng không bị chế ngự. Mà những khuynh hướng ấy đã có trong tiềm thức, và thương hỡi, chúng là chính ta” (Luyện Đức Khiêm Nhu, Léopold Beaudenon). Thánh Philipphe Nêri nói: “Ôi lạy Chúa, xin Chúa đừng tin con, xin che chở và giữ gìn con, vì không có Chúa, không có lỗi lầm nào mà con không thể phạm trước khi tắt ánh hoàng hôn!”.

Giống như người Do Thái xưa đói khát tìm Chúa, chúng ta cũng là một sa mạc đang khát Chúa, một vực sâu đang kêu gào được lấp đầy, một khối đá cần thành phẩm, một giấc mơ chưa tròn... Chỉ duy nhất Giêsu là Tấm Bánh chúng ta khát khao, bởi Ngài là Chúa, là Thầy, là tri âm tri kỷ, là người yêu, là bạn đường, bạn nghĩa thiết, là Đấng cứu thoát và chữa lành,... Chúa Giêsu như viên ngọc quý, như kho tàng giấu kín trong đám ruộng, như tân lang mà tân nương mỏi mong kết hợp, như thầy thuốc chữa lành những đau khổ, như miền hạnh phúc lấp đầy mọi mơ ước của con người, như đại dương ân sủng đổ tràn vực thẳm của kiếp nhân sinh. “Chúa là gia nghiệp là phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con” (Tv 15).  

Lạy Thầy, xin ban cho chúng con Bánh ấy luôn mãi !