Chúa Nhật XVI - Thường Niên - Năm B
ĐỂ LÀM MỘT MỤC TỬ
Lm, Thiên Ngọc, CMC

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu:

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,

Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,

Để nghe dưới đáy nước hồ reo;

Để nghe tơ liễu run trong gió,

Và để xem trời giải nghĩa yêu...

…..

Thưa các bạn thân mến,

Nếu có ai đã từng đọc bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ của thi sĩ Hàn Mạc Tử, ắt chúng ta cũng sẽ thích thú hai khổ thơ đầu ghi trên. Chúng vừa hiện thực đời thường, với những cảnh trời mơ, trăng sao, sương nhạt, tiếng nước reo, cành liễu run trong gió; nhưng cũng vừa thanh thoát thần bí, vì chỉ trong “phút linh thiêng đã khởi đầu” ấy, ta gọi là sự thinh lặng tâm hồn để dung thông với muôn tạo vật và hoạt động của muôn loài, ta mới cảm nhận điều kết quan trọng “và để xem trời giải nghĩa yêu”. Phải chăng đó là nhờ thinh lặng dung thông mà ta hiểu được lời chú giải mặc nhiên của thiên nhiên về tình yêu thương của Thiên Chúa? Tất cả bài thơ như một lời mời gọi và khích lệ chúng ta cố gắng bước vào cõi thinh lặng tâm hồn mình, để đọc, để nghiệm ra những điều tốt đẹp cao quý thiên nhiên muốn nói với lòng mình, qua đó nhận ra một vì Thiên Chúa đang yêu thương nhân loại, và mời gọi con người hướng đến một tình yêu vô vị lợi khôn cùng như Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.  

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVI năm B mời gọi chúng ta hai điều: hãy vào nơi thanh vắng trong mối tương giao với Chúa Giêsu hầu nghỉ ngơi bồi dưỡng xác hồn, và hãy nên một mục tử như Thầy Giêsu.  

Thật vậy, sau khi các tông đồ được Thầy Giêsu cắt cử từng hai người một đi khắp nơi loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ,…các ông đã trở về bên Thầy theo kỳ hẹn và thuật lại cho Ngài mọi lời các ông nói cùng mọi việc các ông làm. Chúa Giêsu liền dạy các ông: “Các con hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,30). Nơi “thanh vắng” ở đây không chỉ là rời xa tiếng ồn ào xô bồ xao động của cuộc sống và tìm một nơi cô tịch, mà còn chính là sự thanh vắng trong cõi lòng, gạt qua những bận rộn, buông xả những mải mê cuốn hút, lắng đọng tâm hồn, sống thân tình với Thầy Giêsu, để chỉ kiếm tìm Thiên Chúa và nghe tiếng Ngài nói trong tâm hồn. Cần có những giây phút như thế trong một ngày. Cha Carolo Hồ Bặc Xái đã có những suy tư như sau: “Thứ yên tĩnh mà chúng ta cần đi tìm là thứ yên tĩnh tràn đầy hương vị ngọt ngào... Yên tĩnh bên ngoài để cho bên trong tâm hồn có được những ý hướng cao thượng, những nhận định sáng suốt, những sức mạnh an ủi khích lệ... Đó là thứ yên tĩnh ngọt ngào, phong phú, là chính thứ yên tĩnh ta cần đi tìm. 

Nhưng tìm ở đâu bây giờ? Thưa thứ yên tĩnh đó ta có thể tìm thấy trong bầu khí trầm mặc ở nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện, và ngay trong chính tâm hồn mình. Nghe nói đến đây chắc chắn nhiều bạn trẻ thấy ngán! Đúng thế, chắc hẳn có nhiều lần chúng ta cũng đã đến nhà thờ, cũng đã cầu nguyện... nhưng thấy nó buồn tẻ làm sao, chỉ muốn ngủ gục thôi. Tại vì chúng ta như bị bó buộc phải đi vào cảnh yên tỉnh đó một cách miễn cưỡng, cho nên chúng ta chỉ gặp được cái thứ yên tĩnh chỉ vì vắng tiếng động bên ngoài, hay chỉ gặp thứ yên tĩnh trống rỗng vì bên ngoài đã hoang vắng mà bên trong tâm hồn cũng hoang sơ, cằn cỗi… Muốn tìm thấy yên tĩnh đích thực, nghĩa là thứ yên tĩnh ngọt ngào, phong phú thì chúng ta phải tự nguyện tìm yên tĩnh và để trọn tâm hồn của mình lắng đọng trong cõi yên tĩnh đó”. 

Đây cũng là lời mời gọi ta mỗi ngày sống hãy dành thời gian để tâm cầu nguyện hay tham dự thánh lễ, sống tương giao thân thiết tình Thầy trò, tình anh em, hầu nhận ra Chúa muốn nói gì với bản thân mình. Hẳn rằng ta không đến nhà thờ hay bước vào giờ cầu nguyện như bị bắt buộc, mà đến với tinh thần tự nguyện khát khao, như lời Thánh Vịnh 129,5-7:

“Từ sáng tinh sương mãi tới lúc đêm về,

hồn tôi trông chờ Chúa.

Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,

cậy trông ở lời Người.

Hồn tôi trông chờ Chúa,

hơn lính canh mong đợi hừng đông.

Hơn lính canh mong đợi hừng đông,

trông cậy Chúa đi, Israel hỡi,

bởi Chúa luôn từ ái một niềm,

ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa”. 

Sự thinh lặng tâm hồn trong cầu nguyện mỗi ngày như thế sẽ giúp ích cho ta rất nhiều. Sẽ thanh tẩy vết nhơ bản thân khi soi rọi với lời Chúa dạy, sẽ tràn đầy nội lực, kín múc bình an và chìm ngập trong ánh sáng thần linh, để có thể sống ngày ngày cách tốt đẹp, để chu toàn ơn gọi Thiên Chúa trao ban. Chính vì thế, Chúa Giêsu luôn có những giờ thinh lặng cầu nguyện cùng Cha ngay từ sáng sớm hay lúc đêm về, và Ngài cũng đã dạy các môn sinh phải vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi bồi dưỡng xác hồn.  

Tuy vậy, trong những lúc rất cần sự thanh vắng nghỉ ngơi như thế, Chúa Giêsu vẫn không xua đuổi đám đông dân chúng khi họ tìm đến với Ngài. Ngài hy sinh bản thân để đón tiếp, giáo huấn và chữa lành. Như ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu rất mệt vì biết bao công việc, đến nỗi không có giờ để ăn uống nghỉ ngơi. Ngài vừa cùng các môn đệ đi tới một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi thì dân chúng lại ùn ùn kéo đến. “Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34).

Trong bối cảnh này, chúng ta nhớ đến bài đọc một trích sách tiên tri Gêrêmia 23,1-6. Thiên Chúa trách các mục tử Israel là các vua, các kỳ mục và các tư tế. Lẽ ra họ phải chăm sóc chu đáo cho đoàn chiên của Ngài là dân Do Thái, nhưng trái lại, họ làm cho phân tán, xua đuổi và không trông nom đoàn chiên. Vì thế, Ngài sẽ xét xử những hành động gian ác của họ, sẽ lấy lại và đích thân chăm nom đoàn chiên, bằng cách quy tụ những con chiên tản lạc, lùa chúng đến đồng cỏ xanh tươi, suối nước mát trong, che chở bảo vệ chúng bằng sức mạnh vạn năng của Ngài. Thiên Chúa còn hứa sẽ gầy dựng cho nhà Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Đây là lời hứa ban Đấng Cứu Thế, và Thầy Giêsu chính là Mục Tử Nhân Lành được hứa ban.  

Thưa các bạn quý mến,

Chúng ta hãy vui sướng được làm một con chiên trong đoàn chiên Hội Thánh, đang sống dưới sự chăm sóc của Vị Mục Tử giàu tình thương và đầy quyền năng Giêsu, qua Thân Mình Ngài là Hội Thánh. Và chúng ta hãy xin Đức Maria, người Mẹ của Vị Mục Tử nhân lành và là Tôn Sư thần linh, huấn luyện chúng ta có một con tim giống như Ngài, một con tim biết yêu thích tương giao với Chúa trong thinh lặng bề trong và bề ngoài, một con tim nhạy cảm xót thương và biết mở rộng trước nhu cầu của người khác, để trong Đức Giêsu Kitô và nhờ bửu huyết của Ngài, tất cả mọi người, dù “xưa là những kẻ ở xa”, cũng trở thành gần, hiệp nhất trong một Hội Thánh. “Chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Chúa Cha trong cùng một Thần Khí” (Bài đọc hai, Ep 2,18).