Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Năm C
NHỮNG NGƯỜI LÀM CHỨNG
                        Lm. Gioan M, Nguyễn Thiên Khải, CMC                      

Thưa anh chị em,

Trang Tin mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu báo trước những khó khăn thử thách mà tương lai các môn đệ sẽ phải đối diện, thì Đức Giêsu sẽ đối diện trước. Chúng ta trích dẫn một vài câu để cùng chia sẻ với nhau.

 Chúa nói: “Các con hãy coi chừng người đời, họ sẽ bắt nộp các con nơi hội đường.....”. Chúa Giêsu có bị bắt không? Có. Người Do thái bắt và điệu Đức Giêsu đến hội đường, người đứng đầu là thượng tế Caipha năm ấy. Ông nói: thà một người chết thay cho dân được nhờ. Câu nói này ám chỉ về cái chết của Đức Giêsu.

 Họ sẽ đánh đập các con trong hội đường của họ. Đức Giêsu có bị đánh đập không? Có. Người Do thái điệu Đức Giêsu đến trao nộp cho quan Philatô, ông ra lệnh đem Chúa đi đánh đòn tả tơi đến nổi chẳng còn hình tượng người ta nữa. Một vị vua mà bị thần dân đánh bầm dập như thế sao?

 Các con sẽ bị điệu ra trước mặt vua Chúa quan quyền để làm chứng cho họ....Chúa Giêsu đã bị các thượng tế điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, trước mặt quan Philatô. Và Chúa đã làm chứng: Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật, ai hâm một sự thật thì theo Tôi.

Rồi Chúa nói tiếp: Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh.....vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đổ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Thế thì, Chúa Giêsu có bị nộp không? Có. Chính Giuđa đã dùng nụ hôn là dấu chỉ của tình yêu, trở thành nụ hôn phản bội, nộp Thầy mình với giá 30 đồng bạc. Cho nên, khi chúng ta nhìn vào gương của Chúa chúng ta mới biết thế nào là tử đạo.

Anh chị em thân mến,

Theo sử liệu để lại, thì Giáo Hội Việt Nam có khoảng 130.000 tín hữu can đảm đổ máu ra làm chứng cho Chúa Kitô trên quê hương đất nước chúng ta. Trong số đó có 117 vị đã được thánh Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 19/6/1988. Các Ngài là những Giám mục, Linh mục, Thầy giảng, Chủng sinh và giáo dân thuộc mọi giai cấp trong xã hội.

Thế thì, bởi động lực nào mà các ngài dám đổ máu mình ra như thế? Thưa, chính là tình yêu. Tình yêu này được khởi đi từ chính Đức Kitô, khi Ngài nói: "Các con hãy yêu thương kẻ thù, hãy cầu nguyện cho những kẻ làm hại mình, hãy tha thứ cho những kẻ bắt bớ mình, hãy chúc phúc cho những kẻ làm khổ mình".

Noi gương Đức Kitô, các thánh tử đạo sẵn sàng tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. Cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình. Nhờ Chúa ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, các ngài làm chứng cho mọi người thấy đạo Chúa là đạo của tình thương.

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nổi đã hiến ban Con Một của Ngài cho thế gian. Ngay cả khi thế gian loại trừ Con của mình, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương. Cả khi thế gian đóng đinh người Con của mình vào cây thập giá, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương tha thứ.

 Tương tự như thế, các thánh tử đạo Việt Nam là những người yêu thương đất nước này hơn ai hết. Các Ngài xác tín rằng: nhờ Tin mừng của Chúa mà đất nước này được tốt đẹp hơn, con người có tâm hơn, bình an hạnh phúc hơn. Nên các ngài đã chấp nhận hiến dâng mạng sống không chỉ để làm chứng cho Đức Kitô mà còn vì lòng yêu mến dân tộc này nữa. Cho nên, dù vua Chúa quan quyền có hành hạ các ngài cho đến chết, các Ngài vẫn một lòng yêu thương tha thứ.

Thật vậy, chỉ vì tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian treo trên thánh giá, mà thánh Mattthêu Gẫm can đảm không bước qua Thánh giá. Ngài trả lời với ông quan tỉnh rằng: "Thánh giá tôi tôn thờ, tôi giẫm lên sao được?".

Chỉ vì tin có sự sống lại ở đời sau, tin có hạnh phúc Nước trời, mà thánh Mỹ vui lòng chịu trăm bề đau khổ, để bước theo chân Chúa đến cùng. Ngài nói với quan tổng đốc rằng: "Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không chối bỏ đạo này bao giờ".

Ngày nay, Giáo Hội cần có những người dám sống, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Cuộc sống làm chứng cho Chúa ngày nay là một hình thức tử đạo tuy không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng đòi chúng ta làm chứng cho Chúa về đạo yêu thương của mình.

Hình thức tử đạo ngày nay tuy không đổ máu, nhưng đòi chúng ta là thế hệ con cháu, biết can đảm chết đi cho những đam mê tật xấu. Và vì lòng yêu mến Chúa, nên chúng ta sẵn sàng bao dung, tha thứ và cầu chuyện cho những người xúc phạm đến chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Giáo hội Việt nam tưới thắm không biết bao nhiêu máu của các thánh tử đạo, đó là các bậc tiền nhân đi trước chúng ta. Các ngài đã dầy công vun xới để cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước, mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng.

Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta chung lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam có những hạt giống đức tin, được gieo vãi trên quê hương Việt Nam. Tạ ơn Chúa, vì đức tin chúng ta được lớn lên trong dòng máu tử đạo của các thánh.

Chúng ta hết lòng ngưỡng mộ, vì các Ngài đã anh dũng trong đức tin, kiên trì trong đức cậy và bền đỗ trong đức mến dưới bất cứ hình khổ nào.

Ước gì ngọn lửa đức tin mà các bậc tiền nhân đã thắp lên bằng cái chết đẫm máu, để làm chứng cho Chúa, sẽ được bừng sáng lên mãi trên tổ quốc Việt Nam thân yêu này. Nhờ đó làm cho công cuộc loan báo Tin mừng sinh nhiều hoa trái hơn nữa.

Cuối cùng, “con nhà tông không giống lông thì giống cánh”. Chúng ta tiếp tục cuộc sống làm chứng cho Chúa, là giới thiệu Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa, bằng tấm lòng đầy ắp yêu thương, tràn trề lòng thương xót. Amen.