Chúa Nhật XIV - Thường Niên - Năm B
ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊSU KITÔ
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Thiếu lòng tin và sự khiêm tốn chân thành là trở ngại lớn trong việc đón nhận ơn Chúa. Thiếu lòng tin cũng là căn bệnh khó trị của con người được đặt trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng mời gọi con người bước vào tương quan thân tình với Thiên Chúa. Trong kinh nghiệm nhân sinh, đôi khi chúng ta cũng tự hỏi tại sao tôi thất bại trong tương quan với người này hay người khác, với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em và bạn bè. Phải chăng là vì tôi không chân thành trong tình yêu, không thẳng thắn hay không tin tưởng với những người thân yêu này và không trung tín, khiến cho tương quan của tôi sau đó bị đổ vỡ. Các bài đọc của Chúa nhật 14 này vạch rõ những thái độ thiếu lòng tin này trong kinh nghiệm của dân Chúa là những người được tiếp xúc với các tiên tri là những người Thiên Chúa sai đến và sau cùng là với chính Chúa Giêsu, Đấng cứu độ. Được mời gọi làm dân riêng của Thiên Chúa là bắt đầu một tương quan thân tình với Thiên Chúa, tương quan này sẽ nâng cao con người bởi vì đặt con người ở tư thế được thông hiệp vào đời sống thần linh. Tương quan với bất kỳ một ai cũng đều đòi hỏi những yếu tố căn bản là tình yêu, lòng chân thành tin tưởng và nhất là lòng trung tín. Tương quan thân tình với Thiên Chúa càng đòi hỏi hơn nữa lòng tin tưởng chân thành và tình yêu mạnh mẽ đối với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu độ con người. Thế nhưng Thiên Chúa là Đấng vô hình, tương quan chân thành với Thiên Chúa được diễn tả qua việc đón nhận Lời Chúa và đón nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến nói cho con người Lời Chúa.

Từ trong Cựu Ước, sách tiên tri Êdêkien tường thuật lại trình thuật ơn gọi của tiên tri. Ông được Chúa sai đến với nhà Israel để nói cho họ Lời Thiên Chúa và chính Chúa khẳng định với tiên tri Êdêkien rằng thái độ đón tiếp Lời Chúa hay không qua trung gian tiên tri sẽ chứng tỏ thái độ của Israel trung tín hay không với Thiên Chúa. Nếu họ nghe lời của tiên tri Êdêkien, đó là dấu chứng họ trung tín với Thiên Chúa và ngược lại, đó là dấu họ không trung tín với Thiên Chúa. Kinh nghiệm của những người ở làng Nazarét trong câu chuyện Tin mừng càng làm sáng tỏ hơn nữa thái độ cụ thể của con người khi tiếp xúc với Thiên Chúa. Nazarét là quê hương của Chúa Giêsu, nơi người đã sinh trưởng và lớn lên cùng với gia đình và biết bao thân nhân, bạn bè của thời niên thiếu. Chắc hẳn mọi người biết rõ nhau, Chúa Giêsu biết nhiều người trong họ, và ngược lại nhiều người biết Chúa Giêsu và đã từng giao tiếp với người. Khi người trở lại đây sau một thời gian xa vắng, mọi sự bắt đầu lại với phần nào ngỡ ngàng. Chúa Giêsu vẫn đến hội đường như thường lệ, và mọi người đón tiếp cách bình thường lúc ban đầu, người đứng ra đọc sách Thánh và bắt đầu rao giảng. Thế nhưng mọi sự lần hồi trở nên xấu đi. Những người đồng hương bắt đầu thay đổi thái độ, từ thiện cảm ban đầu ra ác cảm khi họ bắt đầu đặt câu hỏi trong lòng : « Bởi đâu người được khôn ngoan như thế, và làm được những phép lạ như thế ? Phải chăng người không phải là thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao ? Và chị em của người không ở đây với chúng ta sao ? ». Bi kịch của lòng tin diễn ra từ đây. Trong tâm trí của những người ở Nazarét, Giêsu vẫn là người thợ mộc bình thường mà họ có thể thân quen chào hỏi vui vẻ, nhưng khó có thể chấp nhận được Giêsu như là một vị tiên tri mà Thiên Chúa sai đến. Họ khó có thể vượt qua được khoảng cách tâm lý trong chính lòng mình. Vì thế, thái độ của họ là từ chỗ ngạc nhiên đã đổi ra lòng thù hận. Bởi vì trong tâm trí của họ, nhiều ký ức vẫn còn đó, quá khứ của người, nguồn gốc của người, những bà con họ hàng thân thuộc của người vẫn còn như in trong tâm trí mọi người khiến cho họ khó có thể chuyển hệ ngay được. Trước mắt mọi người, Giêsu vẫn là thợ mộc với nguồn gốc khiêm tốn bình thường. Người ta chắc đã từng thuê người đến đóng bàn ghế hay sửa nhà cửa. Thêm vào đó là những người thân của người nữa. Bà Maria mẹ người, các anh em của người vẫn còn đang sống giữa mọi người. Những người Nazarét chắc hẳn khó chấp nhận Người như là vị tiên tri Thiên Chúa gửi đến vì nguồn gốc dân giả của người. Nguồn gốc quá dân giả của người là điểm chuẩn để những người đồng hương thân thiết từ chối nhìn nhận người. Tin mừng thánh Marcô đã ghi lại phản ứng của Chúa Giêsu. Người nói với họ bằng cách trích dẫn một câu ngạn ngữ : Không ai là tiên tri nơi quê hương mình. Đồng thời thánh Marcô cũng cho biết Chúa Giêsu không thể làm phép lạ nào ở đây, chỉ trừ một vài trường hợp và sau đó người đã đi đến các làng khác để tiếp tục giảng dạy và người ngạc nhiên vì việc thiếu lòng tin của họ.

          Một kinh nghiệm chua xót, nhưng phải chăng đây cũng là kinh nghiệm thật, không phải của những người làng Nazarét mà thôi mà còn là của nhiều người trong chúng ta. Chúa Giêsu đã đến Nazarét với biết bao tâm tình trìu mến và kỳ vọng, thế nhưng mọi sự đã trở nên xấu ngoài mọi dự đoán.  Những tiên kiến hẹp hòi là nguyên nhân làm giới hạn khả năng của những người này thay vì họ có thể nhìn xa hơn, tiến tới những tương quan thân tình với Đức Giêsu, để rồi nhìn nhận người là Con Thiên Chúa, đón nhận Lời của Người và đón nhận sự sống đời đời. Vì thế việc biết nhìn nhận những gì Thiên Chúa làm nơi con người Đức Giêsu để đi vào tương quan với Thiên Chúa là một hành vi đức tin, đòi hỏi chúng ta chân thành, tin tưởng và học hỏi với Lời Chúa, biết khiêm tốn để trở nên người môn đệ của Đức Giêsu.  Kinh nghiệm của thánh Phaolô là một gợi ý cho chúng ta. Kiêu căng vốn là bản tính của con người, nó làm cho con người dễ trở nên tự phụ và vì thế không thể tiến tới trong tương quan thân tình với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu được. Thánh Phaolô cũng nhận thấy trở ngại này nơi chính bản thân mình, và vì để cho ngài bớt tính kiêu căng, Thiên Chúa để cho ngài phải chịu một cái dằm đâm vào da thịt làm ngài đau đớn. Và thánh Phaolô cũng chia sẻ kinh nghiệm là những đau khổ, bị sĩ nhục, khốn khó và bị bắt bớ vì Đức Kitô là những điều giúp cho ngài được luôn trung tín khiêm tốn và vững vàng.