Chúa Nhật X - Thường Niên - Năm B
CHÚA GIÊSU CHẤT VẤN CHÚNG TA
Suy niệm của Jean-Yves Garneau

Không dễ rút ra một ý chính từ bản văn Tin Mừng hôm nay. Vậy ta hãy để cho toàn bộ bản văn hướng dẫn chúng ta, từng giai đoạn một, giúp chúng ta có được một cái nhìn nghiêm túc về một số thái độ và lập trường của chúng ta.

“Người đã mất trí”.

Chúa Giêsu bị họ hàng chống đối. Không lạ gì, Ngài nói rằng không ai là tiên tri nơi quê hương mình (Mt 13,57; Mc 6,4; Ga 4,44). Các thành viên trong gia đình Ngài xấu hổ vì Ngài. Thay vì hiểu Ngài họ tìm cách loại trừ Ngài.

Khép kín đối với sứ điệp của các ngôn sứ, thường có tính thách thức và gây ngạc nhiên, là cách làm tiện lợi nhưng không cao thượng mấy. Những kẻ nói một ngôn ngữ mới đều là kẻ thiếu quân bình, thái quá, vượt xa mọi tình huống! Nhưng có đúng là chỉ những kẻ nói và làm những gì thích hợp với kẻ khác mới có lý không? Có phải là những gì được chấp nhận công khai, những gì không gây phiền hà cho ai cả, những gì đáp lại sự chờ mong của mọi người mới đáng được chấp nhận chăng? Đây không phải là con đường của Chúa Giêsu, Ngài đã làm cho người ta ngạc nhiên, đã đi ngược dòng, đã dám làm những điều khiến Ngài bị tố cáo là điên? Còn chúng ta?

“Ngài bị quỉ Bêendêbun ám”.

Phán đoán của các ký lục cũng theo một hướng đó. Chúa Kitô bị quỉ (Bêendêbun) ám; Chính nhờ quỉ lớn mà Ngài trừ được tất cả các quỉ nhỏ, thủ hạ của nó.

Chúa Kitô cho thấy rằng lời tố cáo này không có cơ sở, làm sao quỉ có thể đuổi quỉ ra khỏi nhà nó được? Giữa bạn bè với nhau người ta bảo vệ nhau; người ta không đánh đuổi nhau. Như vậy Chúa Giêsu cho ta hiểu rằng phải cẩn thận xem xét hậu quả của một hành động hoặc một lập trường. Nếu hậu quả tốt, thì chúng không thể phát xuất từ một nguyên tắc hoặc một trái tim xấu được.

Bao giờ cũng thế. Trước sự ngạc nhiên, bực bội mà môt số người không hành động như chúng ta gây cho chúng ta, ta hãy nhìn xem hậu quả hành động của họ. “Cây tốt sinh quả tốt” (Lc 6,43).

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần.

Câu nói về tội phạm đến Chúa Thánh Thần là một câu nói khó hiểu. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần đây là tội gì mà không thể nào tha thứ được? Tội ấy chắc phải là nặng nề lắm.

Tôi nghĩ tội đó chính là từ chối nhìn nhận Thiên Chúa và Con của Ngài đang hoạt động trong sức mạnh của Thánh Thần. Thứ tội này làm cho con người khép kín nơi mình và những ý nghĩ nhỏ bé của mình, khép kín đối với Thiên Chúa Đấng luôn đổi mới để cứu độ. Thánh Thần là sự sống, sự đổi mới, là niềm phấn khởi và sáng tạo. Người ta phạm đến Thánh Thần khi cái “tôi” đứng lên chống lại quyền năng sự sống. đó là từ chối ân sủng, là cố ý mù quáng trước ơn cứu độ. Đó là khi người ta gán cho Bêendêbun những gì phát xuất từ chính Thiên Chúa.

“Mẹ tôi và anh em tôi”.

Chúa Giêsu hỏi “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Khi nói về những kẻ muốn bắt Ngài phải làm theo ý họ. Khi nói về những kẻ muốn bắt Ngài làm theo ý họ. Khi nêu câu hỏi này, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu được ai là những kẻ thân cận thật của Ngài, những môn đệ chân chính, những anh chị em thật sự của Ngài.

Tiêu chuẩn để là mẹ và anh em của Chúa không phải là huyết thống, nhưng là việc gắn bó với cùng một chính nghĩa, sự dấn thân cho cùng một lý tưởng, ý muốn chỉ sống để phục vụ Chúa Cha vô điều kiện mà thôi. Không gì thay đổi cả để đảm nhận, không thỏa hiệp những đòi hỏi của Tin Mừng, ta phải cắt đứt những mối liên hệ cũ và thiết lập những mối liên hệ mới thuộc một trật tự khác.

Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu không những vì Mẹ đã cho Ngài thịt máu của mình nhưng nhất là vì Mẹ hiệp nhất với Ngài trong việc tự do và vui vẻ chu toàn ý Chúa Cha. Khi hành động như Mẹ; chúng ta có thể trở thành anh chị em của Chúa Kitô cách đích thực hơn là nếu chỉ có liên hệ huyết thống với Ngài mà thôi.

Ngài chất vấn chúng ta và đặt vấn đề về chúng ta! Đó là một hồng ân mà ta cần phải đón nhận và tạ ơn.