Chúa Nhật X - Thường Niên - Năm B |
ĐỨC GIÊSU VÀ SATAN |
SƯU TẦM |
1) Sự can thiệp của bà con Đức Giêsu (3,20-21) + c 20: Tình huống đã diễn ra ở Capharnaum (2,1-2) nay lại tái diễn: người ta đến với Đức Giêsu quá đông, đông đến nỗi ngôi nhà Ngài đang ở chật cứng, đến nỗi Ngài và các môn đệ không thể ăn được. Như thế là có ảnh hưởng tới sức khoẻ. + c 21: Khi đó, những người bà con của Ngài can thiệp. Tại sao? Có phải vì lo cho sức khỏe của Ngài không? Cũng có thể có nguyên nhân đó. Nhưng nguyên nhân chính là họ cho rằng Ngài “mất trí” làm việc tới độ có hại cho sức khỏe. Ngoài ra Mc còn nhìn thấy thái độ này có một ý nghĩa khác nữa: chú ý tới động từ mà ông dùng: “bắt”. Đây cũng là động từ ông sẽ dùng tới 4 lần trong tường thuật thụ nạn (14,16...). Phải chăng ông coi sự can thiệp này đã khiến những người bà con của Đức Giêsu cũng bị liệt vào số những kẻ thù của Ngài? 2) Đức Giêsu và Satan (3,22-30) I. VĂN MẠCH Giữa hai cuộc can thiệp của những người bà con của Đức Giêsu (3,20-21 & 31-35), Mc chen vào một cuộc tấn công của nhóm thông giáo. Nếu những người bà con đã coi Ngài là “mất trí”, thì nhóm thông giáo lại lên án Ngài là công cụ của Satan. Lời kết án này nghiêm trọng hơn nhiều. II. GIẢI THÍCH + c 22 - Beelzeboul: một trong những tên gọi Satan, xuất phát từ tên của một thần ngoại, “Baal đại vương” (Baal le prince). Nhóm thông giáo không thể phủ nhận việc Đức Giêsu trừ quỷ. Nhưng họ xuyên tạc rằng Ngài làm việc đó không phải bằng sức Thiên Chúa, mà bằng quyền lực của Quỷ vương Beelzeboul. + c 23 - “Dụ ngôn”: đây là lần đầu tiên trong Marcô Đức Giêsu nói dụ ngôn. Dụ ngôn là một câu chuyện dễ hiểu bằng những hình ảnh thông thường trong cuộc sống để so sánh với một điều khó hiểu hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa. Ở đây Đức Giêsu dùng hình ảnh một nước, một gia đình. + c 27 - “Người mạnh khỏe”: ám chỉ đến suy nghĩ của một số người rằng Satan là kẻ mạnh khỏe; nhưng cũng ám chỉ đến Is 49,24-25 53,12: Đức Giêsu là “người mạnh thế hơn”. Lý luận của Đức Giêsu trong 2 dụ ngôn trên (cc 24-27): Satan không thể tự chống lại nó được. Những việc trừ quỷ mà Đức Giêsu thực hiện là dấu chỉ Đức Giêsu mạnh thế hơn Satan, vương quyền của Satan sắp bị tiêu diệt để nhường chỗ cho vương quyền của Thiên Chúa. + c 28 - Sau đó Đức Giêsu đưa ra một lời cảnh cáo nghiêm khắc. - “Lộng ngôn”: theo nghĩa hẹp, “lộng ngôn” là nói lời xúc phạm tới TC, tới Thánh Danh Ngài (Xh 22,27 Lv 24,11-16), tới uy quyền Ngài (x.Mc 2,7ss 14,64ss Ga 10,30-36), tới Sứ giả Ngài (Cv 6,11). Ở đây chữ này có nghĩa là xúc phạm tới Đức Giêsu, có thể tha thứ được. - Nhưng không thể tha thứ cho tội “lộng ngôn với Thánh Linh”. Cho dù chúng ta có thể liệt kê hết các “tội trọng”, ta cũng sẽ không gặp được tội nào không thể tha thứ. Vậy tội lộng ngôn tới Thánh Linh là tội gì mà không tha thứ được? Ta phải giải thích theo văn mạch: c.30 viết “Đức Giêsu nói như trên vì người ta nói rằng 'ông ta bị uế thần nó ám'”. Mc đã nhấn mạnh rằng ngay từ đầu sứ mạng Đức Giêsu đã được Thánh Linh tấn phong, và với quyền lực của Thánh Linh Ngài thi hành sứ mạng cứu độ và tha thứ (1,9-12). Nay nhóm thông giáo đã xuyên tạc những việc làm nhờ quyền lực cứu độ của Thánh Linh, tức là họ không chịu đón nhận ơn cứu độ, bởi đó họ không thể được tha thứ. III. KẾT LUẬN Vào lúc M arcô soạn Tin Mừng, các Kitô hữu thường bị những người Do thái công kích vì những người này không thừa nhận uy quyền của Đức Giêsu Kitô, Đấng Messia đến để giải thoát con người khỏi quyền lực của Satan. Marcô viết chuyện này để trả lời cho những công kích đó. 3) Gia đình thật của Đức Giêsu (3,31-35) I. GIẢI THÍCH * Marcô viết tiếp câu chuyện về liên hệ giữa Đức Giêsu và gia đình tự nhiên của Ngài (x.3,20-21). + c 31 - “anh em”: Truyền thống vẫn tin rằng Đức Giêsu là con duy nhất của gia đình. Vì thế chữ “anh em” ở đây không phải là anh em ruột, mà là anh em bà con. + “ở ngoài”: chú ý Marcô 2 lần nhấn mạnh tới chi tiết những bà con của Ngài “ở ngoài” (cc.31-32), nghĩa là họ không phải là gia đình thật của Ngài vốn là những người ở trong. + c 34 - “nhìn vòng quanh”: Trong Marcô cách nhìn này báo trước Đức Giêsu sắp nói một điều quan trọng (x. 3,5 10,23 11,11). + c 35 - Điều quan trọng mà Đức Giêsu nói là xác định ai là gia đình thật của Ngài: những người nào thi hành thánh ý Thiên Chúa mới là gia đình thật của Ngài! II. KẾT LUẬN 1. Đây là một lời an ủi cho các Kitô hữu của giáo đoàn Marcô đang bị bách hại khiến họ phải xa cách gia đình của mình. Marcô muốn nói rằng bù lại họ có một gia đình khác, đó là gia đình của Đức Giêsu. Hơn thế nữa Marcô cũng cho họ thấy rằng nhiều khi phải chọn lựa giữa gia đình xác thịt với gia đình thiêng liêng: chính Đức Giêsu cũng đã chọn lựa như vậy. 2. Marcô cũng muốn cho thấy 2 loại liên hệ giữa Đức Giêsu với những người đương thời: a/ một bên là những kẻ từ chối Ngài. Bên này gồm những người pharisêu và thông giáo đã lộng ngôn đến Thánh Linh khi dám nói rằng Ngài bị quỷ ám (c.30), và có cả những người bà con của Đức Giêsu đã nói rằng Ngài mất trí (c.21); b/ bên kia là những bà con thật của Ngài gồm Nhóm 12 đã đi theo Ngài (3,13-19), và rộng hơn nữa là tất cả những ai đón nhận Tin Mừng (3,31-35). 3. Đoạn này không phải là một sự từ chối của Đức Giêsu đối với Đức Maria, trái lại càng làm tăng uy tín của Người, bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về phần xác thịt mà còn vì Người luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa. |
|