Chúa Nhật X - Thường Niên - Năm B
CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN - B
Suy niệm của William Barclay

I. Sự nhận định của người nhà Chúa Giêsu: 3,20-21

Thỉnh thoảng có người đưa ra một nhận định mà chúng ta không thể giải thích gì khác hơn là bảo đó là sản phẩm của một kinh nghiệm cay đắng. Khi kể ra những gì một người phải gặp nếu muốn theo Ngài, Chúa Giêsu đã nói “Người ta sẽ có kẻ thù nghịch là người nhà của mình” (mt 10,36). Chính người nhà Chúa Giêsu đã kết luận Ngài bị mất trí, và đã đến lúc họ phải bắt Ngài đưa về nhà. Chúng ta hãy thử xem điều gì khiến họ cảm thấy như vậy.

1/ Chúa Giêsu đã bỏ nhà ra đi, bỏ luôn nghề thợ mộc Ngài đã từng làm ở Nazaret. Chắc nghề ấy vốn phát đạt, ít nhất cũng giúp Ngài sinh nhai được. Thình lình, Ngài bỏ hết và ra đi làm một nhà truyền giáo, lang thang đó đây. Chắc họ nghĩ rằng chẳng ai tỉnh trí mà lại chịu bỏ việc làm ăn lợi lộc để trở thành một kẻ lang thang không chỗ gối đầu như vậy.

2/ Chúa Giêsu đang tiến tới chỗ phải đụng đầu với các lãnh tụ chính thống giáo thời đó. Ở đời, có nhiều kẻ có thể gây thiệt hại lớn lao cho người khác, có kẻ mà tay chân bộ hạ của họ cũng đáng cho người ta phải coi chừng, có kẻ mà chống lại họ là vô cùng nguy hiểm. Người nhà của Chúa Giêsu đã nghĩ, một người tỉnh trí sẽ chẳng bao giờ dám chống lại những kẻ quyền thế, vì phải biết rằng đụng chạm với chúng chỉ rước họa vào thân. Chưa hề có ai gây chuyện với các Kinh sư và Pharisêu, với các thủ lãnh tôn giáo mà hy vọng có thể thoát khỏi tay họ.

3/ Chúa Giêsu triệu tập một nhóm người bé nhỏ cho riêng Ngài, một nhóm người khá kỳ dị. Có mấy người là ngư dân, một người thâu thuế bỏ việc, một nhà ái quốc cuồng tín. Họ là hạng người mà không ai có chút tham vọng muốn đặc biệt quen biết. Họ là hạng người chẳng ích lợi gì cho ai muốn làm nên sự nghiệp. Chắc họ nghĩ chẳng ai tỉnh trí mà đi kết bạn với những kẻ như thế. Dứt khoát họ không phải là hạng người mà một người thận trọng chịu hòa mình chung sống.

Bằng các việc làm của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch rõ ràng cả ba nguyên tắc mà loài người có khuynh hướng áp dụng để tổ chức đời sống mình, đều chẳng có ý nghĩa đối với Ngài.

1/ Ngài đã vứt đi nếp sống đảm bảo. Điều mà phần đông người thế gian cần có là một đời sống bình yên, ổn định. Họ ao ước được một việc làm, một địa vị an toàn, ổn định, ít gây xáo trộn về vật chất và tài chánh.

2/ Ngài đã vứt bỏ sự an toàn. Phần đông người ta có khuynh hướng muốn được sống an toàn, họ lo được an thân hơn lo cho phẩm cách đạo đức, cho việc làm phải hay quấy. Làm một việc có nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân là điều do bản năng người ta luôn luôn né tránh.

3/ Ngài hoàn toàn thờ ơ đối với lời phê phán, khen chê của xã hội. Ngài đã chứng tỏ là chẳng bận tâm gì đến những gì người ta nói về Ngài. Thật vậy, H.G. Wells đã nói: “Với nhiều người, tiếng nói của người láng giềng nghe to hơn cả tiếng Thiên Chúa. Người ta sẽ nói gì? Là một trong những câu hỏi đầu tiên mà chúng ta vẫn thường có thói quen đặt ra”.

Điều khiến cho người nhà và bạn bè của Chúa Giêsu lo sợ là những nguy cơ Ngài đã liều lĩnh chuốc lấy cho mình, mà theo ý họ, chẳng có người tỉnh trí nào làm vậy cả.

Lúc John Bunyan bị bỏ tù, ông đã rất lo sợ. Ông nghĩ “Kết thúc của việc tôi bị bỏ tù có thể là giá treo cổ, đó là điều tôi có thể nói”. Ông không thích ý nghĩ mình sẽ phải bị treo cổ, rồi một ngày kia, ông cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ như vậy “Hình như tôi xấu hổ vì phải chết với gương mặt tái xanh và hai đầu gối run rẩy chỉ vì một lý do như vậy”. Nhưng cuối cùng, ông đã đến được câu kết luận “khi tưởng tượng mình đang leo thang để lên giá treo cổ, lúc đó tôi nghĩ: tôi phải tiến bước và đánh liều phần số đời đời của tôi với Chúa Cứu Thế, cho dù ở đây tôi có được thoải mái hay không. Tôi nghĩ, nếu không có Chúa can thiệp, tôi cũng cứ nhắm mắt nhảy từ chiếc thang ấy vào cõi đời đời, dù có thể bơi lội hay chìm lỉm, dù thiên đàng hay hỏa ngục; Lạy Chúa Giêsu nếu Ngài có thể hứng bắt lấy con, xin hãy làm công việc của Ngài, bằng không, con cũng vì danh Ngài mà liều mạng sống vậy”. Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đã sẵn sàng làm, tôi sẽ vì danh Ngài mà liều mạng, chứ không phải muốn được sống yên thân, an toàn, phải là khẩu hiệu của mỗi Kitô hữu và là nguồn mạch cho sinh hoạt Kitô hữu.

II. Liên minh hay chinh phục: 3,22-27

Các chức sắc chính thống giáo chẳng còn chút gì để nghi ngờ quyền phép đuổi quỷ của Chúa Giêsu. Họ không cần nghi ngờ vì bên Phương Đông từ thời ấy mãi cho đến ngày nay, đuổi quỷ vốn là một hiện tượng thông thường. Điều họ nói là, sở dĩ Chúa Giêsu có quyền đuổi quỷ vì Ngài liên minh với chúa quỷ, nghĩa là “Ngài cậy con quỷ lớn để đuổi lũ quỷ nhỏ”. Người ta vẫn luôn luôn tin vào phù phép và đó chính là điều họ nói về Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu chẳng phải khó khăn gì để đả phá luận cứ đó. Việc đuổi quỷ luôn luôn là kêu gọi một thế lực mạnh hơn, giúp đuổi một con quỷ yếu hơn. Vì thế Chúa Giêsu bảo “Cứ nghĩ mà xem, nếu một nước mà nội bộ chia rẽ thì nước ấy không thể tồn tại, trong một nhà mà có cãi lẫy, tranh chấp, thì nhà ấy cũng sẽ không còn”. Nếu thật quỷ Satan đang đánh nhau với các quỷ sứ nó thì nó sẽ không còn là một thế lực có ảnh hưởng nữa, vì nội chiến đã bùng nổ trong nước của nó rồi! Chúa Giêsu phán “Hay nói cách khác, giả sử các bạn muốn đánh cướp nhà một người rất khỏe, các bạn chẳng có hy vọng gì làm được việc đó nếu chưa tóm được người rất khỏe đó. Sau khi trói được người ấy, mới có thể cướp của trong nhà người ấy được”. Việc các quỷ bị thua không chứng tỏ Chúa Giêsu đã liên minh với Satan nhưng là đồn lũy của Satan đã sụp đổ. Một con người mạnh hơn đã đến và cuộc đàn áp Satan đã bắt đầu. Ở đây có hai điều nổi bật.

1/ Chúa Giêsu thừa nhận đời sống là một cuộc chiến đấu, giữa hai thế lực thiện và ác. Chúa Giêsu không phí thì giờ để suy luận về những vấn đề không có lời giải đáp. Ngài không dừng lại để biên luận điều ác ở đâu ra, nhưng Ngài đã đối phó hữu hiệu nhất với nó. Có một điều hết sức kỳ dị là chúng ta thường phí rất nhiều thì giờ tụ tập nhau lại để tranh cãi về nguồn gốc của điều ác, nhưng chúng ta lại dành quá ít thì giờ để tìm những phương pháp thực tiễn nhằm ngăn chặn hoặc đối phó với điều ác. Có người nói “Giả sử có người vừa thức giấc bỗng thấy ngôi nhà mình đang bốc cháy, chắc chắn người ấy sẽ không ngồi vào ghế bành chăm chú đọc một bài thảo luận nhan đề “Nguyên nhân những vụ phát hỏa tại tư gia”. Nhưng người ấy phải lập tức làm tất cả những gì có thể làm được để dập tắt ngọn lửa. Chúa Giêsu đã nhìn thấy cuộc tranh chấp chính yếu giữa điều thiện và điều ác nằm ngay tại trung tâm đời sống và đang làm hại thế gian. Ngài không lý luận về nó Ngài phải đối phó với nó và ban cho những người khác quyền năng để thắng điều ác và làm điều thiện.

2/ Chúa Giêsu cho việc đánh bại bệnh tật là một phần trong cuộc chiến thằng Satan. Đây là một phần quan trọng trong tư tưởng của Chúa Giêsu. Ngài muốn và cứu được thân thể cũng như linh hồn con người.

III. Tội không thể được tha: 3,28-30

Nếu muốn hiểu câu nói khủng khiếp này có nghĩa gì, chúng ta phải thấu triệt hoàn cảnh nó đã được nói ra. Câu ấy do Chúa Giêsu nói khi các Kinh sư và Pharisêu bảo Ngài đã chữa bệnh không phải do quyền năng Thiên Chúa nhưng do quyền phép của ma quỷ. Bọn người này vừa thấy tình yêu của Thiên Chúa, nhưng lại cho đó là quyền năng nhập thể của Satan.

Chúng ta phải bắt đầu bằng cách nhớ rằng Chúa Giêsu đã không nói về Thánh Thần theo ý nghĩa đầy đủ như Kitô hữu ngày nay hiểu. Vì bấy giờ Thánh Thần chưa đến trọn vẹn trên loài người, cho đến khi Chúa Giêsu trở về với sự vinh hiển của Ngài. Chỉ đến ngày Lễ Ngũ Tuần, loài người mới được kinh nghiệm trọn vẹn về Thánh Thần. Có thể lúc ấy, vì đang nói chuyện với người Do Thái nên Chúa Giêsu đã dùng từ Thánh Thần theo ý nghĩa trong Do Thái giáo. Trong tư tưởng Do Thái giáo, Thánh Thần có hai chức vụ quan trọng. Một là Ngài mặc khải chân lý của Thiên Chúa cho loài người, hai là Ngài giúp loài người nhận ra chân lý ấy. Như thế, chúng ta đã có được chiếc chìa khóa cho đoạn sách này.

1/ Thánh Thần giúp loài người nhận ra chân lý của Thiên Chúa, khi chân lý ấy đến với đời sống họ. Nhưng nếu người nào không sử dụng năng khiếu Chúa ban thì cuối cùng, người ấy sẽ bị mất nó. Nếu người ta sống quá lâu trong bóng tối thì sẽ mất đi khả năng nhìn thấy. Nếu một người phải nằm liệt giường quá lâu, người ấy sẽ không thể bước đi được nữa. Nếu một người không chịu học hỏi gì cả, thì lần lần sẽ mất đi khả năng học hỏi. Nếu một người khước từ sự hướng dẫn của Thánh Thần nhiều lần, thì cuối cùng người ấy sẽ không còn nhận ra chân lý khi nhìn thấy nó. Bấy giờ, đối với người ấy, điều ác sẽ trở thành thiện, điều thiện sẽ trở thành ác. Người ấy có thể nhìn vào điều thiện của Thiên Chúa mà bảo đó là điều ác của Satan.

2/ Tại sao tội như thế lại không được tha? H.B. Swete nói “Đồng nhất hóa nguồn mạch của điều thiện với hiện thân của điều ác là có lệch lạc về đạo đức mà ngay sự Nhập thể cũng không có thuốc chữa”. A.J. Rawlinson gọi đó là “sự gian ác chính yếu”, dường như ngay trong điều đó chúng ta thấy yếu tính của điều ác. Bengel thì bảo, tất cả các tội khác đều do loài người, nhưng tội đó vốn bắt đầu từ Satan. Tại sao thế?

Hãy xét đến ảnh hưởng mà Chúa Giêsu thực hiện trên một người. Hiệu quả đầu tiên mà Chúa Giêsu tạo ra trên một người là khiến người ấy được tính cách chẳng ra gì của mình so với vẻ đẹp đáng yêu của đời sống Chúa Giêsu. Phêrô đã nói “Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). lúc Tokichi Ishiii đọc truyện tích trong sách Phúc Âm đầu tiên, anh ta nói “Tôi dừng lại, dường như có một cây đinh hai tấc đâm thấu vào lòng tôi. Tôi phải nói đó là tình yêu của Chúa Cứu Thế chăng? Tôi phải nói đó là lòng thương xót của Ngài chăng? Tôi không biết gọi đó là gì cả, tôi chỉ biết là tôi đã tin, tấm lòng cứng cỏi của tôi đã được thay đổi”. Phản ứng đầu tiên là người ấy rung động sâu xa như bị đâm thấu tâm can. Và kết quả của việc đó là người ấy ý thức được là mình vốn chẳng ra gì, và kết quả nữa là ăn năn thống hối, thống hối hoán cải là điều kiện duy nhất để được tha tội. Nhưng nếu một người không chịu nghe theo Thánh Thần thúc dục thì người ấy sẽ chẳng thấy nơi Chúa Giêsu điều gì đẹp đẽ đáng yêu cả, sau đó, việc nhìn thấy Chúa Giêsu chẳng khiến người ấy có ý thức về tội, vì không ý thức về tội nên người ấy không thể được tha thứ.

Một trong những câu chuyện kể về Satan là: Ngày nọ, vị linh mục thấy trong cộng đoàn có một chàng thanh niên đẹp trai. Sau giờ thờ phượng, chàng thanh niên ở lại để xưng tội. Anh ta xưng ra nhiều tội mà tội nào cũng hết sức khủng khiếp, khiến vị linh mục phải dởn tóc gáy. Ông hỏi “Chắc con phải sống lâu lắm mới phạm nhiều tội đến thế?”. Chàng thanh niên đáp “Tôi tên là Luxiphe, tôi đã trốn khỏi thiên đàng ngay từ lúc thời gian mới bắt đầu”. Vị linh mục tiếp “Cho dù như vậy chăng nữa, hãy nói là con rất hối hận, nói rằng con ăn năn, con sẽ được tha thứ”. Chàng thanh niên nọ trố mắt nhìn vị linh mục một hồi rồi quay lưng đi ra. Anh không chịu nói và cũng không thể nói như thế, do đó anh phải tiếp tục ra đi vào nơi hoang vu, để lại càng bị lên án, bị nguyền rủa nhiều hơn.

Chỉ có một điều duy nhất để được tha tội đó là biết ăn năn thống hối. Khi con người nhìn thấy vẻ đáng yêu trong Chúa Cứu Thế, người ấy còn ghết tội mình dù rằng chưa thể bỏ được, ngay cả nếu người ấy đang ở trong bùn lầy, anh ta vẫn có thể được tha thứ. Nhưng nếu một người sau khi đã được Chúa hướng dẫn nhiều lần đã đánh mất khả năng nhận ra điều thiện khi nhìn thấy nó, nếu người ấy đã chai lý đến độ chẳng còn nhận ra được các giá trị đạo đức, đến nỗi đối với người ấy thì thiện là ác mà ác là thiện, thì dù có đối diện với chính Chúa Giêsu, người ấy cũng chẳng hề ý thức được về tội, người ấy vẫn không thể ăn năn thống hối, do đó sẽ chẳng bao giờ được tha thứ. Đó là tội phạm đến Thánh Thần.

IV. Điều kiện để trở thành bà con thân thuộc: 3,31-35

Chúa Giêsu quy định các điều kiện để trở thành bà con thân thuộc thật sự. Bà con thân thuộc không phải chỉ là vấn đề cốt nhục. Chúng ta biết có người chẳng có liên hệ huyết thống, lại thân cận với mình hơn cả người bà con có liên hệ huyết thống gần nhất. Vậy mối liên hệ bà con thân thuộc đích thực được căn cứ vào đâu?

1/ Mối liên hệ bà con thân thuộc đích thực là do một kinh nghiệm chung, nhất là một kinh nghiệm cả hai cùng vượt qua được một cảnh ngộ nào đó. Có người ấy bảo hai người ấy thật sự trở nên bạn bè khi họ có thể nói với nhau rằng “Bạn còn nhớ không?” để rồi tiếp tục nhắc lại cho nhau những gì họ đã cùng trải qua. Một người nọ gặp một bà cụ da đen. Một người quen biết của bà cụ này đã qua đời. Ông ta hỏi “Bà X mất rồi chắc bà cụ buồn lắm?”. Bà cụ đáp “Vâng”, nhưng chẳng lộ chút buồn rầu. Ông ta nói “Tôi mới gặp hai bà tuần rồi, cả hai đang cười với nhau, chắc hai bà thân nhau lắm?”. Bà cụ đáp “Vâng, chúng tôi là bạn, chúng tôi vẫn cười đùa với nhau, nhưng muốn thật sự thân nhau, người ta phải cùng khóc với nhau nữa”. Đây quả là một chân lý sâu xa. Nền tảng của mối liên hệ thật sự thân thuộc là có một kinh nghiệm chung. Các Kitô hữu có kinh nghiệm chung: họ đều là tội nhân đã được tha thứ.

2/ Mối liên hệ thân thuộc đích thực là cùng có mối quan tâm chung. A.M. Chigwin kể cho chúng ta một việc hết sức thú vị trong tác phẩm “Kinh Thánh Trong Việc Phúc Âm Hóa Thế Giới”. Một trong những việc khó khăn nhất trong việc phân phối Kinh Thánh, không phải là việc bán Kinh Thánh, nhưng làm sao cho người ta đọc Kinh Thánh. Ông tiếp “Tại Trung Hoa vào những ngày trước khi cộng sản đến, một người phân phối Kinh Thánh đi từ hàng quán này đến hàng quán khác, từ nhà này đến nhà khác. Nhưng ông bị thất vọng vì nhiều độc giả Kinh Thánh của ông mất dần lòng sốt sắng, đến khi ông nghĩ ra một kế hoạch, ông tạo cơ hội cho họ gặp gỡ nhau và tổ chức họ thành một nhóm đạo đức, dần dần được tổ chức đàng hoàng”. Chỉ sau khi các đơn vị riêng lẻ trở thành của một nhóm được ràng buộc vào nhau bởi một mối quan tâm chung, thì mối thông hiệp và liên hệ bà con thân thuộc thật sự hình thành. Mối bận tâm chung đã buộc chặt họ thành bà con thân thuộc. Kitô hữu có mối quan tâm chung, vì tất cả Kitô hữu đều ao ước được hiểu biết nhiều hơn về Chúa Giêsu Kitô.

3/ Mối liên hệ bà con thân thuộc thật sự là việc cùng vâng lời. Các môn đệ của Chúa vốn là một nhóm người hết sức hỗn tạp. Đủ thứ niềm tin và ý kiến trộn lẫn giữa họ. Người thâu thuế như Matthêu và nhà ái quốc Simôn Nhiệt thành chắc phải ghét nhau lắm, và hẳn có lúc hai người đã thù ghét nhau. Nhưng cả hai đã được buộc chặt vào nhau, vì đều nhận Chúa Giêsu làm thầy và Chúa. Bất kỳ một đạo quân nào cũng gồm nhiều con người thuộc nhiều giai tầng xã hội khác nhau, có nếp sống khác nhau, ý kiến khác nhau, nếu được sống chung với nhau trong một thời gian, họ sẽ kết hợp lại thành một đoàn người sống chết có nhau, vì họ cùng tuân lệnh trong quân đội. Người ta dễ trở thành bạn thân với nhau khi cùng có chung một thầy, một chủ. Người ta rất dễ yêu thương nhau khi cùng yêu mến Chúa Giêsu Kitô.

4/ Mối liên hệ bà con thân thuộc thật sự là do môt mục đích chung. Chẳng có gì kết chặt người ta vào nhau tốt hơn là mục tiêu chung. Đây là một bài học quan trọng cho Hội Thánh. Khi nói về mối quan tâm mới mẻ đối với Kinh Thánh, A.m. Chirgwin đã hỏi “Phải chăng vấn đề thống nhất Hội Thánh cần được đặt ra là phải căn cứ trên Kinh Thánh, chứ không phải vào việc xét lại vấn đề Giáo Hội”. Hội Thánh sẽ chẳng bao giờ kéo lại gần nhau khi mọi người còn cãi nhau về việc tấn phong hàng giáo phẩm, về tổ chức quản trị Hội Thánh, về tổ chức các Thánh Lễ và nhiều điều khác đại loại như thế. Điểm duy nhất để mọi người có thể kết hợp với nhau là ai nấy đều tìm cách đưa nhiều người khác đến với Chúa Cứu Thế. Mối liên hệ bà con thân thuộc mà họ cùng nhau đi đến, xuất phát từ một mục tiêu mà hơn ai hết, các Kitô hữu đều nắm giữ, đó là tìm cách để hiểu biết Chúa Cứu Thế hơn và đưa nhiều người vào nước của Ngài. Các vấn đề khác, chúng ta có thể bất đồng, nhưng điều này phải nhất trí.