Chúa Nhật XIV - Thường Niên - Năm B |
THIÊN KIẾN |
SƯU TẦM |
Cổ học tinh hoa có thuật chuyện “Mất búa”, đại khái như sau: Một người thợ mộc làm việc trong vườn. Thằng bé con nhà hàng xóm sang ngồi xem. Mải làm, lúc cần đến búa, ông tìm mãi không thấy. Ông nghi thằng bé đã ăn cắp búa. Nhìn mặt nó đúng là mặt thằng ăn cắp búa. Nghe lời nó nói đúng là giọng điệu của thằng ăn cắp búa. Hỏi thì nó chối đúng là tâm địa gian manh. Được một lúc, ông lại thấy cái búa nằm khuất đâu đó. Nhìn lại mặt thằng bé thì thấy mặt mũi nó hiền lành dễ thương, khác với mặt thằng ăn cắp búa. Nghe lời nó nói, đúng là con nhà gia giáo, khác với lời ăn tiếng nói của thằng ăn cắp búa. Hỏi nó thì nó thưa, đúng là con nhà lương thiện, khác hẳn với thằng ăn cắp búa. Câu chuyện trên nói lên thiên kiến của con người. Thiên kiến là ý kiến mình có sẵn về một người hay một vấn đề. Người có thiên kiến xét người và vật theo suy nghĩ riêng chứ không dựa trên cơ sở khách quan trung thực. Thiên kiến là mắt kính mầu. Vì đeo kính mầu nên ta thấy mọi vật đều nhuộm mầu của kính. Đeo kính mầu xanh, ta thấy mọi vật đều xanh. Đeo kính mầu hồng ta thấy mọi vật đều hồng. Hồng, xanh là ở mắt kính chứ không ở sự vật. Vì thế phán đoán của người có thiên kiến thường không chính xác. Thiên kiến có nguồn gốc ở sự thiếu học hỏi. Vì không được học nên hiểu biết giới hạn. Thiếu hiểu biết nên phán đoán thiếu chính xác. Thiên kiến cũng do đầu óc thiển cận, hẹp hòi. Tục ngữ có câu: “Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”. Con ếch ngồi dưới đáy giếng chỉ nhìn thấy một mảnh trời vừa bằng miệng giếng, cho rằng trời chỉ có thế. Người có đầu óc thiển cận hẹp hòi cũng tưởng mọi chân lý đều chứa trong đầu óc của mình cả. Thiên kiến thường do sự thiếu khiêm tốn. Sự thật mênh mông. Chẳng ai dám tự hào mình biết tất cả sự thật. Người khiêm tốn là người thấy rõ giới hạn của mình, nên cố gắng đi tìm sự thật. Chỉ những người thiếu khiêm tốn mới hay huênh hoang tự đắc và chủ quan. Thiên kiến thường dẫn đến những hậu quả tai hại. Vì thiên kiến, vua quan triều Nguyễn đã không chấp thuận những kiến nghị đổi mới của Nguyễn Trường Tộ. Nên đã để đất nước chìm trong lạc hậu. Nếu nghe theo chương trình đổi mới, có lẽ đất nước ta đã tiến nhanh hơn Nhật Bản. Vì Nguyễn Trường Tộ đã nhìn thấy vấn đề và đề nghị từ cuối thế kỷ 19, trong khi Nhật mới chỉ canh tân từ đầu thế kỷ 20. Nếu trong đời sống xã hội thiên kiến đã đưa đến những hậu quả tai hại, thì trong đời sống thiêng liêng, thiên kiến cũng gây ra những thiệt hại không kém. Người dân làng Nagiarét mang nặng thiên kiến về Đức Giêsu. Dưới mắt họ, Người chỉ là một anh thợ mộc tầm thường, nghèo nàn và chẳng có gì đặc biệt. Người xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, không danh giá. Họ biết rõ cha mẹ, họ hàng của Người. Thấy Người làm được những việc kỳ lạ. Nghe miệng Người giảng những điều khôn ngoan. Họ ngạc nhiên, nhưng không tin. Đối với họ, Đấng Cứu Thế phải là một Đấng phi thường, không ai biết rõ nguồn gốc. Hơn nữa, Đấng Cứu Thế phải oai phong lẫm liệt, đánh đông dẹp bắc rồi lên ngôi vua trị vì thiên hạ. Đàng này, Đức Giêsu thì họ biết rõ nguồn gốc. Người lại quá hiền lành khiêm nhường. Tướng mạo không giống như hình ảnh Đấng Cứu Thế mà họ nuôi trong đầu óc. Vì thế, họ không tin. Vì họ không tin, nên Đức Giêsu không thể làm phép lạ nào ở đó. Người bỏ họ mà đi. Không bao giờ Người trở lại Nagiarét nữa. Thật là thiệt hại cho làng quê Nagiarét. Họ đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Họ đã để lỡ cơ hội đón nhận ơn cứu chuộc. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở. Chỉ đến một lần trong đời. Rồi thôi. Ai để lỡ sẽ không bao giờ có cơ hội chuộc lại. Thiên kiến đã làm hại họ. Rất nhiều khi ta cũng mang nặng thiên kiến. Thiên kiến đối với anh em. Thiên kiến đối với Chúa. Hôm nay, rút kinh nghiệm của những người dân làng Nagiarét, ta hãy tránh thiên kiến bằng cách tìm học hỏi để biết Chúa, biết giáo lý của Chúa hơn. Nhất là có tâm hồn mở rộng và khiêm nhường để biết đón nhận Chúa, đón nhận thánh ý Chúa. Nếu ta khiêm tốn đón nhận, Chúa sẽ dạy dỗ ta những chân lý nước trời đem lại hạnh phúc cho ta. |