Chúa Nhật X - Thường Niên - Năm B |
"SATAN PHẢI DIỆT VONG" |
Suy niệm của Nha Trang |
I. Ý CHÍNH: Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu bị những thân nhân hiểu lầm và những Ký lục vu cáo để nói lên việc Chúa Giêsu luôn luôn gặp những trở ngại trên đường truyền giáo. II. SUY NIỆM: 1/ "Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà": + " Nhà" ở đây có lẽ là nhà của Phêrô vì khi giảng đạo ở Capharnaum Chúa Giêsu thường lui tới nhà của Phêrô (Mc 1, 29; 2,1) Nhà ở đây cũng có thể hiểu là hình ảnh của Giáo Hội: nơi phát xuất việc rao giảng Tin Mừng. + "Dân chúng đông đảo lại đổ xô tới": Với nhóm môn đệ tiên khởi (Phêrô, Anrê, Giacôbê...) không đủ để đáp ứng với làn sóng tăng dần của các bệnh nhân và thính giả đổ xô tới, Chúa Giêsu bèn quyết định mở rộng nhóm này bằng cách chọn nhóm 12 môn đệ, để giúp việc và còn ban cho họ ít quyền, đặc biệt là quyền trừ quỷ (Mc 3, 13-16). Dầu vậy, ngay khi trở về nhà, thì suốt ngày cũng chẳng đủ để tiếp nhận số đông khách đổ xô tới, khiến họ không có giờ ăn nữa (Mc 3, 20). 2/ "Những thân nhân của Người hay tin đó": Những bà con thân thuộc được tin Chúa Giêsu làm việc quá sức mình: quên ăn, quên nghỉ, đàng khác gây nên bao nhiêu thù địch, nên muốn bắt Người đưa về nơi quê hương yên ổn hơn để giữ sức khoẻ cho Người, nhất là để tránh những sự bất chắc do những thù địch gây ra làm liên lụy đến bà con họ hàng, vì họ nói " Ngài mất trí rồi ": ở đây có nghĩa là hăng say thái quá, hăng say đến độ thực hiện được nhiều chuyện lạ lùng. Thái độ trên đây của thân nhân cho ta thấy họ chưa có nhận thức đúng đắn về sứ mệnh Cứu thế của Chúa Giêsu, vì thế họ hiểu lầm về công việc của Người làm. 3/ "Và những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng Ông ấy bị quỷ Belzebut ám": Vì thấy Chúa Giêsu đã trừ quỷ cho nhiều người khiến dân chúng khâm phục và đổ sô đến với Người, mấy luật sĩ từ Giêrusalem tới tỏ lòng ganh tỵ đến thù oán, nên đã phao tin là Chúa Giêsu bị quỷ Belzabut ám và dựa vào quỷ cả mà trừ quỷ nhỏ. 4/ "Khi đã gọi họ lại Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng": Chúa Giêsu đã phải tụ tập dân chúng lại để sửa sai luận điệu vu khống trắng trợn của các Biệt phái bằng hai dụ ngôn đơn sơ sau đây: a/ Satan lại trừ Satan sao được?... Nước nào, nhà nào chia rẽ sẽ bị tiêu tan: nên Satan không dại gì đánh lộn nhau như vậy để rồi bị diệt vong. b/ Chẳng ai có thể vào nhà một người khỏe mạnh: Chúa Giêsu mô tả một vụ cướp. Kẻ cướp được tượng trưng sức mạnh của Chúa Giêsu và người mạnh ở đây là ma qủy. Trọng tâm của dụ ngôn là ý tưởng về sức mạnh. Chính Chúa Giêsu mô tả một cuộc tấn công: kẻ cướp không hành động cách bất ngờ nhưng bằng sức mạnh. Gặp gia chủ khỏe mạnh như thế mà kẻ cướp đã nhẩy bổ vào ông ta và trói ông ta lại, rồi mới cướp của cải trong nhà. Dụ ngôn này có ý diễn tả Chúa Giêsu đến để tiêu diệt quyền lực của ma qủy, để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Và như vậy, vương quốc của Thiên Chúa sắp thay thế vương quốc quỷ. Tuy nhiên sự thay thế này không thể thực hiện được nếu không có trận chiến ghê gớm giữa quyền lực của Chúa Giêsu và quyền lực của ma quỷ. Trận chiến này là cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh gía, chiến thắng tội lỗi. 5/ "Ta bảo các ông hay: mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng": Đây là những tội do sự yếu đuối hay do sự vô ý thức, dù lớn đến đâu cũng được tha khi có lòng thống hối. "Những kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần": Đây là những tội có ý thức, từ chối chính Thiên Chúa. Ở đây có ý nói đến các luật sĩ là những người cố chấp, quyết chí từ chối, quyết chí chống đối, và quyết chí đóng kín cửa lòng trước những giáo huấn của Chúa Giêsu, vì họ gắn cho ma quỷ việc mà họ biết rõ là của Chúa Thánh Linh. Ở đây có ý nói những kẻ cố chấp ở trong tình trạng từ chối Thiên Chúa thì không thể nào lãnh ơn tha thứ được vì họ phủ nhận chính Đấng có quyền tha thứ. 6/ "Kìa Mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy": Anh em ở đây không có nghĩa là anh em ruột thịt vì theo tiếng Hy Bá cũng như nhiều ngôn ngữ, chữ "Anh em" vừa chỉ anh em ruột, vừa chỉ anh em họ hàng (18, 13; 14, 14; 24, 48; 29, 12; Lv 10, 4; 9, 6 và trong Tân ước Mt 13, 35; 27, 56; Lc 8, 23). Gia đình Chúa Giêsu nhận thấy các đối thủ ganh ghét Người. Họ lo sợ cho Người. Họ đến can thiệp để bênh đỡ Người và toan gỡ cho Người khỏi lâm nguy, vì thế chúng ta dễ hiểu ở đây sự có mặt của Mẹ Người. 7/ "Người trả lời: Ai là Mẹ Ta? Ai là anh em Ta?": Thừa dịp này Chúa Giêsu giới thiệu về gia đình thiêng liêng mà Người muốn thiết lập qua cách đặt câu hỏi: Ai là Mẹ Ta?... 8/ "Rồi đưa mắt nhìn những người vòng quanh...": Máccô đã nhiều lần ghi nhận các kiểu nhìn của Chúa Giêsu: cái nhìn buồn sầu và giận giữ (Mc 3, 5; 11, 11), cái nhìn thương yêu (Mc 10, 21; Lc 1, 48), cái nhìn chỉ để quan sát (Mc 5, 32; 12, 41) hay để thêm sức nặng cho lời mình thốt ra (Lc 10, 23 - 27). Ở đây rõ ràng là một cái nhìn thương yêu: những kẻ Chúa Giêsu nhìn đều thực là mẹ là anh em, chị em Người. Vì sao? Chúa Giêsu giải thích: + Ai làm theo ý Thiên Chúa, người đó là anh chị em và là mẹ Ta (Mc 3, 35). Khi vâng phục Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã tỏ ra mình là Con Thiên Chúa (Mt 4, 3 - 10) cũng với cách thức như vậy, người ta sẽ tỏ ra mình là con Thiên Chúa là anh chị em của Chúa Giêsu, con đầu lòng. Và thực thi thánh ý Thiên Chúa là trước tiên tin vào Chúa Giêsu. Đấng Người đã sai đến, là Đấng Cứu Thế. Những lời Người phán về việc phải tái sinh bổ túc và cụ thể hoá ý nghĩa này (Ga 3, 3 - 5; 1, 13; Tt 3, 5). Như thế, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta một phương thế để kết hiệp với Người một cách còn sâu xa hơn là mối dây do sự sinh ra bởi huyết nhục. III. ÁP DỤNG: A/ Áp dụng theo Tin Mừng: Giáo Hội muốn dùng bài Tin Mừng hôm nay để nhắc nhở chúng ta rằng khi thi hành sứ mệnh Cứu thế Chúa Giêsu đã từng gặp phải sự hiểu lầm của những người thân và sự vu khống, chống đối của những kẻ từ chối Chúa, thì chúng ta người Kitô hữu càng thuộc về Chúa Kitô càng dễ bị bị thế gian hiểu lầm và chống đối, nhưng nếu Chúa Kitô đã chiến thắng quyền lực của ma quỷ do cuộc tử nạn và phục sinh của Người, thì chúng ta càng liên kết với Chúa Giêsu, càng biến những thử thách trong đời sống đạo thành những công phúc cho phần rỗi của mình. B/ Áp dụng thực hành: 1/ Nhìn vào Chúa Giêsu: a/ Xem việc Người làm: Chúa Giêsu được dân chúng đơn sơ đón nhận nhưng lại bị những người thân khép kín hiểu lầm và những Biệt phái cố chấp từ chối. Chúng ta cũng vậy khi sống tinh thần Tin Mừng, thì cũng gặp kẻ ưa người gét, thậm chí cũng có những người thân hiểu lầm và cản trở. b/ nghe lời Người nói: Satan loại trừ Satan sao được? Chúa muốn nói với chúng ta: đoàn kết là sống và chia rẽ là chết. Vì thế Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho Giáo Hội được hợp nhất (Ga 17, 6-26). Kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, nó mắc tội muôn đời: Chúa cảnh cáo chúng ta vì cố chấp sống trong sự phản bội Chúa mà không có lòng thống hối ăn năn. Đây là mẹ Ta và anh em Ta: chúng ta được diễm phúc sống trong gia đình thiêng liêng của Chúa khi chúng ta tin nhận Chúa Giêsu Ki tô và sống theo việc Người làm và lời Người nói. 2/ Nhìn vào người thân: Họ thương Chúa Giêsu nhưng thương cách mù quáng vì họ đã khép kín cửa lòng không tin nhận vào sứ mệnh Cứu thế của Chúa, nên họ đã hiểu lầm Chúa. Chúng ta hăng say làm tông đồ Chúa, phục vụ Giáo Hội, nhưng nhiều khi hăng say mù quáng vì phục vụ theo ý mình hơn ý Chúa, hay ý Giáo Hội. 3/ Nhìn vào những luật sĩ: - Họ ganh tỵ đến thù oán mà vu khống cho Chúa là bị quỷ ám "Không ưa thì dưa có dòi". Ưa ai thì nên tốt. Ghét ai thì nên xấu. 4/ Nhìn vào Mẹ Maria cùng anh em Người: Chúa giới thiệu gia đình thiêng liêng thì quý hơn gia đình tự nhiên. Cùng nghe và sống Lời Chúa, cùng là anh em với nhau. |
|