Chúa Nhật V Thường Niên - Năm B |
TÔI CÒN RAO GIẢNG TIN MỪNG Ở NHỮNG NƠI KHÁC |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Phải chăng đời là bể khổ như nhiều người vẫn than thở. Kinh nghiệm về cuộc đời đã làm nhiều người trở nên bi quan thất vọng. Kinh nghiệm của ông Gióp là kinh nghiệm tiêu biểu của nhiều người trong nhân loại: cuộc đời trôi qua như chiếu thoi đưa, đồng thời có rất nhiều đau khổ và những vất vả khiến cho con người không nhìn thấy ý nghĩa ở đâu, sự đều đặn vô nghĩa cứ lặp đi lặp lại trong những cực nhọc của công việc hằng ngày làm cho ông chán nản thất vọng và chua chát: “Ngày của tôi qua nhanh như chiếc thoi đưa, nó tàn lụi đi mà không mang lại tia hy vọng nào”. Nhưng trong bài đọc thứ hai, chúng ta lại gặp thấy một kinh nghiệm khác của một con người đầy hy vọng và xác tín bởi vì ông là người tin tưởng vào Chúa Giêsu và dùng cuộc đời của mình để rao giảng Tin mừng về Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô là một con người say mê Chúa Kitô. Ông nói về việc rao giảng Tin mừng với tất cả lòng say mê yêu mến: Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng. Vì thế, Tin mừng là lý tưởng và công việc của ông. Ông chia sẻ điều thâm tín của mình là vì Tin mừng mà ông tự nguyện trở thành nô lệ cho mọi người để mọi người được nhận lãnh Tin mừng vì chính khi rao giảng Tin mừng thì ông được thông phần vào lợi ích của Tin mừng. Quả thật, Đức Giêsu Kitô và Tin mừng của người là niềm hy vọng và ý nghĩa của đời sống chúng ta. Đời sống chúng ta trở nên thực sự có ý nghĩa nhờ Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng của người. Bài Tin mừng hôm nay mô tả những hoạt động của Đức Giêsu khởi đầu công việc rao giảng. Chính Chúa Giêsu đem lại hy vọng và sức sống cho con người qua những công việc và lời rao giảng của người. Chúng ta được mời gọi, cùng với các thế hệ Kitô hữu nhìn ngắm Chúa Giêsu và những công việc người làm, chúng ta sẽ tìm gặp được hy vọng và ý nghĩa cho đời sống của mình. Những công việc của Chúa Giêsu cứu chữa chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ và tội lỗi đang vây bọc con người trong sự chết. Thánh Máccô tường thuật câu chuyện diễn ra ở nhà của Phêrô trong bầu khí gia đình thân mật, người ta báo cho Chúa Giêsu biết mẹ vợ của Simon đang bị cảm sốt nằm trong giường, người đến cầm tay nâng bà dậy, và bà liền khỏi cảm sốt và đi lại phục vụ tiếp đãi các ngài. Câu chuyện được thuật lại hết sức đơn giản khiến chúng ta dường như không đọc thấy ý nghĩa cứu độ gì trong công việc Chúa Giêsu vừa làm cho bà: bà đang nằm trong giường vì bị cảm sốt, người cầm tay đỡ bà dậy, và bà đứng dậy đi lại phục vụ các ngài. Không có khía cạnh kỳ diệu nào cả. Thực ra, để hiểu tầm vóc của phép lạ này, chúng ta cần hiểu rằng đối với người xưa, bệnh tật được xem là dấu chỉ của tội lỗi. Hơn nữa, vào thời Chúa Giêsu, người ta còn qui cho ma quỉ là nguyện nhân của cơn bệnh cảm sốt này. Vì thế, khi tác giả Máccô tường thuật lại câu chuyện này, ông muốn nói rằng Chúa Giêsu có quyền năng chiến thắng những sức mạnh của sự dữ và sự chết và người là Đấng Cứu thế hiện diện và thực hiện những dấu chỉ biểu lộ Nước Thiên Chúa đang đến. Câu chuyện còn tường thuật sau đó dân chúng kéo đến với người tại nhà của Phêrô vào lúc mặt trời lặn với nhiều người bệnh tật và bị quỉ ám, ngay cả nói đến cả thành Capharnaum và người chữa mọi thứ bệnh tật và xua trừ ma quỉ. Dân chúng nhận thấy người đã làm được những điều lạ lùng và người ta tuôn đến với người. Phần Chúa Giêsu, người chữa lành mọi bệnh tật trong dân chúng và xua trừ ma quỉ. Thế nhưng, người ngăn cấm không cho ma quỉ nói người là ai. Thái độ của Chúa Giêsu có phần khó hiểu. Tại sao người không muốn ma quỉ nói người là ai. Điều chúng ta tạm có thể nhận thấy là Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ để chữa lành mọi người bệnh, đồng thời người cũng quan tâm rao giảng Tin mừng cho mọi người, người không chỉ là một thầy thuốc chữa bệnh cao tay và dân chúng chỉ đến để được chữa lành bệnh tật rồi thôi. Các việc chữa lành của người làm là những dấu chỉ của Tin mừng nước Trời mà người rao giảng. Vì thế, Người muốn rằng khi mọi người đón nhận được việc chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỉ, người ta hãy đón nhận Tin mừng Nước Trời. Đón nhận được việc chữa lành bệnh tật chỉ là bước đầu, còn phải tiến đến bước quyết định thứ hai là tin vào Người và đón nhận Tin mừng với sức mạnh chữa lành của Nước Trời đang hiện diện. Bài Tin mừng còn tường thuật ngày hôm sau, từ tờ mờ sáng, người đã trỗi dậy và đi đến nơi hoang địa để cầu nguyện. Simon và các môn đệ đi tìm người và báo cho người biết dân chúng lại đi tìm người như ngày hôm trước, nhưng Chúa Giêsu nói với các ông: “chúng ta hãy đi nơi khác, đến những làng lân cận để ta còn rao giảng Tin mừng ở những nơi đó”. Có lẽ Simon và các môn đệ chưa cảm thấy tính chất hàm hồ của thái độ tìm kiếm Chúa Giêsu của dân chúng. Dân chúng say mê tìm kiếm người không phải vì lời Tin mừng người rao giảng mà là vì được chữa lành. Thái độ xôn xao vì phép lạ của dân chúng có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm về an ninh chính trị. Chúa Giêsu đã nhạy bén cảm nghiệm điều này và nhắc nhở các môn đệ tránh mọi giải thích sai lầm về vai trò của người. Vì thế người nhắc các ông phải đi nơi khác. Chúa Giêsu đã chọn thái độ của một người rao giảng lưu động rày đây mai đó. Người không muốn dừng lại cố định ở một nơi nào và nhất là không phải chỉ là người chữa lành các bệnh tật mà người còn phải rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người để cho những ai tin thì đón nhận được Nước Trời người ban tặng. Thái độ của Chúa Giêsu rất dứt khoát và rõ ràng. Vì thế mà bài Tin mừng viết rằng sau đó người đi khắp miền Galilê để rao giảng. Thành Capharnaum là nơi rao giảng ban đầu hay là điểm tựa của việc rao giảng, người còn đi những nơi khác nữa để rao giảng Tin mừng, thực hiện một sứ vụ lưu hành không cố định ở một nơi nào nhưng là đến khắp nơi trong miền Galilê là tỉnh phía bắc của xứ Palestine là nơi biên giới không xác định rõ, tiếp giáp với những xứ dân ngoại chung quanh. Đây là một nơi thực lý tưởng cho công việc rao giảng Nước Thiên Chúa khai mở tới mọi người. Trái với những tâm tình bi lụy của Gióp, Chúa Giêsu không bao giờ đánh mất định hướng quan trọng của cuộc đời và sứ vụ của mình. Người xác định là đến để rao giảng Tin mừng cứu độ cho mọi người. Sứ vụ của người nhằm giúp cho mọi người biết vượt lên trên những lo lắng tức thời của đời sống hằng ngày để đón nhận Sự Sống sung mãn hơn là Nước Trời mà người đến để ban tặng. Phép lạ chữa lành chỉ là dấu chỉ để kêu gọi dân chúng biết khởi đầu tương quan mới mẻ với Thiên Chúa. Như dân chúng trong những tường thuật Tin mừng đến với Chúa Giêsu để được chữa lành, chúng ta cũng đến với người để được chữa lành khỏi mọi bệnh tật. Nhưng quan trọng hơn nữa, chúng ta còn được mời gọi vượt lên trên những nhu cầu thông thường để đón nhận những gì mà Chúa Giêsu thực sự ban tặng là Nước Trời và ơn cứu độ. Lời chữa lành và cứu độ của Chúa Giêsu vẫn vang lên mời gọi, nhưng lời này không nhứt thiết làm cho chúng ta ngay tức khắc hết mọi thứ đau khổ hay buồn phiền. Cuộc đời con người, như cảm nghiệm của Gióp, vẫn đầy những đau khổ và chán nản thất vọng, dầu vậy, đời sống mới và hy vọng của Tin mừng Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang tới cho chúng ta bảo đảm ban tặng cho chúng ta sức mạnh để đón nhận những đau khổ của đời người cách vững vàng xác tín. Chúa Giêsu vẫn luôn xác định với chúng ta là thập giá là phần mà mỗi người sẽ phải vác trong cuộc đời của mình, thế nhưng từ nay, thập giá sẽ được biến đổi cách diệu kỳ để trở nên con đường dẫn tới sự sống mới vô tận cùng với Thiên Chúa trong hạnh phúc Nước Trời. |