Chúa Nhật II Thường Niên - Năm B
LẠY CHÚA, NÀY CON XIN ĐẾN...
Lm Emmanuel Huỳnh Thanh Tuấn

Mỗi người sống ở trên đời này đều có những ơn gọi riêng. Có người thì sống theo ơn gọi tu trì làm linh mục, tu sĩ. Có người thì sống theo ơn gọi hôn nhân gia đình.Thế nhưng, dù sống theo ơn gọi nào đi chăng nữa, thì tất cả cũng đều phải cố gắng chu toàn tốt ơn gọi làm con cái của Thiên Chúa.

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật II TN hôm nay, cả 3 bài đọc Lời Chúa đều hướng chúng ta đến một cái nhìn về ơn gọi.Tuy nhiên, ơn gọi mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày cho chúng ta biết, đó là Ơn gọi để trở nên người môn đệ của Chúa Kitô. Hay nói một cách dễ hiểu hơn đó là ơn gọi đi tu làm linh mục, tu sĩ. Và khi đề cập đến ơn gọi này, chắc có lẽ, ai trong chúng ta cũng sẽ thắc mắc rằng : chuyện đó đâu có liên quan gì đến tôi đâu. Thắc mắc như vậy, là cũng đúng thôi. Bởi vì, hầu hết Quý ÔBACE đang ngồi ở đây, đều là những người sống theo ơn gọi hôn nhân gia đình. Và thậm chí ngay cả các bạn thanh niên nam nữ đang ngồi đây, cũng chưa chắc gì có mấy ai chịu đi tu cả, nếu như không muốn nói là không có. Ngay cả các em thiếu nhi cũng vậy, có bạn nào muốn đi tu làm ông cha, bà phước không ? Cũng rất khó trả lời.

Chính vì vậy, khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, sở dĩ Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tính cách ơn gọi tu trì nhiều như vậy, là bởi vì Ngài muốn nhắm đến chuyện : phải làm thế nào để cho Tin Mừng ơn cứu độ của Thiên Chúa được loan đi một cách rộng khắp đến mọi nơi và mọi người. Và để có thể thực hiện được công việc này, thì chỉ có những người sống theo ơn gọi tu trì, mới có thể dấn thân một cách trọn vẹn và dứt khoát thôi.

Cho nên không lạ gì chúng ta thấy, khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chọn gọi các môn đệ, để các ông cộng tác với Ngài, mà cụ thể là 4 môn đệ đầu tiên, đó là Simon, Anrê, Giacôbê & Gioan. Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là Chúa Giêsu muốn hạ thấp tích cách của ơn gọi hôn nhân gia đình. Không phải vậy. Nhưng trái lại, Ngài còn muốn khẳng định với chúng ta rằng : chính ơn gọi hôn nhân gia đình sẽ là nơi hình thành nên những ơn gọi tu trì, để phục vụ Chúa và phục vụ Giáo Hội. Bởi vì nhờ sự sinh thành và dưỡng dục con cái theo đường lối của Thiên Chúa, mà từ trong gia đình sẽ có những người con dấn thân theo ơn gọi tu trì. Cho nên, vai trò của ơn gọi hôn nhân gia đình có thể nói là vô cùng quan trọng. Bởi vì như Quý ÔBACE biết, để có được một người đi tu làm linh mục, hay làm một dì Phước, thì không phải ngẫu nhiên mà có ngay được, nhưng cần phải có sự động viên khích lệ của rất nhiều người, cách đặc biệt là những người trong gia đình, cụ thể hơn nữa là cha mẹ.

Cho nên có thể nói, vai trò của cha mẹ được xem như là trung gian trong việc trao truyền lời mời gọi của Chúa đến cho con cái của mình. Và khi nói đến vai trò làm trung gian trong việc trao truyền lời mời gọi của Chúa, thì chúng ta không thể không nhắc đến câu chuyện về cậu bé Samuel trong bài đọc I hôm nay. Sỡ dĩ, cậu bé nhận ra tiếng Chúa gọi mình, đó là do cậu bé đã được mẹ hứa dâng cho Chúa để lo công việc của Ngài, và rồi cũng chính người mẹ ấy đã xin cho Samuen được vào sống trong đền thờ Silô với thầy cả Hê-li, để cậu được hướng dẫn về đời sống đạo đức thiêng liêng. Chính vì vậy, mà ngay từ nhỏ Samuen đã được ấp ủ ý hướng phải dâng mình cho Chúa, để phục vụ Ngài.

Về điều này, cũng giúp chúng ta liên tưởng đến vai trò làm cha mẹ của chúng ta đối với con cái của mình. Nhiều khi chúng ta chưa ươm mầm đủ cho chúng về đời sống thánh thiện ngay từ nhỏ ; không nhắc nhở chúng đi tham dự thánh lễ và đi học giáo lý cho đầy đủ, cũng như không chịu cho chúng tham gia vào các sinh hoạt đoàn thể trong giáo xứ, chẳng hạn như : giúp lễ và ca đoàn.

Phần lớn các linh mục, tu sĩ hiện nay, khi được hỏi rằng : Động lực nào đã thúc đẩy họ sống theo ơn gọi tu trì, thì hầu như tất cả đều trả lời rằng : đó là do ngay từ nhỏ, họ đã được cha mẹ đông viên khuyến khích tham gia vào các sinh hoạt của Giáo xứ, và được học tập trong một môi trường đạo đức thánh thiện của nhà thờ. Chính vì vậy có thể nói, vai trò của ơn gọi hôn nhân gia đình nói chung, và vai trò của cha mẹ nói riêng, là rất quan trọng trong việc hình thành nên đời sống ơn gọi tu trì của con cái mình.

Thứ đến, trong bài Tin Mừng hôm nay : sỡ dĩ chúng ta thấy 2 môn đệ Anrê và Gioan đi theo Chúa Giêsu, là bởi vì: 2 ông cũng đã được thầy của mình là Gioan Tẩy Giả giới thiệu cho biết về Chúa Giêsu : "Đây là Chiên Thiên Chúa.". Và cũng chính nhờ lời giới thiệu ấy, mà Anrê và Gioan đã đến với Chúa Giêsu. Để rồi sau đó được Ngài mời gọi :“Hãy đến mà xem”. Với lời mời gọi này, không phải là Chúa Giêsu không biết và không mời gọi 2 ông trước, nhưng Ngài muốn dùng chính miệng của Gioan Tẩy Giả để làm trung gian cho lời mời gọi của Ngài. Và sau khi Anrê và Gioan đến với Chúa Giêsu, và được ở lại với Ngài, thì 2 ông đã nhận ra Ngài chính là Đấng Messia, để rồi sau đó, 2 ông cũng tiếp tục trở nên trung gian trao truyền lời mời gọi của Chúa cho mọi người. Một cách cụ thể cho điều này,

Tin Mừng trình bày rất rõ : Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Rồi sau đó, ông Anrê đi gặp em của mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu.

Qua đó, chúng ta có thể thấy, vai trò làm người trung gian, để trao truyền lời mời gọi của Chúa cho người khác, không chỉ hệ tại ở những người sống theo ơn gọi tu trì, mà còn là vai trò chung của mọi Kitô hữu, cách riêng là vai trò của những người sống theo ơn gọi hôn nhân gia đình, và của mỗi người chúng ta nữa.

Sỡ dĩ, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh nhiều đến tính cách ơn gọi của đời sống tu trì là bởi vì, Ngài luôn mong muốn mỗi người chúng ta dù sống trong ơn gọi nào đi chăng nữa, chúng ta cũng hãy ý thức sứ mạng làm con cái Chúa, và sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta.

Tuy nhiên, để có thể thi hành tốt sứ mạng đó, thì đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải đến và ở lại với Chúa Giêsu, như Anrê và Gioan đã đến và ở lại với Ngài. Để rồi, cũng như Gioan, trong suốt cả cuộc đời, ông không thể nào quên được những kỷ niệm ngọt ngào đó.

Thì cũng vậy, nhờ được đến và ở lại với Chúa Giêsu, mà mỗi người chúng ta cũng sẽ cảm nhận được tình yêu ngọt ngào của Ngài. Để rồi trong suốt cả cuộc đời, chúng ta cũng sẽ luôn mạnh dạn thốt lên lời thân thưa với Chúa : “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài”. Amen.