Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm B |
NHÌN LÊN THẬP GIÁ |
Lm Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC |
Thưa anh chị em, Chuyện kể rằng: Có hai bạn già chơi thân với nhau, một ông là người đạo Công Giáo, có sáu người con, còn người kia đạo Tin Lành, chẳng có đứa con nào. Gia đình mà không có con thì nó vắng tanh như chùa Bà Đanh. Cho nên ông thấy bạn mình gia đình có con cái đông vui vẻ như vậy thì ông thích lắm, nên ông ngõ lời: “Tôi với anh chỗ bạn thân với nhau, tuy khác giáo phái, song thờ cùng một Thiên Chúa. Tôi thấy bạn rất đông con, mà hai vợ chồng tôi không có một mống. Vậy xin anh cho tôi một đứa, tôi sẽ nuôi nó ăn học, sẽ nhường gia tài của tôi cho nó… ”. Nghe vậy, ông bạn Công giáo về nhà bàn với vợ: “ Mình ơi! Tôi có ông bạn thân với nhau từ hồi nhỏ, mình thì được Chúa thương có sáu đứa con, còn ông ta chẳng có đứa nào, vậy chúng ta cho ông một đứa nha ”. Bà vợ bằng lòng và rồi hai người bàn với nhau. Đứa thứ nhất là trưởng nam, mình không thể cho thằng trưởng nam được, để khi mình chết, nó còn lo xây mồ yên mả đẹp, cầu hồn xin lễ cho mình… Đứa thứ hai xinh ơi là xinh, cả tá con trai ngấp nghé trồng cây si trước nhà, nhưng cô từ chối, vì có ý định dâng mình cho Chúa. Vậy để nó đi tu làm Soeur mình có chức ông bà cố hãnh diện với người ta. Đứa thứ ba học giỏi, tính tình hơi đỏng đảnh, đôi mắt gan lỳ mưu cơ, nhưng cô đã làm lễ đính hôn với một bạn trai trong xứ đạo. Vì thế ta không thể cho được, để nó lấy chồng mình có chức sui gia, có rượu mà uống, có cháu ngoại mà bồng. Đứa thứ tư, cũng là một cô con gái, vừa mới nói tới cô, bà vợ không bằng lòng, bà nói: đừng có cho đi cô công chúa của tôi! Vì nó giống bà ngoại như đúc. Từ đôi môi, nụ cười, khoé mắt, cả dáng đi yểu điệu uyển chuyển như người mẫu. Cứ thấy nó là bà vợ như thấy bà ngoại hiện hình, cho đi sao được. Đứa thứ năm, là một cậu trai dễ thương, nhưng bị tật bẩm sinh, phải đi lại bằng xe lăn, ai lại cho bạn mình yêu mến một người con tàn tật. Và đứa thứ sáu là cậu út, cậu út khấu khỉnh, rất ngoan, được cha mẹ cưng chiều, suốt ngày nó bi ba bi bô nói cười, cậu hay ngồi trên đùi vuốt chòm râu bạc, và hay đón mẹ đi chợ về, tỉ tê với mẹ cha, cậu là niềm vui cho tuổi già. Thế là hôm sau, ông đành vác bộ mặt u buồn đến với ông bạn Tin lành để báo tin buồn rằng: “Tôi không thể nào cho ông được đứa con nào cả ”. Có sáu người con mà không thể cho người bạn thân thiết nhất đời, một người con. Còn Thiên Chúa thì sao? Ngài chỉ có một người Con duy nhất đẹp lòng Cha mọi đàng, đồng bản tính với Chúa Cha, nghĩa là tốt đẹp hoàn hảo. Vậy mà vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã trao người Con Một yêu dấu của Ngài cho chúng ta. Như lời thánh Gioan tồng đồ nói: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Người Con một của Ngài, đến để chết đền tội cho chúng ta”(Ga 3,16). Ông bạn Tin Lành hứa: “Nếu tôi được một người con, ông sẽ nuôi ăn học, nhường gia tài cho nó ”. Còn đàng này, khi Thiên Chúa trao ban Người Con Một của Ngài, Người Con ấy đến thi ân giáng phúc cho nhân loại, thế mà con người đã phản bội giết chết Người Con ấy. Ngày xưa trên núi, khi tổ phụ Abraham cầm giao sát tế Isaác, thì từ trời Chúa sai thiên thần đến can ngăn đôi tay. Còn trên núi Sọ, khi quân dữ đóng đinh Con Một của Ngài vào thập giá, thử hỏi Thiên Chúa có sai thiên thần đến ngăn cản đôi tay nào không?. Như vậy, Thiên Chúa hoàn toàn trao ban người Con yêu của Ngài cho chúng ta. Anh chị em thân mến, Dân Do Thái xưa trong sa mạc được ơn chữa lành nhờ nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ. Ngày nay, chúng ta được cứu độ, được sự sống đời đời nhờ nhìn lên thập giá Chúa. Thập giá có thể nói là tột cùng của nhục nhã đớn đau, nhưng cũng là biểu hiện tuyệt vời của một tình yêu không biên giới. Mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm cuộc thương khó Chúa bằng việc nhìn lên thập giá Chúa. Nhìn lên thập giá Chúa để thấy những thương tích nơi thân mình Chúa, là sự tính toán độc ác của giới lãnh đạo Do thái đã vu khống cho Chúa những tội mà Chúa không hề có, để nộp Chúa cho Philatô xét xử. Nhìn lên thập giá Chúa để thấy sự hèn nhát của quan Philatô, đã biết rõ ông Giêsu này vô tội mà vẫn lên án tử bất công, vì ông sợ chiếc ghế của mình lung lay. Nhìn lên thập giá Chúa để thấy sự phản bội của các môn đệ, sự phản bội của Giuđa, dám lấy nụ hôn của mình là dấu chỉ tình yêu để trở thành dấu hiệu của phản bội nộp Thầy mình. Nhìn lên thập giá Chúa để thấy sự chối bỏ của Phêrô tông đồ trưởng; sự sợ hãi của các môn đệ chạy trốn hết. Nhìn lên thập giá Chúa để thấy không những quân dữ đóng đinh Chúa Giêsu, mà chính tội lỗi của chúng ta đã góp phần vào việc đóng đinh giết Chúa. Nhìn lên Thánh Giá để biết lòng Chúa thương yêu chúng ta cao vời hơn ngàn tội lỗi. Và nhìn lên Thánh Giá để chúng ta thực tâm trở về và đừng cố tình xúc phạm đến Chúa nữa. Chỉ có tình yêu thương và lòng tha thứ vô biên của Chúa mới có thể khơi dậy nơi lòng con người những giọt nước mắt ăn năn và sám hối thật tâm. Người Kitô hữu không tôn thờ đau khổ, nhưng là say mê tình yêu. Tình yêu của Chúa Cha khi trao ban người Con yêu dấu; tình yêu của Chúa Con khi hiến tặng mạng sống mình. Một vài nơi đặt tượng Chúa phục sinh trên thập giá, làm cho bầu khí nhà thờ tươi vui hơn, nhưng chúng ta vẫn không được quên nhìn lên thân xác mang đầy thương tích của Chúa Giêsu trên Núi Sọ. Bởi thân xác nát tan, bầm tím ấy là biểu lộ của một tình yêu vô bờ bến, là hạt mầm ánh sáng phục sinh sẽ bừng lên sau đêm dài của đau khổ và sự chết. Ước gì, Mùa Chay chúng ta dành nhiều thời giờ trong thinh lặng ngước nhìn lên thập giá Chúa Giêsu Đấng chịu đóng đinh, là biểu tượng của một tình yêu cao cả vô cùng, đã yêu thương nhân loại chúng ta dường ấy. Và quyết tâm trở về với tình yêu cứu độ; Tình yêu mang tên Giêsu; Tình Yêu mang ơn cứu rỗi cho con người. Amen. |