Chúa Nhật IX - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
THÁNH THỂ
SƯU TẦM

Nói đến chuyện ăn thịt người đã là một việc ghê tởm, phương chi còn nói đến chuyện uống máu người. Nhất là đối với dân Do Thái, máu được coi như là chính sự sống của con người và chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền trên máu huyết, không những của con người mà còn của mọi loài động vật. Đó chính là lý do dân Do Thái không ăn máu huyết, thậm chí còn kiêng cả thịt thú bị chết ngạt, và họ chỉ ăn những thú thịt đã làm sạch không còn tí máu nào sót lại.

Vì thế phản ứng của những người nghe Chúa Giêsu nói: Thật Tôi bảo thật các ông nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình, là một phản ứng dễ hiểu. Đúng là những lời lẽ chối tai không ai nghe nổi. Nhưng đó lại là những lời thực tế nhất, khoa học nhất bởi vì nếu Chúa Giêsu muốn trở nên sự sống của nhân loại, Ngài phải để cho thiên hạ ăn thịt của Ngài. Chúng ta không thể sống nếu không ăn. Và khi chúng ta ăn cái gì thì cái đó trở nên máu thịt chúng ta, trở nên chính chúng ta.

Cũng vậy, vì muốn cho chúng ta được sống và sống bởi chính Ngài, Chúa Giêsu đã trở nên bánh cho chúng ta ăn. Hơn thế nữa, Bí tích Thánh Thể còn là bí tích của hiệp thông, vì nhờ ăn thịt và uống máu Ngài, chúng ta trở nên Ngài và Ngài trở nên chúng ta. Nghĩa là Ngài trở nên thịt máu chúng ta và chúng ta sống thực sự bởi Ngài. Ngài có thể nói rằng thịt máu chúng ta, sự sống chúng ta là thịt máu, là sự sống của Ngài.

Thế nhưng sự hiệp thông ấy không chỉ dừng lại ở mối tương quan giữa chúng ta với Chúa Giêsu mà thôi. Thực vậy, vì không phải chỉ có một mình tôi ăn thịt và uống máu Ngài, mà cả cộng đoàn dân Chúa đều tham dự vào bàn tiệc của Đức Kitô: bởi vì chỉ có tấm bánh và tất cả chúng ta cùng chia sẻ nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.

Như thế, Bí tích Thánh Thể không phải chỉ kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa mà còn kết hiệp chúng ta với nhau. Tuy nhiên, không thiếu gì những kẻ rước lễ trong tình trạng chiến tranh lạnh với người khác, đôi khi với cả gia đình, với cả cộng đoàn. Có những cặp vợ chồng ly thân, thậm chí ly dị nhau mà vẫn lên rước lễ. Họ đâu có hiểu rằng làm như vậy là họ đóng đinh Chúa Giêsu, là xé nát thân thể của Ngài? Họ đâu có hiểu rằng làm như thế có nghĩa là kéo Chúa về phe mình, là cấm vận không cho Ngài đến được với đối thủ của họ? Bởi vì làm thế nào Đức Kitô có thể hiệp nhất với chúng ta khi chính chúng ta lại chia rẽ và không chấp nhận nhau.

Nhìn vào tình trạng Giáo Hội cũng vậy, ngay trong nội bộ cộng đoàn này, sự hiệp nhất đôi khi cũng chỉ có tính cách chung chung, hình thức hay lý thuyết mà thôi. Như thế bàn tiệc Thánh Thể có ý nghĩa gì? Người ta nói Thánh Thể làm ra Giáo Hội và Giáo Hội làm ra Thánh Thể, nghĩa là cử hành Thánh Thể. Nhưng một Giáo Hội thiếu hợp nhất thì có thể làm ra Thánh Thể được hay không? Và Thánh Thể có làm ra Giáo Hội được hay không khi mà các tín hữu không đồng tâm nhất trí với nhau. Khi mỗi người trong một gia đình không thể ngồi quanh một bàn ăn, hay khi tấm bánh nồi cơm bị phân tán, quẳng đi mỗi chỗ một mẩu một hạt, thì liệu còn có thể gọi đó là một bữa cơm gia đình hay không?

Hãy nhớ rằng Thánh thể không phải chỉ kết hiệp chúng ta lại với Chúa, mà còn kết hiệp chúng ta lại với nhau, để làm thành một đoàn chiên duy nhất.