Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm B
CÁM DỖ
SƯU TẦM

Buổi chiều ngày cuối tháng 10 thường được người Mỹ và các nước có ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, có nghĩa là ngày mừng lễ các thánh. Có lẽ đã là điều còn rơi rớt lại của những ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời của những người Santies trước Công Nguyên mà ngày lễ vọng các thánh mang một màu sắc ảm đạm ma quái. Trong các cửa tiệm, trưng bày những mặt nạ quái dị, những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng ra khắp nơi, các đồ chơi của trẻ em cũng được khoác lên những nét ma quái, kinh dị, trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị.

Buổi tối ngày Halloween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe những chuyện ma quái. Phải chăng mỗi năm, người ta muốn dành một ngày để nhắc nhớ đến sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng ngày nay người ta còn ý thức được tội lỗi và sự tác động của thần dữ, tức là ma quỷ hay không? Thi sĩ Bô-đơ-le của Pháp đã có lần nói: “Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng chúng không hề hiện hữu”. Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Thánh Kinh nói đến đều chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay con người có thể tìm ra nguyên nhân.

Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào là đã loại trừ được ma quỷ ra khỏi cuộc sống. Rất tiếc con người ngày nay ít được chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tiền mà Kinh Thánh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, tất cả đều không thể từ chối có một sức mạnh luôn tác động trong tâm trí con người, lôi kéo con người đến chỗ hành động xấu xa, tội lỗi, mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng trong kinh nghiệm của mỗi người: “Điều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn làm thì tôi lại làm”. Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn lôi kéo, xúi giục con người vào tội ác, sức mạnh vô hình đó chính là Satan, là ma quỷ, và chiến thuật hay phương thế ma quỷ sử dụng để lôi kéo, xúi giục chúng ta phạm tội là cám dỗ.

Ma quỷ thường cám dỗ chúng ta thế nào? Ma quỷ rất khôn khéo, quỷ quyệt và kiên nhẫn, vì chúng là các thiên thần sa ngã. Chúng áp dụng nhiều chiến thuật và nhiều cách thế khác nhau, tùy tuổi tác, tính tình, tùy hoàn cảnh để xúi giục chúng ta nghe theo chúng mà phạm tội. Rất ít khi ma quỷ cám dỗ chúng ta phạm tội ngay từ đầu, vì làm thế chúng ta sẽ sợ hãi không dám phạm, nhưng chúng cám dỗ chúng ta phạm một lỗi nhỏ trước, rồi mới dẫn chúng ta đến chỗ phạm tội trọng. Đàng khác, không bao giờ ma quỷ cám dỗ chúng ta làm hai điều một trật, để chúng còn đủ thời giờ cám dỗ chúng ta phạm tội kia, nghĩa là chúng cám dỗ thế nào để từ cơn cám dỗ này đưa đến một cơn cám dỗ khác, rồi một cơn cám dỗ khác nữa, và cứ thế tiếp tục cho đến khi chúng ta sa ngã và phạm tội.

Về chiến thuật cám dỗ của ma quỷ, người ta thường kể câu chuyện sau: ma quỷ khôn khéo như một phạm nhân bị giam trên một cái tháp rất cao, không thể nào trèo xuống được, vậy mà anh ta đã thoát thân được bằng một cách rất tài tình: mỗi ngày anh nhổ hai sợi tóc và xe lại với nhau, sau một thời gian anh đã có một sợi dây tóc dài, anh thả xuống qua cửa sổ, bên dưới, người bạn của anh buộc một sợi dây lụa rất nhẹ vào đầu sợi dây tóc, cuối sợi dây lụa lại buộc một sợi dây gai, cuối sợi dây gai lại buộc một sợi dây thừng nhỏ, cuối sợi dây thừng nhỏ là một sợi dây thừng lớn, bằng sợi dây thừng này, phạm nhân đã tụt xuống đất trốn thoát được. Đó chính là đường lối cám dỗ mà ma quỷ áp dụng, chúng ta giam các dục vọng của chúng ta, nhưng ma quỷ giúp các dục vọng đó vượt ngục dần dần. Trong thực tế chúng ta không thấy rõ thứ tự hay tiến trình tuần tự như thế, nhưng nói chung, tất cả các cám dỗ phạm tội đều như vậy.

Chúng ta phải xử trí ra sao khi bị cám dỗ? Đành rằng ma quỷ cám dỗ chúng ta, nhưng chúng chỉ là kẻ thù nguy hiểm thứ hai sau xác thịt của chúng ta: thế gian, ma quỷ và xác thịt, đó là ba kẻ thù ghê gớm. Ma quỷ chỉ là kẻ xách động, cám dỗ, thúc đẩy, xúi giục chúng ta phạm tội, nhưng chúng có gặp được sự đồng tình, đồng ý của chúng ta hay không? Tức là chúng ta có chấp nhận hay ngả theo những chước cám dỗ hay không, đó là chính ý chí của chúng ta. Vậy, trước hết, chúng ta phải đề phòng và xa tránh các dịp nguy hiểm, các cơ hội, các lý do, các hoàn cảnh, những người, những vật… có thể đưa đẩy chúng ta đến chỗ phạm tội. Rồi, nếu bị cám dỗ, chúng ta phải mau lẹ chống trả ngay từ đầu, chống trả cách cương quyết, đừng chần chừ, trì hoãn, và nhất là phải cầu nguyện nhiều để xin Chúa ban ơn trợ giúp. Nếu chẳng may thất bại, nghĩa là sa chước cám dỗ, phạm tội, chúng ta phải lập tức đứng dậy ngay, nghĩa là hối hận, ăn năn, xưng tội, xin Chúa tha thứ và cố gắng hơn nữa để khỏi tái phạm.

Chúng ta chẳng ai thoát khỏi cám dỗ, chỉ khác nhau ở chỗ có sa chước cám dỗ hay không, vì vậy, trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải luôn cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ. Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi ác thần, xin giúp chúng con khỏi sa chước cám dỗ. Chúng ta phải luôn cầu xin Chúa như thế, nhất là khi gặp chước cám dỗ.