Chúa Nhật V Thường Niên - Năm B
NGÀY LÀM VIỆC CỦA CHÚA
Lm Giuse Đinh tất Quý

 

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe thánh Marcô nói cho chúng ta biết về một ngày làm việc của Chúa Giêsu.

 Thánh Marcô kể lại: Hôm đó Chúa Giêsu vừa giảng dạy trong hội đường và chữa lành một người bị quỉ ám xong, thì đi đến nhà ông Simon Phêrô. Tới nơi Chúa được tin bà nhạc mẫu của Phêrô đang bị sốt nặng. Chúa đi đến tận chỗ bà nằm, cầm tay bà, nâng dậy, và lập tức bà liền khỏi sốt. ngay sau đó có cả một đám đông nghe biết Chúa đang ở đó thì họ lập tức kéo đến tụ họp trước cửa nhà. Họ dẫn theo những người mắc đủ thứ bệnh tật và Chúa lại phải cứu chữa họ.

Rồi Tin mừng cho chúng ta biết tiếp: Sáng sớm hôm sau, lúc trời còn tối mịt, Người đã chỗi dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1,35).

Một ngày làm việc bận rộn vất vả nhưng rất tốt đẹp.

Chúng ta có thể học được những bài học nào bài Tin Mừng hôm nay không chúng con? Có nhiều bài học nhưng cha chỉ muốn nói đến một vài bài học rất cần cho cuộc sống hôm nay.

          I.  Hãy Siêng Năng Làm Việc Theo Gương Chúa.

Đã có lần Chúa nói với mọi người: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." (Ga 5,17)

Sách Gương phúc dạy: "Bạn sinh ra để làm việc, sao bạn lại tìm an nghỉ?"

Tại sao phải làm việc?

Sách Sáng thế nói: “Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt nó trong vườn địa đàng, không phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để canh tác giữ vườn”. Như thế làm việc là bổn phận cao cả Thiên Chúa đã giao cho con người ngay từ khi con người mới được tạo dựng và khi con người làm việc là lúc con người đáp lại tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

Nếu không làm việc thì quả họ đã không chu toàn bổn phận Chúa trao phó cho mình.

Thánh Phaolô dạy: "Ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do"(Ep 6,8). Ngài còn cho biết thêm: Đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em (Thes 2,8).

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Để thử xem ai là người chịu khó làm việc, một ông chủ kia giao cho bảy người thợ cưa, mỗi người phải cưa một khúc cây.

Người thứ nhất nói: khúc cây của tôi còn tươi quá, chắc lưỡi cưa sẽ mắc trong đó. Tôi chờ cho đến khi khúc cây đó khô rồi tôi sẽ cưa. Thế là anh ta nghỉ.

Người thứ hai: lưỡi cưa của tôi cùn quá, tôi chờ ông chủ đổi cho tôi lưỡi cưa khác bén hơn rồi tôi mới cưa. Rồi anh ta cũng nghỉ.

Người thứ ba: khúc cây này cong bên này cong bên kia. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi khúc cây khác thẳng hơn. Anh cũng đi nghỉ.

Người thứ bốn: khúc cây của tôi quá cứng, cứng gấp hai lần khúc cây bình thường. Tôi chờ có khúc khác mềm hơn. Và anh ta cũng nghỉ.

Người thứ năm: hôn nay trời nóng quá, đợi ngày nào mát trời tôi sẽ cưa. Anh ta cũng nghỉ.

Người thứ sáu: hôm nay tôi nhức đầu đợi tới khi nào khỏi, tôi sẽ cưa. Và anh ta cũng nghỉ.

Người thứ bảy nhận một khúc cây còn tươi, nó cũng cong bên này cong bên kia, thịt nó cũng rất cứng, lưỡi cưa của anh cũng cùn, trời hôm đó cũng nóng và anh đang nhức đầu. Nhưng anh đi mài lưỡi cưa và bắy tay vào việc. Nhờ lưỡi cưa đã được mài, khúc cây đã được cưa xong, do trời nóng và do làm việc, anh ta đổ mồ hôi ra và hết nhức đầu. Anh sung sướng vì hoàn thành công các được giao.

Hôm sau anh xin ông chủ cho anh một khúc cây khác để cưa. (A.R Wells)

Cha hỏi chúng con ai trong bảy người là người chịu khó làm việc theo gương Chúa nhất?

- Thưa cha, người thứ bảy.

 - Rất đúng! Cha chúc chúng con cũng biết làm như thế.

2. Tiếp Đến, Phải Tìm Thời Giờ Để Cầu Nguyện.

Cầu nguyện là tiếp xúc với cha trên trời.

Tất cả các tôn giáo đều chú trọng đến sự cầu nguyện. Tuy cách thức có khác nhau nhưng tất cả mọi người dù theo tôn giáo nào đi nữa thì họ cũng phải biết cầu nguyện. Không cầu nguyện con người sẽ con người sẽ không còn phải là người con ngoan của Chúa nữa.

Đức Cha Tihamer Toth kể:

Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư nhiều cho nên việc cầu nguyện càng ngày càng ít đi. Khi hỏi lý do thì người học trò đáp:

 - Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói.  Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.

Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi:

- Tại sao thầy buồn thế?

- Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa .

- Bộ ông ta khùng ư ?.

- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đành khác. Ông nói: Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần, thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.

- Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa?

- Thì con cũng thế thôi .

Một thanh niên người Scotland làm mướn cho gia đình khá giả. Nhưng hai tuần sau, anh xin nghỉ. Một người bạn hỏi: 

- Có phải công việc quá nặng không?

- Không. 

- Hay lương thấp?  

- Không, lương cao.

- Có lẽ  thức ăn không hợp với anh? .

- Thức ăn rất ngon.

- Thế sao anh nghỉ việc?

- Tôi nói để anh biết. "Nhà không có mái che ".

Ở Scotland, thành ngữ này ám chỉ một gia đình không có sự cầu nguyện.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện cảm động này:

Cha Charles de Foucauld đã có lần viết cho các môn sinh của Ngài như thế này: "Cầu nguyện là lẽ sống"

Fédéric Ozanam, một nhà hoạt dộng xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin rất trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường ở Paris. Đứng cuối nhà thờ nhìn lên, anh thấy một bóng đen đang qùy cầu nguyện cách sốt sắng ở hàng ghế đầu. Tò mò đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không là ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc và theo dõi từng cử chỉ của nhà bác học. Rồi khi nhà bác học cầu nguyện xong, vừa đứng lên ra khỏi thánh đường, anh cũng theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:

- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

- Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con được hỏi một vấn đề có liên quan đến đức tin!

Nhà bác học mỉm cười một cách khiêm tốn:

- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp ích cho anh điều gì, tôi cũng cảm thấy rất hân hạnh!

Chúng sinh viên liền hỏi:

- Thưa giáo sư, có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại lại vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:

- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.

Vâng! Chỉ khi nào chúng ta biết cầu nguyện, chúng ta mới trở thành vĩ đại, trở thành dũng mãnh....Vì chúng ta có Chúa phù trợ chúng ta. Amen.