Chúa Nhật XI - Thường Niên - Năm B
SỨC MẠNH CỦA NƯỚC TRỜI
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP

 

          Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng về Nước Trời. Đây là một đề tài rất khó hiểu vì nó quá trừu tượng. Ngài phải vận dụng mọi sự vật chung quanh, mọi hình ảnh cụ thể để nói lên cho thính giả biết về những đặc tính của Nước Trời.

Vì thế, Đức Giêsu phải dùng nhiều dụ ngôn, để mỗi dụ ngôn nói lên một đặc tính của Nước Trời.  Dĩ nhiên, dụ ngôn không làm cho người ta hiểu chính xác và thấu đáo về Nước Trời, nhưng cũng đem lại cho người nghe một vài ý niệm, để từ đó, dưới sự trợ giúp của ơn Chúa và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người ta sẽ có một quan niệm chính xác về Nước Trời.

 

          Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải để nói lên sức mạnh nội tại của Nước Trời, nghĩa là hạt giống Lời Chúa được gieo vãi, cứ âm thầm mọc lên và phát triển không ngừng.  Hội thánh của Chúa từ một khởi đầu nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng vẫn phát triển trong gian nan thử thách và một ngày kia Hội thánh sẽ lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ. Và sau cùng, Hội thánh sẽ trở nên thành toàn viên mãn trên thiên quốc.

 

          Tuy Nước Trời có sức mạnh nội tại tự phát triển không ngừng, nhưng chúng ta là những thành viên, có nhiệm vụ góp phần làm cho Nước Trời phát triển lớn mạnh trong khả năng hạn hẹp của chúng ta. Phần việc của chúng ta thì chúng ta cứ làm, còn phần của Thiên Chúa thì Ngài sẽ làm theo sự khôn ngoan của Ngài.  Chúng ta hãy tin chắc rằng Nước Trời sẽ thành toàn trong ngày sau hết và chúng ta sẽ được vào đó để hưởng vinh quang mà Chúa dành cho chúng ta. Nhưng trong khi chờ đợi đến ngày đó, theo lời thánh Phaolô trong bài đọc 2, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

 

          + Bài đọc 1 : Ed 17,22-24

 

          Đây là một dụ ngôn lạc quan mà tiên tri Ezéchiel nói với dân Israel đang bị lưu đầy bên Babylon để họ nuôi niềm hy vọng lớn lao.

 

          Từ cây bị đốn ngã là Israel, chính Thiên Chúa sẽ ngắt một nhánh con trên ngọn  và đem trồng nơi đất tốt để từ nhánh mới đó  sẽ lại xuất hiện một cây hương bá sum suê, nghĩa là Thiên Chúa sẽ cho họ được hồi hương và đất nước họ sẽ được thịnh vượng.

 

          Thực tế là Thiên Chúa sẽ tái thực hiện kế hoạch của Ngài, nhưng trong sự khiêm tốn và hèn mọn của một “số sót nhỏ bé”.

 

          + Bài đọc 2 : 2Cr 5,6-10

 

          Người Kitô hữu sống ở thế gian ví như bị lưu đầy “xa Chúa” (2Cr 5,6).  Khi nói như thế, có lẽ thánh Phaolô nghĩ đến những người Do thái nơi tha hương, sống xa Đền thờ Giêrusalem. Quả thật, người Kitô hữu cũng ở trong hoàn cảnh tương tự với đền thờ mới là Đức Kitô vinh quang.

          Tuy sống ở trần gian như bị lưu đầy xa Chúa, người Kitô hữu vẫn một lòng trông cậy sẽ thoát cảnh lưu đầy đó mà về với Chúa.

 

          Trong khi chờ đợi đến ngày đó, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, để khi đến ngày đó,  chúng ta sẽ được Thiên Chúa xét xử và thưởng công.

 

          + Bài Tin mừng : Mc 4,26-34

 

          Đức Giêsu dùng hai dụ ngôn  để nói về sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa theo hai đặc tính :

 

          - Dụ ngôn thứ nhất : Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa  như hạt giống gieo vào lòng đất, hạt giống cứ âm thầm mọc lên thành cây, không cần biết người gieo thức hay ngủ, đêm hay ngày.  Điều đó nói lên sức phát triển nội tại của Nước Thiên Chúa.

 

          - Dụ ngôn thứ hai : Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như hạt cải rất nhỏ gieo xuống đất.  Hạt cải dần dà lớn lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến núp dưới bóng của nó.  Điều đó nói lên  sức bành trướng rất mạnh của Nước Thiên Chúa.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

 

                                                Sức mạnh của Nước Trời

 

I. NÓI VỀ DỤ NGÔN

 

           Đức Giêsu đi rao giảng về Nước Thiên Chúa  cho mọi người, cách riêng cho người Do thái. Nước Thiên Chúa tức là Nước Trời như Ngài đã rao giảng :”Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15)…  Đức Giêsu có ý phân biệt Nước Thiên Chúa mà Ngài sẽ thiết lập, tức là Hội thánh của Ngài, với nước trần gian  theo kiểu người Do thái vẫn hằng mong ước, là được giải thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma.

 

          Đức Giêsu không dùng kiểu nói của các nhà hiền triết hay các nhà thần học với kiểu nói trừu tượng để nói về Nước Trời nhưng dùng những hình ảnh tự nhiên, quen thuộc và một kiểu nói bình dân để nói lên các đặc tính của Nước Trời. Hay nói cách khác, Ngài hay dùng dụ ngôn mà giảng dạy.

 

          J. Hervieux giải thích :”Dụ ngôn là một câu chuyện rút ra từ thiên nhiên hay trong đời sống thường nhật. Nhờ hình thức rất đơn giản và tính cách lạ thường, dụ ngôn dễ làm cho người nghe chú ý và khiến họ phải suy nghĩ đến điều mà dụ ngôn có ý nhắm tới thông qua những hình ảnh (L’Evangile de Marc, Centurion, tr 65).

 

          Các dụ ngôn không cho chúng ta thấy toàn cảnh, nhưng dù sao cũng cho chúng ta một số khái niệm về Nước Thiên Chúa.  Trong chương 4 của Phúc âm thánh Marcô, chúng ta thấy có 3 dụ ngôn khác nhau về Nước Chúa. Nhìn vào lần lượt từng dụ ngôn một, chúng ta có 3 hình ảnh khác nhau về Nước Thiên Chúa. Điều lý thú là cả ba đều nói về hình ảnh hạt giống. Hôm nay chúng ta chỉ nói tới hai dụ ngôn thôi.

 

II. HAI DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI

 

          Hôm nay Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải để nói lên hai đặc tính của Nước Trời, đó là Nước Trời hay Hội thánh của Chúa cứ âm thầm tăng triển và từ một cộng đoàn nhỏ bé sẽ trở nên một cộng đoàn lớn mạnh.

          1. Dụ ngôn người gieo hạt giống.

 

          Đức Giêsu dùng lối so sánh rất tự nhiên mà các thính giả của Ngài đều biết rõ. “Gieo hạt giống” đó là cử chỉ rất quen thuộc, đến nỗi ta có nguy cơ không còn nhận ra  mầu nhiệm của nó nữa.  Người ta đã gọi dụ ngôn này là “hạt giống tự mọc lên” vì mọi sự diễn tiến đúng như vậy.

 

          Theo Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa như người kia gieo hạt giống xuống đất… hạt giống tự nó đâm mầm và mọc lên thế nào, nào ai biết ?  Thì Nước Trời cũng giống như vậy. Hạt giống Lời Chúa được rao giảng bên ngoài, sức tác động của Chúa hoạt động bên trong, thế là Phúc âm sẽ sinh hoa kết quả.  Nhưng Chúa thấy trước, lời của Ngài, sứ vụ của Ngài sẽ gây kết quả từ từ, không gấp gáp, không gây chấn động.  Vậy phải nhẫn nại, hãy đợi chờ, như người nông phu đợi chờ hạt giống nảy mầm và sinh hoa kết quả.

 

          Vì vậy, người tông đồ không được sốt ruột khi thấy công việc rao giảng  Tin mừng không đi đến đâu. Hạt giống đâu có thể lớn vượt thời gian được, nó phải lớn lên từng bước theo trật tự tự nhiên của vạn vật.  Do đó,  Lời Chúa cũng phải theo một trật tự như thế.

 

          Chúng ta cần hiểu rằng Nước Thiên Chúa âm thầm lớn mạnh, tuần tự nhi tiến, dưới sự thúc đẩy của Chúa.  Nhưng sự tiến triển cũng đòi hỏi  sự góp phần tích cực của chúng ta.

 

          Đừng ngã lòng khi không thấy kết quả trước mắt. Sự lỗi lầm lớn của các tông đồ là dựa trên tài cán,  nghị lực của ta hơn là vào sức mạnh của Chúa.  Nhưng hãy cố gắng hết sức ta, thi hành phận bé nhỏ của ta  vì yêu mến.  Và kết quả sẽ đến  vào lúc thật bất ngờ nhất.

 

                                      Truyện :  Giải đáp ba thắc mắc

 

          Một hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật.  Nghĩ rằng họ đều là người bên lương nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi :

          - Anh em có thắc mắc gì không ?

          Một người đưa tay đặt câu hỏi :

          - Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không ? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không ?

          - Có.

          Câu hỏi thứ hai : các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không ?

          - Có.

          Câu hỏi thứ ba : Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không ?

          - Có.

          - Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công giáo cả.

          Cha Petitjean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau.  Nhà truyền giáo hỏi :

          - Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh không ?

          - Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi !  Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.  Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ :  Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh giác,  phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem  họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội thánh sai đến.

          Giáo hội Nhật bản đã tái sinh.

          2. Dụ ngôn hạt cải

 

          Đức Giêsu sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ.  Thật chẳng tương xứng chút nào !  “Hạ cải… là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất, nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ”.

 

          Cây cải ở xứ Palestine khác với cây cải ở xứ ta. Ở xứ Palestine hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn.

 

          Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh thánh” đã viết :”Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Akka, nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét”.

 

          Ví dụ này của Đức Giêsu không thổi phồng sự thật chút nào. Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế Đức Giêsu mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.

          Ý nghĩa của ví dụ này rất rõ ràng. Nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi điểm hết sứ nhỏ bé, nhưng không biết khi nào nó kết thúc.

 

          Ngỏ lời với đám thính giả đang đánh giá sứ vụ của mình theo những tiêu chuẩn phàm trần, và với những ai đang thất vọng khi thấy vẻ khiêm tốn lúc ban đầu của mình. Đức Giêsu báo trước cho họ biết rằng, dù thế nào, họ cũng vẫn là những người được chứng kiến công cuộc khai trương Nước Thiên Chúa.  Nơi bản thân Đức Giêsu, dù bằng cách kín đáo thế nào chăng nữa, thì Nước Thiên Chúa cũng đã xuất hiện rồi.  Một ngày nào đó, nhân loại sẽ phải ngỡ ngàng chứng kiến sức mạnh vô địch và vẻ phong phú lạ lùng của Nước ấy. Cái gì mắt người được nhìn thấy hiện nay không cho ai đoán trước được nó sẽ như thế nào ở giai đoạn chót của mức phát triển.

 

          Tường thuật lại cho các độc giả của mình những lời này của Đức Giêsu, Marcô muốn trấn an họ rằng hoạt động của Đức Giêsu khi còn tại thế dù khiêm nhường, nhỏ bé, và cộng đoàn các môn đệ của Ngài là Giáo hội, dù có yếu đuối thế nào, thì tất cả  đều đang tham gia vào thành tựu vẻ vang của một công trình tràn đầy sức sống và khi tới giai đoạn chót của mức phát triển, phải đạt được chiều kích toàn cầu (Theo J. Hervieux).

 

          Bước khởi đầu của Nước Thiên Chúa khiêm tốn như vậy đấy, nhưng sự bắt đầu là rất quan trọng. Có nhiều việc lớn phải bắt đầu bằng những việc nhỏ, ví dụ : muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch; muốn viết một cuốn sách thì phải bắt đầu bằng từng trang, thậm chí từng chữ; & tai, có thiện tâm thì nghe rất thấm thía. Kẻ ác tâm, dã tâm, vô tâm chẳng bao giờ nghe được tiếng Ngài. Mà chỉ thấy chói tai.

 

          Người Đông Phương xưa, tuy không gần Ngài bằng xương, bằng thịt, nhưng cũng nhìn thấy :”Thiên hành kiện” – Trời hành động kiên cường không ngừng, mà chẳng nói gì “Thiên hà ngôn tai” – Trời không nói bằng miệng, nhưng nói bằng nhiều cách : nói bằng tác tạo trời đất muôn vật, nói trong lương tâm con người :”Thiên mệnh chi vị tính”, nói bằng ban phép tắc cho muôn vật :”Duy thiên sinh dân, hữu vậthữu tắc”.  Vì thế, con người phải biết luôn luôn tìm ý Ngài để tuân theo.  Không biết tìm ý Trời thì không đáng là quân tử, không xứng đáng làm con Trời :”Bất tri thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử”.

 

          Để kết thúc, chúng ta hãy trở lại bài đọc 2, thánh Phaolô cho biết cuộc sống ở trần gian này được coi như cuộc lưu đầy “xa Chúa” (2Cr 5,6). Nhưng chúng ta tin chắc rằng một ngày kia chúng ta sẽ rời bỏ chốn lưu đầy này mà về với Chúa.

 

Tuy nhiên, trong khi còn sống ở trần gian này chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, góp phần làm cho hạt giống Lời Chúa được phát triển mạnh mẽ, được sinh hoa kết quả dồi dào, đợi chờ một mùa bội thu trong thời viên mãn là ngày Cánh chung.