Chúa Nhật XI - Thường Niên - Năm B |
HẠT GIỐNG ÂM THẦM |
SƯU TẦM |
Bài Phúc Âm trình hai dụ ngôn khác nhau: dụ ngôn hạt giống tự mọc (Mc 4,26-29). Và dụ ngôn hạt cải (3,34). I/ Dụ ngôn hạt giống tự mọc (c.26-29). Trước khi hiểu về dụ ngôn này, xin đừng quá nhấn mạnh vào chi tiết để hỏi ai là người gieo hạt giống tự mọc kia. Nếu cho đó là Chúa Kitô thì phải hiểu thế nào về việc Ngài ngủ Ngài thức, về việc Ngài không quan tâm và không hay biết gì về Nước Trời tiến triển ra sao trong khi chúng ta biết Chúa hằng quan phòng và săn sóc Giáo hội cho đến tận thế. Vậy chúng ta phải hiểu dụ ngôn bao giờ cũng trình bày một số bài học chính như sau: 1. Nước Trời, Giáo Hội của Chúa có sức mạnh tăng trưởng tự động bởi ơn Chúa. 2. Nhưng tăng trưởng một cách chắc chắn, từ từ và âm thầm, mà bất chấp mọi trở ngại thử thách. Thiên Chúa có giờ của Ngài chứ Ngài không đốt giai đoạn. 3. Đối với nhà nông, chúng ta hay cho rằng thành quả của mùa màng là do công lao của riêng mình. Có khi còn nghĩ rằng được mùa là do công khổ của mình; còn mất mùa là đổ thừa cho Chúa. Trên phạm vi mùa màng chúng ta thấy có gì? Chúng ta gieo giống, cấy giống, làm cỏ, thuỷ lợi, gặt hái. Thế nhưng cái căn bản nhất là sự tăng truởng, sự sống, và sự lớn lên, kết bông trái của mùa màng thì chắc chắn chúng ta không làm được đâu. Dù chúng ta thức hay ngủ nghỉ, dù muốn hay không thì cây lúa vẫn tự nó lớn từ từ không gián đoạn... cho đến ngày mùa. Nước Trời cũng thế. Con người chúng ta có thể làm được nhiều chuyện, nhưng là những chuyện phụ thuộc thôi, chúng ta chỉ là người cộng tác với Thiên Chúa. Nước Trời không lệ thuộc vào văn minh của chúng ta đâu. Điều này Thiên Chúa vẫn thường minh chứng trong lịch sử con người. Thiên Chúa đã cấy Giáo Hội của Ngài vào trong trần gian là cánh đồng. Cánh đồng ấy sẽ tăng trưởng, lớn lên và ngày mùa là ngày tận thế. Nước Chúa qua Giáo Hội vẫn cứ tăng trưởng qua mọi hoàn cảnh, thời gian và không gian. Nước Chúa trị đến sẽ mãi mãi là đến chứ không lùi. Cho nên phía chúng ta là nhân loại đừng quá nóng ruột mà mất hy vọng, mất cả lòng tin và đức cậy nữa. Trong sách Khải Huyền có tiếng kêu: “Khi nào Thiên Chúa can thiệp?” thì được trả lời “khi nào số kẻ được chọn đủ số.” Số kẻ được lựa chọn vẫn cứ được bồi thêm mỗi ngày. Tóm lại Nước Trời vẫn trị đến cả lúc Babel sụp đổ giữa cả bao nhiêu nền văn minh tan nát, giữa hai lần thế chiến, giữa lòng người bất an với nhau... thì Kinh lạy Cha vẫn cứ vang lên “Danh Cha cả sáng.” Dụ ngôn này cho chúng ta thấy một vẻ lạc quan an lòng. Nhưng cũng đừng quá lạc quan cho rằng mình như một thứ đồng hồ lên giây đủ rồi để rồi không làm việc. Không, con người phải làm bổn phận của mình như dụ ngôn nén bạc đã nói (Mt 25,14-30). Khi chúng ta làm xong bổn phận, hãy tạ ơn Thiên Chúa mà nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô ích, làm việc mình phải làm” (Lc 17,10). Chúng ta nhớ lại lời Thánh Phaolô “Nhưng Chúa làm cho cây lớn lên” (1C 5,3-7) II/ Dụ ngôn hạt cải muốn nói lên chân lý: bất cứ cái gì dù nhỏ bé đến mấy mà Thiên Chúa can thiệp vào đều trở nên quan trọng lớn lao và hữu ích. Hạt cải theo Máccô là thứ hạt nhỏ hơn hết mặc dù không hẳn đúng như thế, nhưng quan niệm của người Do Thái khi muốn so sánh vẫn lấy hạt cải làm mốc. Cũng như kiểu nói Việt Nam vẫn lấy con kiến làm nhỏ “nhỏ như con kiến.” Vậy một hạt cải nhỏ bé tầm thường mà chúng ta có thể vo trong tay. Nhưng nếu gieo vào lòng đất, nó sẽ nẩy mầm, vươn lên. Nẩy mầm là khởi đầu một sự sống mới. Sự sống ấy tuy mỏng manh nhưng không gì ngăn cản được. Hạt cải gieo vào đất ít tháng sau có thể cao như cây trứng cá của chúng ta mà chim trời tới đậu được. Nhất là vào mùa hè trái cải chín mọng chim sẻ rất ham ăn... Còn trẻ con cũng tới đó để bắt chim vui nhộn. * Ý nghĩa chung của dụ ngôn này là sức mạnh bành trướng chiều rộng của Nước Trời, của Hội Thánh Chúa ở trần gian. 1. Trước hết Đấng Sáng Lập là Đức Kitô sống ẩn dật không ai biết tới, bị khinh dể là ở Nagiarét, là con bác thợ mộc. 2. Giáo Hội của Chúa từ đầu bé nhỏ nghèo nàn, không quân quốc, không binh bị, tiền tài, uy thế. Tất cả công việc của Chúa lúc bình sinh xem ra thất bại và kết thúc bằng cái chết nhục nhã trên Thánh Giá. Nhưng đó chính là hạt giống tự mục nát đi (Ga 12,24). 3. Sự thiếu thốn nhân sự. Vỏn vẹn lúc đầu chỉ có 12 tông đồ nhút nhát. Thật đúng như lời Chúa phán: “Hỡi đoàn chiên nhỏ của Ta, đừng sợ vì Cha các con thích ban Nước Trời cho các con” (Lc 12,32). Chúa Giêsu đã dùng ngay hình ảnh hạt cải để ám chỉ về Giáo Hội Ngài thành lập. Nhưng lúc ấy không mấy ai lưu tâm đến dụ ngôn này. Khởi đầu nước Chúa với con số 12 người. Ngày Chúa về Trời con số môn đệ khoảng 120, âm thầm sống và tăng trưởng đều đều. Theo như 4 bản niên giám thế giới thì năm 1950 số tín hữu theo Chúa khoảng 800 triệu người. Đến năm 1975, số tín hữu (kể cả 3 ngành: Chính thống, Tin lành, Công giáo) lên tới một tỷ 24 triệu 106 ngàn 500 người. Nhưng con số đó không hề quan hệ cho bằng vấn đề ơn cứu rỗi. Có đức tin thì dễ, nhưng duy trì được đức tin là chuyện khác và thực hành đức tin lại là chuyện khác nữa. Nếu chỉ có tin mà không thực hành là một cái xác không hồn, là thứ cây vả xanh um bên ngoài (Mc 11,20). Có lẽ ngày về trời chúng ta mới hiểu được thế nào là dụ ngôn hạt cải. Ngày ấy chúng ta có thể đếm những số các thánh mà ngày nay sách Khải Huyền cũng chịu, đếm không được, không xuể. Đối với mỗi người cũng bắt đầu từ chỗ tầm thường nhỏ bé như vậy, từ một em bé thành người lớn. Kể cả trên phạm vi sự nghiệp cũng thế. Vậy thì trên lãnh vực đức tin, chúng ta nhớ rằng dù một hành vi nhỏ bé tầm thường đến đâu như cho đi một bát nước lã – là cũng đang đóng góp vào sự nghiệp nước trời. Chính việc bác ái gương lành đan kết thành triều thiên chói ngời trên trời ngày mai. Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong những bổn phận dù âm thầm hàng ngày, xin cho chúng con biết tin tưởng và phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa. Chính Ngài sẽ làm cho công việc của chúng con thực hiện theo ý Chúa để đạt kết quả tốt. Như thế chúng con sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết kiên trì gieo Lời Chúa dù gặp điều kiện thuận lợi hay không. (Trích trong http://www.dmhcg.org) |