Chúa Nhật VI Thường Niên - Năm B |
TÔI MUỐN, ANH HÃY LÀNH BỆNH |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Khi chứng kiến bệnh tật nan y của những người thân và của chính mình, ai trong chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi bởi vì chúng ta cảm nghiệm cái chết lần hồi đến cất đi mạng sống của những người thân yêu của chúng ta mà những phương tiện y khoa và thuốc men của con người đều bất lực. Những cảm nghiệm này giúp chúng ta cảm thông tâm trạng của người bị bệnh phong cùi trong câu chuyện Tin mừng hôm nay cũng như biết nhìn lại chính thân phận tội lỗi và bệnh tật của chính mình. Vào thời Chúa Giêsu, đối với người bị bệnh phong cùi, cuộc đời của họ sẽ không còn có tương lai nữa, không còn hy vọng chữa trị. Vào thời đó, những người bị bệnh phong cùi ở xứ do thái bị buộc sống tách rời khỏi dân chúng, xa cách cộng đoàn và không được tham dự vào đời sống tôn giáo cũng như xã hội với mọi người. Theo luật sách Lêvi, khi thấy có những dấu hiệu lạ trên thân thể, họ phải được vị tư tế khám và quyết định tình trạng sống biệt lập của họ. Họ phải sống cách ly với những người khác, phải mặc áo rách và la lớn tiếng « ô uế » để những người khác biết mà tránh. Vì thế, họ phải sống trong đau khổ và chỉ còn biết làm bạn với những người đồng cảnh ngộ. Đây chính là những biện pháp cẩn trọng từ thời xa xưa áp dụng để tránh những người khoẻ mạnh tiếp xúc với cơn bệnh đáng sợ này. Tin mừng thuật lại một người phong cùi đến với Chúa Giêsu. Trong đau khổ, anh đã có sự sáng suốt và tìm đến Chúa Giêsu và với thái độ rất khiêm tốn quì gối xuống trước mặt người và ngỏ lời với người rất cung kính và tin tưởng : « nếu ngài muốn, ngài có thể khiến tôi được sạch. » Tin mừng thuật lại một cách rất tự nhiên : Chúa Giêsu động lòng thương cảm, đưa tay chạm đến anh và nói với anh : Tôi muốn, anh hãy khỏi bệnh. Tức khắc bệnh cùi biến mất và anh đã được sạch. Theo Thánh Kinh, bệnh cùi không chỉ là cơn bệnh thể lý đáng sợ gậm nhấm và làm biến dạng con người. Bệnh này còn bị xem như là hình phạt nặng nề của Thiên Chúa dành cho những tội nặng. Vì thế, khi mô tả những cử chỉ của Chúa Giêsu đáp lại lời cầu xin của người cùi, chúng ta cũng hiểu được thái độ đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho người này. Người đã yêu thương đưa tay ra chạm đến anh và nói lời chữa lành rất hiệu quả khiến cho bệnh cùi được chữa lành ngay lập tức. Câu chuyện được thuật lại khá đơn giản, nhưng tác giả của bài Tin mừng muốn giúp chúng ta hiểu rằng việc chữa lành những người cùi là một trong những dấu chỉ của thời đại Đấng cứu thế. Đấng cứu thế đến để cứu chữa con người, chữa lành bệnh tật, làm cho con người được mạnh khoẻ tinh thần và thể xác, chữa con người khỏi những nguyên nhân sâu xa của bệnh tật và sự chết là tội lỗi và tái lập tương quan của con người với Thiên Chúa và với những người khác. Mặt khác, cũng cần thấy rằng tội lỗi làm con người mất đi sự hiệp thông đời sống và hạnh phúc với Thiên Chúa và với người khác. Tội lỗi giam cầm con người trong cô đơn, tuyệt vọng và chỉ có lòng thương xót ân cần và tha thứ của Chúa Giêsu cứu thoát con người ra khỏi hố sâu tuyệt vọng này. Tin mừng còn cho thấy thái thái độ nghiêm nghị và cứng rắn của Chúa Giêsu, không cho phép anh cho những người khác biết việc chữa lành, chỉ cần anh trình diện với tư tế theo luật để hội nhập lại vào đời sống xã hội và tôn giáo với mọi người. Chúa Giêsu muốn anh kín đáo và không muốn mọi người hiểu lầm về sứ vụ của người. Ngược lại, người nhắc nhở anh hãy đi trình diện với tư tế để được hội nhập vào đời sống cộng đoàn đồng thời qua đó, một cách gián tiếp, cũng làm chứng cho mọi người hiểu được đây là dấu chỉ của thời đại Đấng cứu thế. Nhưng điều ngạc nhiên đó là người được chữa lành không tuân theo lời nhắc nhở của Chúa Giêsu. Anh đi và loan báo tin mừng này cho mọi người khiến Chúa Giêsu không thể công khai vào trong thành, và người phải ở ngoài, nơi hoang địa và dân chúng kéo đến với người. Người được chữa lành này vừa gây khó khăn cho Chúa Giêsu, nhưng ngược lại cũng nhờ đó mà dân chúng lại kéo đến với người, dù người ở ngoài thành trong những nơi hoang địa. Chúng ta hình dung người bị bệnh được chữa lành này, ban đầu khi đến với Chúa Giêsu, anh là một người bị bệnh phong hủi cô đơn, xa cách với mọi người, nhưng đã dám can đảm đến với Chúa Giêsu với một thái độ tin tưởng và khiêm tốn, và sau cùng đã trở nên một con người hoàn toàn được biến đổi, anh đã vui tươi gặp gỡ mọi người, hoàn toàn bắt đầu một đời sống mới, loan báo và làm chứng về Chúa Giêsu cho mọi người để dân chúng đến với người. Thánh Phaolô cũng là hình ảnh của một người được biến đổi, và người chia sẻ với chúng ta những xác tín hiện tại của mình và mời gọi mỗi người cũng hãy có một đời sống mới mẻ và phong phú vì đã có đời sống thân mật với Chúa Giêsu: « dù ăn dù uống, dù làm việc gì khác, anh em hãy làm vì danh Chúa. Anh em đừng làm bất cứ điều gì để nên cớ vấp phạm cho người khác. » Đời sống tương quan mới mẻ với Chúa Giêsu đã làm cho thánh Phaolô cảm nghiệm thực sự trong mọi việc làm của mình, dù đơn giản và thông thường nhất như việc ăn uống cũng là vì Danh Chúa, vì kết hợp mật thiết với Chúa. Đồng thời, ngay cả mặt tiêu cực của hành động, cũng cần phải cẩn trọng, tức là đừng làm gì để gây vấp phạm cho người khác. Thánh Phaolô chia sẻ cố gắng thiết thân của mình, đã không làm vì để tìm tư lợi cho mình, nhưng luôn cố gắng làm vì lợi ích của mọi người và người làm điều này vì đã học được nơi chính Chúa Giêsu. Câu chuyện của bài Tin mừng là lời mời gọi mỗi người chúng ta gặp gỡ và được chữa lành bởi Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi, như người bị bệnh phong cùi, tin tưởng và khiêm tốn đến với Chúa Giêsu để xin người chữa lành bệnh tật nơi chính mình để rồi khởi đầu một đời sống mới trong người. Bệnh tật và sự chết có nguyên nhân sâu xa nơi tội lỗi của con người và chỉ có sức mạnh thần linh từ Chúa Giêsu mới có thể chữa chúng ta khỏi những nguyên nhân sâu xa của bệnh tật và sự chết. Phẩm giá nơi mỗi người chúng ta được chính Chúa Giêsu, với lòng thương xót tha thứ của người chăm sóc và chữa lành, để trả lại cho chúng ta phẩm giá này vì chúng ta cần sự chăm sóc hữu hiệu và quyền năng của người. Chúng ta sẽ cảm nghiệm lòng thương xót và sự chăm sóc của người mỗi khi trong những đau khổ và thiếu thốn của mình, chúng ta biết chạy đến với người và kêu xin lòng thương xót của người. Chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm sự chăm sóc đầy lòng thương xót của người khi chúng ta theo lời của thánh Phaolô, càng ngày càng đặt người là trung tâm của đời sống mình, để rồi dù làm bất cứ việc gì, dù ăn dù uống, chúng ta đều kết hợp mật thiết với người. Người chính là niềm vui và niềm hy vọng, niềm tự hào và lẽ sống của chúng ta và ơn cứu độ của chúng ta. |