Chúa Nhật XVII - Thường Niên - Năm B
TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA
 

“Các con hãy cho họ ăn đi” (Mt 14,16).

Các bạn thân mến,

Bên bờ hồ Galiêa ở Do Thái, nằm ở khu vực phía tây bắc, có một ngọn đồi và tại đây có một nhà thờ được gọi là Nhà thờ Chúa Hóa Bánh Và Cá Ra Nhiều. Trước kia tại nơi này là một nhà thờ xây vào thế kỷ thứ năm thời đế quốc Byzantine mà vào năm 614, người Ba Tư đã đánh chiếm Thánh Địa và phá hủy đền thờ. Khoảng 1300 năm sau mới xây dựng lại như ngày nay. Đây là nơi ghi nhớ xưa Chúa Giêsu đã làm phép hóa năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều, cho hơn năm ngàn người ăn no nê, còn dư mười hai thúng đầy. Hôm nay CN XVII B, Tin Mừng Thánh Gioan 6,1-15 thuật lại biến cố ấy. Bài đọc một trích sách Các Vua (2V 4,42-44) cũng cho biết tiên tri Eleseo, môn đệ của Elia, khi được một người tặng cho 20 chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa, đã vâng lời Chúa và sai đầy tớ phân phát cho một trăm người ăn, mà thật kỳ lạ thay vẫn còn dư thừa!

Những chuyện kể ấy như muốn nói đến tình thương lớn lao và quyền năng của Thiên Chúa. Thương dân chúng đói khổ và ra tay quyền phép cứu giúp, đó là công việc Chúa luôn luôn làm. Phần chúng ta, cùng với muôn loài để mắt nhìn về Chúa và hãy thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra và thi ân cho chúng con được no nê” (Tv 144,16).

Nhớ lại trong những ngày đối phó với đại dịch Covid trước đây, chúng ta đã thấy “phép lạ hóa bánh ra nhiều” xảy ra ở nhiều nơi để cứu giúp những người khốn đốn vì dịch bệnh. Những bữa ăn yêu thương, bếp nhân ái, ATM gạo yêu thương, siêu thị 0 đồng, xe rau củ quả,… Rất nhiều hình thức được chia sẻ trao tặng cho anh chị em trong các khu phong tỏa, cách ly, cho những người nghèo, di dân lao động, đồng bào dân tộc... Và không thể không nói đến những “tấm bánh được bẻ ra” là quý tu sĩ nam nữ, nhiều người đã tình nguyện xông pha, phục vụ trong các bệnh viện dã chiến hay các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid khắp nơi như Sài Gòn, Thủ Đức, Đồng Nai,… Chắc sẽ còn nhiều những tấm bánh” như vậy nữa được gợi hứng từ Trời Cao, để trao ban cho đồng bào khổ đau hôm nay trên khắp thế giới. Quả là Chúa Kitô vẫn đang đánh động lòng chúng ta và mời gọi chúng ta “các con hãy cho họ ăn đi !. Thâm sâu, chính Chúa Kitô làm phép lạ “hóa bánh ra nhiều” ấy qua những tâm hồn biết “bẻ ra” cho tha nhân, mà họ chính là những cậu bé trong đoạn Tin Mừng trên, đã quảng đại dâng cho Ngài năm chiếc bánh và hai con cá. Cầu xin cho có nhiều người dễ thương như vậy, là “những tấm bánh” được nhân rộng ra hơn nữa cho những nơi đang diễn ra chiến tranh, những nơi xung đột, bạo lực, khủng bố, đói nghèo, thiên tai, bị bách hại vì niềm tin hay chính kiến, tù đày....

Hôm nay cũng là Ngày cầu cho các bậc cao niên trên thế giới. Các ngài là “những tấm bánh được bẻ ra” trao ban cho con cháu, cho quê hương, cho gia đình, cho các thế hệ sau, cho xã hội và cho Giáo Hội. Chúng ta xin Thiên Chúa chúc lành đặc biệt cho các ngài, ban thêm sức khỏe, bình an, thánh đức. Xin cho các ngài được vui hưởng hạnh phúc trong gia đình, trong các nhà hưu dưỡng, mái ấm, trong các cộng đoàn,… Xin cho con cháu các bậc cao niên luôn có tấm lòng hiếu thảo, và cũng là “tấm bánh được bẻ ra”, như chính các bậc cao niên đáng kính ấy.

Thế nhưng để trở thành một tấm bánh được bẻ ra cho tha nhân như thế, cần phải như thế nào? Hãy nhìn vào Thầy Giêsu và Ngài có thể cho chúng ta câu trả lời để định hướng cho mình.

Tấm bánh của Thầy Giêsu trong bí tích Thánh Thể thì tròn, trắng, nhỏ và nhẹ. Tấm bánh của tôi thì như thế nào?

Tấm bánh của bạn và tôi tròn không? Tròn để mọi người đều có thể dùng, có thể cầm mà không xước cứa vì góc cạnh. Chúng ta có là người dễ thương, dễ gần, luôn tử tế với hết mọi người mình gặp dù họ ra sao hay không? Tình yêu sẽ làm cho ta nên “tròn”, “nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22).

Tấm bánh ấy có trắng” chứ? Trắng là sự trong sạch trong ý tưởng, lời nói và hành vi, mà nhờ đó tôi có thể xem thấy dung nhan Chúa nơi tha nhân, cũng như tha nhân có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi tôi. “Ai sẽ được lên núi Chúa, ai sẽ dừng bước trong thánh điện Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,…” (Tv 14).

Tấm bánh ấy có nhỏ không? Nhỏ là tâm hồn khiêm tốn đối với Chúa với Mẹ và với mọi người. Không “nhỏ” sao được khi chúng ta nhận ra rằng gốc rễ sâu xa chúng ta mang thân phận hư vô, bất lực, nghèo nàn và tội lỗi; và trong cả lãnh vực tự nhiên lẫn siêu nhiên, chúng ta đều lệ thuộc tuyệt đối vào Thiên Chúa: “Chính nhờ Chúa mà ta sống, ta động, ta hiện hữu” (Cv 17,28).

Và tấm bánh ấy có nhẹ không? Nhẹ lòng thanh thoát, không dính bén của cải chức vị,…, biết cho đi mà không so đo tính toán. Thầy Giêsu là Đấng giàu có mà đã trở nên nghèo nên nhẹ vì chúng ta, hầu chúng ta cũng theo gương đó mà nên nghèo nên nhẹ vì Ngài và vì tha nhân vậy.

Như thế, bài đọc hai trích thư của thánh Tông đồ Phaolô nhắn gửi giáo dân thành Êphêsô (4,1-6) vẫn thật phù hợp, như là một lời khuyến khích chúng ta trở nên tấm bánh bẻ ra cho muôn người theo gương Chúa Giêsu, mà ngài đã hết lòng noi theo: “Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

Cuối cùng, phép lạ hóa bánh ra nhiều muốn nói với chúng ta một điều thâm sâu nhất, đó là Thánh Thể: Chúa Giêsu trao ban Thịt Máu Mình cho nhân loại. Một ân ban vô cùng cao cả, một kho tàng vô cùng cao quý! Những của ăn vật chất nuôi chúng ta nhiều lắm là một cuộc đời trần thế, nhưng của ăn Thánh Thể, và cả của ăn Lời Chúa nữa, mới chính là thần lương đi đường đưa chúng ta đến sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, dẫn tới cuộc sống viên mãn muôn đời. Chúa Giêsu chính là Tấm Bánh được bẻ ra trong cuộc sống nhất là qua cái chết và sự phục sinh của Người, để nói lên một tình yêu đến cùng của một Vị Thiên Chúa Làm Người, hầu cho nhân loại được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Ôm trọn vì khao khát chính Chúa Giêsu cùng Lời của Người, đó là điều chúng ta nhớ sở cầu sở đắc, nhất là trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, phải không thưa các bạn?

Thưa các bạn quý mến,

Tôi có khao khát Lời Chúa và Thánh Thể là lương thực cần thiết cho mình mỗi ngày không? Tôi có là tấm bánh được bẻ ra cho tha nhân không? Xin Đức Maria giúp chúng ta noi gương Mẹ cưu mang và tràn đầy Chúa Kitô, hầu sống cho Ngài, sống vì Ngài và sống với Ngài, để cuối cùng “chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,6).