Chúa Nhật X - Thường Niên - Năm B
THÂN VÀ THÙ
Suy niệm của Trầm Thiên Thu

Một dịp Chúa Giêsu về quê Na-da-rét, nơi Ngài sinh trưởng, và đến hội đường theo luật giữ ngày sa-bát. Sau khi nghe Ngài giảng thuyết, mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài (Lc 4:22), nhưng cũng có những người đặt vấn đề: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13:54-56).

Và Chúa Giêsu kết luận: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi”. (Mt 13:57; Mc 6:4; Lc 4:24). Thân và Thù là hai lĩnh vực khác nhau, làn ranh giữa hai lĩnh vực đó rất mong manh. Tuy kẻ thù nguy hiểm mà lại không đáng sợ, người thân không nguy hiểm mà lại đáng sợ. Bởi vì đối với kẻ thù, chúng ta biết họ không ưa mình nên có thể dễ tránh; còn đối với người thân, chúng ta cứ tưởng an toàn nhưng khi họ phản lại thì chúng ta không tránh kịp – nhất là đối với những người nói năng “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”. Sự thật phũ phàng thế đấy!

Ngày xưa, An Dương Vương cai trị nước Âu Lạc, Triệu Đà nhiều phen phải vỡ mộng xâm lăng, đành cầu hòa bằng cách muốn An Dương Vương gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con của giặc phương Bắc. Tuy đã là con rể, nhưng Trọng Thủy luôn tìm kế để đánh cắp nỏ thần. Vì mật ngọt mà ruồi dính bẫy, nghe lời đường mật của giặc mà An Dương Vương sập bẫy, và rồi hóa thành người “nuôi ong tay áo”, thật nguy hiểm! Cuối cùng, Thần Kim Quy phải nói thẳng với An Dương Vương: “Giặc ngồi ngay sau lưng đó”. Những chiếc lông ngỗng của Mỵ Châu bay mất hết trơn!

Trình thuật St 3:9-15 cho biết về chuyện con người bất tuân lệnh Chúa vì nghe lời đường mật của loài quỷ quyệt. Một hôm, Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con SỢ HÃI vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Vòng luẩn quẩn của sự ác, đổ lỗi vòng quanh cho nhau chứ không phục thiện, không thú tội. Tà tâm ưa bóng tối, bóng tối sợ ánh sáng.

Con người đang thân thiện với Thiên Chúa, nay hóa thành thù địch với Ngài, chỉ vì con người đã kiêu ngạo mà hóa thành tội nhân. Rồi Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Tội lỗi cũng có tính liên đới, chứ không phải ai tội mặc ai.

Người Việt có câu: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”. Thế đấy, hùng hổ lắm thì co rúm nhiều. Đang yên đang lành thì cảm thấy nhàm chán, con người rửng mỡ nên muốn vùng lên, vùng lên rồi sợ hãi, mặt mũi xanh lè. Đó là “nợ truyền kiếp” khiến chúng ta cũng liên lụy – một dạng liên đới tội lỗi. Nếu nhận biết mình là tội nhân khốn nạn thì thật có phúc, nhận diện mình để khiêm nhường cầu xin: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu” (Tv 130:1-2). Chắc chắn Chúa thương liền!

Thật vậy, Ngài luôn đại lượng, chỉ mong tha thứ, đúng như Thánh Vịnh gia đã cảm nhận: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người” (Tv 130:3-5). Vô phúc vì đang là tội nhân, thế mà lại hóa diễm phúc vì được tận hưởng Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Thật là ngoài sự mong ước của chúng ta, bởi vì chúng ta là những đứa con hoàng đàng, khi trở về chỉ mong cha coi như người làm công là tốt lắm rồi, nào ngờ cha lại yêu thương hơn xưa, cho hưởng mọi thứ và còn đãi tiệc ăn mừng một kẻ-đã-chết-nay-sống-lại (x. Lc 15:11-32).

Thiên Chúa là thế, chúng ta không thể nào hiểu nổi. Mặc dù chúng ta tội lỗi tày trời, khốn nạn vô cùng, nhưng Ngài vẫn “luôn từ ái một niềm” bởi vì “ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa” (Tv 130:7), và “chính Ngài sẽ cứu thoát khỏi tội khiên muôn vàn” (Tv 130:8). Không thể có ngôn ngữ nào mô tả được đúng mức về niềm hạnh phúc quá lớn lao như vậy.

Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần kỳ diệu: “Dùng tất cả NHIỆT TÌNH để có LÒNG TIN thì có thêm ĐỨC ĐỘ, có đức độ lại thêm HIỂU BIẾT, có hiểu biết lại thêm TIẾT ĐỘ, có tiết độ lại thêm KIÊN NHẪN, có kiên nhẫn lại thêm ĐẠO ĐỨC, có đạo đức lại thêm TÌNH HUYNH ĐỆ, có tình huynh đệ lại thêm BÁC ÁI” (2 Pr 1:5-7). Đó là tính liên đới nhân đức trong đời sống Kitô hữu. Đức ái là đỉnh cao, đặc biệt là tồn tại cả đời này và đời sau (1 Cr 13:13).

Liên quan đức tin, Thánh Phaolô nói: “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào thì càng có đông người dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người” (2 Cr 4:13-15). Cũng đề cập đức tin, Thánh nữ Bernadette phân tích rất hay: “Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích”. Cụ thể nhất là đối với người vô thần, nói về đức tin với họ không bằng nói với đầu gối – về nhiều vấn đề khác cũng tương tự, bởi vì họ cố chấp.

Với niềm xác tín mạnh mẽ, Thánh Phaolô cho biết: “Cho nên chúng tôi KHÔNG CHÁN NẢN. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật HỮU HÌNH chỉ TẠM THỜI, còn những thực tại VÔ HÌNH mới TỒN TẠI VĨNH VIỄN” (2 Cr 4:16-18). Thân xác sống nhờ thần khí chứ chính nó chẳng có giá trị gì (x. Ga 6:63), nó “thân” lắm đấy nhưng nó cũng dễ biến thành “thù” ngay, và rồi nó sẽ phải tan biến thành cát bụi, còn linh hồn mới thực sự bất tử. Đừng nuông chiều hoặc quá chăm chút thân xác mà làm hại linh hồn mình!

Thánh Phaolô kết luận: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5:1). Chết là biến đổi chứ không là “chấm hết”.

Cuộc sống luôn nhiêu khê và đáng quan ngại, sợ nhất là chính mình – nội gián đáng gờm nhất, rồi đến người thân, sau đó mới là người khác và kẻ thù. Trình thuật Mc 3:20-35 cho biết rằng các thân nhân và các kinh sư đều coi Đức Giêsu là người mất trí, thậm chí còn nói Ngài “bị thần ô uế ám”. Người Việt có ý tưởng chí lý: “Giòi trong xương giòi ra”.

Một lần nọ, Chúa Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Ngài và các môn đệ không sao ăn uống được. THÂN NHÂN của Ngài hay tin ấy, liền đi BẮT Ngài, vì họ nói rằng Ngài đã MẤT TRÍ. Theo ngôn từ ngày nay, người ta nói là BóTay.com hoặc “cạn lời”. Hết ý kiến và lắc đầu ngán ngẩm quá!

Rồi cũng chưa yên và còn tệ hơn nữa, vì các kinh sư từ Giêrusalem xuống lại nói rằng Ngài BỊ QUỶ VƯƠNG BÊ-EN-DÊ-BUN ÁM và DỰA THẾ QUỶ VƯƠNG mà trừ quỷ. Những cái “đầu tôm” ở tột cùng của sự ngu dốt tồi tệ. Xã hội ngày nay ở Việt Nam cũng không thiếu loại người như vậy!

Nhưng đừng tưởng bở, chuyện đâu còn có đó. Biết vậy, Ngài liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững”. Lý luận chặt chẽ, phân tích rạch ròi. Và Ngài minh định: “Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ thì KHÔNG THỂ TỒN TẠI, nhưng đã TẬN SỐ. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó”. Chắc chắn họ đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi. Dốt mà chảnh, ngu mà ta đây. Đúng là lũ “đầu đất” hợm mình tới mức hết thuốc chữa!

Đó cũng là bài học cho những ai thực sự muốn sống nghiêm túc, muốn nên người và nên thánh. Thật thế, tự triệt tiêu tôi thì thành thánh. Thế thôi!

Tội lỗi không chỉ có tính liên đới mà còn có mức độ, Giáo Hội gọi là Trọng Tội và Khinh Tội (tội nhẹ). Tội nào cũng được tha nếu thật lòng ăn năn sám hối, quyết tâm chấn chỉnh và hoán cải, nhưng có một loại tội lớn hơn các loại tội to, nặng hơn các loại tội trọng mà Chúa Giêsu đề cập: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN thì chẳng đời nào được tha, mà còn MẮC TỘI MUÔN ĐỜI”. Đó là tội mà họ đã dám nói Chúa Giêsu “bị thần ô uế ám”. Xúc phạm Thiên Chúa thì hết cách cứu!

Liên quan Thân và Thù, Chúa Giêsu xác định ai mới thật là thân nhân của Ngài (Mc 3:31-35; tương đương Mt 12:46-50; Lc 8:19-21).

Lúc đó, Mẹ và anh em của Chúa Giêsu đến, đứng đợi ở ngoài và cho gọi Ngài ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Ngài. Có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”. Nhưng Ngài đáp lại bằng một câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Nói rồi Ngài rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

Nói vậy không có nghĩa là Chúa Giêsu không coi trọng tình cảm gia đình hoặc coi thường thân nhân, nhưng Ngài muốn nói đến tầm quan trọng của việc lắng nghe và sống đúng Lời Chúa, tất nhiên cũng không loại trừ việc học hỏi Lời Chúa. Vô tri bất mộ, không hiểu đúng Lời Chúa thì khó có thể yêu mến, không yêu mến Lời Chúa thì làm sao muốn sống Lời Chúa? Rất lô-gích, rất hợp lý!

Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin giúp con biết nhận diện chính mình để có thể đè nén “cái tôi” tồi tệ trong con người của con, bởi vì không có Ngài thì con chẳng làm được chi cả (x. Ga 15:5). Con biết con ngu dốt hơn mọi người, không thông minh bằng người khác (Cn 30:1), xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ (Tv 119:34), xin ban trí thông minh để con được am tường thánh ý (Tv 119:125). Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.