Chúa Nhật X - Thường Niên - Năm B
HAI CĂN NHÀ
Suy niệm của Fiches Dominicales

I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Từ căn nhà chia rẽ chống lại chính mình

Trên núi, Đức Giêsu thiết lập nhóm "mười hai để họ ở với Người và để sai họ đi rao giảng với quyền xua đuổi ma quỷ". Giờ đây Người "vào một ngôi nhà nơi đám đông tụ tập. Họ khao khát nghe lời Người đến nỗi Người không có thời giờ ăn uống? Chính trong khung cảnh ấy Máccô tường thuật lại hai cuộc chống đối Đức Giêsu. Sự chống đối của gia đình người". Thân nhân của Người nói: "Người đã mất trí" và họ đến "bắt Người về” (kiểu nói "bắt" được nhắc lại 4 lần trong bài Thương khó để chỉ việc bắt giam Đức Giêsu). Sự chống đối của các "Luật sĩ đến từ Giêrusalem” uy quyền tôn giáo ở Israel: Họ tố cáo Người bị quỷ "Bê-en-dê-bun ám" và Người xua đuổi ma quỉ vì Người là "tướng quỷ” Đức Giêsu đã trả lời họ tức khắc bằng hai dụ ngôn ngắn:

- Dụ ngôn thứ nhất về "vương quốc" hoặc về "gia đình" chia rẽ. Đức Giêsu viện dẫn lương tri: làm sao Satan có thể xua đuổi Satan (hoặc quân quốc của Satan?). Đó là dấu hiệu "hắn tự chống lại mình”, "tự chia rẽ”, như thế đâu thể đứng vững; quả hắn đã đến ngày tàn”.

- Dụ ngôn thứ hai về "người mạnh" khi xua tuổi ma quỉ, Đức Giêsu chứng tỏ Người mạnh hơn Satan, có thể "trói gô” hắn lại. Đối với các Luật sĩ những kẻ hiểm ác đến độ qui về Satan cả những hoạt động của Thánh Linh, Đức Gtêsu tràn đầy Thánh Thần Thiên Chúa đã cho họ biết rằng Người đến truất phế Satan khỏi vương quốc của hắn và Người sẽ trị vì thay hắn.

2… đến căn nhà qui tụ các anh em Đức Giêsu

Thân nhân của Đức Giêsu tới để "bắt Người”. Họ, những kẻ "đòi hỏi Người” hiện nay đang "ở ngoài" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; ở bên ngoài căn nhà, họ đụng phải dòng người vây quanh Thầy để lắng nghe.

Đức Giêsu đảo mắt nhìn những người tự tập quanh Người (theo Máccô, cái nhìn chăm chú ấy luôn mang một ý nghĩa quan trọng) và đưa ra một lời tuyên bố long trọng: gia đình thực sự của Người không phải là gia đình theo xác thịt, nhưng là những người lắng nghe lời Người và thực hành thánh ý Thiên Chúa: "Ai thi hành thánh ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta”.

J. Hervieux giải thích: "Đối với Máccô, đó là một cách diễn tả Giáo Hội vừa rõ ràng vừa đơn sơ cho các Kitô hữu thời ấy. Cơn bách hại của người rôm đã đẩy bao gia đình vào thảm cảnh chia lìa đớn đau. Những người trở lại đảo luôn bị bắt buộc phải lựa chọn hoặc dây liên hệ gia đình, hoặc gắn bó với cộng đoàn Kitô hữu. Tác giả Tin Mừng chỉ cho họ thấy rõ chính Đức Giêsu cũng đã bị bắt buộc phải cắt đứt hoàn toàn mối dây liên hệ với thân nhân" ("Tin Mừng Marco", Centurion, trang 63).

II. BÀI ĐỌC THÊM

1. Một gia đình khác, mạnh hơn gia đình thuộc huyết tộc, đang thành hình

(G. Bessière: trong "Thiên Chúa rất gần. Năm B", DDB, trang 107-108).

Dư luận xì xầm. Làng xóm bàn tán. Gia đình mở cuộc họp. Đó là mối nhục của gia tộc. Và ta không thể gả chồng cho các cô gái nữa. Chỉ cần thốt ra tên một người, tức khắc mọi người sẽ tránh xa. Hội đồng gia tộc đã quyết định: "Người ta bảo ông ta khùng rồi"trong khi đám đông vây xúm xít quanh Đức Giêsu, "gia đình Người tới để bắt người, vì họ cho rằng: Người đã “mất trí”. Những ông cậu, những ông anh bà con lực lưỡng cũng biết rằng một uỷ ban luật pháp - các luật sĩ - đã được phái tới từ Giêrusalem để điều tra. Kết luận của họ nguy hiểm cho Người và cho danh giá của cả gia tộc: "Người bị tướng quỷ Bê-en-dê-bun ám; Chính nhờ uy quyền của tướng quỷ người mới trừ được lũ quỷ con”. Tốt hơn nên nói rằng: Người đã "mất trí” .

Người đã làm gì để đến nỗi bị coi là điên khùng hay một người ủng hộ Satan? Người loan báo rằng Thiên Chúa đã đến gần, giải thoát những người bị quỷ ám, chữa lành các bệnh nhân, gần gũi những người cùi, thậm chí còn dám đựng chạm để chữa lành họ, Người còn đi đến mức tha thứ cho người tội lỗi, ăn uống tại nhà những người tội lỗi công khai. Người tự do trong việc giữ luật ngày Sabát. Người có lập trường riêng chẳng hề dựa trên truyền thống. Người nói phải chứa rượu mới trong bầu da mới! Tóm lại là đảo lộn tất cả, và còn tự xưng là... Thiên Chúa!.

Chẳng có cách nào băng qua những vòng người ngồi chung quanh để tóm lấy người. Gia đình người đành ở lại bên ngoài và cho đòi Người. người ta nhắn vào: "Mẹ Thầy và anh em Thầy ở ngoài kia tìm Thầy”. Nhưng người trả lời: "Ai là mẹ Ta? ai là anh em Ta? Rồi đưa mắt nhìn mọi người đang ngồi thành vòng tròn chung quanh, Người bảo: "Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Ai thực hành thánh ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, và mẹ Ta”.

Ở một thời buổi và giữa một dân tộc coi gia đình là thánh thiêng, Đức Giêsu đã có một thái độ thoát ly tán bạo. Một gia đình khác chào đời, mạnh hơn gia đình theo huyết tộc, mở rộng đón nhận cả nhân loại, gia đình của Cha Đấng ngự trên trời. Ai đo lường được mức độ mới mẻ gây tranh cãi mà đứa con lạc loài của Nadarét mang lại?

2. Cuộc hành hương đức tin của Maria

(G.Garde trong "Các cộng đoàn của Chúa" số 41 , trang 51).

Máccô buộc ta phải hiểu đức tin của Đức Maria là một đức tin lớn mạnh tiệm tiến. Chẳng phải ngay lúc nhập thể, Đức Maria đã hiểu biết con trai mình là Thiên Chúa. Luca không nói khác, vì theo ông, Mẹ không hiểu câu trả lời của Đức Giêsu ở Đền Thờ năm Người lên 12 tuổi (Lc 2,50). Cũng vậy, hôm nay Mẹ tin rằng phải dùng quyền làm mẹ, để đưa Đức Giêsu trở lại cuộc sống đơn sơ ở Nazareth, nhất là khi giáo quyền của đạo Do Thái xem ra chống lại con Mẹ. Dần dà, nhờ "lắng nghe Lời Chúa" và nhờ thực hành thánh ý mà Đức Maria đã lớn lên trong đức tin, một đức tin càng ngày càng sáng tỏ. Quyền làm mẹ đã tìm thấy một chiều kích mới, để trở nên Mẹ Giáo Hội.