Chúa Nhật XV - Thường Niên - Năm B
ĐƯỢC MỜI GỌI VÀ SAI ĐI
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Nước Thiên Chúa được thực hiện cách cụ thể bằng việc Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi thực tập rao giảng Tin mừng. Đồng thời Nước Thiên Chúa làm phát sinh những ơn gọi đặc biệt như tông đồ là những người được tuyển chọn và sai đi cùng với quyền năng của Chúa Giêsu để rao giảng và làm chứng cho Nước Thiên Chúa. Bài Tin mừng chúa nhật tuần này tường thuật việc Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi rao giảng và nhắc nhở những cách thức căn bản trên con đường truyền giáo. Các ngài nhận được từ chính Chúa Giêsu quyền năng xua trừ ma quỉ và cũng được nhắc nhở không được mang theo gì dọc đường như bánh, bao bị, tiền bạc dắt lưng, chỉ trừ cây gậy. Các ngài cũng được nhắc nhở hãy cứ ở lại nhà nào đã đón tiếp các ngài cho tới khi ra đi và nơi nào không đón tiếp và không nghe lời các ngài, các ngài có quyền phủi bụi chân ra đi như một dấu chứng tố cáo họ. Theo nguyên ngữ hy lạp, chữ tông đồ có nghĩa là được sai đi. Các ngài được chọn gọi và sai đi cách chính thức với thẩm quyền của Chúa Giêsu. Trong tường thuật truyền giáo này, chúng ta cũng chú ý tới những chi tiết như các tông đồ được sai đi từng hai người một. Theo luật Môisen, cần phải có hai nhân chứng để lời chứng có giá trị. Ngoài ra số hai cũng là số biểu tượng để chỉ cộng đoàn, có nghĩa các người được sai đi không hoạt động một mình hay đơn lẻ, nhưng thành từng nhóm hai người với ý nghĩa hoạt động của các ngài có tính cộng đoàn. Và nhất là chính Chúa Giêsu ban cho các ngài quyền năng trừ quỉ vốn là dấu hiệu của Nước Thiên Chúa đã được khai mạc.

          Trong những lời căn dặn của Chúa Giêsu, điều đánh động chúng ta, đó là những lời nhắn nhủ  đặc trưng cổ thời làm cho chúng ta hình dung hình ảnh những nhà truyền giáo lưu động và khó nghèo. Các ngài phải đi từ làng này qua làng khác cũng như từ thành này qua thành khác, và dừng chân nơi những nhà đón tiếp các ngài. Ngay những nhu cầu cần thiết như bánh ăn và tiền túi, các ngài không được mang theo mà lãnh nhận từ quà tặng của những người đón tiếp các ngài. Trang phục và hành lý của các ngài cũng phải đơn giản gọn gàng để không trở nên cồng kềnh vướng bận, không được mang theo hai áo, nhưng được phép mang dép. Vào thời Chúa Giêsu, người ta thường đi chân không, nhưng để đi xa, thì cần phải mang dép và gậy. Những sứ giả của Tin mừng được quyền nhận sự tiếp đón của người khác vì đã mang Tin mừng biếu không. Nhưng Tin mừng là lời mời gọi mọi người đón nhận cách tự do, nên không hề ép buộc ai phải đón nhận Tin mừng ngoài ý muốn. Nếu như thành nào hay làng nào từ chối đón nhận Tin mừng, thì các tông đồ sẽ ra đi và phủi bụi chân làm dấu chứng đã không được đón tiếp bởi thành đó. Theo nghi thức của đông phương xưa kia, người ta làm dấu phủi bụi chân như dấu chỉ đoạn tuyệt đối với thành hay nơi nào thù nghịch. Cứ như thế, các tông đồ đã ra đi loan báo Nước Thiên Chúa và mời gọi hoán cải. Các ngài cũng làm được nhiều phép lạ, xua trừ ma quỉ. Các ngài xức dầu trên nhiều bệnh nhân và chữa lành cho họ khỏi mọi bệnh tật.

          Sứ vụ được sai đi rao giảng là sứ vụ khẩn cấp vì để rao giảng sự sám hối. Sứ vụ này rất khẩn thiết đến độ các tông đồ không được phép mang hành lý cồng kềnh dù cho là rất cần thiết cho hành trình dài của các ngài. Sứ vụ này cũng rất cần thiết đến độ các ngài không được phép ở lại nơi những người không đón tiếp các ngài. Sứ vụ này rất quan trọng cho nên các ngài được lãnh nhận từ chính Chúa Giêsu quyền năng để xua trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Bởi vì tội lỗi và ma quỉ giam cầm con người trong quyền lực của nó, cần phải có chính sức mạnh thần linh của Chúa Giêsu mới có thể giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Sứ vụ này cũng là sứ vụ sám hối để nhờ đó, con người xứng đáng đón nhận ơn tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa. Lời mời gọi sám hối này vốn không ngừng được nhắc nhở qua các tiên tri là những người được Thiên Chúa trao ban sứ mạng. Tiên tri Amos là người được Thiên Chúa chọn và sai đi một cách đặc biệt để đến rao giảng cho Israel là vương quốc phía Bắc lời mời gọi sám hối. Khi đến rao giảng ở đây, ông bị thẩm quyền địa phương xua đuổi ngăn cấm vì lời rao giảng của ông làm cho những người Israel khó chấp nhận. Nhưng tiên tri Amos vẫn can đảm thi hành sứ vụ của mình và mạnh mẽ công bố rằng mặc dù ông chỉ là một người chăn bò và hái trái sung, nhưng ông nhận được lệnh truyền đặc biệt của Thiên Chúa để đi đến xứ Israel rao giảng lòng sám hối cho mọi người. Ông không sợ hãi và chùn bước trước lời đe dọa nào.

          Ơn gọi là điều lạ lùng vì nâng cao người được kêu gọi, làm cho họ thi hành một sứ vụ quan trọng. Ơn gọi cũng phát xuất từ thánh ý Thiên Chúa là Đấng ban phát ơn gọi cho mỗi người. Cả tiên tri Amos lẫn các tông đồ đều là những người được chọn gọi và sai đi bởi Thiên Chúa. Các ngài vốn là những người có nghề nghiệp rất khiêm tốn và các ngài cũng không tự chọn sứ mạng này. Nhưng các ngài được chọn gọi và sai đi để trở nên tiên tri và tông đồ với sứ mạng rao giảng Tin mừng, rao giảng lòng sám hối và nhận lãnh quyền lực để xua trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Đối với mỗi người chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi và sai đi. Theo thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi đến một đời sống thánh thiện, chúng ta được tuyển chọn để được làm con Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, được tha thứ mọi tội lỗi, được hưởng phần gia nghiệp vinh quang muôn đời. Đời sống người tín hữu cũng là được chọn gọi và sai đi để làm chứng cho Tin mừng bằng chứng ta của đời sống hằng ngày của mình. Ý thức được điều này, mỗi người phải cố gắng sống xứng đáng và trở nên chứng nhân cho Tin mừng bằng việc cần mẫn và chuyên chăm trong sứ vụ và ơn gọi của mình.