Chúa Nhật XIII - Thường Niên - Năm B
TÍN THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG
QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
            LM ĐAN VINH - HHTM

 HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 13 TN B

Kn 1,13-15;2,23-24 ; 2 Cr 8,7-9.13-15 ; Mc 5,21-43.

 

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mc 5,21-43

(21) Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. (22) Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, (23) và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”. (24) Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. (25) Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, (26) bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. (27) Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người, (28) vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ vào được áo Người thôi, là sẽ được cứu”.(29) Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. (30) Ngay lúc đó, Đức Giê-su cảm thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra. Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo Tôi ?”. (31) Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào Tôi ?”. (32) Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ làm điều đó. (33) Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. (34) Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (35) Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (36) Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. (37) Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông là ông Gio-an. (38) Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường, Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. (39) Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. (40) Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. (41) Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: Trỗi dậy đi !”. (42) Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức người ta kinh ngạc sững sờ. (43) Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

2.Ý CHÍNH: Ông trưởng hội đường tên Gia-ia có đứa con gái đau nặng sắp chết đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su nên đã được Người cho sống lại. Trong lúc đi đường, một phụ nữ bị bệnh băng huyết cũng nhờ tin vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su nên cũng được lành bệnh. Điều này cho thấy: Đức Giê-su đến để giải thoát loài người khỏi hậu quả của tội lỗi là bệnh tật và sự chết. Tuy nhiên, để được hưởng ơn cứu độ ấy, người ta phải đặt trọn niềm tin vào Người.

3.CHÚ THÍCH:

-C 21-24: + Bờ Biển Hồ: Biển Hồ nói đây có nhiều tên: là Biển Hồ Ga-li-lê hay Ti-bê-ri-a (x. Ga 6,1) hay Ghen-nê-xa-rét (x. Lc 5,1). Đây là Biển Hồ có hình bầu dục dài 21 km, rộng 12 km. Tại Biển Hồ này Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ như: dẹp yên sóng gió (x. Mc 4,35-41), mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5,4-7), đi trên mặt biển (x. Ga 6,16-21). Cũng tại vùng Biển Hồ này, Đức Giê-su đã chữa lành các bệnh nhân (x. Mt 14,14.35-36). Hai lần nhân bánh ra nhiều (x. Mt 14,15-21; 15,32-39).+ Viên trưởng hội đường: Là người phụ trách việc phụng tự trong hội đường Do Thái. Khi đi giảng đạo, Đức Giê-su thường đến các hội đường Do Thái vào ngày Sa-bát để rao giảng Tin Mừng và chữa bệnh (x. Mt 4,23; Lc 4,31-37.44). + Ông ta sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài xin: Thái độ sụp xuống dưới chân Đức Giê-su và nài xin Người cho thấy đức tin mạnh mẽ của ông. + “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”: Đặt tay là khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa người đặt tay và vật hay người được đặt tay. Cử chỉ đặt tay trên bệnh nhân ám chỉ các phép bí tích do Đức Giê-su lập ra sau này để ban ơn cứu độ cho các tín hữu.

-C 25-28: + Bà kia bị băng huyết đã mười hai năm: Bệnh băng huyết là một loại bệnh phụ khoa, làm cho người phụ nữ bị ra ô uế theo Luật. Bệnh nhân bị bệnh này không được đụng chạm tới ai để tránh cho họ khỏi trở nên ô uế (x. Lv 15,25-27). + Bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người, vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ vào được áo Người thôi, là sẽ được cứu”: Chính nhờ tin vào quyền năng và tình thương của Đức Giê-su, mà bà này đã vượt qua đám đông để tới gần Đức Giê-su và bà còn dám vượt qua Lề Luật để đưa tay ra chạm vào áo của Người.

-C 29-31: + Bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh: Chạm đến áo Đức Giê-su cho thấy cử chỉ bên ngoài thân xác cũng có giá trị làm phát sinh đức tin trong tâm hồn. Nhờ đức tin mà bệnh nhân được khỏi bệnh. + “Ai đã sờ vào áo Tôi ?”: Đức Giê-su muốn cho người phụ nữ ý thức rằng: chị ta được khỏi bệnh do quyền năng phát xuất từ Người và do ý định của Người chủ động thực hiện. Câu hỏi của Chúa còn có mục đích cho các môn đệ và đám đông dân chúng biết rõ về phép lạ đó, để họ tin Người thực là Đấng Thiên Sai.

-C 32-34: + Bà này sợ đến phát run, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình: Bà sợ vì việc làm của bà đã vi phạm Luật Mô-sê tưởng là chỉ mình bà biết, nhưng đã bị Đức Giê-su phát hiện. + Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người: Đức tin của người đàn bà này lúc đầu chỉ là sự mê tín dị đoan. Nhưng giờ đây được Đức Giê-su quan tâm sửa dạy, đã trở thành đức tin đúng đắn vững mạnh, thúc bách bà thêm can đảm đến phủ phục và thú nhận sự thật với Người. + “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”: Đức Giê-su cho thấy chính Người đã chữa lành cho người đàn bà vì bà đã tin tưởng cậy trông vào Người, chứ không phải cái áo Người mặc chữa lành bệnh cho bà.

-C 35-37: + “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?: Qua câu này, người nhà ông trưởng hội đường không tin Đức Giê-su có thể phục sinh kẻ chết. Câu này cũng là dịp thử thách đức tin của ông Gia-ia. + “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”: Sự im lặng của Gia-ia khi nghe báo tin con gái ông đã chết, cho thấy ông vẫn kiên trì với đức tin. Vì thế, Đức Giê-su đã khích lệ ông : “Chỉ cần tin thôi” hay “Cứ vững tin là được”. Qua câu này, Đức Giê-su muốn cho Gia-ia đừng để đức tin bị chao đảo, như có lần Người đã nói : “Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (Mc 9,23). + Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an: Ba ông này luôn theo sát Đức Giê-su trong các biến cố quan trọng (x. Mc 5,37; 9,2; 14,33). Dù muốn giữ bí mật đối với đám đông, nhưng Đức Giê-su cũng cho ba môn đệ thân tín đi theo để sau này họ kể lại cho hậu thế biết (x. Ga 19,35). Sở dĩ phải ba ông, vì theo Luật Mô-sê thì lời chứng của ba người mới có giá trị (x. Đnl 19,15; Mt 18,16).

-C 38-40: + “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy ?”: Những người khóc lóc kêu la nói đây là những người khóc mướn. Họ được tang gia nhờ cậy để khóc than to tiếng mỗi khi có khách đến viếng người chết. + Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !: Trong Thánh Kinh, sự chết được diễn tả bằng nhiều kiểu nói : “Một số đã an nghỉ” (x. 1 Cr 15,6); “Về những ai đã an giấc ngàn thu” (x. 1 Tx 4,13); “an giấc trong Đức Giê-su” (x. 1 Tx 4,14). Khi nghe biết La-da-rô chết, Đức Giê-su cũng nói : “La-da-rô bạn của chúng ta đang yên giấc” (Ga 11,11). Ở đây, khi khẳng định cô bé chưa chết, mà chỉ đang ngủ đó thôi, là Đức Giê-su báo trước việc Người sắp cho em sống lại, được thức dậy sau một giấc ngủ. + Họ chế nhạo Người, nhưng Người bắt họ ra ngoài: Sự kiện này cho thấy : Những người không tin và chế nhạo thì không đáng được chứng kiến phép lạ như có lần Người đã nói : “Không nên lấy của thánh mà ném cho chó. Cũng không nên vất ngọc trai trước mặt con heo !”.+ Rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm: Chỉ có 5 người là cha mẹ cô bé, và ba môn đệ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là những kẻ có thiện chí và đức tin nên được Người cho chứng kiến phép lạ để gia tăng đức tin. Vì “ai có sẽ được cho thêm để nên dư dật !”.

-C 41-43: + “Này bé, Thầy truyền cho con: Trỗi dậy đi !”: Cũng như khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa chỉ cần phán một lời là mọi sự xuất hiện (x. St 1,3.6.9.11.14), ở đây Đức Giê-su cũng chỉ ra lệnh là em bé kia lập tức sống lại. Điều này chứng tỏ Đức Giê-su làm chủ trên cả người sống lẫn kẻ chết (x. Mt 28,18). + Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy: Khi cấm các môn đệ không được nói ra phép lạ này là để tránh sự bồng bột quá khích của dân Do Thái bấy giờ đang có quan niệm ái quốc cực đoan về Đấng Thiên Sai. Phải chờ đến ngày Đức Giê-su từ cõi chết sống lại, ba môn đệ này mới thuật lại phép lạ mà các ông đã chứng kiến.

4.CÂU HỎI: 1) Biển Hồ nói đây là biển gì ? Đức Giê-su đã làm các phép lạ nào trên Biển Hồ và trong khu vực này ? 2) Trong thời gian giảng đạo, Đức Giê-su thường làm gì tại các hội đường Do thái ? 3) Lòng tin của ông trưởng hội đường vào Đức Giê-su biểu lộ qua thái độ nào ? 4) Cử chỉ đặt tay của Đức Giê-su nói lên điều gì ? 5) Vì sao người đàn bà này lại bị Luật Mô-sê cấm đụng chạm tới người khác ? 6) Lý do nào khiến bà ta dám vượt qua điều Luật cấm để đến gần chạm vào áo Đức Giê-su ? 7) Tại sao Đức Giê-su lại hỏi đám đông : ”Ai đã sờ vào áo Tôi ?” 8) Tại sao người đàn bà bị bệnh lại sợ khi nghe Đức Giê-su hỏi đám đông ? 9)Tại sao Đức Giê-su lại đòi người đàn bà phải công khai thú nhận mình đã được khỏi bệnh ? 10) Đức Giê-su nói câu nào để xác định chính Người chứ không phải áo Người đang mặc đã chữa bệnh cho người đàn bà ? 11) Đức Giê-su đã nói gì với ông Gia-ia để khích lệ ông vững tin ? 12) Ba môn đệ nào được chứng kiến phép lạ Đức Giê-su phuc sinh cô bé ? Ba ông này còn được đi theo Chúa trong những trường hợp nào khác nữa ? 13) Trong Thánh Kinh có những câu nào diễn tả sự chết như một giấc ngủ ? 14) Tại nhà Gia-ia, tại sao Đức Giê-su không cho những kẻ cười nhạo Người ở lại ? Những ai được chứng kiến phép lạ Người làm ? 15) Đức Giê-su đã làm gì để phục sinh cô bé ? 16) Tại sao Đức Giê-su cấm môn đệ nói ra phép lạ này ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Người nói với bà ta : “Lòng tin của con đã cứu con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NHỜ VÂNG PHỤC ÁP-RA-HAM TRỞ THÀNH CHA CỦA CÁC TÍN HỮU:

Ông Áp-ram khi đã già yếu đã gặp được Đức Chúa và được Ngài chọn làm tổ phụ của một dòng giống tin vào Đức Chúa đông như sao trời cát biển. Ngài cũng đổi tên ông từ Áp-ram trở thành Áp-ra-ham, nghĩa là “Cha của những kẻ có lòng tin”. Tổ phụ Áp-ra-ham đã nêu gương tin cậy vâng phục Đức Chúa. Mãi đến năm 90 tuổi Áp-ra-ham mới được Chúa ban cho một đứa con trai đặt tên là I-sa-ác. Nhưng năm I-sa-ác được 12 tuổi, Đức Chúa một lần nữa đã thử thách đức tin của ông bằng việc ra lệnh cho ông đem đứa con trai duy nhất đi sát tế dâng cho Đức Chúa trên núi. Dù khó chấp nhận điều này, nhưng Áp-ra-ham vẫn tín thác cậy trông và tuyệt đối vâng lời Đức Chúa. Ông đã cùng con trai đi leo lên núi cao và lập một bàn thờ để giết con làm lễ vật tiến dâng cho Đức Chúa, theo như phong tục của chư dân thời bấy giờ. Thấy rõ đức tin tuyệt đối của Áp-ra-ham, Đức Chúa đã sai một thiên thần đến ngăn tay ông lại và thay vì dâng con trai, ông được Chúa cho thế bằng một con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Rồi sau đó Đức Chúa đã tái xác nhận những điều Ngài hứa với ông trước đó. Cuối cùng Áp-ra-ham đã thực sự trở thành tổ phụ của một dân tộc tin vào Đức Chúa đông như sao trời cát biển (St 22,1-18).

2. CHÚA DẮT DÌU TA VƯỢT QUA MỌI GIAN NGUY TRONG CUỘC ĐỜI:

Một hôm lúc chiều tà trên bãi biển ẩm ướt, một thanh niên đang đi bách bộ với Chúa Giê-su, hai Thầy trò vừa đi vừa đàm đạo với nhau. Trên mặt cát ướt đều in lại bốn dấu bàn chân của hai thầy trò. Khi đi ngược lại, chàng thanh niên rất ngạc nhiên khi thấy trên mặt cát lúc thì có 4 dấu chân của hai thầy trò, nhưng có lúc lại chỉ thấy còn hai dấu chân. Chàng ta nghĩ đó là hai dấu chân của mình nên hỏi Chúa: “Lạy Thầy, khi nãy Thầy ở đâu để con phải đi một mình như thế ?” Chúa Giê-su liền trả lời: “Con hãy nhìn kỹ lại xem hai dấu chân đó là của ai ?” Sau khi quan sát kỹ, chàng ta công nhận là hai dấu chân của Chúa. Nhưng chàng lại tiếp tục hỏi: “Vậy lạy Chúa, con đang ở đâu trong lúc Chúa đi một mình như thế?”. Đức Giê-su liền âu yếm trả lời anh rằng: “Hỡi con, trong những lúc con bị lo âu phiền não, con không thể tự bước đi được. Đó là lúc Thầy phải bồng ẵm con trên đôi tay của Thầy đó !”.

3) TÍN THÁC ĐÒI SỰ CỘNG TÁC CỦA TA VỚI ƠN CHÚA:

Một cơn lụt khủng khiếp đã tràn ngập cả một vùng rộng lớn. Một bà bị kẹt ở trong nhà. Khi đang đứng ở cửa sổ nhà bếp trông ra ngoài, bà thấy có một chiếc ca-nô tiến đến.

Người tài công nói với bà:

- “Bà leo lên đây kẻo nước lụt còn dâng cao hơn nữa đấy”.

- “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.”

Người tài công lắc đầu bỏ đi. Ngày hôm sau, nước dâng lên đến lầu hai. Khi đứng ở cửa sổ lầu hai nhìn ra biển nước, một chiếc tầu to hơn xuất hiện. Người lái tầu bảo:

- “Bà leo lên tầu đi vì đây là chuyến đi cuối cùng lên vùng đất cao đó”.

- “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.”

Người lái tầu lắc đầu bỏ đi. Ngày sau nữa, nước đã dâng lên đến mái nhà. Khi ngồi trên nóc nhà, bà trông thấy một chiếc trực thăng xuất hiện trên trời. Phi công dùng máy phóng thanh nói với bà:

- “Tôi sẽ thả thang giây xuống. Bà leo lên giây cho chúng tôi cứu bà”.

- “Không, cám ơn ông,” bà trả lời. “Tôi tin tưởng vào Chúa, Người sẽ cứu tôi.” Phi công lắc đầu bay đi chỗ khác.

Ngày hôm sau nước ngập cả căn nhà, và bà đã bị chết chìm. Khi đến của thiên đường, bà nói với Thánh Phêrô, “Trước khi tôi vào thiên đàng, tôi phải làm đơn khiếu nại. Tôi tin tưởng là Chúa sẽ cứu tôi, thế mà Người lại bỏ rơi khiến tôi bị chết chìm!”

Thánh Phêrô nhìn bà với ánh mắt thương hại và nói: “Tôi không biết Chúa có thể làm gì hơn cho bà đây: Để cứu bà, Người đã lần lượt gửi đến cho bà một chiếc ca-nô, rồi một chiếc tầu và cuối cùng là một chiếc trực thăng nữa ?”

Người đàn bà trong câu chuyện trên đã quên rằng Thiên Chúa thường ban ơn cứu giúp chúng ta qua tha nhân và các phương tiện thông thường. Chúng ta không thể chỉ biết khoanh tay cầu xin Chúa ban ơn theo ý mình, mà trước hết hãy biết sử dụng các phương thế do Chúa gửi tới nữa.

Thánh I-nha-xi-ô cũng dạy: “Cầu nguyện như thể mọi thứ đều lệ thuộc vào Chúa, nhưng làm việc như thể mọi sự đều lệ thuộc vào ta”.

4) ĐỨC TIN MẠNH CỦA NGƯỜI NÀY SẼ CỦNG CỐ ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI YẾU:

Khi quân đội Nga tiến vào thủ đô Budapest nước Hungary để trấn áp một cuộc bạo động, một viên sĩ quan trẻ hung hăng tìm đến nhà vị linh mục. Bước vào phòng, sau khi đóng xập cửa lại, anh ta chỉ lên cây thánh giá treo trên tường và nói với vị linh mục:

- Này, ông có biết không, cái đó là một sự dối trá, mê hoặc dân nghèo để bọn người giàu kìm hãm họ trong sự ngu dốt. Bây giờ ở đây chỉ có ông và tôi, Vậy ông hãy thú nhận là ông không hề tin vào ông Giê-su chết trên thập giá kia là Con Thiên Chúa.

Vị linh mục điềm tĩnh trả lời:

- Tôi thật sự vững tin như thế !

Viên sĩ quan liền rút súng ra và bảo:

- Ông đừng có đùa với tôi! Nếu ông không khẳng định đó là sự dốt trá, tôi sẽ giết ông ngay!

Vị linh mục đứng thẳng người, nhìn sâu vào đôi mắt anh ta và dõng dạc trả lời:

- Tôi không thể nói khác được. Đức Giê-su thật sự là Con Thiên Chúa!

Thật bất ngờ, nghe đến đây, viên sĩ quan liền buông tay ra để rơi khẩu súng xuống nền nhà, chạy lại ôm chầm lấy vị linh mục vừa khóc vừa nói :

- Xin lỗi cha, con chỉ muốn thử xem cha có tin thực sự không! Đúng thế, con cũng đã âm thầm tin Chúa nhiều năm qua giống như cha ! Giờ đây, con đã khám phá ra rằng: Vẫn có ít nhất một người đã dám chết vì đức tin của mình, chính cha đã củng cố đức tin yếu kém của con!

3. THẢO LUẬN : Một tín hữu gặp gian nan thử thách lại chỉ biết xin khấn, mà không cố gắng phấn đấu làm hết sức để vượt qua, thì có đức tin mạnh không ? Đó có phải là thái độ tin thác vào lòng Chúa thương xót của Chúa không ? Tại sao ?

4. SUY NIỆM :

1) Tầm quan trọng của Đức Tin để nhận được ơn chữa lành:

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại hai phép lạ nói lên tầm quan trọng của Đức tin nếu chúng ta muốn được ơn Chúa cứu độ:

- Phép lạ thứ nhất là người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm. Nhờ có đức tin mạnh vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su, nên cuối cùng bà đã được Người chữa cho lành bệnh loạn huyết.

- Phép lạ thứ hai là một bé gái mới chết đang nằm trên giường. Đức Giê-su đã được cha đứa bé là ông trưởng hội đường Gia-ia mời đến nhà để cứu chữa cho đứa con gái của ông sắp bị chết. Dù đứa bé đã chết, nhưng nhờ vững tin vào lời Đức Giê-su: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Ông trưởng hội đường đã không nản lòng bỏ cuộc và tiếp tục đưa Người đến nhà. Cuối cùng nhờ vững tin vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su mà bé gái con ông đã được Người truyền cho sống lại: “Ta-li-tha kum”: “Này bé, Thầy truyền cho con: Trỗi dậy đi!” (Mc 5,41).

Trong cả hai phép lạ này, đức tin của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết và đức tin của viên trưởng hội đường Gia-ia là điều tối cần để nhận được ơn cứu độ của Đức Giê-su.

2) Đức tin chân thành của người phụ nữ bị loạn huyết:

Loạn huyết là một chứng bệnh nhơ uế. Người Do thái không những coi đó là bệnh nhơ uế về mặt thể lý mà còn coi bệnh này là một thứ gây ô uế về phạm vi luân lý nữa. Cho nên Luật Mô-sê cấm những kẻ mắc bệnh này đụng chạm tới người khác. Vì  bệnh nhân mắc bệnh này chạm tới ai thì người ấy liền trở nên ô uế. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết trong Tin Mừng hôm nay không dám kêu xin Đức Giê-su chữa bệnh cho mình, vì bà sợ nếu để người khác biết bà mắc chứng bệnh nhơ uế này thì bà sẽ lập tức bị xua đuổi khỏi đám đông. Bà định tâm sẽ giữ im lặng tiến gần đến bên Chúa để chỉ cần sờ vào áo của Người thôi là bà sẽ được khỏi bệnh. Quả thật, bà đã được Chúa chữa cho khỏi bệnh. Nhưng Người muốn bà phải can đảm tuyên xưng đức tin để làm chứng cho Người. Bấy giờ Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo Tôi ?”. Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào Tôi ?”. Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết điều gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người liền nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi bệnh” (Mc 5,30-34).

3) Đức tin kiên vững của ông Gia-ia:

Ông là trưởng của một hội đường Do thái. Ông tin vào quyền năng và tình thương của Đức Giê-su nên khi có đứa con gái bị bệnh nặng gần chết, ông đã đến kêu xin Đức Giê-su mau đến nhà chữa bệnh cho con ông. Trong lúc cùng đi với Đức Giê-su về nhà, thì ông Gia-ia đã nghe tin con gái ông đã chết! Nhưng Gia-ia đã không nản lòng bỏ cuộc. Ông đã được nghe lời Đức Giê-su động viên: "Đừng sợ, cứ tin". Ông đã tin vào lời Chúa, và cuối cùng con gái ông tuy đã chết, nhưng đã được trỗi dậy sau lời truyền phán của Đức Giê-su: “Này bé, Thầy truyền cho con: Trỗi dậy đi !” (Mc 5,41). Chính nhờ ông Gia-ia biết vững tin vào vào quyền năng và tình thương của Đức Giê-su, mà đứa con gái của ông đã nhận được ơn Chúa cứu độ.

4) Sống đức tin trong cuộc sống hôm nay: 

- “Thưa Ngài. Xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất!” (Mt 8,25):

Đức tin là một nhân đức quan trọng nhất giúp chúng ta đặt trọn niềm tín thác cậy trông vào tình thương quan phòng và quyền năng vô biên của Chúa Giê-su. Mỗi khi gặp những điều khó khăn trái ý, hay khi đối diện với những vấn đề  vượt quá sức tự nhiên của mình. Như các môn đệ Chúa xưa, chúng ta hãy chạy đến kêu cầu Chúa đang ngủ yên trong tâm hồn chúng ta. Hãy thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa. Xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất!” (Mt 8,25). Chúa có thể cũng sẽ quở trách đức tin yếu kém của chúng ta: “Sao nhát thế ? Làm sao anh em vẫn chưa có lòng tin ?” (Mc 4,40). Nhưng đồng thời Người sẽ cũng sẽ thương ra tay thực hiện những điều lạ lùng để cứu thoát chúng ta. “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

- “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36):  

Có nhiều người khi gặp phải những tình huống khó khăn mà cầu xin Chúa không được như ý nên thường ngã lòng cậy trông, không còn cầu xin gì nữa. Khi gặp phải tình huống ấy, chúng ta hãy nghe lời Đức Giê-su trấn an ông Gia-ia: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Nếu điều chúng ta xin thực sự hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, thì chắc chắn Chúa sẽ ban ơn theo ý chúng ta xin, như lời Chúa Giê-su đã nói về tình thương của Thiên Chúa: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11).

- “Đừng theo ý con một xin vâng ý Cha”  (Mt 26,39):

Khi tin vào Đức Giê-su, là chúng ta hãy noi gương Người để bỏ cái tôi ích kỷ tự mãn của mình, để đi con đường hẹp, chấp nhận vác tập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, đừng cầu theo ý riêng mình, nhưng hãy cầu xin theo thánh ý Chúa Cha noi gương Chúa Giê-su: “Đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”. Chúng ta cũng hãy năng cầu nguyện theo kinh Lạy Cha. Hãy cầu xin cho ta nên khí cụ bình an của Chúa như lời Kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”.

- Phải sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa:

Trong các phép lạ của Chúa, chúng ta thấy luôn có sự cộng tác của con người. Chẳng hạn: Trong tiệc cưới Cana, Chúa Giê-su chỉ làm phép lạ khi người ta đã "múc nước đổ đầy các chum" (Ga 2,7); Trong phép lạ về nhân bánh ra nhiều, Chúa chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi có “5 chiếc bánh và 2 con cá" (Mc 6,35-43); Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn chính anh mù phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40); Trong cuộc sống đời thường, Chúa luôn muốn cho chúng ta sử dụng hết các khả năng của chúng ta, và Chúa chỉ can thiệp khi cần mà thôi như câu ngạn ngữ: “Hãy thắp lên một ngọn đèn, con hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.- “Hãy làm hết sức mình đi rồi Trời sẽ trợ giúp”.

- Tất cả đều là hồng ân:

Sau khi kết thúc công việc, chúng ta phải tạ ơn Chúa khi được thành công, và nếu chẳng may bị thất bại, chúng ta cũng vẫn tạ ơn Chúa. Vì với cái nhìn đức tin thì : “Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành” và “Mọi sự đều là hồng ân”. Tất cả những gì xảy đến cho ta đều là hồng ân của Chúa ban và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của ta.

5.LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nhiều lần con đã đến nhà thờ cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Tai con đã bao lần được nghe Lời Chúa dạy, bàn tay và môi miệng con đã nhiều lần được chạm đến Mình Máu Chúa, thế mà sao con vẫn chưa loại trừ được các đam mê tội lỗi. Xin gia tăng lòng tin cậy mến và sự quyết tâm xa lánh dịp tội cho con, nhờ đó con hy vọng sẽ được Chúa ban ơn chữa lành như người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.